Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Nhà khoa học Nga T. Chernigovskaya: “Virus Corona đã chỉ ra: ai là chủ”

05/08/2020

Bản dịch Tường Anh từ www.sobaka.ru.

Nguồn Tuổi trẻ cuối tuần

Nhà khoa học Nga T. Chernigovskaya: “Virus Corona đã chỉ ra: ai là chủ”

Tatiyana Chernigovskaya, sinh năm 1947, là chuyên gia sinh học, nhà ngôn ngữ học và ký hiệu học, người sáng lập chuyên ngành “Ngôn ngữ học thần kinh” trên cơ sở khoa ngôn ngữ của Đại học Tổng hợp S. Petersburg. Ảnh:listim.com

 

Thế giới đang gồng mình đối phó với “làn sóng thứ hai” của đại dịch COvid-19. Trong khi đẩy nhanh việc chế tạo vaccine cho chủng virus nham hiểm đang đột biến, nhân loại còn phải đương đầu với câu hỏi lớn: Làm gì khi vẫn chưa biết cần phải… làm gì? TTCT giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của nữ khoa học gia nổi tiếng Nga T. Chernigovskaya cho báo chí Nga.

Thế giới hoang dã mới: virus corona và cuộc khủng hoảng của nền văn minh

* Bất ngờ chúng ta rơi vào một thế giới mới - điều đó có nghĩa là gì với chúng ta?

- Điều đó có nghĩa một thách thức rất nghiêm trọng: đang ập đến việc phải đánh giá lại hoàn toàn các giá trị trong xã hội. Và một điều rất rõ ràng là không có đường quay lại. Tôi nghĩ thiên nhiên, hay tạo hóa, đơn giản là đã phát chán cách chúng ta hành xử. Khi tôi học trung học, trong lớp chúng tôi treo khẩu hiệu: “Chúng ta không thể chờ đợi sự ưu ái của thiên nhiên. Bắt lấy chúng từ thiên nhiên - nhiệm vụ của chúng ta”. Ký tên: Michurin (*).

Về nhà tạo giống này có một chuyện tiếu lâm như sau: “Biết Michurin chết cách nào không? Té xuống từ ngọn dâu, và bị anh đào chôn kín”. Dĩ nhiên đó là chuyện cười, nhưng cốt truyện thú vị.

Chúng ta quá mải mê với ý niệm rằng con người là toàn năng. Chúng ta đã bay cao trong sự phát triển của mình đến độ không quan tâm tới bất cứ điều gì: dời núi lấp biển, trồng ngô ở nơi chỉ mọc được cỏ tháp bút. Và đấy, chúng ta đã được chỉ cho thấy: ai thật sự là chủ. Con virus corona nhỏ bé này đã nhấn nút tạm dừng cả thế giới.

* Bây giờ ta chỉ muốn nhấn nút “tua nhanh” về phía trước...

- Không thể: đâu ai biết chính xác nó (virus) hoạt động thế nào, vaccine chưa có. Dĩ nhiên, vaccine sẽ có, nhưng không sớm, và thực tế là con virus này đến lúc đó sẽ biến đổi. Vậy thì giờ chúng ta phải làm gì? Bởi đây là câu hỏi về sự sống và cái chết. Không chỉ việc sống chết của một cá thể, mà cả một nền văn minh. Hãy đồng ý với tôi đi, cả một nền văn minh!

* Tôi lo âu! Vậy chúng ta sẽ làm gì?

- Để bắt đầu, dĩ nhiên, phải nhận thức rằng bác sĩ là một trong những nghề chính trên hành tinh này. Bác sĩ không phải là những ai mà ta có thể xù lông hoặc trả cho họ ba rúp. Những người cứu chúng ta đang ở ngoài mặt trận, mà lại ngay trên tuyến đầu, có thể bị nhiễm bệnh và trở thành người mang virus.

