Viết Để Hàn Gắn Tâm Hồn - Susan Zimmermann
- Tác giả: Susan Zimmermann
- TIÊU TIỂU LONG dịch
- NXB: Hồng Đức
- Kích thước: 15x24cm
- Gía bìa: 129.000đ
- Thể loại: Văn học thế giới
Viết Để Hàn Gắn Tâm Hồn
Viết để hàn gắn tâm hồn được dịch từ Writing to Heal the Soul:Transforming Grief and Loss Through Writing, Three Rivers Press (New York), 2002.
Dành tặng
Paul, tình yêu của em
Katherine, niềm vui của mẹ
Helen, niềm cảm hứng của mẹ
Alice, gia vị của mẹ
Mark, nhà ảo thuật của mẹ
Và
Dành tặng hai bà tuyệt vời của con
Beatrice và Florine
Lời cảm tạ
Có người từng nói, “Tôi tin rằng bạn bè là những thiên thần thầm lặng, những người nâng chúng ta đứng dậy khi đôi cánh của chúng ta không nhớ được cách bay lên.” Trong khi viết cuốn sách này, nhiều người bạn đã nâng tôi dậy như thế. Paul Phillips, chồng tôi và chắc chắn là biên tập
viên giỏi nhất trên trái đất, đã từng bước một dìu dắt và cổ vũ tôi trong những ngày ấy. Bạn bè đã giúp tôi thu thập những câu chuyện của họ, như những bông hoa thuỷ tiên vàng vào mùa xuân, một chồi ở đây, nụ hoa ở kia. Mùi hương của chúng ướp vào mọi trang sách: Rosa Venezia, Wendell Fleming, Teri Schwartz, Kate Adams, Betsy Carey, Lucy Buckley, Lorrie Grillo, Leslie White, Nancy Cain, Georgia Heard, Maggie Hudson, Pat Loewi, Ellin Keene, tất cả đều là những vị cố vấn và những phụ nữ can đảm mà những khoảng thời gian khó khăn chưa
bao giờ xóa đi được nụ cười của họ. Rosa Mazone, người phụ nữ minh tuệ, đã cho tôi món quà về quan điểm sống. Shelly Espinosa, người giáo viên can đảm, đã cho tôi món quà là những trải nghiệm của cô ấy. Robert Goldhamer, người đã chia sẻ những vần thơ của anh. James Pennebaker, một người lạ, đã cho tôi sự tự tin. Geoffrey và Christy Hoyl, Dave và Joan Braun, Mark Udall, Maggie Fox, và Doug Rovira, những người đã dẫn tôi qua những cuộc phiêu lưu mở
ra những chân trời mới. Donna Bell, sự trung thực và tốt bụng của chị đã dạy tôi tình yêu thương.
Các con tôi: Katherine, nụ cười lặng lẽ của con đã đem sự khôn ngoan đến cho tôi; Helen, thi ca của con đã mở ra cánh cửa của sự thật; Alice, giọng cười của con đã đánh động cả nhà; Mark, nét duyên của con đã xua nỗi buồn đi xa. Tất cả các con đã cho mẹ khoảng không gian để “Mẹ, viết tiếp đi mẹ.” Faye Bender, người đại diện văn học chu đáo, ân cần, và kiên trì nhất trên đời. Betsy Rapoport, biên tập viên tuyệt vời của tôi, đã đem lại cho tôi niềm tin để “tiếp tục.” Mẹ chồng tôi, Rita, ký ức về bà luôn mang lại niềm vui. Paul và Dottie, những người đã dạy tôi rất nhiều thông qua tấm gương của họ. Và cha mẹ, ông bà yêu dấu của tôi, những người đã mở đường cho tôi.
Tôi chân thành cảm ơn tất cả mọi người.
