Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Lý Thuyết Sư Phạm Phê Phán - Nền Sư Phạm Của Những Người Bị Áp Bức - Paulo Freire

132.000₫ 165.000₫
Tình trạng: Còn 199 sản phẩm có sẵn.

Tác giả: Paulo Freire

Dịch giả: Lê Hồng Vân

Hình thức: Bìa mềm tay gấp, 14x22 cm, 304 trang

Nhà xuất bản Tri Thức, 2022

0971 998 312

Lý Thuyết Sư Phạm Phê Phán - Nền Sư Phạm Của Những Người Bị Áp Bức - Paulo Freire

NHÂN DỊP bản dịch Việt ngữ NỀN SƯ PHẠM CỦA NHỮNG NGƯỜI BỊ ÁP BỨC của dịch giả LÊ HỒNG VÂN, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội (bản tiếng Anh: Pedagogy of the Oppressed của nhà giáo dục người Brazil Paulo Freire) sắp ra mắt, xin trân trọng đăng LỜI GIỚI THIỆU của Donaldo Macedo Giáo sư Đại học Massachusetts, Boston. Sau Lời giới thiệu, FB này sẽ có một số bài viết và dịch về tác giả Paulo Freire và một số lý thuyết gia giáo dục cánh tả, và các tác phẩm của họ trong đó có tác phẩm NỀN SƯ PHẠM CỦA NHỮNG NGƯỜI BỊ ÁP BỨC được dịch giả Lê Hồng Vân dịch từ Anh ngữ.

...........

Lời giới thiệu của Giáo sư Donaldo Macedo

Năm 1971, lần đầu tiên đọc Nền sư phạm của người bị áp bức, thậm chí trong giấc mơ hoang đường nhất tôi cũng không bao giờ tưởng tượng được rằng một thập kỷ sau đó, tôi sẽ có cơ hội được cộng tác rất gần gũi với tác giả, Paulo Freire, một sự cộng tác kéo dài 16 năm cho đến khi ông đột ngột qua đời ngày 2 tháng 5 năm 1997. Thậm chí trong giấc mơ hoang đường nhất tôi cũng không thể nghĩ rằng ngày hôm nay, tôi sẽ có vinh dự viết lời giới thiệu cho ấn bản kỷ niệm năm thứ 30 Nền sư phạm của người bị áp bức lần đầu tiên được xuất bản, một cuốn sách như theo Stanley Aronowitz, “đáp ứng tiêu chí duy nhất của một cuốn sách ‘kinh điển' ở chỗ “đã sống lâu hơn thời đại và cuộc đời của tác giả”.

Tôi vẫn nhớ rất rõ lần đầu tiên gặp gỡ Nền sư phạm của người bị áp bức, khi còn là một thanh niên sinh ra tại Cape Verde thuộc địa và đang đánh vật với những câu hỏi lớn về bản sắc văn hóa, đang khao khát thoát khỏi ách thực dân Bồ Đào Nha. Đọc Nền sư phạm của người bị áp bức tôi có thêm một ngôn ngữ để hiểu một cách có phê phán về tình trạng căng bức, những mâu thuẫn, những nỗi sợ hãi, hoài nghi, hy vọng, và những ước mơ “bị trì hoãn” vốn là một phần của đời sống văn hóa thực dân vay mượn. Đọc Nền sư phạm của người bị áp bức cũng cho tôi sức mạnh nội tâm để bắt đầu một quá trình đầy gian nan, phải vượt bỏ cuộc sống của một con người ở xứ thuộc địa, một tình trạng văn hóa rất giống với người mắc chứng tâm thần phân liệt: đang hiện hữu ấy vậy mà không thể được nhận ra, có thể được nhận ra ấy vậy mà lại chẳng hiện hữu. Đó cũng là hoàn cảnh mà tôi đau đớn trải nghiệm tại Mỹ, khi thường xuyên phải tìm cách dung hòa hai thế giới, hai nền văn hóa, và hai ngôn ngữ bất cân xứng. Đọc Nền sư phạm của người bị áp bức giúp tôi có những công cụ phê phán để suy tư, và để hiểu cái quá trình chúng ta đi đến nhiểu được thế nào là sống ở ngoại vi mối quan hệ mật thiết song mong manh giữa thực dân và người bị thực dân cai trị.

