Quản lý bằng thiện chí - Nguyên tắc
Tác giả: Paul-Marie Chavanne và Oliver Truong
Dịch giả: Bảo Ân
Hình thức: Bìa mềm, 244 trang
Thể loại: Quản trị nhân sự
Nhà xuất bản: Công Thương, 2020
Quản lý bằng thiện chí - Nguyên tắc
Chúng ta đang sống giữa cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với vô số cơ hội và thách thức. Các doanh nghiệp buộc phải tiến hành chuyển đổi số để sống sót trong cuộc cạnh tranh. Ngoài ra, họ còn phải đối mặt với những thử thách mới liên quan đến văn hóa doanh nghiệp khi các thế hệ trẻ trưởng thành trong thời đại kỹ thuật số bước chân vào chốn công sở. Những nhân viên trẻ này có những kỳ vọng rất khác về các nhà quản lý, lãnh đạo cũng như về môi trường làm việc. Họ muốn được phát triển bản thân, được thỏa sức sáng tạo, nhưng quan trọng hơn, họ muốn chắc chắn rằng mình có thể đặt niềm tin vào cấp quản lý và lãnh đạo.
Trong doanh nghiệp, nhân viên ở mọi cấp bậc đều lo lắng về sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Họ phải học cách thích nghi với các công nghệ mới cùng những ứng dụng của chúng trong phương pháp làm việc. Nhân viên nhận thức được rằng cuộc chuyển đổi số vừa mang đến cho doanh nghiệp nhiều tiềm năng phát triển, vừa có thể gây ra sự xáo trộn đáng lo ngại. Hơn bao giờ hết, các nhà quản lý và lãnh đạo phải là kim chỉ nam dẫn dắt nhân viên qua cơn bão của sự thay đổi.
Để đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của nhân viên cũng như xây dựng nền văn hóa doanh nghiệp vững mạnh giữa kỷ nguyên số, các nhà lãnh đạo, quản lý cần lan tỏa sự thiện chí trong mọi cấp bậc của doanh nghiệp. Thiện chí tức là chân thành quan tâm đến người khác, mong họ được an vui và hạnh phúc. Do đó, nhà quản lý có thiện chí phải luôn hướng tới mục tiêu cuối cùng: đem lại hạnh phúc cho nhân viên.
Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta vẫn bắt gặp những phong cách quản lý không những không tạo được động lực cho nhân viên và nâng cao hiệu quả làm việc, mà còn khiến những hành vi xấu lan rộng trong doanh nghiệp. Đó là những nhà quản lý vị kỷ luôn tìm cách mưu lợi cho bản thân mình bất chấp việc gây ra hệ quả tiêu cực cho nhân viên và công ty. Các nhà lãnh đạo, quản lý phải làm gương cho cấp dưới. Nếu tấm gương không sáng thì nền văn hóa doanh nghiệp khó có thể vững mạnh.
Vậy phải làm gì để thay đổi hiện trạng này? Câu trả lời nằm trong bộ sách gồm hai cuốn có tựa đề: Quản lý bằng thiện chí. Trong cuốn thứ nhất, các tác giả đưa ra định nghĩa về sự thiện chí cùng các nguyên tắc để xây dựng nền văn hóa thiện chí trong doanh nghiệp. Họ cũng chỉ ra rằng những sai lầm trong công tác quản lý và xây dựng cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho các hành vi xấu phát triển. Trong cuốn thứ hai, các tác giả giới thiệu những phương pháp thực hành hiệu quả để giúp nhà quản lý phát triển nền văn hóa thiện chí trong doanh nghiệp.
Bài học quan trọng rút ra từ bộ sách này là: các nhà lãnh đạo, quản lý cần gương mẫu, nói đi đôi với làm để tạo được niềm tin nơi nhân viên và lan truyền sự tử tế, thiện chí trong doanh nghiệp. Bởi đó không phải một lựa chọn mà là điều kiện tiên quyết để thành công.