Mục lục
Giới thiệu
Chương 1. Vượt qua nỗi đau
Chương 2. Xem xét lại những mong đợi
Chương 3. Cố gắng khắc phục
Chương 4. Học từ người khác
Chương 5. Trải nghiệm cái chết
Chương 6. Xem như lẽ dĩ nhiên
Chương 7. Tầm quan trọng của ký ức
Chương 8. Về nghịch lý
Chương 9. Nơi chốn chữa lành
Chương 10. Đôi khi tưởng họa mà lại là phúc
Chương 11. Sức mạnh của thơ ca
Chương 12. Trân trọng giấc mơ của bạn
Chương 13. Những ngày tồi tệ
Chương 14. Chúng ta là ai
Chương 15. Đón nhận mạo hiểm
Chương 16. Về những lá thư tay
Chương 17. Khám phá thực chất
Chương 18. Chúng ta nhìn nhưng không thấy
Chương 19. Những nét tính cách đặc biệt
Chương 20. Khi chuyện đổ vỡ
Chương 21. Những thung lũng
Chương 22. Thức tỉnh
Chương 23. Tình yêu có giá của nó
Chương 24. Chậm lại
Chương 25. Tin vào điều kỳ diệu của cuộc sống
Chương 26. Quan tâm chăm sóc
Chương 27. Kết thúc
Chương 28. Bạn đã làm được
Gợi ý đọc thêm
Về tác giả
Lúc ấy, một người đàn bà thưa, Hãy nói cho chúng tôi về Hân hoan và Phiền muộn.
Và ông trả lời:
Hân hoan là Phiền muộn lộ chân tướng.
Và cùng một giếng ấy, nơi trổi lên tiếng cười cũng thường chứa đầy nước mắt của các bạn.
Và biết làm sao hơn?
Càng bị phiền muộn khắc sâu vào hữu thể, các bạn càng có thêm khả năng chứa đựng hân hoan.
Và một người nữ thưa rằng, Hãy nói cho chúng tôi về Đau đớn.
Và ông nói:
Đau đớn là hành động đập vỡ lớp vỏ cứng bọc kín sự hiểu biết của các bạn.
— trích từ Nhà tiên tri, của Kahlil Gibran (bản dịch của Nguyễn Ước).
Giới thiệu
Tôi đã trở thành người viết từ nỗi tuyệt vọng, vì thế khi hay tin anh tôi sắp mất, tôi đã quen với
hành động tự cứu mình: tôi sẽ viết về anh ấy.
–Jamaica Kincaid, My Brother [Anh tôi]
Cách đây bảy năm, tôi đã từ bỏ một công việc cực tốt và lui về một nhà đậu xe được sửa sang lại
cách nhà tôi chỉ hai chục bước để viết lách. Tôi không phải là một nhà văn. Tôi không biết
nghiệp viết rồi sẽ dẫn tới đâu. Tôi chỉ biết là tôi phải làm vậy. Một tiếng nói từ trong thúc ép tôi,
khăng khăng bảo tôi cần chậm lại và suy ngẫm. Mỗi buổi sáng, khi sự im lặng bao trùm ngôi
nhà, tôi viết về Katherine, đứa con gái bị tổn thương não nặng, đứa con lớn nhất trong bốn đứa
con của tôi, đã tới tuổi thiếu niên nhưng trí năng thì như một đứa bé sáu tháng tuổi.
Tôi viết vì tôi bối rối: Thách thức đến với tôi và tôi không biết làm thế nào đương đầu với nó.
Tôi lấp đầy cuộc sống bằng công việc, con cái và các nghĩa vụ khác, nhưng đến một lúc tôi nhận
ra sự bận rộn chỉ có thể là một sự an ủi, không phải là cách chữa trị. Nỗi đau về chuyện bé
Katherine vẫn còn, chìm dưới các tầng tầng lớp lớp chuyện bận tâm hàng ngày. Tôi cần phải đối
mặt với toàn bộ chuyện mất mát và bằng cách nào đó phải tiến lên. Tôi cần phải ngừng tổn
thương. Nhưng tôi không biết làm thế nào. Tôi lo sợ tình cảnh đau khổ kéo dài sẽ là bản án
chung thân của tôi.
Năm 1973 tôi gặp Paul. Chúng tôi kết hôn khi đang theo học trường luật tại Yale. Sau đó cả
hai chuyển tới Denver và làm việc tại các hãng luật trong thành phố. Năm ngày sau sinh nhật thứ
28 của tôi, Katherine ra đời. Nói tôi không chuẩn bị gì là còn nhẹ. Tôi đã không chuẩn bị cho
một tình yêu mãnh liệt, sự thuần khiết và tính trọn vẹn của tình thương này, niềm hân hoan dành
cho một sinh linh nhỏ bé như vậy.
