Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Thierry Marchaisse - Niệm Ca Về Sự Qua Đời Của Trần Đức Thảo

29/12/2020

Tác giả: Thierry Marchaisse

Dịch giả: Phạm Văn Quang

Thierry Marchaisse - Niệm Ca Về Sự Qua Đời Của Trần Đức Thảo

Bài đăng trong "Hành trình Trần Đức Thảo - Hiện tượng học và chuyển giao văn hóa" (2013; tr.254-260). Nguồn: https://www.cairn.info/l-itineraire-de-tran-duc-thao--9782200280451-page-254.htm

Thierry Marchaisse (Cựu sinh viên Trường Sư Phạm Cao Cấp phố ULM ( 1077-1982), Hiện làm giám đốc NXB mang tên ông. Trong thời gian gặp gỡ Trần Đức Thảo, ông đang làm việc ở NXB Édition du Seuil)

"Mùa xuân năm 1993, một ông lão gầy ốm đã trút hơi thở cuối cùng tại Paris. Đó là Trần Đức Thảo. Ông là người Việt Nam, là nhà triết học, là người theo chủ nghĩa Marx và đã có một thời kì huy hoàng vào những năm 1950 trước khi đột nhiên biến khỏi không gian trí thức Pháp, do cuốn vào dòng chảy lịch sử quê hương ông. Ông xuất hiện ở Pháp làm gì từ mấy tháng qua sau những năm phục vụ Cách mạng Việt Nam? Điều trị ung thư chăng? Không. Nghỉ dưỡng chăng? Nối lại quan hệ với quê hương tri thức chăng? Cũng không.

Đừng tìm câu trả lời, quý vị sẽ không bao giờ đoán ra.

Được đào tạo ở một trường Trung học của Pháp tại Hà Nội, nơi ông chào đời ngày 26/9/1917, học sinh Trường Louis-le-Grand và Henri IV, rồi sinh viên Trường Sư phạm phố Ulm, Trần Đức Thảo nghiên cứu Husserl cùng với Cavaillès, đậu thạc sĩ năm 1943, gắn bó với chủ nghĩa mác-xít. Ngay từ đó, con đường tri thức “theo kiểu Tây” của ông có vẻ như đã hoàn toàn được vạch ra: với những công bố tạp chí, những hoạt động chiến đấu, tranh luận, sách vở...

Giữa năm 1944 - 1945, Trần Đức Thảo là thành viên của Tổng Liên đoàn những người Đông Dương tại Pháp. Ông gần gũi với Maurice - Thorez, công khai bảo vệ Việt Minh; những quan điểm của ông đã phải trả giá bằng ba tháng tù vì “xâm phạm an ninh Quốc gia Pháp”. Tháng 9/1948, ông công bố trong tạp chí Les Termps modernes (Thời Đại mới) một bài viết vẫn còn âm vang với nhan để “Hiện tượng học Tinh thần của Hegel và nội dung hiện thực của nó”; ông thể hiện trong đó sự tán đồng của mình với chủ nghĩa mác-xít và phê phán cách diễn giải “hiện sinh chủ nghĩa” về Hegel của Kojève. Sau bài báo này, Kojève đã viết cho ông, rồi Sartre tiến hành với ông một loạt bài đối thoại trong suốt mùa đông năm 1949 - 1950; những cuộc đối thoại này được ghi tốc kí nhưng không được công bố. Theo Trần Đức Thảo thì nội dung của chúng không thoả mãn Sartre cũng như chính ông. Lúc đó hình như “những người thân cận” của Sartre đã quy cho Trần Đức Thảo sự thất bại của dự án nên ông thấy bắt buộc phải kiện Sartre ra toà.

Năm 1951, Trần Đức Thảo cho xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình với tên Phénoménologie et matérialisme dialectique/Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn ở Pháp lúc đó. Một số người như Barthes, Ricœur, Merleau-Ponty đã góp phần tạo uy danh cho nó. Nhưng Trần Đức Thảo thì lại ở chỗ khác rồi. Ông chuẩn bị quay về Việt Nam, kết thúc quá khứ của một trí thức dấn thân với việc rút lại đơn kiện Sartre.

