Hồi Ức Của Một Nhà Buôn Tranh - Ambroise Vollard
Tác giả: Ambroise Vollard
Dịch và giới thiệu: Phạm Minh Quân
Hình thức: Bìa mềm, 16x24 cm, 402 trang
Nhà xuất bản: Thế giới, 2021
Hồi Ức Của Một Nhà Buôn Tranh - Ambroise Vollard
" ..Các chuyên gia nghệ thuật đồng thuận với nhau rằng những bức tranh đơn thuần cho thấy ông ta là một kẻ mù nghệ thuật hoàn toàn. Những bức đương đại của Cézanne, Van Gogh – chỉ có thể được mua bởi một người mất trí.
Các bác sĩ tâm thần đã xác nhận kết luận của các chuyên gia, còn người đàn ông sành sỏi nghệ thuật ngay lập tức bị nhốt lại.” (*1)
Trích " Hồi ức của nhà buôn tranh "
Ambroise Vollard (1866 – 1939)
Đây không phải thể loại fiction novel - văn học giả tưởng, mà là thực tiễn và cũng không cường điệu. Trong thế giới sưu tập, nếu hỏi gia đình của bạn - những người chơi tranh, đa số sẽ lập tức tán đồng rằng: không có khái niệm người sành sỏi nghệ thuật mà chỉ có đối tượng điên rồ cần " bắt nhốt ".
Nghệ thuật thật bí hiểm, và thế giới xoay quanh họ cũng vậy. (*2)
" Hồi ức nhà buôn tranh " là một cân nhắc có chủ đích, Chúng tôi chọn xuất bản cuốn sách đầu tiên của " Tủ sách Hội họa " này về chủ đề mà giới liên quan quan tâm, hay nóng lòng muốn biết nhưng đã không có được (*3)
Những góc nhìn cận cảnh những nhân vật huyền thoại thế giới của lịch sử nghệ thuật trong những khung cảnh bất ngờ.
Những miêu tả kỹ năng hay thủ thuật trong giới buôn tranh, cùng những cuộc ganh đua săn lùng tác phẩm đầy ly kỳ.
Câu chuyện cũng không dừng lại ở các họa sĩ, giới chơi tranh, buôn tranh và sưu tập. Nó được mở rộng ra giới tinh hoa văn nghệ sĩ, nhà báo, chính khách, tài phiệt.
Bạn sẽ được "ngó" vào xưởng vẽ Manet, Matisse, Picasso với các thói quen rất riêng tư hay " tham dự " buổi tiệc tối cùng Renoir, Degas và Rodin. Thậm chí quan sát cả những nỗ lực ban đầu nhằm bán tranh của Paul Cézanne.
" Hồi ức của nhà buôn tranh " bạn một khi đã mở trang sách sẽ không thể đặt xuống với những câu chuyện đậm chất huyền thoại bao gồm chuyện chính sử, bên lề, chuyện mà chỉ người trong cuộc giới sưu tập, buôn tranh, phê bình và cả các danh họa chia sẻ trong nhóm nhỏ. Được tường thuật qua lối dẫn chuyện hấp dẫn của Vollard.
Ambroise Vollard (1866 – 1939) là một trong những nhân vật kiệt xuất nhất làng hội họa thế kỷ XX. Ông sở hữu một năng khiếu thiên bẩm trong việc phát hiện tài năng hội họa – hàng loạt họa sĩ danh tiếng nhờ sự góp mặt giúp đỡ của ông đã có được khoản tiền lớn như Matisse, Cézanne, và cả Picasso.
Cuốn tự truyện kiêm sử nghệ thuật không chính thống này được dịch giả trẻ tài năng, yêu nghệ thuật Phạm Minh Quân chuyển ngữ. Một bản dịch hay, theo tôi.
Vĩ thanh.
Trong quá trình chuẩn bị xuất bản, tôi đã xem hầu hết các xuất bản của rất nhiều nhà xuất bản tiếng tăm về cuốn sách này ( do nhu cầu độc giả quan tâm quá lớn nên cuốn sách được nhà xuất bản với các phiên bản khác nhau) . Các ấn bản đều tuyệt vời, song về hình thức tôi cho là không đạt so với nội dung.
Và đấy là lý do chúng tôi quyết định với phiên bản tiếng Việt với một thiết kế và trình bày bìa hoàn toàn khác. Và đây là thiết kế bìa do tôi thiết kế với trợ giúp kỹ thuật đồ họa của cộng sự thân Lý Trung Kiên - Cảm ơn em.
Sách, theo quan niệm của tôi nó không chỉ là những văn bản với nội dung thuần túy. Hình thức của cuốn sách cũng không là một phần bổ sung.
