Giải sách hay 2020: VŨ DẠ ĐÀM - SHIBUSAWA
Tác giả: Shibusawa
Dịch thuật: TS. Nguyễn Lương Hải Khôi
Hình thức: bìa mềm, 350 trang
Thể loại: Tủ sách doanh nhân, lãnh đạo
Nhà xuất bản: Thế giới
VŨ DẠ ĐÀM - SHIBUSAWA
Lời nói đầu.
Dưới đây là hai bài giới thiệu, một của GS Trần Văn Thọ, một của tôi, cho quyển Tự truyện có tên Vũ Dạ Đàm (Nói chuyện trong đêm mưa) của Shibusawa Eiichi, một trong những nhà lập quốc vĩ đại của Nhật Bản Minh Trị. Nếu Fukuzawa Yukichi truyền bá văn minh khai sáng vào Nhật Bản để thức tỉnh dân tộc, thì Shibusawa có thể nói là một trong những người dựng nước qua việc xây dựng nền kinh tế theo mô hình phương Tây tại Nhật Bản dựa trên tri thức quản lý và công nghệ. Một quốc gia không chỉ thành công bằng những ý tưởng khai sáng thuần túy để có một quốc gia mới phú cường, mà còn bằng muôn vàn đóng góp của những người con thân yêu của đất nước gieo những hạt giống mới của một nền sản xuất hiện đại dựa trên tri thức, công nghệ, trên mảnh đất khai sáng đó. Nước Đức thế kỷ XIX cũng thế, không chỉ có các nhà tư tưởng lớn như Kant mà còn có cả một thiên hà các nhà công nghiệp vĩ đại như Krupp. Và hơn nửa thế kỷ sau, Nhật Bản cũng thế. Đó là quỹ đạo của sự phát triển của các quốc gia đi sau. Đọc Vũ Dạ Đàm chúng ta thấy một Nước Nhật mới manh nha thế nào từ buổi đầu của cuộc Duy Tân trên một mảnh đất trống không. Chỉ có tri thức còn phôi thai học được từ phương Tây, có lòng yêu nước nồng nàn, đạo đức truyền thống kiên định, ý chí và sự đoàn kết cao độ. Shibusawa, cũng như các nhà cải cách khác, không lập ra một lý thuyết mới nào cả, mà nhanh chóng áp dụng nền kinh tế phương Tây vào Nhật Bản. Muốn lấy lại sự bình đẳng đã mất đi trong các hiệp ước thương mại bất bình đẳng với phương Tây, và tránh số phận của Việt Nam hay Trung Hoa, thì đơn giản phải nhanh chóng xây dựng một quốc gia hiện đại như phương Tây để có sức mạnh kinh tế ngang bằng để được công nhận. Để làm điều đó, Shibusawa đã giúp khởi nghiệp – theo đúng nghĩa của từ này hôm nay – mấy trăm công ty ở thời điểm 150 năm trước như một người “khởi nghiệp hàng loạt” – serial entrepreneur – theo kiểu Thung Lũng Silicon, ở mức độ chưa từng thấy.
Nhưng mục đích tối hậu của ông không phải làm giàu, mà vì lý tưởng xây dựng quốc gia, và trách nhiệm của một “sỹ phu doanh nhân” ở buổi giao thời, làm cho tri thức và những cách làm ăn mới lan tỏa trên cả nước một cách thuyết phục để quốc gia thắng lợi. Một dân tộc có những kỳ vọng vĩ đại phải có những người con vĩ đại để thực hiện và trung thành một cách gương mẫu với lợi ích tối thượng của quốc gia. Shibusawa xuất hiện rất đúng lúc lịch sử yêu cầu. Shibusawa không những lập công ty, mà dựng cả quốc gia. Người ta có thể nói đến các nhà khai sáng, giáo dục, chính trị gia, tướng lãnh, nhưng sự hình thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng có ảnh hưởng to lớn, nếu không muốn nói quyết định, lên sức mạnh sống còn của quốc gia. Nhìn hệ thống các doanh nghiệp công nghiệp-tài chính, người ta có thể chẩn đoán sức khỏe của quốc gia.
