Văn hóa, văn học dưới góc nhìn liên không gian - Nguyễn Văn Dân
Văn hóa và văn học dưới góc nhìn liên không gian của tác giả Nguyễn Văn Dân sẽ đưa ra các phân tích về mối quan hệ giữa trung tâm và ngoại vi...
Văn hóa, văn học dưới góc nhìn liên không gian - Nguyễn Văn Dân
Văn hóa, văn học dưới góc nhìn trung tâm - ngoại vi
Xét từ mối quan hệ trung tâm - ngoại vi, một quốc gia ngoại vi trong phát triển luôn chịu sự ảnh hưởng của một trung tâm nào đó, dựa vào một trung tâm để phát triển. Đó là quy luật phát triển. Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên đã từng chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Quốc trong một thời gian dài. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói, một trung tâm không nhất thiết phải là một trung tâm vĩnh viễn. Đến một lúc nào đó, một trung tâm không còn đại diện cho những lực lượng tiến bộ của thời đại, thì nó sẽ bị các trung tâm khác thay thế. Các nước ngoại vi nếu muốn phát triển thì cần phải thay đổi mối quan hệ với trung tâm. Tiếp xúc với một trung tâm kinh tế - văn hoá tiên tiến của thời đại sẽ là điều kiện để giúp các nước ngoại vi phát triển. Trong thời hiện đại, Trung Quốc không còn là một trung tâm duy nhất có tầm ảnh hưởng thúc đẩy phát triển đối với các nước Đông Á. Đã xuất hiện các trung tâm kinh tế - văn hoá khác từ phương Tây. Có thể coi đây là sự thay thế trung tâm trong mối quan hệ quốc tế.
Trường hợp Nhật Bản và Hàn Quốc
Người ta thường nói Nhật Bản và Hàn Quốc là hai ví dụ điển hình của trường hợp “thoát Trung” để phát triển. Ngay từ giữa thế kỷ XIX, Nhật Bản đã nhận thức được rất sớm đối với tình hình phát triển của thế giới. Họ ý thức được rằng trung tâm phát triển của thế giới đã nổi lên ở phương Tây. Hoàng đế Minh Trị đã phải đấu tranh quyết liệt với phe bảo thủ để mở cửa sang phương Tây và phát động một cuộc trung hưng từ năm 1868. Để phát triển, Nhật Bản thời Minh Trị đã tìm đến trung tâm văn hoá, khoa học và công nghệ của phương Tây. Và sau Chiến tranh Thế giới Thứ Hai, khi lâm vào cảnh bại trận và đất nước bị tàn phá nặng nề, Nhật Bản lại càng ý thức được việc phải nhanh chóng du nhập công nghệ phương Tây để phát triển kinh tế. Hàng năm Nhật Bản đã phải thắt lưng buộc bụng để chi phí cho học sinh sinh viên đi du học phương Tây. Hơn nữa Nhật Bản không chỉ du nhập khoa học - công nghệ phương Tây, mà còn du nhập cả văn hoá - văn nghệ phương Tây để làm giàu thêm cho văn hoá - văn nghệ của mình, và, theo chúng tôi, còn là để cải tạo nếp sống văn hoá Nhật Bản cho phù hợp với đời sống công nghệ mới. Tất cả những tác giả văn hoá - văn nghệ phương Tây mà cho đến thời kì Đổi Mới chúng ta mới giới thiệu vào Việt Nam thì đều đã được giới thiệu ở Nhật Bản ngay sau những năm chiến tranh. Văn hoá - văn nghệ hiện đại Nhật Bản có những khía cạnh rất mới mẻ và rất khác so với văn hoá truyền thống. Cũng như vậy, Hàn Quốc từ sau chiến tranh thế giới thứ hai cũng đã tìm đến trung tâm kinh tế - văn hoá phương Tây để tìm kiếm nguồn lực cho sự phát triển.