Thể hiện bên ngoài từ thiết kế, khổ sách, chất liệu cùng với nội dung là thể không tách rời. Cùng nhau nó làm nên giá trị tác phẩm.
Sách chính là một tác phẩm nghệ thuật và nó không ngẫu nhiên có lịch sử sưu tầm. Hình thức cuốn sách vô thức có ảnh hưởng không nhỏ tới việc quyết định cảm nhận về nội dung của người đọc và cả quyết định một phần ban đầu có nên dành thời gian để đọc một cuốn sách hay không.
Ghi chú.
(*1) Đây là câu chuyện một nhà sưu tập giầu có người Hà Lan vì đã dùng một khoản tiền lớn mua tranh của P.Cezanne, V. Van Gogh mà người thân phải gửi cả tranh lẫn chủ nhân sưu tập đi giám định tranh lẫn sức khỏe tâm thần.
(*2)Sau phiên đấu giá với các tác phẩm được bán giá cao của một loạt các tên tuổi sau này thành huyền thoại như Paul Cézanne, Vincent Van Gogh. Một nhóm các nhà sưu tập sành sỏi kết luận nếu tác phẩm điên rồ được chào đón, giới chơi tranh sẵn sàng trả giá cao. Vậy thì logic thuyết phục rằng có lẽ những kẻ tâm thần phân liệt " nhìn thấy điều gì đó " mà các chuyên gia không biết về xu hướng hay giá trị của nghệ thuật. Nên đã quyết định dồn tiền và đưa cho một người tự kỷ, xa lạ với hội họa tùy thích chọn mua tranh.
(*3)Nghệ sĩ thì muốn biết song quá tự tôn để thừa nhận quan tâm, Các dealer nghệ thuật hay chủ Gallery muốn " chôn chặt " bí quyết của mình, người chơi tranh - sưu tập nghệ thuật lại muốn (biết cả hai ) muốn nhìn vào não trạng của kẻ sáng tạo và cùng cơ chế vận hành của người buôn tranh.
Cuốn sách này sẽ tiết lộ behind the scene - đằng sau khuôn hình cả ba giới buôn tranh, sưu tập và nghệ sỹ ở một cấp độ cao nhất, liên quan tới các huyền thoại nghệ sĩ , nhà buôn tranh và cả nhà tư bản kiêm sưu tập hàng đầu thế giới.
.......
Chưa bao giờ lịch sử hội họa lại chứng kiến một bước chuyển ngoạn mục, trong một khoảng thời gian ngắn, như giai đoạn giữa thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Ở đó mười năm có thể ví như một thế kỷ. Hội họa, từ lãng mạn, hiện thực và hàn lâm, đã thay đổi cả về kỹ thuật lẫn quan niệm, để mở ra vô vàn bờ bến miên viễn mới – ấn tượng, tượng trưng, lập thể, siêu thực... Có một người đã nghiệm sinh và kể lại những câu chuyện về thời kỳ đặc biệt này, người đó là Ambroise Vollard (1865 – 1939).
Hồi ức của một nhà buôn tranh (Souvenirs d'un marchand de tableaux), được Vollard trình làng vào năm 1937, không đơn thuần chỉ là một hồi ký cá nhân, mà còn cho thấy một chuyển đổi lớn thông qua những câu chuyện nhỏ, một bức tranh toàn cảnh về sự vận động hội họa bấy giờ. Bởi, Vollard là người sống, làm việc, giao hảo và tiếp xúc trực tiếp với ít nhất năm trường phái/thế hệ họa sĩ, từ các bậc thầy tiên phong của trường phái Ấn tượng (Manet, Degas, Monet, Renoir, Sisley), các danh họa hậu Ấn tượng (Cézanne, Gauguin, Van Gogh), cho đến các họa sĩ trẻ thuộc nhóm Les Nabis (Bonnard, Vuillard, Roussel, Denis, Maillol), nhóm Dã thú (Derain, Marquet, Matisse, Vlaminck, Dufy, Rouault) và Lập thể (Picasso, Braque). Mối quan hệ của Vollard đối với họ không chỉ thuần túy là giữa nhà buôn và họa sĩ, rất nhiều trong số họ còn trở thành tri kỷ vong niên với ông
