XÃ HỘI CỔ SƠ, NHÌN TỪ DIỄN TRÌNH TƯ DUY CON NGƯỜI NGUYÊN THỦY - P1
07/07/2020
Nhân học văn hóa là một ngành khoa học được hình thành ở phương Tây khoảng đầu thế kỷ XIX và phát triển rực rỡ vào khoảng đầu và giữa thế kỷ trước
Tác giả: ĐOÀN ÁNH DƯƠNG
Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số tháng 10 năm 2007
Nhân học văn hóa là một ngành khoa học được hình thành ở phương Tây khoảng đầu thế kỷ XIX và phát triển rực rỡ vào khoảng đầu và giữa thế kỷ trước. Ở Việt Nam, một số nhà văn hóa học và dân tộc học đã tiếp cận với những hạt nhân tư tưởng của lý thuyết này ngay vào lúc nó có được những ảnh hưởng mạnh mẽ tới khoa học xã hội và nhân văn, tiêu biểu là Nguyễn Văn Huyên và Từ Chi (1). Nhưng phải đến đầu thế kỷ này, cùng với một số công trình dịch thuật, một số ứng dụng nhỏ, bạn đọc Việt Nam mới phần nào thấy rõ công năng và những hướng gợi của nhân học văn hóa trong việc tìm hiểu nền văn hóa dân tộc (2). Tuy nhiên, cơ sở lý luận của ngành nhân học văn hóa hầu như vẫn chưa được giới văn hóa học Việt Nam đặt ra một cách riết róng. Trong tình hình ấy, việc Tủ sách văn hóa tổ chức chuyển ngữ Cành Vàng (3) của James George Frazer, nhà nhân loại học kiệt xuất theo trường phái tiến hóa luận của nhân học xã hội cổ điển Anh, là cần thiết và bổ ích. Trước nhất ở khía cạnh giúp cho người đọc được biết đến những hệ luận uyên bác của một công trình nhân học kinh điển; sau nữa, là một khối tư liệu khổng lồ và quý giá về văn hóa nhân loại thời nguyên thủy.
Điểm phát xuất của J. G. Frazer trong hành trình tìm hiểu cảm quan về thế giới của con người nguyên thủy là những “nghi thức được tạo dựng ở Némi”, một thánh địa xứ Aricie, nước Italia. Ông muốn cắt nghĩa cái quy tắc khác thường xác định dòng kế tục của các giáo sĩ thờ nữ thần săn bắn và thiên nhiên hoang dã Diane ở nơi đây: người kế nhiệm một giáo sĩ có danh hiệu Ông Vua của Rừng phải chặt được một cành cây - Cành Vàng - của một cây đặc biệt trong khu rừng thiêng liêng trước khi hạ sát người tiền nhiệm của mình. Đó là một điều luật ở nơi này, rằng vị tư tế đồng thời là một kẻ sát nhân, anh ta giết chết vị giáo sĩ trước mình để trở thành giáo chủ và nắm giữ chức vụ đó đến một ngày trở thành nạn nhân của một kẻ tài giỏi và mạnh mẽ hơn, đến sau anh ta. Bước đường truyền giáo vì vậy sẽ là lịch sử bằng máu của những cuộc hạ sát. Nhưng với khối tư liệu đồ sộ của mình như huyền thoại, truyền thuyết, cổ tích, tập tục, nghi lễ, hội hè được các nhà truyền giáo, những người đi xâm lược thuộc địa, các nhà thám hiểm, nhà khoa học, khách du lịch thu thập từ tất cả các nơi trên thế giới, J. G. Frazer đã nhận ra quy tắc về dòng kế tục ở Aricie không phải là một hiện tượng cá biệt, mà là “một trường hợp đặc biệt của một thể chế phổ biến rộng lớn”. Và một cuộc khảo sát trên quy mô toàn cầu, theo hệ luận mà ông đưa ra, đã đem đến những kết quả bất ngờ. Quá trình thực hiện mục đích trực tiếp ban đầu đã được mở rộng và đem đến những kiến giải sâu sắc về những nguồn gốc ma thuật của vương triều, về lễ hội thờ cúng cây cối, về sự cấm kỵ, lễ hội về lửa, việc hạ sát thần linh, lịch sử tôn giáo... đặc biệt là quá trình chuyển đổi từ pháp thuật giao cảm sang tín ngưỡng tôn giáo, từ tư duy ma thuật sang tư duy tôn giáo, tức sự tiến hóa của văn hóa thời nguyên thủy. Trước những vấn đề rộng lớn như vậy, bài viết nhỏ này chỉ bước đầu đề cập đến quan niệm của J. G. Frazer về bước chuyển đầu tiên của tư duy con người: từ tư duy ma thuật sang tư duy tôn giáo và ý nghĩa mở đường của lý thuyết ấy cho một sự soi rọi của khoa học vào xã hội nguyên thủy.
