THẾ GIỚI HẬU COVID-19: GIÁ TRỊ Á ĐÔNG LÊN NGÔI VÀ SỰ KẾT THÚC CỦA CHỦ NGHĨA TÂN TỰ DO?
12/06/2020
By Đại học Fulbright Việt Nam
Tiến sĩ Michael Puett, Giáo sư về Lịch sử và Nhân học Trung Hoa tại Đại học Harvard
Quản lý nhà nước, hệ giá trị và những điều thế giới có thể (hay không thể) học được từ Châu Á
“Tôi cho rằng, các nhà sử học tương lai sẽ nhìn lại sự kiện này như một khoảnh khắc mang tính chuyển giao, khi các giá trị Á Đông được coi trọng hơn đơn giản vì chúng hiệu quả, với tiềm năng hiện thực hóa một viễn cảnh quốc tế vượt ra khỏi hệ tư tưởng tân tự do. Nhưng cũng có thể, họ sẽ nhìn lại và nói rằng, đây là thời khắc các quốc gia chuyển sang chế độ giám sát dân tộc độc đoán, đánh dấu sự kết thúc của chủ nghĩa tân tự do.”
Ngày 24 tháng 5 năm 2020, Tiến sĩ Michael Puett, Giáo sư về Lịch sử và Nhân học Trung Hoa tại Đại học Harvard đã có những chia sẻ về chủ đề “Quản lý nhà nước, hệ giá trị và những điều thế giới có thể (hay không thể) học được từ Châu Á”. Buổi thảo luận do Giáo sư Nguyễn Nam của Đại học Fulbright Việt Nam điều phối, xoay quanh cách phản ứng của các chính phủ trên thế giới đối với dịch COVID-19. Sự kiện nằm trong chuỗi thảo luận với diễn giả do Fulbright khởi xướng nhằm thúc đẩy đàm thoại về khủng hoảng COVID-19, tạo cầu nối giữa các chuyên gia, học giả và nhà hoạch định chính sách toàn cầu với công chúng ở Việt Nam cũng như công chúng quốc tế.
Rõ ràng, các xã hội Đông Á như Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đã kiểm soát dịch hiệu quả hơn nhiều so với các xã hội phương Tây như Hoa Kỳ, Ý, Vương quốc Anh hay Pháp. Liên quan đến vai trò của chính phủ trong xã hội, Tiến sĩ Puett phân tích những khác biệt căn bản trong hệ tư tưởng khiến cho một số xã hội được trang bị khả năng ứng phó với khủng hoảng tốt hơn so với những xã hội khác. Theo ông, đây là khoảnh khắc chuyển dịch cán cân ý thức hệ, mang ý nghĩa tái định hình thế giới hậu đại dịch.
Chủ nghĩa Tân tự do, từ khi ra đời ở Đế quốc Anh…
Mở đầu, Giáo sư Puett đã tóm lược từ bối cảnh lịch sử và sự ra đời của chủ nghĩa tự do cổ điển tại Anh vào thế kỷ 19, cho đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa tân cổ điển trở thành hệ tư tưởng thống trị, hay thậm chí là hệ tư tưởng duy nhất trong nền chính trị phương Tây hiện đại. Theo ông Puett, đặc điểm nổi bật của hệ tư tưởng này là sự đề cao cá nhân, dẫn đến mục đích của nó là tạo ra một nền kinh tế, chính trị và xã hội trong đó mỗi cá nhân được phép tự do theo đuổi lợi ích của riêng mình, với giới hạn duy nhất là sự mưu cầu lợi ích của những cá nhân khác. Nhưng làm thế nào để tạo ra xã hội lý tưởng này?