Xin giới thiệu nồng nhiệt với quý độc giả một cuốn sách rất lôi cuốn.
NGUYỄN XUÂN XANH
...........
SHIBUSAWA EIICHI: HIỆN THÂN TINH THẦN DOANH NGHIỆP NHẬT BẢN
Trần Văn Thọ - Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo
Trong khoảng 150 năm phát triển kinh tế, Nhật Bản đã sản sinh ra nhiều nhà doanh nghiệp vĩ đại. Nói đúng hơn, không có họ thì Nhật không có một nền công nghiệp hiện đại như ngày nay. Những người sáng lập Toyota, Honda, Sony, Matsushita, Canon, v.v.. đều là những nhà doanh nghiệp được người Nhật truyền tụng mãi với lòng tự hào. Nhưng vượt lên trên tất cả những người nầy có lẽ là Shibusawa Eiichi (1840-1931). Ông hội tụ tất cả – mọi đức tính, mọi tố chất của một nhà lãnh đạo. Và hơn thế nữa, sống trong buổi giao thời của hai chế độ, sống trong giai đoạn đất nước đứng trước nguy cơ bị Tây phương xâm chiếm, thái độ và hành động của một kẻ sĩ thức thời ở ông đã góp phần quyết định vào sự thành công của Minh Trị duy tân. Và về đạo đức trong kinh doanh, như ta sẽ thấy sơ lược dưới đây, và thấy chi tiết trong sách này, cũng như các cuốn sách mà nhà nghiên cứu Nhật Bản Nguyễn Lương Hải Khôi đã dịch, cổ kim Đông Tây có ai hơn Shibusawa? Câu chuyện Shibusawa còn đáng kể mãi là vì nó phản ảnh một tấm gương sáng của người lãnh đạo chính trị trong chế độ mới, vì lợi ích quốc gia đã cầu hiền từ những người của chế độ cũ. Nếu không thì tài năng của Shibusawa đã bị mai một và có thể người Nhật đã không có một đất nước như ngày nay.
Shibusawa Eiichi
Sinh ra vào giai đoạn cuối của thời đại Edo trong một gia đình trồng dâu nuôi tằm tại Saitama, một tỉnh giáp Edo (tên cũ của Tokyo) về phía bắc, Shibusawa lúc nhỏ đã rất thông minh, ham học. Ông được Tokugawa Yoshinobu, tướng quân cuối cùng của thời Edo, tuyển vào cung để dạy cho công tử học. Sau công tử của tướng quân được gửi sang Pháp du học và Shibusawa cũng được gửi theo để dạy kèm. Trong lúc ở Pháp, Shibusawa khám phá nhiều điều mới lạ của một xã hội tiên tiến. Đặc biệt ông quan tâm đến tổ chức và hoạt động của công ty, của hệ thống ngân hàng. Thế rồi ông vừa làm công việc dạy kèm vừa vùi đầu vào việc nghiên cứu, ghi chép các vấn đề này.
Khi Shibusawa về nước (1868) thì chế độ tướng quân đã sụp đổ, thay vào đó là chính quyền mới được lập ra chung quanh Minh Trị Thiên Hoàng, và tướng quân cuối cùng đã về ở ẩn tại Shizuoka, một tỉnh ở vùng núi Phú Sĩ. Shibusawa cũng theo chủ về ở Shizuoka. Về ở ẩn nhưng ông vẫn băn khoăn về vận mệnh đất nước, nhất là ông nghiên cứu và tập hợp tư liệu về việc xây dựng và tổ chức một nền kinh tế tiên tiến, nhưng bây giờ lại không được thi thố tài năng. Ông suy nghĩ nhiều về phương cách truyền bá sự hiểu biết của mình mong góp phần biến cải xã hội. Ông bèn lập ra Sở giảng dạy thương pháp (luật về thương mại) tại nơi ở của mình với mong muốn giúp những doanh nhân vừa ra đời trong thời đại mới hiểu biết về cách tổ chức một công ty hiện đại.