Các nhà khoa học nữa, dĩ nhiên. Trong cuộc chiến với cái ác này cần có kiến thức chuyên môn ở cấp cao nhất. Và không chỉ các nhà dịch tễ học và virus học. Trong khi họ quyết định phải điều trị thế nào, chúng ta hỏi một câu hỏi khác: phải học thế nào?

* Học từ xa?

- Vâng, tất cả các sinh viên của chúng tôi đã chuyển sang học từ xa mà hóa ra, mất gần gấp đôi thời gian cho tất cả. Tưởng ra đó chỉ là bật Zoom lên và học, nhưng đâu đơn giản vậy. Tất cả đều bức xúc. Giáo viên đưa nhiều bài tập để bù đắp việc thiếu giao tiếp trực tiếp.

Còn những sinh viên tội nghiệp - buồn nhớ tương tác thực, họ đã viết cho tôi những bức thư cảm động như vậy - nhận một lượng khổng lồ tài liệu mà đơn giản là họ không thể xử lý hết. Nhưng không sao, cứ để họ lao động, cũng chẳng hại gì. Những ai đến trường vì mưu cầu kiến thức chứ không phải để khoe quần áo, điều đó thậm chí còn có lợi.

* Học trực tuyến hóa ra không hiệu quả sao?

- Không phải vậy. Cũng như trong bất cứ việc nào, hiệu quả phụ thuộc vào chất lượng của việc chuẩn bị. Ví dụ, tới 39.220 người đã đăng ký khóa học trực tuyến song ngữ miễn phí của chúng tôi “Ngôn ngữ học thần kinh” trên nền tảng Coursera! Thật tốt khi chúng tôi kịp hoàn thành nó ngay trước kỳ nghỉ bắt buộc.

Lúc đầu tôi đã lo sốt vó bởi ý tưởng thực hiện một khóa học như vậy, bởi tôi biết phải tiêu tốn bao nhiêu công sức cho việc thực hiện một dự án như thế. Nhưng tôi hài lòng với kết quả vì chúng tôi đã chuẩn bị bài bản...

...Nhưng dĩ nhiên cũng có mặt trái của việc học từ xa - bởi sự phấn khích không giống như khi giao tiếp cá nhân. Đặc biệt với những giáo viên như... tôi, những người cư xử sinh động. Sự sinh động này khó có thể truyền tải từ xa.

Tôi đã thấy điều đó thế nào trên giảng đường: tất cả như đều bị nhiễm bệnh! Một loại virus hữu ích: những đôi mắt bùng cháy, những cảm xúc vượt tràn khuôn khổ - điều đó không thực hiện được từ xa. Mà với hứng thú đó sinh viên mới bắt tay vào nghiên cứu, tiến hành các thí nghiệm trong các lab đến mỏi mắt - bởi họ làm những việc nghiêm túc chứ chẳng phải đùa.

 

Ảnh: Seldom.news

 

Sự ngạo mạn đã đưa chúng ta đến với virus corona.

* Chúng ta đã rơi vào thế giới mới này ra sao?

- Trong thế giới của chúng ta bắt đầu thống trị quyền của kẻ mạnh, quyền của sân chơi: nắm đấm của ai to hơn, kẻ đó sẽ thắng. Phát triển cả một nền văn minh nhân loại vĩ đại, được tạo nên bằng những kiệt tác không thể tưởng tượng, để cuối cùng kết thúc bằng việc rằng “ta là ông chủ, bởi bây giờ ta sẽ cho mi một đấm ngay trán”?! Điều này xảy ra cho quan hệ giữa con người với nhau cũng như giữa những đất nước với nhau.

Không thể sống được một thế giới mà trong đó, các chính trị gia cao cấp đã đàm phán được gì đó, và sáng hôm sau báo rằng họ đã nghĩ lại. Phải có luật lệ. (Nhà văn hóa, nhà ký hiệu học Nga - Xô viết) Yuri Mikhalovich Lotman đã viết: “Văn hóa - đó là một hệ thống các cấm đoán”.

