Một tác phẩm hiếm có, truyền cảm hứng về chủ đề tâm linh, được kể với ngôn ngữ hoài nghi, hài hước và đầy minh triết.
Chúng ta đang chứng kiến một thời đại nở rộ các nội dung liên quan đến chủ đề tâm linh. Điều này đẩy con người đến các thái độ cực đoan khi nhắc đến tâm linh, người tin thì tin đến sùng tín, người hoài nghi thì càng cực đoan bài trừ. Cứ như vậy, tâm linh dần trở thành một điều gì đó có vẻ cao đạo và “hết sức nghiêm trọng”. Hãy tạm bỏ qua con đường và trải nghiệm của những bậc giác ngộ minh triết, liệu còn có cách nào đó nói về tâm linh một cách thú vị hơn không?
Rất khó để kiếm tìm một dạng tài liệu hay một cuốn sách như vậy. Tuy nhiên, Thức tỉnh điều vô hình (tựa gốc: Waking up) của Sam Harris lại là một ngoại lệ thú vị. “Sam Harris xứng đáng là một kẻ hoài nghi yêu thích của tôi, chẳng ai sánh bằng. Trong tác phẩm này, anh mang lại một góc nhìn tỉnh táo, không chút khoan nhượng về ‘siêu thị tâm linh’, gọi tên những món ăn vặt và chỉ cho chúng ta biết thành phần dinh dưỡng đích thực có thể tìm thấy ở đâu. Bất cứ ai nhận ra giá trị của đời sống tâm linh sẽ cảm thấy có nhiều điều để thưởng thức - và những ai không thấy giá trị ở đó sẽ còn tìm thấy nhiều điều hơn nữa để chiêm nghiệm” - Daniel Goleman, tác giả của Emotional Intelligence và Focus – đã hào phóng nhận định về cuốn sách của đồng nghiệp như thế.
Khác hẳn với lối dẫn giải phân tích theo dạng bài giảng đưa tới sự giác ngộ ở các cuốn sách về tâm linh, Thức tỉnh điều vô hình mang đến cảm giác “nhập vai” cho độc giả. Chúng ta đôi khi có cảm giác khoan khoái như thể tác giả đang nói hộ lòng mình, bất chấp những lý lẽ đang đọc có cao siêu đến đâu. Ngay từ những dòng đầu tiên và xuyên suốt cả cuốn sách, độc giả đã dễ dàng bị cuốn vào những cảm xúc hoài nghi, bỡn cợt và cả sự chân thật trong câu chuyện của tác giả, khiến câu chuyện trở nên đáng giá và lôi cuốn khó cưỡng. Không có điều cao siêu huyền bí nào được khẳng định cho đến khi những cảm xúc thiêng liêng xuất hiện đột ngột và thuyết phục chúng ta về sự hiện hữu của cái gọi là đời sống tâm linh.
Với cuốn sách này, một người khả tín nhất với tâm linh cũng phải bật cười nhìn lại mình trong một lăng kính giản đơn hơn, lý trí hơn nhưng lại đủ sức xuyên thấu mọi huyền ảo của hành trình thức tỉnh – giác ngộ.
Sam Harris khiến những người không tin tâm linh chợt nhận ra những điều đúng đắn nhất mình từng làm hóa ra lại rất… tâm linh. Tác giả chia sẻ: “Tôi không có ý phủ định tầm quan trọng của việc đạt được mục tiêu, gìn giữ sức khỏe, hay chu cấp cho con đủ ăn đủ mặc, nhưng hầu hết chúng ta dành thời gian tìm kiếm hạnh phúc và sự an toàn mà không nhận ra được mục đích sâu hơn của sự tìm kiếm ấy. Mỗi người chúng ta đang tìm kiếm một con đường để trở về hiện tại. Chúng ta đang tìm các lý do đủ tốt để thỏa mãn với hiện tại”. Đó chẳng phải là nền móng của tâm linh sao – sự hiện hữu trong hiện tại, nhận ra giá trị của hiện tại?
