TRIẾT HỌC HIỆN SINH CỦA SØREN KIERKEGAARD
02/07/2020
By James Tran
Søren Kierkegaard (1813- 1855)
Chủ nghĩa hiện sinh là một trào lưu triết học lớn của thế kỷ 20, dĩ nhiên nó nổi tiếng đến độ chúng ta nghĩ ngay đến các tên tuổi lớn như Heidegger đại diện cho dòng hiện sinh Đức; Sartre, Beauvoir, Camus đại diện cho hiện sinh Pháp và một vài tên tuổi khác.
Chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism), về mặt khái niệm, được tạo bởi triết gia người Pháp Gabriel Marcel vào giữa năm 1940 và sau đó được Jean Paul Sartre sử dụng như một tuyên ngôn trong bài nói chuyện với nhan đề Thuyết hiện sinh là một nhân bản thuyết (Existentialism is a Humanism) được xuất bản năm 1946. Kể từ đó, khái niệm hiện sinh trở nên phổ biến và tư tưởng hiện sinh trở thành một khuynh hướng nổi tiếng. Chủ nghĩa hiện sinh, trong ý nghĩa của nó, là một khuynh hướng triết học về con người: “Bất cứ khuynh hướng nào trong triết hiện sinh đều là triết học về con người, trước khi là triết học về vũ trụ” [1].
Chủ nghĩa hiện sinh là triết học và dĩ nhiên, triết học thì luôn bắt đầu bằng câu hỏi, không phải câu hỏi thường ngày kiểu như: hôm nay chúng ta ăn gì, mặc gì để đi làm, đi bằng xe máy hay grab, đến cơ quan có nên gặp sếp hay không v.v..mà câu hỏi động vào bản chất của đời sống: Đau khổ là gì, tại sao chúng ta đau khổ, cuộc sống này có ý nghĩa hay không, có tự do cho chúng ta hay không…Những điều ấy luôn khiến cho chúng ta phải thấp thỏm, lo âu và vội vàng đi tìm câu trả lời cho nó và các triết gia hiện sinh luôn đối mặt với những câu hỏi như vậy. Giải pháp mà họ đưa ra không phải lúc nào hiệu quả cho tất cả mọi người và rất khó để có những giải pháp cho những câu hỏi về tôn giáo.
Những ý tưởng hiện sinh không phải bắt đầu từ các triết gia như Sartre hay Heidegger mà lại khởi nguồn từ hai ông tổ đối nghịch nhau về thế giới quan: Nietzsche vô thần và Soren Kierkegaard hữu thần. Trong Zarathustra đã nói như thế, Nietzsche tuyên bố “Chúa đã chết. Chúa chết vì lòng thương xót con người" (God is dead. God died of his pity for man) [2]. Bản thân những nhà hiện sinh như Sartre, Camus và Beauvoir cũng đều là những nhà vô thần, phủ nhận sự tồn tại của Chúa. Nhưng lý do tại sao họ lại phủ nhận sự tồn tại của Chúa? Chúng ta sẽ bàn trong một bài viết khác. Còn ở đây, với lời tuyên bố hùng hồn của Nietzsche, liệu Chúa đã thực sự Chết hay là...may mắn thay, chúng ta vẫn còn một người ngược dòng quan niệm của Nietzsche: Søren Kierkegaard (1813- 1855) - ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh đã biến Kito giáo thành một trong những nguyên tắc tư tưởng cốt lõi của mình.
Kierkegaard (từ đây viết Kier cho gọn) là triết gia Đan Mạch sinh ra trong một gia đình giàu có ở Copenhagen vào thế kỷ 19. Ông là một cây bút sung mãn, thường dùng bút danh để khám phá những góc nhìn khác nhau. Kier quan tâm đến các vấn đề hiện sinh như sự lo âu, phi lý, tính đích thực, sự tuyệt vọng, ý nghĩa sống và con người cá nhân. Tuy nhiên, không giống như các triết gia hiện sinh hậu bối vô thần của mình, Kier đặt đức tin vào trung tâm của các giải pháp cho cuộc sống. Cũng giống như Nietzsche, cái chết của Chúa là chìa khóa tư tưởng, thì với Kier, nhu cầu có một Thiên Chúa là điều rất quan trọng cho cuộc đời.
Đi tìm ý nghĩa sống
Kier đồng ý rằng cuộc sống có thể là phi lý và rất khó để tìm kiếm ý nghĩa. Trái ngược với Nietzsche, người cho rằng cái chết của Chúa gây ra điều này, Kier lại cho rằng trong thời đại hiện nay (thời mà Ông đang sống, và một ý nghĩa nào đó cũng có thể là thời đại mà chúng ta đang sống, thế kỷ 21), ý nghĩa cuộc sống bị trừu tượng hóa thành các khái niệm và người ta có xu hướng nhìn mọi thứ một cách duy lý. Đối với Hegel (1770 – 1831), con người là sản phẩm tất yếu của sự vận động biện chứng lôgích. Chống lại điều đó, Kier lên tiếng đầy thách thức: “ông muốn nói gì cũng vô ích, tôi không phải một khoảng khác lôgích trong hệ thống của ông. Tôi hiện hữu, tôi tự do, tôi là một cá nhân không phải là một khái niệm. Không một ý tưởng trừu tượng nào có thể diễn tả nổi nhân cách của tôi hay thiết định được dĩ vãng, hiện tại, nhất là tương lai của tôi hay múc cạn được những khả tính của tôi. Không một lập luận nào có thể giảng nghĩa cho tôi về chính tôi, về cuộc đời và những sự tự do lựa chọn của tôi hay về sự sống, sự chết của tôi” [3].
