Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Ngôn ngữ và ý thức - Chomsky

90.000₫
Tình trạng: Hết hàng

Dù đã ở tuổi 89, nhưng Noam Chomsky vẫn miệt mài làm việc và cống hiến. Ông thường được đánh giá là “cha đẻ của ngôn ngữ học hiện đại”,...

SÁCH HẾT HÀNG CHỜ TÁI BẢN 
Ngôn ngữ và ý thức - Chomsky

Đây là bản in lần thứ ba được chờ đợi từ lâu về tuyển tập các bài viết của Chomsky về ngôn ngữ và ý thức. Sáu chương đầu, được công bố vào những năm 1960, tạo nền tảng cho lí thuyết ngôn ngữ. Lần in mới này bổ sung vào một chương nữa và một lời tựa mới, đưa cách tiếp cận có ảnh hưởng của Chomsky vào thế kỷ mới. Chương 1 - 6 trình bày công trình của Chomsky về bản chất và thụ đắc ngôn ngữ như là một hệ thống sinh học được thiên phú về di truyền (ngữ pháp phổ niệm), thông qua các quy tắc và nguyên tắc của nó chúng ta thụ đắc kiến thức nội hiện (I-language). Hơn 50 năm qua, khung lí thuyết này đã châm ngòi cho sự bùng nổ và nghiên cứu trong một phạm vị rộng lớn các ngôn ngữ, và đã thu được những vấn đề lí thuyết quan trọng. Chương cuối cùng trở lại những vấn đề chủ chốt, tổng quan lại cách tiếp cận "ngôn ngữ học sinh học" đã dẫn đường cho công trình của Chomsky từ những khởi nguồn của nó cho đến nay, đưa ra một số thách thức mới gây phấn khích cho việc nghiên cứu ngôn ngữ và ý thức.

NOAM CHOMSKY là Giáo sư Ngôn ngữ học ở Viện Công nghệ Massachusetts. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách : Những chân trời mới trong nghiên cứu ngôn ngữ và ý thức (New Horizons in the Studies of Language and Minds) (Cambridge University Press, 2000) và Về tự nhiên và ngôn ngữ (On Nature and Language) (Cambridge University Press, 2002).

Noam Chomsky: Một trí thức dấn thân

Dù đã ở tuổi 89, nhưng Noam Chomsky vẫn miệt mài làm việc và cống hiến. Ông thường được đánh giá là “cha đẻ của ngôn ngữ học hiện đại”, “người đã làm cuộc chuyển đổi hệ hình”1 (paradigm shifter) nghiên cứu trong khoa học, một đại diện của triết học phân tích, và là một trong những người sáng lập khoa học nhận thức.

 

Đóng góp, tên tuổi của Chomsky nổi lên và dường như được chia đều ở hai lĩnh vực chính là ngôn ngữ học và hoạt động phản biện chính trị - xã hội. Quan điểm của ông về cả hai lĩnh vực này hiện vẫn là những thách thức để cho người ta chứng minh, phát triển, thậm chí là bác bỏ để phát triển, phát triển để bác bỏ. 

Có vẻ các nghiên cứu khoa học hàn lâm của ông về ngôn ngữ học thường mới chỉ dừng lại ở bậc lí thuyết, giả thuyết. Nhưng dù vậy, không ai phủ nhận được một thực tế rằng các công trình và hoạt động của Chomsky lại đầy chất “gợi mở”, “khiêu khích” và “gây chiến” đối với tư duy khoa học một cách lạ lùng.

Cuộc đời

Avram Noam Chomsky sinh ngày 7 tháng 12 năm 1928 tại Philadelphia trong một gia đình trí thức gốc Do Thái. Năm 1945, ông theo học tại Đại học Pennsylvania. 

Ở đó, ông đã được tiếp xúc với một người bạn của cha ông là Zellig Harris, một nhà ngôn ngữ học cấu trúc luận xuất chúng và là người sáng lập bộ môn ngôn ngữ học đầu tiên tại Mỹ. Chính sự tiếp xúc này đã để lại nhiều ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm học thuật của Chomsky về ngôn ngữ học và chính trị. 

Năm 1947, Chomsky đăng kí học ngôn ngữ học, và rồi lần lượt tốt nghiệp Cử nhân và Thạc sĩ ngành này vào năm 1949, 1951. 

