Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Tranh cãi về cuốn "Tư bản thế kỷ 21"

16/03/2021

Tác giả: Nguyễn Vạn Phú

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online

Tranh cãi về cuốn

Bìa sách Tư bản trong thế kỷ 21 được xuất bản bằng tiếng Pháp năm 2013, bằng tiếng Anh năm 2014, tiếng Việt năm 2021

Sách bán chạy thường gây ra tranh cãi. Cuốn Tư bản trong thế kỷ 21 (Capital in the Twenty-First Century) của Thomas Piketty cũng không nằm ngoài quy luật này.

Nhưng vì sao một cuốn sách bàn về chuyện bất bình đẳng và tìm cách giảm nhẹ nó lại gặp phải không ít chống đối? Lập luận hai bên ủng hộ và phản đối là gì?

Trước tiên chúng ta nên nhìn lại bối cảnh ra đời cuốn Tư bản trong thế kỷ 21, chỉ vài năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với quy mô và ảnh hưởng không kém gì cuộc đại khủng hoảng trong thập niên 1930, làm nhiều người phải nhìn lại và đánh giá lại các quy luật của kinh tế thị trường trước nay vẫn được cho là tối ưu.

Nhiều người nói đến sự khác nhau giữa nền “kinh tế thực” sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ và nền “kinh tế ảo” chỉ chăm chăm tìm lợi nhuận dựa vào tài sản đầu cơ và các công cụ tài chính khác. Kinh tế ảo sụp đổ, kéo theo sự trì trệ của kinh tế thực, mãi cho đến bây giờ.

Ở mức độ xã hội, phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” (Occupy Wall Street) thu hút được sự ủng hộ của nhiều giới. Hình ảnh bất bình đẳng được vẽ nên theo kiểu 1% dân số giàu nhất thế giới có tài sản còn hơn cả 99% dân số còn lại gây bất bình cho những người thật sự bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, dù đó là mất việc làm hay mất các khoản dành dụm suốt đời vì món đầu tư bị bốc hơi cùng khủng hoảng.

Không lạ gì với một bối cảnh như thế, cuốn Tư bản trong thế kỷ 21 nhanh chóng được đón nhận như một minh họa rõ nét nhất, thuyết phục nhất với chứng lý rõ ràng nhất bế tắc của chủ nghĩa tư bản khi bất bình đẳng trong thu nhập được tác giả chứng minh sẽ ngày càng gia tăng chứ không giảm bớt.

Theo tác giả, đó là định mệnh của chủ nghĩa tư bản chứ không phải là điều gì xấu xa, chỉ có điều bất bình đẳng ở mức độ ngày càng lớn như thế sẽ dẫn tới bất ổn xã hội, các cột trụ cho một xã hội phát triển bền vững sẽ bị lung lay. Tác giả nhắc đến các cuộc đại thế chiến, từng hủy diệt tài sản (là nguồn cơn gây ra bất bình đẳng), hàm ý không lẽ thế giới phải trải qua những cuộc bể dâu như thế để phục hồi lại sự bình đẳng, coi như để xóa bài làm lại từ đầu?

Như thế những người ủng hộ Thomas Piketty là những trí thức khuynh tả, những người coi việc thừa hưởng gia sản, tích lũy tài sản và nhờ đó ngày càng giàu là không thể chấp nhận được. Đó là bởi những người làm công ăn lương phải trở thành con tin cho những đợt biến động kinh tế dù không do họ gây ra.

Họ ủng hộ Piketty vì cuốn sách của ông cung cấp bức tranh trải dài qua nhiều thế kỷ để cho thấy nhân loại vẫn chưa tìm ra con đường chung sống với nhau, cùng chia sẻ nguồn lực mà nếu sử dụng khôn ngoan là đủ nuôi sống toàn nhân loại một cách thoải mái.

Người phản đối, có thể chưa đọc hết Piketty nhưng sẽ thấy rợn người vì cách miêu tả đó, con đường lập luận đó quen thuộc quá, từng gây đổ vỡ cho nhiều nền kinh tế và kết cấu xã hội. Cụ thể hơn, nhiều người tấn công vào lập luận chính của cuốn sách rằng thu nhập từ tư bản luôn lớn hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, từ đó mới có chuyện bất bình đẳng ngày càng lớn dần lên.

Họ cho rằng chưa chắc điều này đã đúng, thu nhập từ tư bản theo định nghĩa của Piketty quá rộng, quá mơ hồ, sử dụng tư bản theo con đường lãi nhiều thì rủi ro cũng nhiều, có thể trắng tay... Cụ thể hơn nữa, theo tờ The Economist, có người cho rằng thu nhập từ tư bản theo quy luật phải giảm dần, ví dụ con robot công nghiệp thứ 100 sẽ không tạo ra lợi nhuận cao như con robot đầu tiên.