Do đó, Kier than thở rằng Ông đang sống trong một thời đại mà con người ngày càng bị khái quát hóa, trừu tượng hóa, cái thời mà một người sống theo đam mê thì bị xem là vô độ, vô lối, phi chuẩn và sống trong cái thời mà ai cũng giống ai chẳng một sai khác. Kier khuyên chúng ta nên sống cho đam mê, nên lo lắng cho những vấn đế cuộc sống cá nhân hơn là sống chiều lòng thiên hạ. Toàn bộ triết học của Kier chính là cách sống như thế này, thậm chí người ngoài nhìn vào vẫn không hiểu được động lực sống của chúng ta.
Kier phát hiện ra một điều mà các nhà hiện sinh hậu bối kế thừa, đó là lý trí và khoa học có thể cho chúng ta biết nhiều thứ nhưng chúng không thể làm cho cái gì đó có giá trị hay có ý nghĩa mà chúng ta – những con người phải làm điều đó. Ý nghĩa, giá trị, mục đích cuộc sống không thể bị quy giản thành những yếu tố có thể định lượng được, nó tùy thuộc vào hành động cá nhân của mỗi con người để tự quyết định cái gì sẽ có ý nghĩa cho cuộc sống của chính mình. Giải pháp được Kier đưa ra cho việc tìm kiếm ý nghĩa đó là đến với Thiên Chúa, hãy cứ tin đi.
Sống đời tự do
Kier nói rằng chúng ta phải đối diện trước thế giới với tư cách là một cá nhân, tuy nhiên, để được là chính mình, tức không đánh mất mình, chúng ta phải nhận ra “sức mạnh của một Người đã thiết định nên nó”. Chúng ta được ban cho mệnh lệnh đạo đức (ethical imperative) để khám phá và sống trọn vẹn với chính mình, và Thiên Chúa là một phần quan trọng của mệnh lệnh đó. Mỗi ngày, chúng ta được (Chúa) hiển lộ cho thấy những sự kiện của cuộc sống, những điều khả thể (có thể thực hiện được), và chúng ta phải lựa chọn nó. Nói về việc lựa chọn, Kier cho rằng, không lựa chọn cũng là một lựa chọn, nhưng là một lựa chọn nghèo nàn.
Kier cũng cảnh báo chúng ta về sự lo âu đi kèm với việc lựa chọn con đường đời. Trong lúc chúng ta phải chọn, chúng ta không bao giờ có thể chắc rằng mình sẽ chọn đúng, vì “cuộc sống chỉ có thể được nhận thức ngược về quá khứ, nhưng nó phải được sống cho tương lai”. Như vậy, theo cách đó, chúng ta có khả năng vô hạn những lựa chọn tự do cho tương lai: "Nếu anh kết hôn, anh sẽ hối tiếc, nếu anh không kết hôn, anh cũng sẽ hối tiếc; nếu anh kết hôn hoặc không kết hôn, anh sẽ hối tiếc cả hai".
Giống như Nietzsche, Kier cũng nhìn thấy tiềm năng của việc sử dụng “lý luận/luận thuyết-isms” để giải quyết những vấn đề của ý nghĩa cuộc sống con người. Soren tập trung vào ý tưởng cuộc sống đạo đức như một lối thoát khỏi việc ban ý nghĩa cho chính mình bằng cách chọn một hệ thống xã hội hay đạo đức để bám vào, trong đó chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa sống giữa quan hệ của mình với hệ thống ấy hơn là quan hệ với chính mình. Ông thấy điều này là khả dĩ cho nhiều người nhưng nó không phải là một giải pháp lý tưởng cho những vấn đề của chúng ta.
Một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề ý nghĩa cuộc sống đó chính là biến thể Kito giáo của một siêu cá nhân (super individual) Ubermensch - là từ mà Nietzsche sau này dùng trong Thus spoke Zarathustra. Hiệp sĩ của Đức tin (Knight of Faith) [4] là một cá nhân đã vượt khỏi ngoài việc dựa vào lý trí ngoại tại hay “các luận thuyết/lý thuyết/chủ nghĩa” để biện minh cho cuộc sống của họ và cống hiến trọn vẹn bản thân cho tiếng gọi cao cả hơn, với Kier, đó là tiếng gọi của Thiên Chúa và cuối cùng, hãy cứ tin, hãy đến với Chúa, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa sống. May mắn thay, chúng ta còn lại điều này để đối chọi với vũ trụ cô đơn nơi mà "Chúa đã chết" trong tư tưởng Nietzsche.
-------------------------
Chú thích:
[1]. Trần Thái Đỉnh. (2015). Triết học hiện sinh. Nxb. Văn học, p.23.
[2]. Nietzsche, F. W., & Kaufmann, W. A. (2004). Thus spoke Zarathustra: A book for all and none. Recording for the Blind & Dyslexic, p.90.
[3]. Bùi Đăng Duy (2014), Triết học hiện đại Pháp – Những điểm gặp gỡ ở Việt Nam, Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia, p.217.
[4]. Trong cuốn “Kính sợ và run rẩy” Kier dùng vài phương pháp để xác định ai là Hiệp sĩ của Đức tin và ai là kẻ mất trí.
Giới thiệu một số sách về Triết học hiện sinh nên đọc:
1. Chủ nghĩa hiện sinh - Dẫn luận ngắn - Thomas Flynn
2. Triết học hiện sinh - Trần Thái Đỉnh
3. Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản - Jean Paul Sartre
5. Kính sợ và run rẩy - Kierkegaard
7. Thần thoại Sisyphus - Camus