Katherine thật hoàn hảo khi ra đời. Năm đầu, con bé phát triển bình thường – biết lật, ngồi
dậy, chập chững đứng lên và học nói theo đúng như trình tự phát triển của một đứa trẻ bình
thường. Vào khoảng sinh nhật đầu tiên của con bé, mọi thứ đã thay đổi. Mắt con bắt đầu lé trong,
đôi bàn tay quặt quẹo, hét lên bất chợt, rồi rút lui vào một thế giới mà chúng tôi không thể tiếp
cận. Cuộc đời tôi như thể là một vụ tai nạn quay chậm. Tôi không thể ngăn nó lại. Tôi thậm chí
không thể hét lên. Một điều gì kinh khủng đã xảy ra với một trong những người tôi yêu nhất, và
tôi hoàn toàn bất lực.
Khi tình trạng của Kat trở nên xấu hơn, tôi bắt đầu nỗ lực điên cuồng vô vọng để chạy chữa
cho con: tìm bác sĩ, chế độ ăn uống, các nhà trị liệu. Thời gian trôi qua. Không có gì hiệu quả.
Kat tiếp tục tồi tệ hơn.
Khi Katherine lên bảy tuổi, một nhà vật lý trị liệu đã từng chữa trị cho con bé nhiều năm trước
kia có gọi đến. Cô đã đọc một bài báo về hội chứng Rett1 Nó nhắc cô nhớ đến Kat. Cô ấy đưa
cho tôi một số điện thoại. Mấy tuần sau, vào một ngày tuyết rơi ảm đạm, một bưu kiện tài liệu
được gửi đến. Tôi không có thời gian mở nó mãi cho đến cuối buổi tối sau khi cả bốn đứa trẻ đã
đi ngủ. Khi tôi lên giường, tôi đệm chăn cho yên rồi mở gói tài liệu và đọc từng chữ rồi nước mắt
tôi chảy dài trên mặt. “Chúa ơi, Paul, em nghĩ cuối cùng chúng ta đã biết chuyện gì đã xảy ra với
Kat.”
Những đứa trẻ được mô tả chính là Katherine – từ việc nghiến răng đến bàn chân có vết xanh
lam, từ việc quặt tay đến chứng vẹo cột sống, từ việc ban đầu bình thường đến chuyện diễn biến
xấu đi rất nhanh. Hình ảnh của Katherine được vẽ trên mỗi trang. Khi đọc tài liệu, tôi cảm thấy
1 Hội chứng Rett là một rối loạn phát triển thần kinh xảy ra chủ yếu ở nữ giới, hiếm khi được phát hiện ở
nam giới. Rối loạn này là kết quả của đột biến gen MECP2 trên nhiễm sắc thể X. Các đặc điểm nổi bật là:
phát triển bình thường rõ ràng từ 6-18 tháng, tiếp theo là một giai đoạn suy giảm, dẫn đến trì hoãn nhận
thức, mất khả năng sử dụng bàn tay có mục đích và các khiếm khuyết phát triển khác. (SZ) (Các cước
chú, nếu không ghi SZ, tức của tác giả Susan Zimmermann, đều do người dịch hoặc hiệu đính biên soạn)
chút nhẹ nhõm nhưng đồng thời một nỗi tuyệt vọng như bóp nghẹt tôi. Mọi thứ đều trùng khớp.
Và không có gì thay đổi. Không có nguyên nhân hay cách chữa trị nào cho hội chứng Rett. Sau
bấy nhiêu năm như thế, chúng tôi đã có tên gọi cho tình trạng của Katherine; nhưng Katherine
vẫn là Katherine. Những hạn chế và nhu cầu của con bé vẫn y nguyên.