Ngay từ lúc tiến hành tìm hiểu nghi thức hiến tế ở Némi, J. G. Frazer đã chỉ ra rằng: khi cuộc sống đặt ra cho con người nguyên thủy yêu cầu phải tìm ra phương sách chí ít để tồn tại, sau đó là để thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu, bằng trình độ văn hóa chẳng có được gì là cao lắm của mình, họ đã đưa ra những biện pháp vừa ngớ ngẩn vừa sai lầm là ma thuật. Đó là “một cách giả mạo có hệ thống quy luật của tự nhiên, đồng thời là một người dẫn đường lầm lẫn cho hành vi ứng xử, một khoa học dối trá cũng như một nghệ thuật cằn cỗi”. Tương ứng với việc nhìn nhận nó như là hệ thống các quy luật xác định bước tiếp nối của tự nhiên, là ma thuật lý thuyết; được nhìn nhận như một chuỗi giáo điều cần được áp dụng, là ma thuật thực hành. Nhưng hình như với người nguyên thủy, sự phân biệt này là giả tạm, người ta chỉ chú ý đến phương diện thực hành của ma thuật, tức coi ma thuật như một nghệ thuật, thì theo hướng tích cực (làm nảy sinh những điều mong muốn), họ thực hành phép phù thủy; còn theo hướng tiêu cực (né tránh một tác hại nào đó), họ thực hành điều cấm kỵ. Nhưng vấn đề quan trọng hơn, theo J. G. Frazer, là cần phải tìm hiểu được các nguyên lý của ma thuật và hiểu được bằng cách thức đặc biệt nào mà ma thuật đã chế ngự tâm trí con người nguyên thủy. Ông cho rằng cái tư tưởng làm nền tảng cho ma thuật dựa trên hai nguyên lý phổ quát: 1,- mọi vật giống nhau sẽ mời gọi đồng loại, hay một hiệu quả sẽ giống như nguyên nhân của nó; 2,- những sự vật đã từng có một lần tiếp xúc với nhau, tiếp tục tác động lẫn nhau, kể cả khi cuộc tiếp xúc đó đã kết thúc. Tương ứng với nguyên lý thứ nhất là quy luật tương đồng, dựa vào việc kết hợp các ý tưởng bằng các trạng thái giống nhau, làm nảy sinh ma thuật bắt chước (hay ma thuật vi lượng); với nguyên lý thứ hai, dựa vào việc kết hợp các ý tưởng bằng các trạng thái gần gũi kề cận, là quy luật tương cận, làm nảy sinh ma thuật lây truyền. Và một lần nữa, sự phân biệt này lại trở nên quá ư phức tạp với trí thông minh sơ đẳng và hạn hẹp của con người nguyên thủy. Sự giao thoa giữa hai loại ma thuật dưới những dấu hiệu của cùng một “mối giao cảm đặc biệt” làm nên sự tác động lẫn nhau giữa các sự vật, dẫn tới việc hầu như chúng được người nguyên thủy nhìn nhận dưới cùng một dạng là ma thuật giao cảm. Đến đây, vấn đề tư duy của người nguyên thủy được đặt ra. Vấn đề chủ chốt kéo theo là những biểu hiện và quá trình vận động của nó sẽ thế nào?