Cùng lúc đó, chính quyền Minh Trị đương bắt tay vào việc xây dựng đất nước dưới các khẩu hiệu “phú quốc cường binh”, “quyết theo kịp phương Tây”, v.v.. và nhận ra rằng họ đương thiếu một chuyên gia am hiểu các vấn đề tài chánh, ngân hàng,… Họ chuẩn bị gửi người đi du học nhưng được thông tin về Shibusawa, họ đã quyết định mời ông tham gia chính quyền và cho giữ ngay một chức vụ quan trọng trong Bộ Tài chánh. Với cương vị và uy tín nầy, Shibusawa đã thi thố được hết tài năng của mình. Năm 1872, ông thiết lập hệ thống ngân hàng hiện đại, trong đó lập các ngân hàng tiên tiến và kiểu mẫu, sau đó trở thành điển hình cho một loạt các ngân hàng công và tư hình thành trong giai đoạn 1877-1880. Trong các thập niên 1880 và 1890, Shibusawa còn lập ra hàng chục công ty hiện đại trong các lãnh vực kéo sợi, dệt vải, đóng tàu, hàng hải, bảo hiểm, đường sắt, v.v.. Rất nhiều công ty hàng đầu của Nhật hiện nay thuộc nhiều lãnh vực khác nhau đã bắt nguồn từ công lao xây dựng của Shibusawa. Để nâng cao địa vị của giới doanh nhân, ông còn khởi xướng lập Phòng thương mại Nhật Bản và nhiều đoàn thể kinh tế khác. Thật không ngoa khi có nhiều nhà phân tích đã gọi Shibusawa là ông tổ của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản.
Shibusawa còn là một trong những người đầu tiên hô hào đạo đức trong kinh doanh, chủ trương nhà kinh doanh phải là người yêu nước và có hoài bão đem năng lực cải tiến xã hội, góp phần vào việc xây dựng đất nước và làm cho đồng bào mình được no ấm. Những công ty ông lập ra sau khi hoạt động đã lên quỹ đạo, ông rút lui nhường lại cho người trẻ để có thì giờ lập những công ty khác hoặc làm những việc khác, vì ông thấy trong một đất nước non trẻ còn quá nhiều lãnh vực cần ông phát huy năng lực. Ông có trên dưới 10 người con nhưng không hề áp đặt những công ty, những tổ chức do ông sáng lập phải nhận con ông vào trong ban lãnh đạo. Ông chủ trương con cháu ông phải tự lập, tự mình học hỏi, trau dồi và nếu xứng đáng thì xã hội sẽ trọng dụng.
Shibusawa bỏ công sức cho giáo dục và làm từ thiện. Ông đã tham gia sáng lập nhiều trường đại học, kêu gọi đóng góp vô vị lợi từ các công ty. Đại học Hitotsubashi, nơi tôi học ngày xưa, bắt đầu bằng một cơ sở giáo dục do ông sáng lập thời đầu Minh Trị (Sở giảng dạy thương pháp nói trên).
Tên tuổi của Shibusawa Eiichi được truyền tụng mãi ở Nhật Bản, chiếm một vị trí lớn trong sách giáo khoa cho học sinh các cấp. Ông là một trong những nhân vật lãnh đạo vĩ đại của thời Minh Trị và có thể nói ông là nhà doanh nghiệp vĩ đại nhất của Nhật xét từ mọi phương diện tài năng, đức độ, và mức độ ảnh hưởng đến quá trình đưa nước Nhật thành một cường quốc kinh tế.
Tôi có một kỷ niệm đẹp với người cháu đích tôn 4 đời của Shibusawa Eiichi, đó là Shibusawa Masahide (1925-). Ông cố nội (tằng tổ phụ) của Masahide là Shibusawa Eiichi và ông cố ngoại là Iwasaki Yataro (ông tổ sáng lập tập đoàn Mitsubishi). Từ đầu thập niên 1990, tôi có quan hệ khá thân thiết với ông Shibusawa Masahide, lúc đó ông là Giám đốc Quỹ Kỷ niệm Shibusawa Eiichi, đồng thời là hiệu trưởng trường Nữ học quán Tokyo (Tokyo Jogakkan). Khi tôi vận động các giới ở Nhật để thành lập Trung tâm Kinh tế châu Á Thái bình dương (VAPEC) tại Việt Nam (năm 1993), ông Masahide có tham gia vào ban cố vấn.