Từ đó, số phận Trần Đức Thảo hoà vào số phận của hàng ngàn trí thức khác của Trung Hoa, Nga, Cuba.... những số phận đong đưa giữa cuộc sống vàng son của những quan chức tốt của Cách mạng, và cuộc sống đày đoạ của những kẻ phản bội. Trần Đức Thảo trải nghiệm cả hai. Năm 1956, ông là Trưởng khoa Sử ở Hà Nội, rồi hai năm sau bị cấm dạy vì bị quy kết theo “chủ nghĩa Trotskít”. Từ đó, cuộc sống của ông ở Việt Nam, về mặt “chính thức”, sẽ được khoanh lại trong việc “nghiên cứu đơn độc những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Marx - Lenin”, và làm công việc dịch thuật để mưu sinh.

Tôi gặp Trần Đức Thảo vào tháng 02/1992, không lâu trước khi ông qua đời. Cho đến lúc đó, tôi vẫn không biết gì, hầu như không biết gì về ông, ngoài tên ông, biết (láng máng) về sự tích của ông và lẽ ra tôi phải đọc các bài viết của ông về Hegel và Husserl.

Một hôm, Jean-Toussaint Desanti điện thoại cho tôi hỏi tôi có muốn tiếp Trần Đức Thảo, người vừa từ Việt Nam qua và đang kẹt lại ở Pháp không. Tóm lại, ông ấy sẽ giải thích cho tôi. Ngày nào? Mấy giờ tiện cho tôi? Như thế nào? Và đương nhiên đó là các vấn để về xuất bản. Anh vẫn là người chịu trách nhiệm xuất bản chứ? Tốt rồi. Anh sẽ thấy, đó là một con người thú vị.

Hai ngày sau, xuất hiện ở văn phòng của tôi một người có dáng nhỏ bé gầy gò đến phát sợ , rụng răng cửa, một nụ cười mãi mãi khựng lại ở môi. Ông trịnh trọng chào tôi như một vĩ nhân thế giới. Ngay tức khắc tôi cũng phải cúi đầu và tìm lời lẽ tôn kính để cố gắng đáp lại cho cân xứng với sự tôn trọng dành cho mình. Thật rẩy rà vô ích!

Trong suốt buổi nói thuyện, nhìn vẻ bên ngoài, tôi như là một cụ già 75 tuổi còn ông ấy chỉ là một đứa trẻ. Rồi đứa trẻ ấy có nhiều điều lạ lùng kể cho tôi nghe. (...)

- (...). Ở tuổi của tôi, và bệnh hoạn như tôi, tôi không hể ảo tưởng gì về mình. Nhưng tôi còn sống ngày nào tôi sẽ không muốn lệ thuộc vào số ít những người bạn còn lại của tôi. Đó là lí do tôi có mặt ở đây: anh có thể giúp tôi có được chút tiền hỗ trợ từ những nhà xuất bản đã khai thác cuốn sách của tôi từ hơn ba mươi năm qua không? Có thể xem xét tái bản được không? Phần II về chủ nghĩa duy vật biện chứng chắc chắn đã lỗi thời rồi, nhưng phần I về Husserl hiện nay vẫn có thể là một dẫn nhập vào hiện tượng học.

Trần Đức Thảo cho tôi biết ông chưa bao giờ kf bất kì hợp đồng nào dưới bất kì một hình thức nào. Tác phẩm quan trọng này của ông tự do lưu hành bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau từ năm 1951. Tôi đã khuyên ông vĩnh viễn xoá bỏ quá khứ. Vì vắng bóng trong hoạt động ở phương Tây từ bốn mươi năm nay và vì chưa bao giờ kí bất kì một hợp đồng nào, nên ông sẽ mất thời gian để hợp thức hoá các quyền chưa có về mặt pháp lí. Còn việc tái bản cuốn sách đầu tiên của ông thì có thể tính đến, ông sẽ nhận được khoản phần trăm tổng giá trị và tiền nhuận bút. Tôi đã hứa với ông ấy là sẽ xem xét kế hoạch này một cách rất nghiêm túc và sẽ liên lạc lại với ông.