Tôi đã có một giấc mơ vào khoảng thời gian đó: Tôi đang ở trong một bữa tiệc. Mọi người tập
trung xung quanh tôi. Mọi thứ dường như có vẻ lễ hội và vui nhộn, cho đến khi tôi nhận thấy
mọi người đang nhìn chằm chằm vào tôi, và tôi thảng thốt tột độ nhận ra rằng tôi khác hẳn. Tôi
không phải là con người, mà là một trái tim đang đập được dán đầy những miếng băng cá nhân.
Những miếng băng ấy cứ rơi ra.
Trái tim tôi vẫn không được chữa lành, mặc dù nhiều năm đã trôi qua. Những miếng băng cá
nhân là ba đứa con khỏe mạnh, một người chồng đồng cảm, và công việc có ý nghĩa vẫn là
không đủ. Những điều ấy giúp sức và tôi thật có phước khi có được những điều đó. Nhưng phép
hóa giải nỗi buồn thực sự phức tạp. Một môi trường chữa bệnh có thể giúp thật nhiều, nhưng sự
thay đổi trong lòng, sự chuyển hóa từ đau buồn sang chấp nhận và rồi biết ơn, chỉ có thể đến từ
sâu thẳm bên trong.
Nhiều năm bận rộn trôi qua. Ở tuổi 40, tôi cảm thấy bế tắc. Tôi không thể tiếp tục như vậy.
Tôi bỏ công việc của mình và bắt đầu viết. Bằng cách nào đó tôi phải đối mặt với nỗi buồn tận
sâu thẳm trong tâm can ngày càng trở nên nặng nề hơn khi tôi nhìn Kat bước vào những năm
thiếu niên của nó, tâm trí của nó rơi lại ngày càng xa đằng sau cơ thể đang thay đổi. Trong hai
năm, tôi sống đời ẩn tu. Khi có thể, tôi đi đến dãy núi Colorado hoặc sa mạc Utah. Tôi tìm sự
tĩnh lặng và cô đơn, những điều tôi chưa bao giờ thấy cuốn hút. Khi tôi viết, tôi để ý nghĩ của
mình tự do bay bổng. Có thể có một lý do đó là tiếng nói nội tâm của tôi đã không khoan thứ. Nó
biết điều mà tôi không biết: Chỉ có qua việc viết tôi mới dần có thể đánh giá được mức độ phức
tạp của cuộc đời mình; chỉ qua việc viết tôi mới có thể đến được một nơi mà tôi chấp nhận cuộc
sống và mọi thứ trong đó.
Một người bạn đưa cho tôi cuốn Women Who Run with Wolves [Những người phụ nữ chạy
cùng sói], trong đó Clarissa Pinkola Estes kể lại câu chuyện thời trung cổ về “Thiếu nữ không
tay”. Câu chuyện bắt đầu với việc có một người thợ xay bột nghèo bị một con quỷ dụ dỗ rằng
ông sẽ không bao giờ phải lao động tại cối xay nữa nếu ông đưa cho nó cái món đứng đằng sau
cối xay. Hy sinh cái cây lớn mọc đằng sau cối xay ấy dường như là một mức giá hời cho việc
khỏi phải lao động vất vả. Người thợ xay đồng ý. Trong một thời gian ngắn, người thợ xay và gia
đình ông trở nên giàu có. Rồi một ngày con quỷ đến để lấy cái thuộc về nó. Chính cô con gái của
người thợ xay lại đứng sau cối xay ấy.
Con quỷ cố gắng bắt lấy cô gái, nhưng sự thanh khiết của cô đuổi nó đi. Nó ra lệnh cô không
được tắm rửa trong một tháng. Khi nó trở lại, cô bé rất bẩn thỉu và nhếch nhác. Nó đến gần cô
bé. Cô bật khóc. Nước mắt của cô làm sạch đôi tay cô. Một lần nữa con quỷ bị đẩy lui. Tức giận,
nó ra lệnh cho người thợ xay chặt tay con gái mình và tống cô bé vào rừng.