Hình như ngay từ thuở sơ khai, một sự “nhân hóa” các tạo vật là một nét phổ quát. Người nguyên thủy quan sát và chiêm nghiệm từ chính đời sống của họ rồi áp đặt cho thế giới tự nhiên. Thực hành ma thuật, con người tối cổ đã tự tin vào sức mạnh của mình để đối mặt với tất cả những khó khăn và nguy hiểm đe dọa họ từ mọi phía. Một loạt các ví dụ được J. G. Frazer nêu ra đã cho thấy mỗi cá nhân người nguyên thủy luôn có ý thức trông cậy vào sự tồn tại của tự nhiên theo một trật tự nào đó được anh ta thiết lập và tin tưởng rằng qua nó anh ta sẽ đạt được những mục đích của mình. Xã hội nguyên thủy trở thành một sân khấu rộng lớn cho các cá nhân biểu diễn nghệ thuật ma thuật của mình, tức một kiểu thực hành ma thuật cảm tính, riêng tư và đơn lẻ. Đến một lúc nào đó, khi anh ta nhận ra sự sai lầm của mình, rằng những pháp thuật nảy sinh trong trí tưởng tượng của anh ta không đem đến hiệu quả như mong muốn, rằng nó còn thua sút quá nhiều so với một vài kẻ khác trong cộng đồng. Ở phương diện cảm tính, anh ta cảm phục và dần suy tôn kẻ có tài năng và phẩm tính hơn người ấy. Sự gặp gỡ về tình cảm này ở một số đông những con người khá đồng đều bởi mặt bằng tư duy non nớt và mê tín nghiễm nhiên đem đến một vầng hào quang ảo tưởng xung quanh những nhân vật đó. Đến lúc này, một kẻ trong số những kẻ thông minh nhất, có những năng lực cao cấp nhất nhanh chóng nhận ra cơ hội đem đến những lợi ích cho riêng mình bằng cách dựa vào tư tưởng mê tín để lường gạt những người anh em giản đơn hơn. Bởi anh ta càng sáng suốt bao nhiêu thì càng dễ nhận ra vầng hào quang có được là dựa trên sự cả tin của những kẻ đồng hành đã phong cho anh ta; và nữa, càng tin chắc là mình biết cách chọc thủng ảo tưởng đang lừa phỉnh những đầu óc đần độn hơn, anh ta càng riết róng tìm ra các phương sách để bảo toàn vị thế và quyền năng đang có. Một vị “ma sư” ra đời và được tôn vinh như là đại diện của cộng đồng, ma thuật cũng thoát khỏi tình trạng riêng rẽ để hình thành ma thuật “công cộng”. Nhưng ở cương vị mới, trong những toan tính của mình, anh ta không thực hành ma thuật nữa để trở thành một “viên chức công cộng” đứng ra đảm nhận một thứ công việc gọi là nghi lễ ma thuật với hy vọng đem đến những điều tốt đẹp cho cả cộng đồng. Bởi một thực hành thất bại, mà đấy là điều phổ biến trong ma thuật, sẽ nhanh chóng đẩy anh ta đến bờ vực của sự tẩy chay, đào thải.
Hẳn nhiên, sự ra đời của một thứ “nghề nghiệp pháp sư” như vậy nằm trong toan tính của một số kẻ thông minh hơn nhằm được đảm nhiệm những vị thế có tính chất “viên chức” như thế. Bởi khi sự phồn vinh của cả bộ lạc được coi như phụ thuộc vào việc hoàn thành nghi lễ ma thuật của vị pháp sư, thì tất yếu ông ta “trở thành một nhân vật có ảnh hưởng lớn, rất nổi tiếng và dễ dàng giành được vị trí và quyền lực của thủ lĩnh và của nhà vua”. Nghĩa là nghề nghiệp này sẽ gợi mở cho những đầu óc sáng suốt “những viễn cảnh vinh quang, giàu có và thế lực mà không nghề nghiệp nào có thể mang tới”. Nhưng tuyệt nhiên với hầu hết con người ở giai đoạn cổ sơ, “ngón nghề” khôn ngoan của một số kẻ đó không bị coi là xấu xa mà còn được họ thực sự ủng hộ. J. G. Frazer cho rằng xu hướng đặt việc điều khiển công việc của cộng đồng lên vai một con người duy nhất, khôn khéo nhất trong bộ lạc, nghĩa là thể chế dân chủ sơ khai được thay thế bằng chế độ quân chủ là một bước tiến lớn trong quá trình tiến hóa của loài người. “Bởi lẽ sự xuất hiện của chế độ quân chủ, J. G. Franzer viết - hình như đã là một điều kiện cần thiết cho nhân loại bước ra khỏi trạng thái man dã. Không một con người nào lại bị kiềm giữ chặt chẽ trong gọng kìm của tập tục và truyền thống bằng con người man dã ở trạng thái dân chủ và do vậy không có giai đoạn nào của xã hội mà bước tiến bộ lại chậm chạp và khó khăn đến như vậy. Cái ý nghĩ cũ kỹ cho rằng con người thời nguyên thủy là con người tự do nhất là phản lại sự thật. Con người nguyên thủy là kẻ nô lệ, chắn chắn không phải của một ông chủ vô hình, mà là kẻ nô lệ của quá khứ, của những linh hồn tổ tiên đã chết, những người khách tới thăm, vốn bám theo những bước chân của con người đó từ lúc ra đời cho đến khi chết, và dẫn dắt con người đó như là với một cây roi sắt”. Song hành trình đến được nấc thang đó của con người cổ xưa không phải là kết quả của ngày một ngày hai, mà thời gian ở đây phải được tính bằng con số hàng ngàn, thậm chí cả vạn năm. Vậy mà, thành tựu đó xét đến cùng vẫn là giả trá và sai lầm. Bởi tự nhiên có những quy luật hoạt động riêng của nó mà con người chỉ là một bộ phận nhỏ nhoi cấu thành chứ không phải là thành tố giữ vai trò điều khiển cỗ máy vĩ đại ấy.