Mục lục
Lời giới thiệu
Lời nói đầu
THIỆN CHÍ HÀNG NGÀY: BÀI TOÁN BẤT KHẢ THI?
Phần I: Bản chất của con người, quyền lực của sự sợ hãi và sức mạnh của ham muốn
Chương 1: Nỗi sợ bị nuốt chửng
Chương 2: Nỗi sợ bị bỏ rơi
Chương 3: Nhu cầu được yêu thương
Chương 4: Khao khát được công nhận là độc nhất
Chương 5: Tại sao tôi lại đi làm? Khao khát ý nghĩa
Phần II: Đối lập với thiện chí, quyền lực của cái tôi
Chương 6: Nhà độc tài
Chương 7: Các siêu sao
Chương 8: Các nịnh thần
Phần III: Cơ cấu tổ chức hiện đại
Chương 9: Các tổ chức siêu tập quyền
Chương 10: Những tổ chức siêu cạnh tranh
Chương 11: Cơ cấu tổ chức mù mờ
ĐỔI CHIỀU GIÓ VÀ HÀNH ĐỘNG ĐỂ LAN TỎA VĂN HÓA THIỆN CHÍ
Phần IV: Đi tìm tổ chức thiện chí
Chương 12: Nguyên lý ủy quyền
Chương 13: Nguyên lý trách nhiệm
Chương 14: Sự minh bạch giữa các lĩnh vực và vận hành dựa trên mô hình dự án
Chương 15: Quyết định đưa ra phải bám sát thực tế
Phần V: Văn hóa thiện chí: Chuyến phiêu lưu của tập thể
Chương 16: Không gì ngoài sự thật
Chương 17: Sự tôn trọng
Chương 18: Đối thoại ở mọi cấp độ
Phần VI: Một nhà quản lý có thiện chí… hoặc không gì hết!
Chương 19: Mang lại ý nghĩa cho hành động tập thể
Chương 20: Hỗ trợ nhân viên
Chương 21: Thực thi công lý
Chương 22: Làm gương
Kết luận
Sổ tay văn hóa thiện chí
Thông tin tác giả:
Paul-Marie Chavanne là tổng giám đốc kiêm chủ tịch của một doanh nghiệp logistics quốc tế. Ông đã có mười năm làm việc ở Bộ Tài chính Pháp và 30 năm đảm nhiệm các chức vụ tổng giám đốc và chủ tịch của nhiều doanh nghiệp.
Olivier Truong là giám đốc quản lý sự thay đổi của một tập đoàn dịch vụ lớn. Ngoài ra, ông cũng giảng dạy môn xã hội học tổ chức tại trường ESCP Europe.
Trích đoạn sách:
“Thiện chí là gì?
Thiện chí không chỉ là sự tử tế và lòng quan tâm dành cho người khác. Đó là ý chí bền bỉ trong mỗi người để có thể hoàn thiện bản thân, chủ động tiến về phía trước, tìm thấy con đường dẫn tới số mệnh của mình, phát huy tiềm năng và “trở thành chính mình”.
Cũng như với tình yêu, ta hiểu được thiện chí qua những biểu hiện nhiều hơn qua bản chất. Và cũng như tình yêu, thiện chí chỉ được nhìn nhận qua trạng thái thiếu sót: sự thiếu thiện chí nói lên điều gì đó về chính lòng thiện chí, cũng như không có tình yêu ta mới hiểu được tình yêu. Thiện chí với người nào đó khởi đầu từ việc ta thấy họ thú vị và quan tâm đến họ.
Mở rộng hơn nữa, nếu ta tìm hiểu khái niệm này dưới góc nhìn tâm lý học, thì thiện chí phản ánh thái độ tìm kiếm điều thiện trong người khác, nhằm giúp họ trưởng thành nhờ những đức tính của chính mình và vượt qua giới hạn của bản thân.
Một thái độ thiện chí là tự nguyện ưu tiên điều tích cực thay vì tiêu cực, ưu tiên tiềm năng thay vì thiếu sót.