Từ 1951 đến 1955, Chomsky là hội viên Hội Nghiên cứu sinh Đại học Harvard và hoàn thành luận án tiến sĩ về ngôn ngữ học tại đây. 

Sau khi tốt nghiệp Harvard, ông vào làm việc tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), một môi trường học thuật mà theo ông là hết sức tự do, cởi mở, dễ nuôi dưỡng và thúc đẩy những tư tưởng mới mẻ, tiến bộ, không bị câu thúc bởi những định kiến hàn lâm cũ mòn. 

Năm 1961, ông được bổ nhiệm là giáo sư chính thức của Bộ môn Ngôn ngữ học và các Ngôn ngữ hiện đại (sau này là của Bộ môn Ngôn ngữ học và Triết học) của MIT. Ông làm việc tại bộ môn này từ đó cho đến khi nghỉ hưu.

Noam Chomsky là tác giả của hơn 150 cuốn sách và hàng nghìn bài báo, bài nói chuyện, phỏng vấn, tranh luận về các chủ đề khác nhau như ngôn ngữ học, triết học, tâm lí học, giáo dục, lịch sử trí tuệ, chính trị, chiến tranh, chủ nghĩa khủng bố, truyền thông đại chúng, tự do ngôn luận,…

Ngay từ năm 1970, ông đã được London Times bình chọn là một trong những người làm nên thế kỉ XX. Năm 1992, khi xem xét ba loại chỉ số trích dẫn khác nhau từ những năm 1970 đến 1992, ông là một trong những người được trích dẫn cao nhất: tính riêng từ năm 1980 đến 1992, trong khoa học xã hội và nhân văn, ông là nhà khoa học đang sống được trích dẫn nhiều nhất, và đứng ở vị trí thứ tám (sau Sigmund Freud và trước Georg Hegel) trong tốp những người được trích dẫn nhiều nhất mọi thời đại. 

Năm 2005, trong cuộc bình chọn của tạp chí Foreign Policy và Prospects, ông đứng đầu danh sách 100 trí thức (dành cho/ vì) đại chúng nhất thế giới. Năm 2006, ông được tạp chí New Statesman bình chọn là người đứng thứ bảy trong danh sách tốp 50 “Anh hùng của thời đại chúng ta”.

Vị cha đẻ của ngôn ngữ học hiện đại

Chomsky là người có công thúc đẩy chủ nghĩa cấu trúc trong ngôn ngữ học sang một trang mới bằng việc hình thức hoá triệt để trong nghiên cứu ngôn ngữ. 

Ông phát triển ngữ pháp tạo sinh - cải biến (transformational – generative grammar), một trường phái ngữ pháp (rộng hơn là trường phái ngôn ngữ học) mà hiện nay đang được xem là sôi động nhất, có sức “tạo sinh” lớn nhất và đang được tranh biện, ủng hộ, phủ định nhiều nhất.

Chomsky coi ngôn ngữ loài người là một thực thể tâm lí học và một thực thể sinh học, trong đó cái bẩm sinh là phần cốt lõi, tồn tại sẵn trong trí não/ ý thức của mọi thành viên cộng đồng và cái trưởng thành là cái có được nhờ kinh nghiệm sống của từng cá thể. 

Nghiên cứu ngôn ngữ chính là nghiên cứu ngữ thi, nghiên cứu ngữ pháp có giá trị phổ quát, có tính di truyền của con người, nghiên cứu cách thức tổ chức và hoạt động của cái thực thể vật chất là não/thần kinh trong quá trình sản sinh phát ngôn,…qua phương pháp của các khoa học tự nhiên, có tính hình thức. 

Chính quan điểm khoa học này của Chomsky đã thúc đẩy hàng loạt những nghiên cứu mới mẻ về sau này trong ngôn ngữ học, bao gồm cả những nghiên cứu ủng hộ ông lẫn những nghiên cứu chống lại ông. 

Quan điểm này đã gây nên cuộc chiến tranh ngôn ngữ hết sức sôi động và có nhiều giá trị giữa một bên là ông và một bên là các đồng nghiệp và những học trò đã thoát li khỏi ông vào những năm 60 – 70 của thế kỉ trước.

Người tiên phong trong khoa học nhận thức

Chomsky tạo ra cuộc Cách mạng nhận thức (cognitive revolution) qua việc phê phán và góp phần đánh đổ chủ nghĩa hành vi trong tâm lí học nói riêng và chủ nghĩa kinh nghiệm trong triết học nói chung để rồi đề xuất một cách lí giải, tiếp cận mới về trí não, ngôn ngữ, năng lực nhận thức. 