Từ những chuyện đơn giản như “không xì mũi trong bữa trưa” và “không huých cùi chỏ” cho đến những nguyên tắc đạo đức phức tạp. Những nguyên tắc đạo đức này đã bị phá vỡ. Nắm đấm chống lại văn hóa. Nếu giá trị của thế giới cũ nằm ở chỗ ai có thỏi son đắt giá hơn sẽ quan trọng hơn, thì có bị như thế cũng là đáng kiếp.

* Vậy thì giờ đây chúng ta nên nhắm tới học gì? Các triết gia chẳng hạn, từng đề cập đến thời hoàng kim. Nó từng có hay chưa?

- Có đầy những chỉ dấu, nhiều thứ trong đó đang nằm trên các kệ sách của tôi: văn học vĩ đại, triết học vĩ đại, âm nhạc tuyệt vời, điện ảnh tuyệt vời, hội họa tuyệt vời. Cần nghiên cứu tất cả những thứ đó. (Nhà khoa học vật lý Nga - Xô viết) Sergey Petrovich Kapitsa mà tôi may mắn được trò chuyện trong một thời gian dài, từng khẳng định: giáo dục nên chuyển từ việc ghi nhớ sang hiểu biết - khi đó tất cả những ý nghĩa mới sẽ được mở ra.

Còn nhà đồng sáng lập trường gymnasium cổ điển của Saint Petersburg Lev Lurie đã giải thích tại sao học sinh của họ được dạy tiếng Latin và Hi Lạp, cho dù chúng không nghiên cứu văn học hoặc lịch sử cổ đại: đó là học sinh được dạy suy nghĩ và các quy tắc để chúng tuân thủ các luật lệ này.

Còn đối với thời hoàng kim thì tôi sẽ nói thế này: luôn có tất cả mọi thứ. Cùng lúc luôn tồn tại cái tốt và cái xấu. Thí dụ người Sparta: từ một phía, đó là xã hội của những người chiến thắng, nhưng mặt khác, họ ném khỏi vách đá những đứa trẻ nào không phù hợp với những thông số cứng nhắc được đưa ra.

* Những người Sparta và các nhà nghiên cứu bộ gen người dường như có nhiều điểm chung. Các nhà khoa học di truyền đang đặt ra những câu hỏi đạo đức khó cho chúng ta mà chúng ta không biết trả lời sao. Hay chúng ta đã biết?

- Chúng ta đã trải qua điều này. Có một khoa học - ưu sinh học, mà ý tưởng ban đầu của nó là cải thiện bộ gen người, có nghĩa giúp nhân loại loại bỏ những gen xấu. Nhưng kết cục là nó biến thành một thí nghiệm quái dị. Hãy nhìn xem điều gì đang diễn ra: một bộ gen của người nào đó ghi rằng anh ta có khả năng bị tâm thần phân liệt, chúng ta leo vào, đào bới một chút và anh ta sẽ không bị tâm thần phân liệt gì...

Sự ngạo mạn của chúng ta, thứ đúng là đã đưa chúng ta tới với virus corona, tin chắc rằng chúng ta biết mọi thứ về bộ gen này. Đâu phải vậy, sửa một mẩu này, chúng ta có thể gây ra một thứ khác! Bạn có chắc rằng leo vào thế giới vi mô với cái búa tạ chúng ta sẽ không làm hỏng bất cứ thứ gì ở đó không? Có thể, chúng ta nên cư xử khiêm tốn hơn chăng?

(*) Ivan Vladimirovich Michurin (1955-1935): Nhà sinh vật học và nhà tạo giống xuất sắc người Nga, tác giả của nhiều loại cây ăn trái và quả mọng. Tuy nhiên, thái độ thờ ơ của Muchurin với tôn giáo đã khiến giáo hội và giới tư sản Nga thời đó xem ông là một kẻ kiêu ngạo và có hại.

zalo