Cuối cùng, nói về cách cư xử thiện chí thì dễ hơn giải thích chính khái niệm này. Tỏ thái độ thiện chí với một người, tức là tự nguyện ưu tiên điều tích cực thay vì tiêu cực, ưu tiên tiềm năng thay vì những thiếu sót cố hữu, và hoàn toàn tôn trọng người đó (bắt đầu từ việc tôn trọng sự tự do của họ).
Tuy nhiên, trở thành người thiện chí không nhất thiết là thỏa hiệp hay khoan dung. Quá xuề xòa hay chịu đựng các hành vi xấu sẽ dẫn tới hiện tượng làm ngơ, đi ngược lại với tinh thần thiện chí.
Khái niệm thiện chí hay được đề cập trên khía cạnh tương quan thuần túy giữa người với người. Dưới góc nhìn này, nó tùy thuộc vào khuynh hướng và tính khí của mỗi người: may mắn cho những ai được làm việc với người có thiện chí.
Thiện chí trong doanh nghiệp?
Liệu chúng ta có “dám bày tỏ thiện chí” trong một thế giới doanh nghiệp toàn cầu hóa, siêu cạnh tranh như hiện nay? Chẳng phải đó là ước muốn xa vời do các nhà lý tưởng chủ nghĩa đứng ngoài thời cuộc khởi xướng? Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại: nhiều khảo sát cho thấy các đội ngũ không ao ước gì nhiều ngoài việc nâng cao thiện chí trong doanh nghiệp. Một nghiên cứu của Đại học Warwick chỉ ra hiệu suất công việc sẽ tăng 12% khi cả nhóm thấy hạnh phúc.
Ngành khoa học xã hội và nhân văn cho thấy thiện chí giúp tạo nên môi trường khích lệ động lực cá nhân và sự gắn kết, đồng thời nâng cao hiệu quả vận hành của các nhóm nhỏ. Những nghiên cứu này cũng cố gắng chứng minh rằng thiện chí là nguồn cội sáng tạo quý giá của tổ chức, vì hiệu quả của tổ chức được tạo nên từ rất nhiều yếu tố mà ta không thể chỉ quy về khía cạnh lãnh đạo, quan hệ giữa con người với nhau hay khả năng suy xét của mỗi người.
Tuy nhiên, không có gì chứng tỏ rằng thiện chí mâu thuẫn với hiệu quả. Trái lại, khi quan sát các nhóm nhỏ, ta thấy cảm giác an toàn, tương quan xã hội, bảo vệ lẫn nhau, cảm giác vui thú và được thử nghiệm sẽ khiến đội ngũ gắn kết bền chặt với công việc. Mà sự gắn kết của nhân viên là một trong những chìa khóa tốt nhất để tăng cường hiệu quả, thiếu đi yếu tố này mọi người sẽ lơ là nhiệm vụ, làm việc đối phó và doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ cả kho tàng đổi mới sáng tạo.”
[…]
“Trong thâm tâm con người là những nỗi sợ và ham muốn. Hiểu được điều gì thúc đẩy chúng ta tự đáy lòng chính là bước đầu tiên để phát triển thiện chí. Nỗi sợ làm nảy sinh lối tư duy hoài nghi, tạo nên một bầu không khí đầy ác ý, và dẫn tới mối lo ngại phải bảo vệ chính mình.
Những cơ chế để vượt qua nỗi sợ khá phức tạp và riêng tư. Vượt qua nỗi sợ bị bỏ rơi là điều kiện tiên quyết đối với bất kỳ nhà quản lý nào muốn truyền cảm hứng cho người khác. Sau khi đã nhận thức đầy đủ về các cơ chế này, họ mới có thể xoa dịu những nỗi sợ của nhân viên.
Theo hướng này, làm chủ nhu cầu được yêu thương và được nhìn nhận như người độc nhất chính là hành động đầu tiên để kiểm soát bản thân tốt hơn. Nhận biết các động cơ cá nhân là bước then chốt để nhà quản lý đáp ứng nhu cầu tình cảm và nhu cầu được công nhận của các thành viên trong đội, đây là điều kiện bắt buộc cho động lực và tính gắn kết.