Chúng ta thử hình dung, đến một ngày nào đó, người nguyên thủy nhận ra rằng mặt trời và mặt trăng không phải mọc lên và lặn xuống theo phép phù thủy; gió, mưa, sấm, chớp không phải xuất hiện từ những tri hô quyền uy; những người bạn và kẻ thù ngã xuống cũng chẳng phải do những ám thuật mà họ dày công tạo tác... Cả những nghi thức ma thuật huyền bí mà vị pháp sư tối thượng thay mặt họ tiến hành cũng không đem đến một kết quả khả quan hơn. Nghĩa là con người nguyên thủy nhận ra tất cả cái trật tự được xác lập ở trong tự nhiên do họ toàn quyền quyết định trước kia, hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng, của một trí thông minh còn quá ư sơ đẳng và nghèo nàn. Người ta thức nhận rằng con người thật nhỏ nhoi, bấy yếu; rằng tự nhiên có những quy luật của nó, được điều hành bởi những thế lực lớn mạnh hơn bất cứ sức mạnh nào mà họ đã có; rằng những sinh thể hùng mạnh khác mới là kẻ điều khiển dòng chảy của thế giới chứ không phải ma thuật của chính mình. Con người buộc phải chấp nhận một thực tế khác xa với những gì họ đã hình dung và tưởng tượng. Cùng với việc thú nhận sự yếu đuối và dốt nát, lòng tin vào các hành vi ma thuật nhường chỗ cho sự sợ hãi làm nảy mầm một niềm tin khác, rằng họ có thể sống hòa đồng và cầu xin lòng thương từ những sinh thể hùng mạnh ấy. Tất cả vẫn diễn ra đầu tiên từ trong bộ phận ưu tú nhất, trong cách vị pháp sư tìm đến những giải pháp khả dĩ vừa bảo toàn được vận mệnh của mình vừa hứa hẹn những bước phát triển của cộng đồng anh ta trị nhậm. Ông ta sẽ thôi không còn huênh hoang vào năng lực của mình mà khiêm tốn thú nhận sự khuất phục trước những thế lực hùng mạnh, cung kính cầu xin họ bảo lãnh và ban phát hạnh phúc cho cộng đồng của ông ta. Nghĩa là nghi lễ ma thuật từng một thời là “ngón nghề” hiệu quả nay đã bị loại bỏ, thay thế vào đó là một ý niệm thành kính quỳ gối trước sự vĩ đại của thánh thần. Trước hiện thực đó, J. G. Frazer cho rằng khám phá về tính vô hiệu quả của ma thuật cùng sự từ bỏ hành động để manh nha ý niệm hòa giải, đã kéo theo một cuộc cách mạng cơ bản trong tư duy của con người: sự hình thành tín ngưỡng và niềm tin tôn giáo. Đây mới là cái bước ngoặt vĩ đại nhất, bước ngoặt đầu tiên biến con người mông muội thành con người văn minh và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Song nếu nhận định này là minh xác thì sẽ phải giải quyết thế nào với một thực tế là đã có lúc trong lịch sử phát triển của tôn giáo (dù là mãi sau này), hình như nó đã kìm hãm sự phát triển của khoa học và tiến bộ xã hội khi nhấn chìm châu Âu văn minh trong đêm trường trung cổ? Và nữa, đặt ngay trong giai đoạn mà tôn giáo đang đấu tranh với ma thuật để khẳng định ưu thế của mình, thì hình thành một ý tưởng mang tính cải lương là “quỵ lụy các vị thần bảo hộ bằng lời cầu khấn và lễ vật hiến sinh” làm cách nào lại có được một ý nghĩa cách mạng đến vậy?