Thậm chí Nhật Bản, Hàn Quốc và cả những nước công nghiệp mới (viết tắt theo tiếng Anh: “NIC”) ở Đông Á nói chung đã phải thay đổi phần nào những tư tưởng văn hoá cổ xưa của mình và tiếp thu những tư tưởng văn hoá hiện đại của phương Tây để biến chúng thành một trong những nguồn lực cho công cuộc phát triển của đất nước họ. Một số nhà nghiên cứu trên thế giới đã nhận xét rằng, trong thời kì phát triển tư bản chủ nghĩa của một số nước Đông Á, tư tưởng “đức trị” và thái độ phủ nhận động cơ lợi nhuận cá nhân của Nho giáo đã phải nhường chỗ cho ý thức cá nhân và cho mô hình chế độ nhà nước hiện đại của phương Tây. Theo một số nhà quan sát phương Tây thì các cấp độ quản lý theo Nho giáo trước đây, từ “tu thân, tề gia, trị quốc” cho đến “bình thiên hạ”, đều tuân theo tư tưởng vì cộng đồng chứ không phải vì cái “tôi” cá nhân. Trong tư tưởng Nho giáo không có chỗ đứng cho cái riêng. Tất cả đều vì cái chung, vì cộng đồng. Ngay cả cuộc sống cá nhân (tu thân) và cuộc sống gia đình (tề gia) cũng phải vì cộng đồng. Nhưng đến giai đoạn phát triển hiện đại của chủ nghĩa tư bản Á Đông thì tư tưởng cộng đồng đã bị giải thể để nhường chỗ cho ý thức cá nhân, cho tư tưởng vì lợi nhuận (Xem Hahm Chaibong, “Confucian Tradition and Economic Reform in Korea” [“Truyền thống Nho giáo và cải cách kinh tế ở Hàn Quốc”], tạp chí "Korea Focus" [“Tiêu điểm Hàn Quốc”], 5-6/1997, Vol. V, No. 3, tr. 76-91). Theo họ, chính cái ý thức đó cộng với bộ máy nhà nước hiện đại đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng kinh tế của những nước công nghiệp mới ở Đông Á.
Thoát Trung và trường hợp Việt Nam
Chính vì thế mà có một số nhà khoa học của nước ta đã nói đến hiện tượng “thoát Trung” hay “giải Hoa hoá” của Nhật Bản và Hàn Quốc. Có người nói đến hiện tượng này như là một sự “thoát khỏi trung tâm” để phát triển. Họ cho rằng phải thoát khỏi trung tâm mới thoát được vị thế ngoại vi. Nhưng thực ra theo chúng tôi, đây là vấn đề “lựa chọn trung tâm” chứ không phải “từ bỏ trung tâm” hay “thoát khỏi trung tâm”. Nhật Bản và Hàn Quốc đã lựa chọn lại trung tâm, họ chuyển từ trung tâm cũ, không còn phù hợp là Trung Quốc, sang một trung tâm mới tiên tiến hơn là phương Tây. Bằng cách đó họ đã phát triển để thoát khỏi thế ngoại vi, trở thành một trung tâm mới của khu vực và thậm chí của cả thế giới. Như vậy là họ không đơn thuần từ bỏ trung tâm để tự mình phát triển. Một quốc gia khi đã ở thế ngoại vi thì phải tìm cách tận dụng nguồn lực của một trung tâm để phát triển, còn nếu từ bỏ trung tâm thì sẽ trở nên cô lập và tụt hậu.
Cuba trước đây là một ví dụ. Theo lý thuyết không gian văn hoá - xã hội, khi Liên Xô còn là một trung tâm thu hút các nước XHCN, thì Cuba cũng nằm trong số các nước ngoại vi của trung tâm Xô viết trong không gian XHCN vượt khỏi không gian môi trường sinh thái của mình. Khi Liên Xô sụp đổ, các nước Đông Âu đã lựa chọn trung tâm là phương Tây, trong khi Cuba vẫn lúng túng đứng một mình, rơi vào nguy cơ cô lập và khủng hoảng. Cho đến gần đây, khi đang tiến tới bình thường hoá quan hệ với Mỹ, Cuba đã có dấu hiệu lựa chọn lại trung tâm. Sự lựa chọn trung tâm chính là phương châm mấu chốt của phát triển.