Sau cùng, trong thời đại mà thế hệ trẻ rất cần ý nghĩa, nhà quản lý phải có trách nhiệm xây dựng thiện chí bằng cách giúp mỗi người tìm thấy chỗ đứng của mình và trở nên có ích.”
[…]
“» Đòi hỏi ý nghĩa ngày càng mạnh mẽ
Mối quan tâm lớn nhất của các bạn trẻ từ 15 đến 25 tuổi là truy cập mạng wifi. Không ngừng kết nối trong một xã hội bất định, trong nền kinh tế tài chính hóa, các thế hệ trẻ không còn trông chờ ý nghĩa từ xã hội, mà tự đi tìm ý nghĩa trong tính cá thể của mình, qua những người họ gặp gỡ và các trải nghiệm họ đạt được. Đời sống của họ bị chia nhỏ thành nhiều phần và có lúc họ trải nghiệm đồng thời các phần nhỏ khác nhau.
Do quyết tâm muốn thử nghiệm, tiếp xúc, muốn sống nhiều cuộc đời, nhu cầu về ý nghĩa của họ vô cùng mạnh mẽ. Bởi họ hiểu rằng bất kể công nghệ tiên tiến có đem lại hàng nghìn khả năng, thì chúng cũng không tạo thành một hệ giá trị để hướng dẫn họ trong cuộc sống của mình.
Sự thành công của Demain (2015), bộ phim về cuộc tìm kiếm ý tưởng vòng quanh địa cầu để cứu nhân loại đang bị đe dọa bởi hệ sinh thái sụp đổ, thể hiện nhu cầu tìm ra ý nghĩa của cuộc sống và lấp đầy chuỗi ngày của mình một cách có ích.
Thế hệ Y không còn ao ước cuộc sống của cha mẹ mình, những người hy sinh vì nhiệm vụ.
Các nghiên cứu cho thấy thế hệ Y không còn ao ước cuộc sống của cha mẹ mình, những người hy sinh vì nhiệm vụ để rồi doanh nghiệp lại sa thải họ sau nhiều năm lao động vất vả. Các bạn trẻ thế hệ Y muốn vui thú, muốn có hàng nghìn trải nghiệm khác nhau và tác động lên thế giới bất an này, nơi không có gì chắc chắn.
Họ đã chứng kiến việc thiếu sót ý nghĩa dẫn tới sự tồn tại trống rỗng, nơi con người không còn thấy thỏa mãn khi tìm kiếm quyền lực hay tiền bạc, những thứ sau cùng đều dẫn tới hư vô. Họ quan sát thấy những người tuyệt vọng đuổi theo những thứ này thường xuyên rơi vào trạng thái trầm cảm.
Vì thế trước mắt họ là câu hỏi về ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày và trong công việc: liệu tôi có thành đạt bất kể làm trong ngành nghề nào không? Liệu tôi có thể thành công trong sự nghiệp mà không bỏ bê cuộc sống riêng tư?
Có bao nhiêu nhà quản lý nhận ra mình đã bỏ quên gia đình, bạn bè, và cuối cùng là chính bản thân để đặt cược tất cả vào công việc, sự nghiệp và thành công trong nghề?”
[…]
“Đã bao giờ bạn không hiểu nổi mình đang làm gì? Hiện tượng này xảy ra khi các nhiệm vụ quá rời rạc, hay phạm vi quyền tự chủ và trách nhiệm của nhân viên bị giới hạn, khiến họ dần dần mất động lực và bớt gắn kết vì không nhận thấy lợi ích thực sự trong công việc nữa. Cùng lắm họ chỉ bắt tay vào làm để chiều lòng sếp, thậm chí mặc kệ chất lượng công việc.