Khi cho rằng tôn giáo là “việc cầu phúc hay việc hòa giải những thế lực cao cấp hơn con người, chỉ huy và điều hành dòng chảy của tự nhiên và đời sống con người”, J. G. Frazer đã đặt theo cùng một cách lập luận trong việc hình thành khái niệm ma thuật để chỉ ra những bước tiến vượt lên của nó. Cũng như ma thuật, tôn giáo gồm hai thành tố, một mang tính lý thuyết và một mang tính thực hành. Hai thành tố này thống nhất với nhau ở quan điểm có một thế lực cao cấp hơn con người và cần gắng gỏi sao đó để nó trở thành thế lực bảo hộ cho con người, hoặc ít nhất là để làm vừa lòng những thế lực ấy (hòng tránh một tác hại nào đó nếu thế lực ấy nổi giận chẳng hạn). Vì thế, ở phương diện lý thuyết là việc hình thành một tín điều tin rằng có một sự tồn tại của thần thánh; trước khi nảy sinh phương diện thực hành là phải cố gắng để tranh thủ sự phù hộ của các thần thánh đó. Nghĩa là một tín ngưỡng sẽ có trước, nhưng nếu nó không dẫn đến những thực hành tương ứng thì sẽ không có tôn giáo mà chỉ có thể trở thành thần học. Như vậy, tôn giáo cũng hướng đến thực hành, thậm chí phải đấu tranh với phương thức thực hành ma thuật để tồn tại.
Khác với ma thuật, thậm chí cả khoa học, tôn giáo giả định một cách rõ ràng là dòng chảy của tự nhiên không phải lúc nào cũng khô cứng và bất biến nên đặt ra niềm tin có thể “dắt dẫn những thế lực hùng mạnh đang chi phối thế giới, vì lợi ích của chúng ta, làm thay đổi dòng chảy của những biến cố, khiến dòng chảy ấy thoát ra khỏi lòng sông cũ của nó”. Vì thế, nếu ma thuật coi thế giới là khách quan (nhưng lại hi vọng rằng có một ngẫu nhiên nào đó mà thần linh sẽ đáp ứng nhu cầu của con người thông qua một pháp thuật giao cảm); thì tôn giáo coi tự nhiên là chủ quan, được chi phối bởi các thế lực có ý thức, nên có thể thông qua việc thuyết phục mà kêu gọi một sự cảm thông. Để bổ khuyết vào những hạn chế của ma thuật như là một sự áp dụng giản đơn và sai lầm những ý tưởng sơ đẳng nhất của trí óc: kết hợp những ý nghĩ bằng sự tương đồng hay tương cận; tôn giáo giả định ở trong tự nhiên có những nhân tố không thấy được, tác động tới cuộc sống con người một cách có ý thức và riêng tư. J.G. Frazer rất chú trọng đến đặc điểm này của tư duy người nguyên thủy, ông cho rằng: hiển nhiên là việc nhận thức có tồn tại những tác nhân riêng tư là một phương thức phức tạp hơn; và một học thuyết giả định rằng dòng chảy của tự nhiên được xác định bởi những tác nhân có ý thức là khó hiểu và trừu tượng hơn so với học thuyết theo đó các sự vật tiếp nối với nhau chỉ bởi lý do chúng tiếp cận với nhau hay có sự tương đồng với nhau, như một dấu ấn phổ biến trong tập quán sinh sống bầy đàn còn rơi rớt lại. Quan niệm cho rằng sự khác biệt cơ bản giữa tôn giáo và ma thuật là vấn đề tư duy; rằng sự tiến hóa của con người phải qua kỷ nguyên ma thuật mới đến kỷ nguyên tôn giáo là theo hướng suy luận đó.