Ông đã bác bỏ quan điểm nhị nguyên luận trong sự phân biệt giữa trí não và thể xác của truyền thống khi cho rằng: trí não của con người chính là cái có giá trị bẩm sinh, là sản phẩm của quá trình nhận thức, chứa đựng tất cả các trạng thái, năng lực tinh thần vô thức khác nhau; trí não hình thành từ các hợp phần hay các mô đun, các năng lực nhận thức khác nhau và ngôn ngữ cũng chỉ là một bộ phận cấu thành nên trí não. Quan điểm này đối lập với truyền thống và tạo nên sự cách tân trong các nghiên cứu khoa học về năng lực nhận thức của con người.

Khoa học nhận thức/ tri nhận (cognitive science/ cognitivism) là một lĩnh vực nghiên cứu khoa học liên ngành về trí não/ ý thức (mind) và sự hoạt động của trí não, có nhiệm vụ khảo sát bản chất, nhiệm vụ và chức năng của sự nhận thức của con người, cách thức mà hệ thống thần kinh của con người lưu trữ, biểu diễn, xử lí, chuyển tải và truy xuất thông tin. 

Để làm được việc này, các nhà khoa học phải nghiên cứu về ngôn ngữ, tri giác, trí nhớ, chú ý, lập luận, xúc cảm…, phải sử dụng kết quả và phương pháp nghiên cứu của ngôn ngữ học, tâm lí học, trí tuệ nhân tạo, triết học, khoa học thần kinh và nhân học. Thật tuyệt vời là những nghiên cứu, đề xuất lí thuyết của Chomsky lại liên quan mật thiết, hay được dẫn xuất, được thực chứng và hỗ trợ từ tất cả những nhánh nghiên cứu này.

Người trí thức dấn thân

Noam Chomsky là một trí thức cánh tả, một người bất đồng chính kiến điển hình và không khoan nhượng đối với chính quyền Mỹ, “một trong những thách thức có ý nghĩa và quan trọng nhất đối với cường quyền, sự bất công và dối trá” (Edward Said), “một trong những vị anh hùng đáng chú ý nhất của nhân dân” (Wolfgang B. Sperlich), “một nguồn cổ vũ lớn lao cho những nước thuộc Thế giới thứ ba” (John Pilger). 

Ông thường tự nhận mình là người theo chủ nghĩa vô chính phủ hay chủ nghĩa công đoàn - vô chính phủ. Có lẽ chính vì thế mà ông đã trở thành bạn thân của nhiều nguyên thủ quốc gia cánh tả ở Mỹ La tinh (như Fidel Castro, Hugo Chavez,…). 

Ông ảnh hưởng lớn đến chính sách ngoại giao của Mỹ, thậm chí đôi khi người ta còn xem ông như là một đối trọng của chính sách ngoại giao Mỹ. 

Ông chủ trương chống lại chủ nghĩa bá quyền Mỹ, chủ nghĩa đế quốc Mỹ, chống lại chủ nghĩa tự do mới và chủ nghĩa tư bản nhà nước hiện tại của Mỹ, chống lại sự dung dưỡng và bao che cho chủ nghĩa khủng bố của Mỹ, chống lại sự can dự thô bạo có tính hai mặt của Chính phủ Mỹ đối với những quốc gia độc lập, có chủ quyền,... Fred Halliday từng xem Chomsky chính là “người đỡ đầu” chống lại chủ nghĩa tư bản, chống lại chủ nghĩa đế quốc, chống lại sự bất công trên toàn thế giới. 

Ông cũng chính là người ủng hộ và tham gia một cách bền bỉ và mạnh mẽ phong trào Chiếm lấy phố Wall trong những năm qua. 

Chomsky, một mặt, phản đối gay gắt sự bao che của Mỹ đối với những chính phủ độc tài, vi phạm nhân quyền vốn là đồng minh của Mỹ (như các nước Ả Rập, Israel, Indonesia,…), nhưng mặt khác, cũng lên án mạnh mẽ sự can thiệp của Mỹ hay đồng minh của Mỹ đối với những quốc gia không theo Mỹ (như sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, Nam Tư, Iraq, Iran,…, sự can thiệp của Indonesia, của Australia vào Đông Timor,…). 