Đã bao giờ bạn thấy mình vô dụng và không mang lại được gì chưa? Hiện tượng này xảy ra khi cấp trên giao cho bạn một sứ mạng trống rỗng. Cảm giác vô dụng lại dẫn đến cảm giác kém cỏi và ý nghĩ mình không xứng đáng có một chỗ đứng trong tập thể. Tình huống này rút cạn sức sáng tạo và mọi thú vui lao động của chúng ta. Có nhiều nhà quản lý đang làm việc theo kiểu “giật dây”, coi thường nhân viên và giám sát nhiệm vụ của họ từng chút một.
Một nghịch lý là ngay cả khi trách nhiệm không lớn bởi công việc không quan trọng, những người thực hiện vẫn cảm thấy nhanh chóng kiệt sức.
Ngược lại, với những người được cấp trên giao phó trách nhiệm rõ ràng, có giải thích cặn kẽ, họ sẽ được trang bị một động lực tích cực, mang lại sự bình yên và niềm hạnh phúc sâu sắc.”
[…]
“Những người lãnh đạo và nhà quản lý độc đoán đã gây nên biết bao đau khổ trong các tổ chức! Họ góp phần vào việc lan truyền sự lo âu, căng thẳng trong doanh nghiệp. Những nhân cách độc hại này không có khả năng khống chế nỗi sợ hãi và ham muốn của riêng mình (xem Phần I). Các nhân viên ngày nào cũng đem về nhà mối lo của riêng họ: bị ám ảnh vì phải chịu đựng những kẻ độc tài, màu mè, chỉ biết đến bản thân hay những trò đấu đá vặt vãnh.
Vậy phải làm thế nào? Việc đầu tiên là nhanh chóng phát hiện những hành vi lạm dụng này để bản thân khỏi bị ảnh hưởng, rồi vạch ra giới hạn để bảo vệ trạng thái tâm lý của mình. Tuy chân dung ba loại người bạo ngược trong tổ chức không tổng kết toàn bộ những tính cách độc hại mà ta gặp phải, nhưng những trang sách sau đây sẽ minh họa những hành vi xấu rất hay bị nhắm mắt cho qua hoặc được chấp nhận.
Các nhân viên cần nắm được những khó khăn trong việc kháng cự trước các hành vi này, và hơn hết là không bị cuốn vào mạng lưới các mối quan hệ rối loạn và tiêu cực.”
Sách Khai Minh trân trọng giới thiệu bạn đọc !
Bước 1: Truy cập website và lựa chọn sản phẩm cần mua để mua hàng
Bước 2: Click và sản phẩm muốn mua, màn hình hiển thị ra pop up với các lựa chọn sau
Nếu bạn muốn tiếp tục mua hàng: Bấm vào phần tiếp tục mua hàng để lựa chọn thêm sản phẩm vào giỏ hàng
Nếu bạn muốn xem giỏ hàng để cập nhật sản phẩm: Bấm vào xem giỏ hàng
Nếu bạn muốn đặt hàng và thanh toán cho sản phẩm này vui lòng bấm vào: Đặt hàng và thanh toán
Bước 3: Lựa chọn thông tin tài khoản thanh toán
Nếu bạn đã có tài khoản vui lòng nhập thông tin tên đăng nhập là email và mật khẩu vào mục đã có tài khoản trên hệ thống
Nếu bạn chưa có tài khoản và muốn đăng ký tài khoản vui lòng điền các thông tin cá nhân để tiếp tục đăng ký tài khoản. Khi có tài khoản bạn sẽ dễ dàng theo dõi được đơn hàng của mình
Nếu bạn muốn mua hàng mà không cần tài khoản vui lòng nhấp chuột vào mục đặt hàng không cần tài khoản
Bước 4: Điền các thông tin của bạn để nhận đơn hàng, lựa chọn hình thức thanh toán và vận chuyển cho đơn hàng của mình
Bước 5: Xem lại thông tin đặt hàng, điền chú thích và gửi đơn hàng
Sau khi nhận được đơn hàng bạn gửi chúng tôi sẽ liên hệ bằng cách gọi điện lại để xác nhận lại đơn hàng và địa chỉ của bạn.
Trân trọng cảm ơn.