Trong quan hệ của Việt Nam ở khu vực Đông Á, Việt Nam không nên coi Trung Quốc là trung tâm duy nhất đáp ứng mọi yêu cầu phát triển. Thành công phát triển của Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy một quốc gia có thể lựa chọn cho mình nhiều trung tâm để tận dụng những điều kiện tiên tiến cho phát triển. Chúng ta đã có đường lối đa phương hoá các quan hệ quốc tế. Nhưng quan hệ đa phương dàn đều sẽ làm cho sự hợp tác bị dàn trải, không tận dụng được những điểm mạnh của một số trung tâm đầu tàu của thế giới. Trong tinh thần này, theo tôi, chúng ta vẫn có thể tận dụng các nguồn lực tích cực của trung tâm Trung Quốc, nhưng chúng ta không để bị phụ thuộc vào Trung Quốc về mọi mặt. Trong khi đó chúng ta nên lựa chọn thêm các trung tâm khác làm quan hệ đối tác. Các trung tâm mới đó có thể là Nhật Bản, Hàn Quốc ở châu Á cùng các trung tâm văn minh tiên tiến ở phương Tây. Phải đặt mối quan hệ trung tâm - ngoại vi là quan hệ ưu tiên chứ không đa phương hoá một cách dàn đều các mối quan hệ quốc tế. Mối quan hệ trung tâm - ngoại vi hiện nay là trung tâm - ngoại vi trong không gian văn hoá - xã hội của “thế giới phẳng”, vượt khỏi không gian sinh thái. Nó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách nhìn truyền thống về một không gian văn hoá - xã hội ba chiều khép kín. Những quan niệm văn hoá truyền thống như “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, hay “Nước xa không cứu được lửa gần”, là những quan niệm hoàn toàn không còn phù hợp với không gian “thế giới phẳng” ngày nay. Đó là tinh thần của vấn đề lựa chọn trung tâm trong thế giới toàn cầu hoá, nếu chúng ta không muốn bị tụt hậu mãi ở vị thế ngoại vi.
(Trích: Nguyễn Văn Dân, “Văn hoá - văn học dưới góc nhìn liên không gian", Nxb. Thế giới, 2020)
Bước 1: Truy cập website và lựa chọn sản phẩm cần mua để mua hàng
Bước 2: Click và sản phẩm muốn mua, màn hình hiển thị ra pop up với các lựa chọn sau
Nếu bạn muốn tiếp tục mua hàng: Bấm vào phần tiếp tục mua hàng để lựa chọn thêm sản phẩm vào giỏ hàng
Nếu bạn muốn xem giỏ hàng để cập nhật sản phẩm: Bấm vào xem giỏ hàng
Nếu bạn muốn đặt hàng và thanh toán cho sản phẩm này vui lòng bấm vào: Đặt hàng và thanh toán
Bước 3: Lựa chọn thông tin tài khoản thanh toán
Nếu bạn đã có tài khoản vui lòng nhập thông tin tên đăng nhập là email và mật khẩu vào mục đã có tài khoản trên hệ thống
Nếu bạn chưa có tài khoản và muốn đăng ký tài khoản vui lòng điền các thông tin cá nhân để tiếp tục đăng ký tài khoản. Khi có tài khoản bạn sẽ dễ dàng theo dõi được đơn hàng của mình
Nếu bạn muốn mua hàng mà không cần tài khoản vui lòng nhấp chuột vào mục đặt hàng không cần tài khoản
Bước 4: Điền các thông tin của bạn để nhận đơn hàng, lựa chọn hình thức thanh toán và vận chuyển cho đơn hàng của mình
Bước 5: Xem lại thông tin đặt hàng, điền chú thích và gửi đơn hàng
Sau khi nhận được đơn hàng bạn gửi chúng tôi sẽ liên hệ bằng cách gọi điện lại để xác nhận lại đơn hàng và địa chỉ của bạn.
Trân trọng cảm ơn.