Một kỷ niệm rất đẹp là như thế này: Năm 1993 cuốn sách (bằng tiếng Nhật) của tôi (xuất bản năm 1992) được Giải thưởng Châu Á Thái bình dương (do Nhật báo Mainichi và Viện nghiên cứu Á châu tổ chức). Tôi đã dùng tiền thưởng đó tặng cho trường trung học phổ thông (Cấp 3) ở Hội An để làm quỹ học bổng cho học sinh nghèo. Thật ra ở bậc trung học cơ sở (Cấp 2) tôi học ở trường khác, một trường ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Lẽ ra tiền học bổng nên chia hai để tặng cho cả hai trường, nhưng nghĩ là số tiền không lớn nên chỉ dành cho một nơi, còn nơi khác sẽ cố gắng tìm một quỹ khác.
Sau đó ít lâu, trong một buổi ăn trưa trò chuyện với ông bà Shibusawa Masahide, tôi vui miệng kể chuyện học bổng nói trên và tâm sự là nếu có số tiền lớn hơn tôi đã giúp cả trường cấp 2 nữa. Ông Masahide nói ngay: “Vậy để tôi giúp số tiền bằng tiền giải thưởng cuốn sách để anh lập quỹ học bổng cho Trường cấp 2”. Tôi rất ngạc nhiên vì sự phản ứng rất nhanh và rất tự nhiên của ông Masahide. Thế là cả hai trường đều có quỹ học bổng. Qua câu chuyện này, tôi muốn nói đến tinh thần vì công ích, vì xã hội đã thấm vào máu thịt của con cháu Shibusawa Eiichi.
Có nhiều định nghĩa về tinh thần doanh nghiệp (entrepreneurship) nhưng theo tôi, một tố chất quan trọng trong tinh thần doanh nghiệp là văn hóa, là đạo đức kinh doanh, là lòng yêu nước, là tinh thần phụng sự xã hội. Ở Việt Nam ta hiện nay rất cần những nhà doanh nghiệp có những tố chất như Shibusawa Eiichi.
Tokyo, mùa anh đào năm 2019
Sách Khai Minh trân trọng giới thiệu bạn đọc !
Bước 1: Truy cập website và lựa chọn sản phẩm cần mua để mua hàng
Bước 2: Click và sản phẩm muốn mua, màn hình hiển thị ra pop up với các lựa chọn sau
Nếu bạn muốn tiếp tục mua hàng: Bấm vào phần tiếp tục mua hàng để lựa chọn thêm sản phẩm vào giỏ hàng
Nếu bạn muốn xem giỏ hàng để cập nhật sản phẩm: Bấm vào xem giỏ hàng
Nếu bạn muốn đặt hàng và thanh toán cho sản phẩm này vui lòng bấm vào: Đặt hàng và thanh toán
Bước 3: Lựa chọn thông tin tài khoản thanh toán
Nếu bạn đã có tài khoản vui lòng nhập thông tin tên đăng nhập là email và mật khẩu vào mục đã có tài khoản trên hệ thống
Nếu bạn chưa có tài khoản và muốn đăng ký tài khoản vui lòng điền các thông tin cá nhân để tiếp tục đăng ký tài khoản. Khi có tài khoản bạn sẽ dễ dàng theo dõi được đơn hàng của mình
Nếu bạn muốn mua hàng mà không cần tài khoản vui lòng nhấp chuột vào mục đặt hàng không cần tài khoản
Bước 4: Điền các thông tin của bạn để nhận đơn hàng, lựa chọn hình thức thanh toán và vận chuyển cho đơn hàng của mình
Bước 5: Xem lại thông tin đặt hàng, điền chú thích và gửi đơn hàng
Sau khi nhận được đơn hàng bạn gửi chúng tôi sẽ liên hệ bằng cách gọi điện lại để xác nhận lại đơn hàng và địa chỉ của bạn.
Trân trọng cảm ơn.