Thư từ trao đổi giữa chúng tôi sau đó hoàn toàn không có gì đáng lưu ý. Đó chỉ là những trao đổi thuần tuý giữa một tác giả và một người chịu trách nhiệm xuất bản. Có thể chỉ nên tái bản phần I cuốn sách của ông như một hình thức nhập môn hiện tượng học cho sinh viên sử dụng? Có một khả năng khác hấp dẫn hơn đối với một người xuất bản, đó là xây dựng một hồ sơ lịch sử chân thực về thời kì hậu chiến, gồm các bài báo; các phản ứng do các bài báo tạo nên, những cuộc đối thoại với Sartre chưa được công bố. Tôi (khó khăn) để có được sự đồng ý của ông ấy về điểm này. Trần Đức Thảo thấy không có “lợi ích” gì khi xuất bản những cuộc đối thoại này. Khi đọc được tin ông qua đời, tôi vội vàng liên lạc với người thừa kế Sartre, người giữ các bản văn này.

Khi đọc lại mầu đối thoại được ghi lại trên đây và những lời của Trần Đức Thảo, tôi viết lại theo những gì tôi ghi chép được lúc bấy giờ. Tôi nhận thấy chúng không giúp hiểu một số nét đặc trưng của cuộc nói chuyện giữa chúng tôi: Con người đã ở trước mặt tôi là con người của một thời khác, và ông không biết điều này. Trong buổi nói chuyện nhiều giờ và duy nhất ấy, ông cho tôi hiểu nhiều điều, về tinh thần “trại lính” còn chế ngự trong Đảng Cộng sản Pháp, về những người Trung Quốc âm thầm điều khiển các Đảng Cộng sản châu Âu...

Nhưng ông càng nói thì tôi lại càng không thấy cái gì phân biệt được giữa cuộc nói chuyện của chúng tôi và một giấc mơ, hay một cơn ác mộng. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi đã chẳng phải là một sự va chạm: thời gian bất khả? Nó có diễn ra không? Ông già gầy ốm trước mắt tôi chính xác là ai? Sự điên rồ ở đâu? Ở nơi “họ”, nơi ông ấy, nơi tôi? Ông ấy có biết mình nói chuyện với ai không? Chính xác là vào năm nào?

Tôi nhớ là có một lúc, trong khi không thể đặt mình vào những phạm trù riêng của ông, tôi đã ngắt cơn sóng thổ lộ của ông một cách ngớ ngẩn: “Nhưng giáo sư đang nói với một trí thức tư sản đấy!”.

Ông chỉ ngưng một lúc. Một bờ đê nhỏ phát ngôn này có thể làm được gì để chống lại dòng sông thời gian và lịch sử? Rồi hết sức ngây thơ và vô ích để cố gắng làm ông hiểu rằng vấn đề có lẽ không còn là tìm một lối thoát “nhân bản” cho chủ nghĩa Marx - Lenin hay “tẩy sạch” triết học Staline, rằng người ta có thể là nhà triết học và cựu sinh viên Trường Sư phạm như ông mà không phải mất thời gian đọc giữa các hàng chữ của tờ L’Humanité (Nhân Đạo)'... Tôi biết chắc là ông ấy không tin tôi.

Đồng hồ thời gian đã dừng lại đối với ông ấy vào buổi đầu của những năm 1950. Sau đó thì tôi có được sự xác nhận về điều này khi đọc một vài công trình đánh dấu bốn mươi năm hoạt động tri thức vừa qua của ông, những bài viết mà ông lần lượt gửi cho tôi trong thời gian trao đổi thư từ, như để chứng minh với tôi điều ngược lại. Tất cả có lẽ được viết frước khi ông về Việt Nam. Chỉ có một vấn đề “mới” trong các bài viết này: Đâu là sai lầm? Đâu là nguồn gốc của chủ nghĩa quan liêu? của tệ sùng bái cá nhân? của những cuộc tàn sát, của đống đổ nát mênh mông này? Có phải ở trong “triết học Staline” không?