Ông được đánh giá là một trong hai người (cùng nhà báo John Pilger) có công đầu đưa đến sự độc lập của Đông Timor vào năm 2002 (Wolfgang B. Sperlich). 

Ông cũng là người ra sức bảo vệ quyền tự do ngôn luận của con người. Ông cho rằng quyền tự do ngôn luận “phải được mở rộng tới tất cả các loại quan điểm khác nhau”, dù là đối lập, ngược chiều với quan điểm chủ lưu của đa số.

 Cũng chính vì sự nhiệt tình này mà đôi khi danh tiếng của ông đã bị tổn hại. Chẳng hạn, để bảo vệ cho quyền tự do ngôn luận của nhà sử học Pháp R. Faurisson trong việc đưa ra quan điểm chính danh của mình, Chomsky đã viết lời giới thiệu cho cuốn sách gây nhiều tranh cãi, có nội dung phủ nhận tội ác tàn sát người Do Thái của Đức Quốc xã Mémoire en défense contre ceux qui m’accusent de falsifier l’histoire (1980). 

Cũng chính vì thế mà dù rằng ông và một số đồng nghiệp lúc đương nhiệm từng đảm nhận việc giảng dạy một số môn về chính trị học, độc lập với bộ môn khoa học chính trị học vốn đậm chất bảo thủ tại MIT, song các sách báo mà ông viết hiếm khi được kể vào trong các chương trình đào tạo chính trị học chính thức. 

Ông cũng là người đi đầu trong việc vạch trần sự thiên lệch hay lừa bịp của truyền thông. 

Cũng chính vì điều này mà dòng truyền thông chính thống thường tảng lờ, không tham chiếu hay trích dẫn quan điểm học thuật của ông, thậm chí là xuyên tạc quan điểm và bôi nhọ ông. 

Ví dụ, cũng vì vạch rõ tính hai mặt trong chính sách đối ngoại bá quyền của Mỹ mà truyền thông đã bao che và tiếp tay mà ông đã từng bị quy kết là bỏ lơ chính sách diệt chủng của Pol Pot tại Camphuchia. Ông cho rằng vì Indonesia là đồng minh của Mỹ nên Mỹ và truyền thông đã chẳng đếm xỉa gì đến hành động xâm lược Đông Timor của Indonesia lúc bấy giờ mà lại quá chú trọng đến tội ác diệt chủng tại Camphuchia, một đất nước vốn dĩ được xem là kẻ thù của Mỹ.

Với tư cách là một người trí thức, thường định vị và ví mình như là một người lao động bình thường như bao nhiêu người khác, Chomsky cho rằng người trí thức phải là người có trách nhiệm, nghĩa vụ nói lên sự thật, vạch trần sự dối trá một cách kiên quyết, không khoan nhượng, thúc đẩy một xã hội tự do, dân chủ, bình đẳng và công bằng. 

Cường quyền, đàn áp, sự bóp méo và bưng bít thông tin không thể là thứ làm rối trí hay nhụt chí người trí thức. 

Trí thức chính là những người mà tất thảy vật liệu, chất liệu, nguyên liệu lao động, công cụ lao động, công xưởng lao động, sản phẩm lao động đều diễn ra và nằm trong trí não. 

Trí thức không thể là người run sợ trước cường quyền, mờ mắt trước sự cám dỗ của những nguồn lực tài trợ cho những đề tài nghiên cứu… để mà chối bỏ trách nhiệm định hình, dẫn dẵt xã hội của mình. 

Do sự quyết liệt, thẳng thắn và độc lập của mình mà Chomsky cũng là đối tượng bị những người bảo thủ, truyền thông xuyên tạc và bóp méo. 

Là một người gốc Do Thái nhưng do lên tiếng ủng hộ và bảo vệ lẽ phải và quyền con người trong cuộc xung đột Palestine – Israel mà ông đã bị nhiều người kết tội là phản bội lại người Do Thái. 

Do phản biện và bác bỏ lại chính sách của Chính phủ Mỹ mà ông đã từng bị quy gán là người độc tưởng (monomaniac), người phản bội lại nước Mỹ, người phủ định và chối bỏ mọi điều mà lãnh đạo Mỹ nói và làm, là người không có năng lực phân biệt giữa dân chủ và phản dân chủ,… 

Những chỉ trích, cáo buộc và gán ghép tiêu cực như vậy dành cho ông, theo McGilvray, là do người ta cố tình bóp méo, xuyên tạc ông bằng cách trích rút những phát biểu của ông khỏi những ngữ cảnh cần thiết.