Nhiều người khác phê phán Piketty ở chỗ tư bản tích lũy theo kiểu thế kỷ 19 trong các cuốn tiểu thuyết cổ điển mà ông trích dẫn về bản chất khác hẳn tư bản tích lũy bởi những người dựa vào sự sáng tạo, tiến bộ công nghệ như Bill Gates hay Jeff Bezos. Bill Gates giàu không phải nhờ thừa hưởng gia sản và ông cũng từng tuyên bố không để lại sản nghiệp cho con cái.

Chê bai nhiều nhất, nhưng thật ra là nhẹ nhất vì những người này trước tiên đồng ý với lập luận của Piketty, là những chỉ trích giải pháp đánh thuế lên tư bản toàn cầu mà tác giả đề nghị. Họ đồng ý phải làm gì đó để giảm thiểu sự bất bình đẳng nhưng đánh thuế lên tư bản là chuyện không tưởng vì tư bản có chân, nó sẽ bỏ đi nơi không có thuế và cạnh tranh ở mức độ quốc gia sẽ tạo ra những “nơi trú ẩn an toàn” cho tư bản để nó “phát huy tác dụng” bất kể đang “đóng đô” ở phương nào.

Kẻ thiên hữu, người bảo thủ thì chống đối Piketty theo kiểu vì nguyên tắc mà họ tin tưởng hơn là dựa vào lập luận theo logic. Nguyên tắc của họ, sôi động nhất dưới thời tổng thống Reagan ở Mỹ và thủ tướng Thatcher ở Anh là để yên cho thị trường hoạt động, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp, bất bình đẳng chút ít cũng không sao, thậm chí là liều thuốc kích thích mọi người hăng say làm giàu.

Với họ, vì sao không lập luận 1% người giàu đang tạo công ăn việc làm cho một tỉ lệ người làm công ăn lương lớn hơn nhiều lần, giả dụ 99% còn lại đi?

Dù sao, tranh cãi còn hơn không - bởi chính qua tranh cãi như thế, xã hội phương Tây đang tìm cách thích nghi với những biến động mới để tìm ra mô hình phát triển mới, dựa trên những điều đã tranh cãi nát nước để cuối cùng sự đồng thuận nổi lên. Trong góc nhìn đó, đóng góp lớn nhất của Thomas Piketty mà cho đến giờ này cả hai phe đều phải thừa nhận là 20 năm nghiên cứu của ông với những số liệu thu thập được làm cơ sở cho cả hai phe lập luận, dù để kình chống nhau.

Đọc Tư bản trong thế kỷ 21 từ Việt Nam

Mặc dù cuốn sách của Thomas Piketty hoàn toàn không có số liệu nào cho Việt Nam, chúng ta vẫn có thể hình dung tích lũy tư bản giảm sút rất mạnh qua chiến tranh, rồi giảm tiếp qua các biến động như các đợt cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp... Lúc đó rõ ràng sự bất bình đẳng trong xã hội là không đáng kể vì trong một thời gian dài mọi người... nghèo như nhau.

Nếu nhớ lại giai đoạn trước và ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, giá trị tài sản tăng vọt làm cho sản nghiệp (wealth) của nhiều người phình ra. Nếu sách của Piketty cho rằng đất đai đã mất tính quan trọng của nó trong xã hội phương Tây ngày nay so với thế kỷ 19 thì ngược lại ở Việt Nam đất đai trở thành nguồn tư bản tạo ra những tỉ phú qua đêm.

Có những thời điểm, rõ ràng thu nhập từ 100 năm lao động miệt mài cũng không bằng lợi nhuận do đất đai mang lại trong vài ba tháng. GDP những năm đó dù tăng cao nhưng không thể cao bằng thu nhập từ tài sản, nhất là địa ốc, cổ phần, cổ phiếu...

Mặc dù hiện nay tốc độ tăng giá của tài sản, kể cả đất đai, cổ phần đã chựng lại, sự tích lũy tư bản trong những năm trước đó đang là nền tảng cho sự bất bình đẳng về thu nhập ngày càng lớn ở Việt Nam. Một xu hướng nữa là nguồn vốn từ nước ngoài sẽ làm cho chênh lệch giàu nghèo giãn ra theo một hướng nữa: chúng ta sẽ trở thành người làm thuê ngay chính trên đất nước mình.