“Không có điều gì trong cuốn sách này cần viện tới đức tin để chấp nhận” và “tất cả các nhận xét của tôi đều có thể kiểm chứng lại trong phòng thí nghiệm cuộc đời của các bạn” chính là lời hứa của tác giả dành cho các độc giả của mình. Hành trình tâm linh không một chút giáo điều của Thức tỉnh điều vô hình bao gồm 5 chương lớn: Tâm linh, Bí ẩn về ý thức, Câu đố về bản ngã, Thiền và Guru, ngoài ra tác giả còn nói đến cái chết, chất kích thích và những câu đố khác.
Những diễn giải đa dạng, sâu sắc của tác giả về ý thức, tâm trí, khoa học thần kinh, triết học Đông Tây cổ kim, tôn giáo nhưng gắn chặt với cảm xúc chân thật của “tính người” đã khiến Thức tỉnh điều vô hình trở thành một cuốn sách quan trọng và đáng đọc về đề tài thực hành tâm linh. “Tâm linh vẫn còn là một cái hố lớn trong chủ nghĩa thế tục, nhân văn, lý trí, vô thần và tất cả các tâm thế tự vệ mà những con người lý tính đã chọn để đáp lại đức tin vô lý. Con người thuộc hai bên chiến tuyến này tưởng tượng rằng trải nghiệm huyền ảo sẽ không có chỗ trong khoa học - ngoại trừ những hành lang bệnh viện tâm thần. Cho đến khi chúng ta có thể nói về tâm linh bằng các thuật ngữ lý trí, thì thế giới này mới hết bị phân mảnh bởi giáo điều. Quyển sách này luôn là nỗ lực của tôi để bắt đầu một cuộc đối thoại như thế”, Sam Harris chia sẻ.
Người nổi tiếng nói gì về cuốn sách
* “Giá trị lớn nhất và cái mới lạ của quyển sách này là Harris, với cách viết đơn giản nhưng nhiệt thành, đã chọn con đường trung đạo giữa các khẳng định ngụy khoa học và ngụy tâm linh,… dẫn đến một đời sống lành mạnh hơn rất nhiều.” - Publishers Weekly
* “Một cái nhìn sống động, khơi gợi và thức thời về một trong những vấn đề sâu sắc nhất trong thế giới tư tưởng. Harris đưa ra một trường hợp mạnh mẽ về đạo đức dựa trên sự hoàn thiện của con người, liên quan đến khoa học và lý trí. Đây là một góc nhìn vô cùng thú vị, một góc nhìn mà không phải con người duy lý nào cũng có thể bỏ qua.” - Steven Pinker giáo sư Tâm lý, Đại học Harvard, tác giả của How the Mind Works và The Blank State
* “Đừng đọc quyển sách này… nếu bạn muốn nghe nói thiên đường là có thật. Hãy đọc khi bạn muốn khám phá bản chất của ý thức, để biết rằng chỉ cần trở nên tỉnh thức là đã có thể giải phóng ta khỏi âu lo và tự trách cứ bản thân.” - Tạp chí MORE
Về tác giả:
Sam Harris sinh năm 1969, tốt nghiệp triết học Ðại học Stanford. Ông vừa là một triết gia vừa là một nhà khoa học về thần kinh nổi tiếng thế giới. Sam Harris là tác giả hai tác phẩm luận thuyết gây tiếng vang rất lớn: The end of Faith (2004), đoạt giải thưởng PEN/ Martha Albrand Award năm 2005 và Letter to A Christian Nation (2006)… Ông thường xuyên xuất hiện trên các diễn đàn công luận để diễn thuyết, tranh luận với các học giả đương thời về các chủ đề liên quan đến các nghi hoặc về bản chất, giá trị của tôn giáo và mối hiểm họa của xã hội hiện đại từ các nguyên nhân tôn giáo…