Không, nguyên nhân sâu xa hơn, chắc chắn ở ngang tầm “hạt nhân duy lí” của biện chứng pháp Hegel... Tất cả đều được viết và suy tư đến tận cùng bằng “ngôn ngữ Hegel”( hégélien) , cái biệt ngữ.Hegel này đóng chặt số phận tư duy mác-xít của ông đến nỗi cho phép ông không tin vào cả Marx khi Marx cho ta biết răng học thuyết Hegel trong bộ Tư bản [chỉ] là một sự “học đòi”, “làm duyên làm dáng” bằng ngôn ngữ Hégel mà thôi.

Trước khi ra về, Trần Đức Thảo nhờ tôi giúp liên lạc với Paul Ricœur, một trong những người quen biết cũ của ông, một trong số triết gia hiếm hoi ông tin tưởng, và ông muốn nối lại liên lạc. Tôi hứa sẽ giúp ông và nói thêm là tôi muốn đưa toàn bộ vụ việc này ra trước công luận. Cũng nên biết rằng, vẫn còn nhiều vụ liên quan đến Staline ở Pháp vào thời điểm năm 1992...

Nhưng không như tôi nghĩ, ông đứng đậy, bỗng nhiên trở nên ngờ vực, và ngay lập tức kết thúc cuộc nói chuyện bằng lời dặn: “Tất cả những gì vừa nói là chỉ giữa chúng ta thôi đấy. Nếu anh đi kể lại bất cứ cái gì về buổi nói chuyện này, tôi sẽ cải chính đấy”. Dù vậy, tôi đã có thể hiểu rằng nếu như ông ấy không cùng thời với tôi thì tôi cũng đâu có cùng thời với ông ấy.

Điều mà tôi không thể chấp nhận được thì đối với ông lại chỉ là một biến cố nữa mà thôi. Bản thân ông đã quen với kiểu toà án này rồi. Ở vị trí của họ (tôi cảm nhận mù mờ như thế), ông chắc chắn cũng làm như họ. Còn lại, ai mà biết trong một thời gian nữa biết đâu vai trò sẽ hoán đổi, và biết đâu ông lại chẳng tìm ra vai trò người biện lí mà ông rất thường xuyên nắm giữ trước đây ở Pháp và ở Việt Nam?

Mọi thứ ở ông, những chứng tật của ông, những phản ứng của ông, những khái niệm của ông, những phán đoán sắc bén của ông, tất cả đều bày tỏ ra sự đồng nhất với kẻ tấn công ông, kẻ theo Staline mà ông đã cố gắng chiến đấu chống trả. Nhưng làm sao mà ông oán hận bản thân được?

Vẻ mặt ông đượm nét cô đơn, sự khốn cùng thể xác và tinh thần quá lớn đến nỗi tôi hoàn toàn bối rối không nói nên lời khi tiễn chào con người với dáng hình nhỏ bé ấy. Với một hình dáng tái nhợt, khập khiếng, ông đi xa vào quá khứ như thể thời của ông làm ông tan dần sau khi vô tình vắt ngang qua thời của tôi.

Tôi đã không giữ lại bản sao lá thư tôi viết cho Paul Ricœur ngay sau đó. Vì viết ngay lúc còn nóng hổi, lá thư có thể có những chỉ tiết bây giờ tôi không còn nhớ. Nhưng không sao vì thư trả lời của Paul Ricœur đã xác định rõ hơn hoàn cảnh, đã diễn đạt rõ ràng cụ thể.

“Paris, ngày 16 tháng 7 năm 1992 _

Anh Thierry Marchaisse thân mến,

Tôi đã gặp Thảo cách đây vài tuần và cuộc hội ngộ này khiến cho chính tôi cũng bối rối ngao ngán. Tôi không hiểu điểu gì thuộc về chứng bịa chuyện, điểu gì thuộc về cảm giác bị bách hại trong những lời tường thuật dù sao cũng đã bị biến dạng vì sợ hãi và dối trá.