Sinh ra trên đảo La Réunion, một hòn đảo thuộc địa Pháp hẻo lánh ở Ấn Độ Dương, chàng trai Vollard hăm hở đến mẫu quốc để theo học đại học luật. Tại Paris, lúc bấy giờ là trung tâm hội họa của cả châu Âu lẫn thế giới, Vollard nhanh chóng gác lại việc học tập, lân la đến các quầy bán đồ cũ dọc bờ sông Seine, thu mua tranh và các bản khắc, đến các nhà đấu giá và xin thực tập tại phòng tranh. Đến năm 1893, ông thuê một cửa tiệm nhỏ trên phố Laffitte, vốn được mệnh danh là “phố tranh,” và căn hầm tại nơi đây đã trở thành một địa chỉ giao lưu nổi tiếng của giới văn nghệ sĩ kinh đô ánh sáng. Thập niên 1890 là một buổi giao thời, chứng kiến sự thoái trào của hệ thống các Salon nhà nước bảo trợ, vốn là địa chỉ uy tín cho việc triển lãm và bán tranh quy mô lớn mang tính chất chính thống suốt hơn một thế kỷ. Các Salon, cũng như những bảo tàng lớn ở Paris như Louvre hay Luxembourg, và cả Viện Hàn lâm Nghệ thuật Pháp (Académie des Beaux-Arts) là thành trì kiên cố của phái bảo thủ chiêm bái hội họa hàn lâm và trừ tiệt hội họa Mới. Đối diện, là sự trỗi dậy của các nhà buôn thương mại, những người sẵn sàng khai thác, trưng bày các tác phẩm avant-garde, và tìm cách định vị giá trị cho chúng. Họ góp một nỗ lực không nhỏ trong việc đưa các họa sĩ từ vị trí ngoài lề, ngoại biên về trung tâm tinh hoa để được nhận thức đánh giá một cách đúng đắn.
Vollard, cùng với Paul Durand-Ruel và Georges Petit, là ba nhà buôn tranh có công lớn nhất trong việc xây dựng một thị trường tự do cho các tác phẩm nghệ thuật, đồng thời phát hiện và nâng đỡ các danh họa Ấn tượng thế kỷ XIX. Nhưng khác với hai người trên, Vollard còn là một tác gia, nhà xuất bản và tổ chức triển lãm. Thậm chí, Bách khoa Tự điển Larousse và Bách khoa toàn thư Britannica trân trọng dành riêng cho ông một mục từ vì đóng góp trong các lĩnh vực trên. Vollard từng chấp bút viết chân dung Degas, Renoir và Cézanne. Ông xuất bản các tác phẩm văn học của Baudelaire, Mallarmé, Verlaine với phần minh họa tuyệt hảo bởi các danh họa bấy giờ. Ông cả gan tổ chức triển lãm cá nhân cho Cézanne, Van Gogh tại thời điểm tranh của họ vẫn bị giới phê bình lẫn đại chúng Pháp ghẻ lạnh và chỉ trích. Gauguin, sau khi qua đời, nhờ những triển lãm tri ân của Vollard, tên tuổi đã nổi lên như cồn. Còn Picasso, khi mới 18 tuổi, vô danh, với khoảng một trăm bức họa trong tay, đã từ Tây Ban Nha lặn lội tìm đến Vollard với nguyện vọng được ông tổ chức một cuộc triển lãm. Và với tài nhìn người và niềm tin vào chàng họa sĩ trẻ, ông không hề mảy may do dự. Cho tới khi qua đời, di sản do Vollard để lại là hơn mười nghìn tác phẩm hội họa được cất trữ ở dinh thự trên phố Martignac, sáu album thủ ấn họa và hai mươi ba tác phẩm văn chương được ông xuất bản.
Điểm đặc biệt của Hồi ức của một nhà buôn tranh là sự công tâm và chân thành của người viết. Vollard nói rất ít về mình, và càng không có những nhận định hay dở chủ quan (ông cho rằng đó là việc của nhà phê bình!). Song, qua góc nhìn của một nhân chứng khả tín, chân dung các danh họa hiện lên đầy xác thực và sống động, trên nhiều phương diện như quan niệm sáng tác, thái độ lao động nghệ thuật, cá tính, nhân cách, ứng xử với đồng nghiệp. Không phải họ ngay lập tức gặt hái được quả ngọt thành công và danh tiếng như ở thời hiện đại. Cám cảnh chung của các họa sĩ Ấn tượng là không nhận được sự đón nhận tức thời của công chúng trên chính quê hương của mình, tranh không bán được và tất yếu phải sống trong bần hàn nghèo khó. Không những vậy, bi kịch lớn nhất của họ là chỉ khi qua đời thì tranh của họ mới được nhìn nhận đúng giá trị và ráo riết truy tầm. Bên cạnh đó là những thủ đoạn mánh khóe trong giới buôn tranh, những cuộc ganh đua săn lùng tác phẩm đầy ly kỳ. Câu chuyện không dừng lại ở các họa sĩ, giới chơi tranh, buôn tranh và sưu tập. Hơn thế, nó còn được mở rộng ra cả giới văn nghệ sĩ, thượng lưu, nhà báo, chính khách, tài phiệt để tạo nên một bức tranh văn hóa-xã hội Pháp đầu thế kỷ XX không thiếu những khôi hài nực cười, nhưng cũng rất mang zeitgeist (tinh thần thời đại).
