Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ SẼ DẪN ĐẾN TRẦM CẢM VÀ RỐI LOẠN LƯỠNG CỰC?
02/01/2020
Nguồn: https://www.weforum.org/
Rối loạn lưỡng cực: Tiếng Anh Bipolar disorder (BPD, BD) được biết đến như là một rối loạn tâm thần gây ra các giai đoạn trầm cảm và tâm trạng tăng cao bất thường và thái quá ở hai cực (vd: vui tột độ hoặc buồn tột độ)
Ô nhiễm không khí không chỉ làm tắc nghẽn phổi và giảm tuổi thọ mà nó còn gây ra những rủi ro về các bệnh lý tinh thần, các nhà nghiên cứu đã nói dựa trên dữ liệu y tế từ hàng triệu bệnh nhân ở Mỹ và Đan Mạch.
Người dân tiếp xúc với chất lượng không khí kém ở cả hai quốc gia được chẩn đoán có nhiều nguy cơ bị mắc bệnh trầm cảm và rối loạn lưỡng cực, mặc dù các nhà phê bình cho rằng nghiên cứu này có thể chưa chuẩn xác và cho biết cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để rút ra kết luận một cách chắc chắn.
“Có khá nhiều yếu tố được tính đến (gây nên các căn bệnh tinh thần) nhưng ô nhiễm là một yếu tố mới” Lãnh đạo nhóm nghiên cứu Andrey Rzhetsky của Đại học Chicago đã nói như thế với Quỹ Thomson Reuters.
“Các nghiên cứu trên loài chó và loài gặm nhấm chỉ ra rằng ô nhiễm không khí xâm nhập trực tiếp vào não và là nguyên nhân của viêm nhiễm dẫn đến các triệu chứng như trầm cảm. Rất có thể điều tương tự sẽ xảy ra ở con người”.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính ô nhiễm không khí đã giết 7 triệu người mỗi năm – tương đương cứ mỗi phút có 13 người chết – nhiều hơn tổng số người chết do chiến tranh, giết người, lao phổi, HIV, AIDS và sốt rét cộng lại. Nó cũng có thể rút ngắn tuổi thọ của trẻ em. Mối quan tâm ngày càng tăng với vấn đề này đã khiến cho các thành phố như Paris (Pháp), Bogota (Columbia) và Jakarta (Indonesia) thí điểm ngày không có xe hơi.
Trong khi sự tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe thể chất đã được biết đến, thì mối liên hệ của nó với các bệnh lý tinh thần ít được biết hơn.
Các nhà nghiên cứu so sánh dữ liệu y tế và vùng bị ô nhiễm cho hơn 151 triệu cư dân Mỹ và 1,4 triệu bệnh nhân Đan Mạch (Nghiên cứu đã được xuất bản trong tạp chí PLOS Biology).
Trẻ em Đan Mạch tiếp xúc với không khi ô nhiễm làm tăng gấp đôi nguy cơ bị tâm thần phân liệt cũng như tỷ lệ mắc bệnh cao đối với các bệnh rối loạn nhân cách, trầm cảm và rối loạn lưỡng cực.
Trong khi đó dữ liệu ở Mỹ cho thấy không khí kém chất lượng cũng có liên quan đến các bệnh rối loạn lưỡng cực và trầm cảm nhưng không thấy liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt, động kinh và Parkinson.
Tuy nhiên, nghiên cứu này đã gây ra tranh cãi. Giáo sư Stanford John Ioannidis cho biết nó đã đưa ra một “khả năng hấp dẫn” rằng ô nhiễm không khí có thể là nguyên nhân của các bệnh tinh thần nhưng đã không đưa ra được một trường hợp rõ ràng nào. Ông nói: “Mặc dù các phân tích dựa trên các bộ dữ liệu lớn, nhưng những bằng chứng đó có những thiếu sót đáng kể và một loạt các sai lệch tiềm năng có thể làm mất hiệu lực các nhóm quan sát được”.