Sau những ngày đói khát, cô gái không tay bắt gặp một vườn cây ăn quả. Với phần cánh tay
còn lại của mình, cô hái một quả lê. Cô không biết rằng, cô đã đánh cắp một trong những quả lê
đáng quý của nhà vua. Ngài cảm thấy bực bội cho đến khi biết được kẻ trộm là ai. Ngài thương
hại cô, yêu, cưới cô, và làm cho cô một đôi tay bằng bạc tinh tế. Nhưng không giống như hầu hết
các câu chuyện cổ tích kết thúc có hậu, câu chuyện không kết thúc ở đó. Đức vua đi phương xa
để đánh trận, và thiếu nữ không tay được cả vương quốc yêu mến. Nhưng qua lời dèm pha của
con quỷ, cô gái không tay – giờ đã hạ sinh một người con – lại một lần nữa bị đuổi vào rừng.
Được sự trợ giúp bởi thần rừng, cô đến một quán trọ nhỏ, cô làm lụng vất vả bên cạnh những
người nghèo. Khi cô làm việc, học hỏi, và trưởng thành, đôi tay của cô bắt đầu mọc trở lại. Đôi
tay phát triển trong bảy năm lúc nhỏ như bàn tay của em bé dần dần thành đôi bàn tay của người
phụ nữ. Sau đó, khi cô đã phục hồi hoàn toàn, cô đoàn tụ với chồng mình.
Estes miêu tả thử thách trong “Thiếu nữ không tay” như là sự khởi đầu của một người phụ nữ
trong hành trình chịu đựng của mình. “Chúng ta không chỉ cứ tiếp tục mãi,” cô nói. “Chịu đựng
nghĩa là chúng ta đang tạo nên điều gì đó.” Chỉ khi nào chúng ta đi sâu vào “khu rừng” – nơi sâu
thẳm bên trong đó chúng ta học cách dựa vào chính mình và, thông qua làm việc và sáng tạo, cho
phép bản ngã chúng ta thực sự hiện lên – chúng ta mới có thể trở nên hoàn chỉnh và tự chữa lành.
Dù không hề biết về câu chuyện cổ tích đó, tôi cũng đã trải qua hành trình tương tự. Sự mất
mát của Katherine cũng giống như tay tôi bị cắt đứt. Sau tình trạng ngày càng tệ đi của
Katherine, tôi mang cảm giác tội lỗi của việc không thể bảo vệ con mình, không giữ gìn được
một trong những thứ quý giá nhất của cuộc đời tôi. Làm thế nào mà tôi đã quá bất cẩn như vậy?
Ở bề ngoài, tôi trông có vẻ ổn. Nhưng thực sự về cảm xúc, tôi đã bị tàn phế như cô gái không
tay.
Bây giờ tôi nhận ra rằng, giống như thiếu nữ không tay, tôi thực sự đã đi vào rừng để chữa
lành – nơi chúng tôi sống là ở vùng núi phía tây Denver. Mỗi ngày khi các con đi học, tôi viết, và
đi bộ hoặc chạy đến một sườn núi cách nhà vài dặm. Tôi rèn thói quen ở một mình qua những
khoảng thời gian dài ở trong rừng. Khu rừng của tôi vừa theo nghĩa đen vừa mang tính biểu
tượng: Tôi đã dành hàng giờ để khám phá những sườn đồi gần nhà và di chuyển vào vùng u ám
trong cõi vô thức của mình, lắng nghe những giấc mơ, buộc mình phải thức dậy vào ban đêm và
viết lại những giấc mơ đó ra giấy.
Đã có những thời điểm cô đơn cùng cực, và đã có những lúc tôi trải qua ý thức về sự trọn vẹn
không hề dự tính trước. Trong những năm đó, tôi đã biên soạn các mục nhật ký của mình thành
tập Grief Dancers: A Journey into the Depth of the Soul [Những vũ công u buồn: Chuyến hành
trình vào vùng sâu thẳm của tâm hồn], câu chuyện về cuộc sống cùng Katherine. Tôi đã cho
Katherine, vốn không nói được, một tiếng nói.