Thomas Piketty, nhà kinh tế học người Pháp, năm nay 43 tuổi. Ông nhận bằng tiến sĩ khi mới 22 tuổi rồi nhận lời qua Mỹ dạy học ở Viện Công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology - MIT) mà trong sách ông chỉ miêu tả là “một đại học gần Boston”. Hai năm sau, ông bỏ về Pháp chuyên tâm nghiên cứu về bất bình đẳng vì cho rằng “không thấy công trình của các nhà kinh tế Mỹ là thuyết phục”. Ông hiện là giám đốc nghiên cứu Trường cao học Khoa học xã hội (École des hautes études en sciences sociales - EHESS) và là giáo sư kinh tế tại Trường Kinh tế Paris (Paris School of Economics).

ĐẶT SÁCH TẠI ĐÂY

"Như tôi đã nói và như tôi sẽ thường xuyên chứng minh trong các phần sau, lịch sử về thu nhập và sản nghiệp luôn mang tính chính trị sâu sắc, hỗn loạn và không thể tiên đoán. Lịch sử này diễn biến ra sao tùy thuộc vào cách xã hội nhìn như thế nào về bất bình đẳng và sẽ có chính sách gì, thể chế nào để đo lường và chuyển biến bất bình đẳng. Không ai có thể thấy trước những việc như thế sẽ thay đổi ra sao trong các thập niên tới.

Tuy nhiên các bài học lịch sử rất có ích bởi chúng giúp chúng ta thấy rõ hơn một chút chúng ta sẽ đối diện với những chọn lựa gì trong thế kỷ tới và những động lực nào sẽ phát tác ở đây. Mục đích duy nhất của cuốn sách, mà lẽ ra theo logic phải được đặt tên “Tư bản vào buổi bình minh của thế kỷ 21”, là rút ra từ quá khứ một ít chìa khóa khiêm tốn cho tương lai.

Vì lịch sử luôn tạo ra con đường riêng của nó, tính hữu ích thật sự của các bài học như thế vẫn còn phải chờ. Tôi đưa các bài học này ra cho độc giả mà không dám mạo muội nói mình biết hết ý nghĩa của chúng."

Trích Tư bản trong thế kỷ 21 của Thomas Piketty (phần giới thiệu)

 

"Vào ngày 16-8-2012, cảnh sát Nam Phi can thiệp vào một cuộc xung đột lao động giữa công nhân tại mỏ bạch kim Marikana gần Johannesburg và chủ mỏ: những người nắm cổ phần Công ty Lonmin, Inc trụ sở ở London.

Cảnh sát dùng đạn thật bắn vào những người đình công, 34 thợ mỏ bị bắn chết. Như thường thấy ở các cuộc đình công như thế, xung đột chủ yếu liên quan đến tiền lương: thợ mỏ đòi tăng lương gấp đôi, từ 500 lên 1.000 euro/tháng. Sau vụ thiệt hại nhân mạng bi thảm này, cuối cùng công ty đề nghị tăng lương tháng thêm 75 euro.

Sự kiện này nhắc chúng ta nhớ, nếu cần nhắc cho nhớ, rằng câu hỏi tỉ lệ nào của sản lượng nên dành cho lương, tỉ lệ nào dành cho lợi nhuận - nói cách khác, thu nhập từ sản xuất phải được phân chia thế nào cho lao động và tư bản - đã luôn là tâm điểm của cuộc xung đột phân bổ thu nhập.

Các xã hội trước đây, nét cơ bản của bất bình đẳng xã hội và nguyên nhân thường thấy nhất của việc nổi loạn là xung đột giữa chủ đất và nông dân, giữa những người sở hữu đất đai và những người canh tác đất bằng sức lao động, những người nhận địa tô và những người phải trả địa tô.

Cuộc cách mạng công nghiệp làm sâu sắc thêm sự xung đột giữa tư bản và lao động, có lẽ vì sản xuất trở nên cần nhiều vốn hơn quá khứ (tận dụng máy móc và khai thác tài nguyên thiên nhiên nhiều hơn từng có trước đây) và cũng có lẽ bởi vì niềm hi vọng cho sự phân phối thu nhập bình đẳng hơn và một trật tự xã hội dân chủ hơn đã tan tành...

Bi kịch Marikana gợi nhớ những sự cố bạo lực trước đó. Tại quảng trường Haymarket ở Chicago vào ngày 1-5-1886 và rồi tại Fourmies ở miền bắc nước Pháp vào ngày 1-5-1891, cảnh sát bắn vào công nhân đang đình công đòi tăng lương. Loại xung đột nhuốm bạo lực như thế giữa lao động và tư bản chỉ thuộc về quá khứ hay nó sẽ là một phần hữu cơ của lịch sử thế kỷ 21?"

(Đoạn đầu tiên của chương 1)

TAGS :

zalo