 Dĩ nhiên, mọi điều thánh thiện, tử tế và trung thực đều có thể bị bóp méo để biến thành những “phản đề” khi người ta cố tình cô lập chúng khỏi ngữ cảnh mà chúng tồn tại với tư cách là một bộ phận không thể tách rời.

Chomsky với Việt Nam

Quan tâm tới chính trị từ nhỏ, thậm chí khi học đại học từng có ý định bỏ sang Trung Đông để có cơ hội trải nghiệm chính trị, nhưng các hoạt động chính trị của Chomsky chỉ thực sự bắt đầu để lại dấu ấn khi ông tham gia các cuộc tuần hành phản đối sự can thiệp, xâm lược của Mỹ đến Việt Nam. 

Ban đầu, ông thể hiện sự phản đối của mình đối với Chính phủ Mỹ bằng những cuộc nói chuyện, diễn thuyết nhỏ tại nhà thờ, đường phố, khuôn viên trường đại học, nhưng dần dà về sau ông đã thể hiện điều này bằng các bài báo và các cuốn sách, những bài thuyết trình tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. 

Bài viết The Responsibility of Intellectuals (1967) (Vai trò của người trí thức) thường được xem như là sự khởi đầu một cách chính thức của ông đối với các hoạt động chính trị - xã hội, đối với nghiệp dấn thân của một người trí thức. 

Cũng vì tham gia biểu tình và viết bài chỉ trích Chính phủ Mỹ mà ông đã nhiều lần bị bắt và cũng đã từng nếm trải “một đêm” trong nhà tù của chính quyền Mỹ. 

Ông từng bị Tổng thống R. Nixon liệt vào Danh sách kẻ thù (Enemy List) của mình. 

Thậm chí, vợ ông, nhà ngôn ngữ học Carol Schatz, do hiểu được sự nguy hiểm tiềm ẩn trong các hoạt động của chồng và cũng là để chia sẻ và ủng hộ chồng đã phải tính đến việc tiếp tục học tiến sĩ về ngôn ngữ học để có thể đảm bảo tài chính cho gia đình trong trường hợp Chomsky bị bỏ tù hoặc bị MIT đuổi việc; nhưng rất may, MIT đã không đuổi việc ông vì những đóng góp to lớn của ông cho MIT và cho khoa học (thậm chí MIT còn cử riêng người để bảo vệ ngầm ông, mặc dù ông phản đối sự bảo vệ này).

Năm 1970, ông đã cùng một số trí thức Mỹ sang thăm Việt Nam nhằm bày tỏ sự phản đối sự xâm lược của Mỹ đến Việt Nam, bày tỏ sự ủng hộ đối với sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. 

Ông cũng từng tiếp kiến cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Có điều đặc biệt là, dù thời điểm Chomsky đến Việt Nam là thời điểm mà cái lối tư duy “trăng Liên Xô đẹp hơn trăng nước Mỹ” vẫn còn ngự trị, là thời điểm mà trong các bài giảng ở giảng đường đại học hay trên các bài viết khoa học ngôn ngữ học, người ta vẫn thường e ngại và dè dặt khi nhắc đến cấu trúc luận (structuralism), kết cấu luận (constructionism), phân bố luận (distributionism) – những đặc sản của ngôn ngữ học học tư bản mà đại diện là của tư bản Mỹ, một kẻ thù của Việt Nam, nhưng ông cũng vẫn đến và được nói chuyện, trình bày lí thuyết ngôn ngữ học của mình tại Hà Nội, mà giáo sư Tạ Quang Bửu chính là người dịch buổi nói chuyện này. 

Năm 1972, Chomsky cũng đã trình bày quan điểm của mình về nguồn gốc của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam trước Uỷ ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Mỹ.

Ở Việt Nam hiện nay cũng đã có vài cuốn sách của Chomsky về ngôn ngữ học và về chính trị - xã hội đã được dịch và giới thiệu. 

Đó là các cuốn Tham vọng bá quyền (2006) do Trịnh Lữ dịch, Những chân trời mới trong nghiên cứu ngôn ngữ và ý thức (2007) và Nhận diện quyền lực (2012) do Hoàng Văn Vân dịch. 

Lí thuyết ngôn ngữ học của Chomsky đã được giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam, và cũng đã được ứng dụng phần nào vào trong việc miêu tả tiếng Việt. 