Tôi đã luôn tìm kiếm một phương thuốc màu nhiệm cho Katherine. Tôi muốn một buổi sáng
nọ con bé thức dậy, bắt đầu đi lại và nói chuyện. Tôi muốn trở thành một trong những người may
mắn thắng được nghịch cảnh. Vào thời điểm hoàn thành quyển sách ấy, một phép màu khác xảy
ra: Tôi thôi tổn thương. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ đạt được điều đó. Trước khi viết, tôi
gạt nỗi buồn sang bên vì không biết làm sao vượt qua nó. Tôi tin nỗi đau đớn khủng khiếp này sẽ
luôn tồn tại. Nhưng việc viết đã thay đổi điều đó. Tôi đã đến một cảnh giới mà thay vì rời khỏi
phòng Katherine với sự buồn bã, tôi đã rời khỏi phòng của nó với sự thanh thản. Thay vì sợ
khoảng thời gian ở cùng với con, nụ cười của con bé đã khiến tôi tràn đầy hạnh phúc. Ở chỗ nào
đấy trên hành trình viết này, tôi đã buông bỏ ước mơ về một Katherine bình thường và đến cảnh
giới của sự chấp nhận và tình yêu thương.
* * *
Đây là một cuốn sách về cách viết để hàn gắn tâm hồn. Đó là một bàn tay trợ giúp được chìa ra
với hy vọng rằng bạn sẽ hoàn thành cuộc hành trình của bạn nhanh hơn tôi. Nó mang đến cho
bạn các bài tập và các ví dụ để giúp bạn chữa lành cho mình, vì chỉ có bạn mới có thể làm điều
đó. Sách này được tạo ra với niềm tin rằng bạn sắp khởi đầu chuyến hành trình cuộc đời quan
trọng nhất mà bạn từng tiến hành.
Hiện nay có rất nhiều nghiên cứu sâu rộng cho thấy việc viết – một hành động đơn giản là trút
những suy nghĩ và cảm xúc sâu thẳm nhất của bạn xuống trang giấy – là một trong những
phương tiện hiệu quả nhất để giảm và cuối cùng là chữa lành nỗi buồn. Hành động viết mang lại
một cấu trúc và trật tự cho sự hỗn loạn của đau buồn. Nó khai thác sức mạnh chữa lành của vô
thức trong bạn. Bằng cách để những nỗi sợ hãi, giận dữ, và tuyệt vọng bộc lộ ra, bằng cách
buông bỏ những giấc mơ và hy vọng cũ, sức mạnh tự chữa lành của chúng ta sẽ được phát huy.
Tâm hồn biết những gì cần thiết để có thể tự chữa lành. Thông qua việc viết, nó sẽ dẫn bạn đến
nơi bạn cần phải đi.
Không có trình tự cụ thể nào mà bạn phải tuân theo để có được những lợi ích này. Viết! Chỉ
viết thôi! Hãy dập tắt lời nhà phê bình nội tâm nói với bạn rằng bạn không phải là một nhà văn
“đủ giỏi”, hoặc những ngôn từ của bạn không có giá trị. Bạn có thể đi đường tránh và đường
phụ. Hành trình này cho phép các con đường khác nhau cùng dẫn đến một đích. Không có ngã rẽ
lầm lạc gì hết. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy rằng có nhiều kỹ thuật đơn giản mà bạn nên
sử dụng để gặt hái những lợi ích hàn gắn của việc viết:
• Hãy viết về những suy nghĩ và cảm giác sâu thẳm nhất của bạn.
• Viết ở nơi mà bạn sẽ không bị làm gián đoạn.
• Viết thường xuyên – hàng ngày, nếu có thể – không dưới ba hoặc bốn lần một tuần.
• Chỉ viết cho bản thân bạn chứ không phải cho độc giả.
• Tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp nếu bạn đang vật lộn với chứng trầm cảm nghiêm trọng.
Viết cũng có thể là một phần của liệu pháp lớn hơn, nhưng đừng chỉ dựa vào một mình nó.
Đừng ngạc nhiên nếu bạn cảm thấy buồn ngay sau khi viết. Đây là công việc khó khăn nhưng
nâng tầm cuộc sống. Cảm thấy toàn bộ tác động của sự mất mát là một phần của tiến trình đó.
Nước mắt giúp chúng ta lành lại. Hãy cứ tiếp tục.