Vào thời điểm đó, một số doanh nhân đã trở nên rất giàu có nhờ vào cơ chế thị trường. Do đó, tư tưởng tân tự do then chốt là áp dụng cấu trúc của cơ chế thị trường vào những khía cạnh khác trong xã hội, thiết lập toàn bộ trật tự chính trị xã hội dựa trên cùng một tầm nhìn. Việc cho phép các lực lượng thị trường tác động đến mọi cấp độ xã hội đòi hỏi giới hạn về quy mô của chính phủ và giảm thiểu sự can thiệp, điều chỉnh. Một cách lý tưởng, chính phủ sẽ không kiểm soát thị trường. Thay vào đó, thị trường sẽ điều tiết xã hội, của cải vật chất sẽ trở thành thước đo năng lực và phẩm chất cá nhân. “Những người thành công trên thị trường sẽ đạt được vị thế cao trong xã hội, đồng thời có khả năng tiếp cận trực tiếp đến quyền lực chính trị, sử dụng tiền của của họ để tác động đến các chính sách trong tương lai. Về lý thuyết, những cá nhân hay tập đoàn giàu có là những người hiểu rõ nhất về cách thị trường hoạt động. Điều này được minh chứng rõ nhất ở Hoa Kỳ ngày nay, khi chính quyền các bang bị chi phối bởi các doanh nhân và tập đoàn thông qua vận động hành lang”, Tiến sĩ Puett nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông giải thích, hệ tư tưởng này ra đời trong bối cảnh thời gian và không gian rất cụ thể. Tư tưởng tự do cổ điển nảy sinh tại Đế quốc Anh, trong thời kỳ chênh lệch kinh tế sâu sắc giữa tầng lớp thống trị giàu có và đại đa số dân chúng đói nghèo. “Hãy nhớ rằng, vào thời điểm chủ nghĩa tự do cổ điển và tân cổ điển hình thành ở Anh, đất nước này đang đứng trên đỉnh cao sức mạnh. Thông qua mấu chốt là thị trường tự do, nhiều quốc gia trên thế giới đã trở thành nguồn nguyên liệu thô và lao động rẻ mạt đáp ứng cho các quốc gia và tập đoàn phương Tây, chủ yếu là Vương quốc Anh khi đó với tư cách là đế chế thống trị. Không quá ngạc nhiên khi chủ nghĩa này hồi sinh cùng với những hệ quả tương tự của nó tại cường quốc hàng đầu thế giới hiện nay là Hoa Kỳ.”
… đến hệ tư tưởng chi phối toàn cầu
Ban đầu, chủ nghĩa Tân tự do chưa được chấp nhận ngay lập tức. Sau Thế chiến thứ 2, người ta thừa nhận rằng “vai trò can thiệp và điều tiết kinh tế của nhà nước cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng là vô cùng quan trọng”. Đến thời Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan những năm 1970-80, chủ nghĩa tân tự do mới bắt đầu trỗi dậy. Tuy nhiên, sự chuyển biến rõ rệt nhất xuất hiện vào những năm 90, dưới thời các nhà lãnh đạo cánh tả ôn hòa như Tony Blair (Anh) và Bill Clinton (Mỹ) vào. Họ đã mang những tư tưởng vốn được coi là thuộc về cánh tả và tuyên bố, chủ nghĩa tân cổ điển không chỉ là một hệ tư tưởng chính trị tốt, mà là hệ tư tưởng đúng đắn cho cả hai phe.
“Một trong những tuyên bố đáng nhớ nhất của Margaret Thatcher là đây ‘không phải là một hệ thống tốt, thậm chí không phải là hệ thống tốt nhất. Đây là hệ thống duy nhất.’ Không có lựa chọn nào khác. Thật rùng mình khi nghĩ rằng một phần nào đó, tư tưởng này đã trở thành tầm nhìn được chấp nhận bởi đa số giới tinh hoa toàn cầu”, Michael Puett nhớ lại.
Sự đồng thuận chính trị mới và bền vững này đã dẫn đến tái sắp xếp trật tự xã hội ở Mỹ và Anh. Trên cơ sở này, chính phủ cũng vận hành trên các nguyên tắc thị trường, cùng với đó là y tế, giáo dục, và thậm chí các gia đình cũng chịu sự chi phối bởi thị trường cạnh tranh. “Chẳng hạn, các trường học sẽ đào tạo học sinh tư duy một cách cạnh tranh về chính lợi ích cá nhân của mình, nhằm giúp học sinh trở thành những doanh nhân thành đạt sau này”, Tiến sĩ Puett nói.
Các tổ chức toàn cầu tiếp tục góp phần thiết lập hệ tư tưởng này trên toàn thế giới. Tiến sĩ Puett dẫn ví dụ về Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nơi thiết lập điều kiện để các quốc gia tham gia vào thị trường toàn cầu mới này. Cụ thể, phải hạn chế quyền lực nhà nước: các quy định về mọi khía cạnh, từ an toàn lao động đến phân biệt đối xử hay đảm bảo về môi trường đều phải được bãi bỏ để nhường chỗ cho các nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, hệ tư tưởng này có lẽ đang bị lung lay bởi cách đối phó thiếu hiệu quả ở Mỹ và châu Âu trước cuộc khủng hoảng COVID.