Ông ấy muốn người chịu trách nhiệm xuất bản lấy lại phần đầu cuốn “Hiện tượng học và chú nghĩa duy vật biện chứng” tạm ứng cho ông khoản nhuận bút. Chắc chắn ông khá lầm tưởng về số tiền ông có thể nhận được. Tôi có cảm giác về một con người bị cái chết đe doạ. Tôi đã tìm lại được bản luận của mình trong Esprit - năm 1953, số 12, tr821 - 839. Có cả một bản dịch tiếng Anh và - một bản dịch tiếng Ý công trình của ông ấy. Tôi không biết có thể thêm vào đó những bài viết hiện nay của ông ấy vốn không cùng một tầm mức không? Tôi không biết chúng ta thực sự có trách nhiệm về điều gì ?

Thân mến, Paul Ricœur”.

Tôi đang có trước mặt mình hồ sơ màu hồng nâu chất đầy tài liệu giúp tôi viết bài này. Tôi đọc lại lá thư của Paul Ricœur, lật lại những công trình “1í thuyết” cuối cùng của Trần Đức Thảo, tất cả đều đã được xuất bản hay được viết bên ngoài Việt Nam. Biết đâu chúng chẳng chứa bí mật của vụ án và bản án dành cho ông? Vì các quan điểm chính trị của ông ấy không nói lên hết được nếu ta xem xét những khía cạnh thời gian. Ngay cả khi giả định rằng tất cả những gì ông ấy nói với tôi là thật, thì cùng lắm người ta cũng chỉ biết rằng ông ấy đã có thể bị xét xử và bị kết án, nhưng người ta không hiểu tại sao ông phải bị như thế. Đi sâu vào vấn để hơn, thì đâu là cốt lõi của những công trình cuối cùng của ông? Đó là nghiên cứu những quá trình tiến hoá của loài người. Đối với những nhà lí thuyết mác-xít thì vấn đề đã được giải quyết từ thời Politzer: cho dù Althusser có nói gì đi nữa thì cũng chỉ có một quá trình kiểu này. Đặc biệt, chỉ có thể có tâm lí học khi nó “gắn vào lĩnh vực kinh tế”. Từ đó, “Mệnh lệnh nhất quyết” mác-xít này trở thành “khẩu lệnh để nhận diện”: “Bạn đừng tìm kiếm những quy định tối hậu của chủ thể ở nơi nào khác ngoài kinh tế và lịch sử”.

Đó cũng chính xác là điều Trần Đức Thảo đã nghiên cứu trong nhữngcông trình cuối cùng của ông ấy. Khi nghiên cứu “nguồn gốc của ý thức” từ khía cạnh tâm lí học và lịch sử tự nhiên của con người, ông ấy đã trở thành nhà lí luận phi mác-xít mà rất có thể ông ấy không biết. Mặc dù tâm lí học của ông có thể mang tính thực nghiệm, mặc dù những tham chiếu “khoa học” của ông (từ nhân học, tâm -lí học hay sinh học) có tầm thường và lỗi thời, thì chính cái đường lối chỉ đạo của ông đã kết án ông ấy trước rồi.

Nói gì nữa nhỉ? Những người bạn của Trần Đức Thảo sẽ tha thứ cho sự khiếm nhã của tôi, vì Trần Đức Thảo không còn có thể cải chính được nữa. Những ai rành chuyện hậu trường, những kẻ sành sỏi và các chuyên gia, đều có lí để mỉm cười. Tôi đã không muốn thay lời cho ai cả. Trong khả năng có thể, tôi đã cố gắng trở thành một. nhân chứng chính xác, về cả những phản ứng riêng của tôi. Chứng từ này chỉ có giá trị từ mệnh lệnh của một cuộc gặp gỡ tưởng như không có thật, và từ chất vấn sau cuộc gặp đó: Chứng ta có trách nhiệm về cái gì?

Chắc chắn đã không có câu trả lời khi Trần Đức Thảo còn sống. Chắc chắn cái chết của ông đã biến mọi câu trả lời có thể có cho câu hỏi này trở thành hão huyền. Nhưng mỗi lời đáp đều đòi hỏi tôi phải chia sẻ lời đáp khác".

zalo