Ích lợi sẽ đến. Không có công thức chính xác hay một “cách đúng đắn” nào để viết thể loại
này. Nó không giống như việc học tiếng Đức hay tích phân. Ở tầng sâu thăm nhất bạn đã biết
cách làm thế nào để chữa lành bản thân. Bạn đã có những nguồn lực ấy rồi. Vấn đề là phải thành
thật, viết về những gì bạn thực sự quan tâm, và để trút sự ức chế của bạn ra trang giấy. Bạn
không nên cảm thấy tội lỗi nếu bạn viết những điều “không thể nói”. Khi chúng ta đối mặt với sự
mất mát, chúng ta trải nghiệm đầy đủ các xúc cảm – hận thù, tức giận, ghê tởm, khinh thị, tuyệt
vọng, bất lực. Không sao cả. Đừng cảm thấy tội lỗi nếu bạn bỏ lỡ một ngày hoặc một tuần hoặc
thậm chí một tháng viết. Chỉ cần luôn luôn trở lại. Đừng khiến nó trở thành một gánh nặng.
Nhưng hãy cứ tiếp tục. Việc viết cho phép bạn tiếp cận tâm trí sâu rộng hơn của bạn, một nơi
chốn thông thái sâu sắc hơn bên trong bạn. Câu chuyện của bạn sẽ mở ra và thông qua việc viết
về nó, bạn sẽ tôn vinh và nắm bắt nỗi buồn của bạn, trưởng thành từ chúng, và đến một nơi mà
cuộc sống toàn vẹn và vui tươi hơn là bạn nghĩ.
Tôi bắt đầu từ đâu? Làm thế nào để mô tả một quá trình mà nó quá mang tính cá nhân, riêng tư,
lộn xộn như vậy? Làm thế nào mô tả sự cần thiết phải ngồi lặng im, mở sổ tay, và bắt đầu thực
hiện mỗi ngày, không biết điều gì có thể hiện ra? Làm thế nào để tôi mô tả sự bối rối ban đầu,
những lúc không thể viết ra một từ nào, những khi dòng chữ tuôn ra như một dòng sông tuôn
chảy không gì có thể giữ cho nó đừng tràn bờ? Làm thế nào tôi nói cho mọi người biết rằng chỉ
khi viết tôi mới có thể buông xả giấc mơ cho Katherine và yêu con bé vì nó là như thế, và yêu
cuộc sống của tôi vì nó là như thế? Làm thế nào để mô tả một thuật giả kim bí ẩn vốn chuyển
biến nỗi đau cá nhân, sự tức giận, và sự không thấu hiểu của chúng ta thành một trái tim và tâm
trí rộng mở?
Bước 1: Truy cập website và lựa chọn sản phẩm cần mua để mua hàng
Bước 2: Click và sản phẩm muốn mua, màn hình hiển thị ra pop up với các lựa chọn sau
Nếu bạn muốn tiếp tục mua hàng: Bấm vào phần tiếp tục mua hàng để lựa chọn thêm sản phẩm vào giỏ hàng
Nếu bạn muốn xem giỏ hàng để cập nhật sản phẩm: Bấm vào xem giỏ hàng
Nếu bạn muốn đặt hàng và thanh toán cho sản phẩm này vui lòng bấm vào: Đặt hàng và thanh toán
Bước 3: Lựa chọn thông tin tài khoản thanh toán
Nếu bạn đã có tài khoản vui lòng nhập thông tin tên đăng nhập là email và mật khẩu vào mục đã có tài khoản trên hệ thống
Nếu bạn chưa có tài khoản và muốn đăng ký tài khoản vui lòng điền các thông tin cá nhân để tiếp tục đăng ký tài khoản. Khi có tài khoản bạn sẽ dễ dàng theo dõi được đơn hàng của mình
Nếu bạn muốn mua hàng mà không cần tài khoản vui lòng nhấp chuột vào mục đặt hàng không cần tài khoản
Bước 4: Điền các thông tin của bạn để nhận đơn hàng, lựa chọn hình thức thanh toán và vận chuyển cho đơn hàng của mình
Bước 5: Xem lại thông tin đặt hàng, điền chú thích và gửi đơn hàng
Sau khi nhận được đơn hàng bạn gửi chúng tôi sẽ liên hệ bằng cách gọi điện lại để xác nhận lại đơn hàng và địa chỉ của bạn.
Trân trọng cảm ơn.