“Những chiến lược này từng thành công đến nỗi các nguyên tắc thị trường thế kỷ 21 của phương Tây đã thực sự trở thành quan điểm thống trị trên toàn thế giới. Nhưng ngay bây giờ, chúng ta có thể đang chứng kiến sự khởi đầu của một cách tổ chức đời sống kinh tế và chính trị xã hội rất khác, tiếp thu thành công của các nước Đông Á.”
Tách bạch nhà nước và thị trường: Bối cảnh tại các quốc gia Đông Á
Giáo sư Puett đã có những chia sẻ về lý thuyết chính trị ở châu Á. Trái ngược với một mô hình đề cao cá nhân, vốn “không có nhiều tiếng vang trong lịch sử Đông Á”, hầu hết các hệ tư tưởng nổi bật trong lịch sử đều dựa trên các mối quan hệ. Nói cách khác, nếu điểm gốc rễ nằm ở các mối quan hệ chứ không phải lợi ích cá nhân, câu hỏi được đặt ra là: Những mối quan hệ nào nguy hiểm? Và mối quan hệ nào sẽ giúp nhân loại phát triển?
Giáo sư nhấn mạnh: hầu hết các mô hình chính trị và xã hội này chỉ ra rằng, nhiều mối quan hệ con người vốn không bền vững và đòi hỏi những nỗ lực liên tục để thay đổi và cải thiện. Con người được tạo nên từ vô số mối quan hệ, từ quan hệ gia đình, bạn bè, các cấp bậc tổ chức khác nhau… “Dưới quan điểm này, không nên chỉ có một ý thức hệ duy nhất chi phối mọi mặt của cuộc sống. Không một hệ tư tưởng nào có thể thúc đẩy các mối quan hệ tốt đẹp trong mọi lĩnh vực, từ gia đình đến chính trị hay kinh tế.” Mặc dù TS. Puett thừa nhận thị trường đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng phi mã của các nền kinh tế Đông Á, mấu chốt nằm ở quan điểm, thị trường nên tồn tại một cách riêng biệt.
Thay vào đó, các nguyên tắc công bằng nên được áp dụng để lựa chọn giới cầm quyền bên ngoài thị trường, tách biệt tối đa tầng lớp giàu có về vật chất với tầng lớp công chức và trí thức. “Khi động cơ chuyển dịch xã hội là giáo dục chứ không phải thị trường, nó trở thành cơ chế riêng biệt để đạt được quyền lực chính trị”, TS Puett giải thích. Như vậy, các nhà lãnh đạo tương lai sẽ hiểu rằng sự thăng tiến phụ thuộc vào hệ thống kiểm tra và đánh giá phẩm chất lãnh đạo. Các quan chức chính phủ cũng có thể được luân chuyển về vị trí địa lý khác, ngăn không cho họ liên kết quá mức với các mạng lưới quyền lực địa phương.
Đối với Giáo sư, sự tách biệt rõ ràng này cho phép nhà nước tổ chức và thực hiện các dự án đi ngược lại trật tự tự nhiên của thị trường, như các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. “Hơn nữa, việc thi công cầu đường cũng sẽ đem lại những thay đổi lớn và mở ra cơ hội cho nhiều người khác. Các nhóm quyền lực địa phương có thể không muốn thấy vị thế của mình bị mất đi. Nhưng nhà nước không cần phải lo lắng về điều đó”, ông giải thích.
Những hệ quả tương phản trong đại dịch
Từ các biện pháp phong tỏa quyết đoán chấp nhận hy sinh về mặt kinh tế, xây dựng khẩn cấp bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán bằng ngân sách nhà nước, cho đến triển khai xét nghiệm rộng rãi, theo dõi và chăm sóc y tế công cộng, các biện pháp hiệu quả nhất trong việc ngăn chặn dịch bệnh là cần đến sự hành động nhanh chóng của một chính phủ không bị cản trở bởi các lực lượng thị trường. Như Giáo sư Puett trình bày, đây là yếu tố quyết định giúp các nước Đông Á kiểm soát dịch bệnh. “Các quốc gia với tầng lớp tinh hoa được chọn lọc theo thực lực và có sức mạnh triển khai các chiến lược quy mô lớn của chính phủ đã đối phó cực kỳ thành công với cuộc khủng hoảng”, ông Puett kết luận.
Giáo sư Puett trong chuyến thăm Fulbright thang 1, 2019