Đặc biệt là, sau cuộc viếng thăm của Chomsky đến Việt Nam vào năm 1970, đến năm 1977, lí thuyết ngôn ngữ học của Chomsky cũng đã chính thức được Nguyễn Đức Dân giới thiệu tại Đại học Tổng hợp Hà Nội qua tập bài giảng Những mô hình ngôn ngữ. (Năm 2012, bản thảo Những mô hình ngôn ngữ của Nguyễn Đức Dân đã được Nxb Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh ấn hành dưới tiêu đề Ngữ pháp tạo sinh).

Thay lời kết

Nói không quá lời, nhiều người đã từng ví von rằng nước Mỹ hùng mạnh và vĩ đại đã rất may mắn khi có được một nhà khoa học, một trí thức phản biện tầm cỡ như Noam Chomsky. 

Trong một ngành khoa học, mỗi một cá nhân dường như chỉ là một mảnh vụn, còn ông dường như ông là một tảng đá khổng lồ vượt qua khỏi khung khổ của một khoa học chuyên ngành. 

J. Lyons, một nhà ngôn ngữ lí thuyết đại chúng nổi tiếng trong thế kỉ XX, ngay từ năm 1978 đã từng định vị ông trong khoa học ngôn ngữ học giống như Freud trong tâm lí học, Einstein trong vật lí học.

Viết về Chomsky là một việc thực khó, đánh giá về ông lại càng khó. Khó bởi hai lẽ. 

Thứ nhất, ông là một tượng đài đang sống, những gì ông viết đều thực sự đồ sộ và đều vượt qua ranh giới, kích thước của một khoa học chuyên ngành đơn lẻ, ông và những sản phẩm trí tuệ của ông đã thực sự là những cột mốc lừng lững, lừng danh trong lịch sử khoa học nhân loại thế kỉ XX. 

Thứ hai, chính vì sự đồ sộ ấy cho nên đã có rất nhiều học giả viết về ông qua những cuốn chuyên khảo tầm cỡ (ví như J. Lyons, R. Barsky, Neil Smith, Wolfgang B. Sperlich), cho nên viết được “một cái gì đó cho ra hồn” trong khuôn khổ một bài báo về ông là chuyện không dễ. 

Dầu vậy, ông thực sự rất xứng đáng để chúng ta viết và giới thiệu nhiều và cập nhật liên tục về ông. Hơn nữa, những sản phẩm tinh hoa tinh thần của ông cũng nên phải được chuyển ngữ sang tiếng Việt càng nhiều, càng nhanh và càng sớm càng tốt.

  • Theo Phạm Văn Lam (Tia Sáng)

 

Bước 1: Truy cập website và lựa chọn sản phẩm cần mua để mua hàng

Bước 2: Click và sản phẩm muốn mua, màn hình hiển thị ra pop up với các lựa chọn sau

Nếu bạn muốn tiếp tục mua hàng: Bấm vào phần tiếp tục mua hàng để lựa chọn thêm sản phẩm vào giỏ hàng

Nếu bạn muốn xem giỏ hàng để cập nhật sản phẩm: Bấm vào xem giỏ hàng

Nếu bạn muốn đặt hàng và thanh toán cho sản phẩm này vui lòng bấm vào: Đặt hàng và thanh toán

Bước 3: Lựa chọn thông tin tài khoản thanh toán

Nếu bạn đã có tài khoản vui lòng nhập thông tin tên đăng nhập là email và mật khẩu vào mục đã có tài khoản trên hệ thống

Nếu bạn chưa có tài khoản và muốn đăng ký tài khoản vui lòng điền các thông tin cá nhân để tiếp tục đăng ký tài khoản. Khi có tài khoản bạn sẽ dễ dàng theo dõi được đơn hàng của mình

Nếu bạn muốn mua hàng mà không cần tài khoản vui lòng nhấp chuột vào mục đặt hàng không cần tài khoản

Bước 4: Điền các thông tin của bạn để nhận đơn hàng, lựa chọn hình thức thanh toán và vận chuyển cho đơn hàng của mình

Bước 5: Xem lại thông tin đặt hàng, điền chú thích và gửi đơn hàng

Sau khi nhận được đơn hàng bạn gửi chúng tôi sẽ liên hệ bằng cách gọi điện lại để xác nhận lại đơn hàng và địa chỉ của bạn.

Trân trọng cảm ơn.

zalo