Song song với sự vận động của hội họa, là sự vận động bao trùm của văn hóa. Vollard đã có ba phát hiện sâu sắc thú vị của một người thông hiểu văn hóa. Phát hiện thứ nhất, đó là vai trò dẫn dắt của âm nhạc trong sự cách tân các loại hình nghệ thuật, được Vollard chiêm nghiệm và chứng minh qua chủ nghĩa tượng trưng. Phát hiện thứ hai, trực giác của họa sĩ nhiều khi còn đi trước cả phát kiến của nhà khoa học. Và phát hiện cuối cùng, Thế chiến thứ nhất là một dấu mốc làm thay đổi vĩnh viễn thị trường nghệ thuật, gây đảo lộn giá trị của tác phẩm lẫn vị thế của họa sĩ, với sự xuất hiện của những người đầu cơ trục lợi coi tranh như một hàng hóa mậu dịch. Người họa sĩ không còn vẽ đơn thuần cho vui hoặc nhằm phát ngôn các ý hướng tư tưởng của mình, trái lại, họ nhận thấy nhiều mối lợi kinh tế đến từ tác phẩm, và phát sinh một động cơ chiều chuộng thị hiếu số đông. Đương nhiên, thị trường nghệ thuật hoạt động theo cơ chế, ắt phải có sự điều tiết đến từ các quy luật thị trường như cung cầu, cạnh tranh.
Đó là câu chuyện ở Pháp hơn một trăm năm trước, nhưng lại là câu chuyện ngày hôm nay ở Việt Nam. Ở Việt Nam thực sự có một thị trường tranh, hoặc một thị trường tranh chuyên nghiệp hay chưa, vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Kể cả để phân định rõ ràng giữa nhà sưu tập, nhà buôn tranh, giám tuyển, thẩm định viên, nhà phê bình hội họa, nhà báo mỹ thuật ở Việt Nam cũng chưa thể có một ranh giới xác quyết. Còn bản thân các họa sĩ thì vẫn đang trăn trở với con đường sáng tạo và biểu kiến thực tại. Biết đâu đấy, đọc Hồi ức của một nhà buôn tranh, bạn đọc say mê lịch sử mỹ thuật sẽ có những chỉ dẫn đối sánh bổ ích. Và mặt khác, xa rời khỏi những công trình tiểu sử do hậu thế thực hiện, chứa đựng phần nhiều phán đoán và giả thuyết, cuốn sách giúp bạn đọc rút ngắn khoảng cách sử thi với những danh họa kiệt xuất nhất trong lịch sử hội họa nhân loại. Xin trân trọng giới thiệu Ambroise Vollard và quý thư của ông tới bạn đọc.
Bước 1: Truy cập website và lựa chọn sản phẩm cần mua để mua hàng
Bước 2: Click và sản phẩm muốn mua, màn hình hiển thị ra pop up với các lựa chọn sau
Nếu bạn muốn tiếp tục mua hàng: Bấm vào phần tiếp tục mua hàng để lựa chọn thêm sản phẩm vào giỏ hàng
Nếu bạn muốn xem giỏ hàng để cập nhật sản phẩm: Bấm vào xem giỏ hàng
Nếu bạn muốn đặt hàng và thanh toán cho sản phẩm này vui lòng bấm vào: Đặt hàng và thanh toán
Bước 3: Lựa chọn thông tin tài khoản thanh toán
Nếu bạn đã có tài khoản vui lòng nhập thông tin tên đăng nhập là email và mật khẩu vào mục đã có tài khoản trên hệ thống
Nếu bạn chưa có tài khoản và muốn đăng ký tài khoản vui lòng điền các thông tin cá nhân để tiếp tục đăng ký tài khoản. Khi có tài khoản bạn sẽ dễ dàng theo dõi được đơn hàng của mình
Nếu bạn muốn mua hàng mà không cần tài khoản vui lòng nhấp chuột vào mục đặt hàng không cần tài khoản
Bước 4: Điền các thông tin của bạn để nhận đơn hàng, lựa chọn hình thức thanh toán và vận chuyển cho đơn hàng của mình
Bước 5: Xem lại thông tin đặt hàng, điền chú thích và gửi đơn hàng
Sau khi nhận được đơn hàng bạn gửi chúng tôi sẽ liên hệ bằng cách gọi điện lại để xác nhận lại đơn hàng và địa chỉ của bạn.
Trân trọng cảm ơn.