Sự phê phán mạnh mẽ của Paulo Freire đối với mô hình giáo dục kiểu “nhà băng” [banking] đang thống trị đã đưa ông đến những đề xuất dân chủ hóa giáo dục bằng phương pháp đặt vấn đề [problem-posing education], theo đó “đàn ông và phụ nữ phát triển năng lực nhận thức phê phán về cách thức họ hiện hữu trong thế giới, và họ nhận ra chính mình cùng thế giới đó và ở trong thế giới đó; họ đi đến chỗ thấy thế giới không phải là một hiện thực tĩnh trạng mà là một hiện thực đang trong quá trình biến đổi.” Điều này chỉ ra cho tôi và cả cho tất cả những ai trải nghiệm sự lệ thuộc vào một chính sách đồng hóa do kẻ khác áp đặt, -một con đường qua đó chúng ta hiểu được thế nào nghĩa là có tiếng nói văn hóa. Con đường này là một quá trình bao giờ cũng bao hàm đau khổ và hy vọng; một quá trình qua đó, như những kẻ miễn cưỡng phải chơi trò “tung hứng” văn hóa [cultural juggler], chúng ta có thể đi đến được tính chủ thể [subjectivity], vượt bỏ vị trí của “đối tượng” [object], trong một xã hội đón nhận chúng ta song lại xa lạ.

Không ngạc nhiên khi bạn bè của tôi sống ở Cape Verde quê nhà và ở cả hầu hết các nhà nước toàn trị, đã gặp rủi ro hình phạt tàn bạo, kể cả ngồi tù, nếu bị bắt quả tang đọc Nền sư phạm của người bị áp bức. Tôi nhớ có gặp một sinh viên người Nam Phi ở Boston, anh ta nói với tôi rằng sinh viên thường sao chụp các chương của Nền sư phạm của người bị áp bức và chia sẻ với bạn bè cùng lớp và bạn bè cùng trang lứa. Đôi khi, vì danh sách sinh viên chờ đợi để đọc Freire còn dài, họ sẽ phải chờ vài tuần mới được cầm trên tay bản photocopy một chương nào đó. Những sinh viên đó, và những sinh viên ở Trung Mỹ, Nam Mỹ, Tanzania, Chile, Guinea-Bissau và các quốc gia khác khi ấy cũng đang cố gắng lật đổ chế độ độc tài và áp bức, đã nồng nhiệt đón nhận Freire và những đề xuất của ông về vấn đề giải phóng. Không ngạc nhiên khi thành công của ông trong việc dạy nông dân Brazil biết biết viết đã khiến ông phải ngồi tù và sau đó là cuộc sống lưu vong đau khổ kéo dài. Những người bị áp bức trên khắp thế giới nhận ra mình ở trong sự tố cáo của Paulo Freire đối với tình trạng áp bức đang kìm nén hàng triệu người nghèo, trong đó rất nhiều gia đình trung lưu đã bắt đầu cay đắng nếm trải sự vô nhân đạo của tình trạng đói nghèo ở một đất nước vốn có tiềm năng sáng tạo và rất giàu tài nguyên.

Sự tố cáo của Freire đối với tình trạng áp bức không chỉ đơn thuần là hành động của người trí thức như ta thường thấy ở nhiều nhà giáo dục có tinh thần phê phán giả hiệu và những người có tinh thần giải phóng theo lối dễ dãi. Trí tuệ xuất sắc và dũng khí tố cáo những cấu trúc của sự áp bức có nguyên do từ một trải nghiệm có thực của đời ông, như ông kể lại trong Những bức thư gửi cô cháu gái Cristina:

Đó là một cái đói có thật và cụ thể, không có ngày tháng bắt đầu cụ thể. Mặc dù nó chưa bao giờ tới mức khắc nghiệt như cái đói mà một số người quen của bác đã trải qua, nhưng nó không phải cảm giác đói của người vừa cắt amidan hay người đang ăn kiêng. Trái lại, cái đói này giống như một kẻ vào nhà không báo trước và không được phép, tự nhiên như ở nhà mình, không thể thay đổi được. Nếu không được làm dịu đi, như ở trường hợp của bác và các bạn mình, cái đói sẽ tiếp quản cơ thể, biến ta thành những hình thù gày giơ xương. Chân cẳng, cánh tay, và ngón tay chỉ còn trơ lại xương. Hốc mắt sâu hoắm, làm cho hai con mắt gần như biến mất. Nhiều bạn học của bác đã trải qua cái đói này và hiện nay cái đói tàn bạo vẫn tiếp tục khiến hàng triệu người Brazil chết mỗi năm.

Như vậy, Nền sư phạm của người bị áp bức có căn nguyên từ những gì mà Paulo Freire đã trải qua trong cuộc đời mình.

Trải qua cái đói từ khi còn nhỏ,sinh ra trong một gia đình trung lưu bị mất chỗ dựa kinh tế cơ bản, đã giúp cho Freire, một mặt có thể ngày càng nhận ra mình “có mối gắn bó với trẻ em nhà nghèo ở ngoại ô”, mặt khác nhận ra rằng “dù cái đói đã đoàn kết lũ trẻ lại với nhau … dù mối liên kết này đã giúp lũ trẻ gắn bó với nhau, cùng nhau tìm cách để sống sót,nhưng vào những lúc vui chơi, trẻ em nghèo được xếp vào loại người từ thế giới khác đến, tình cờ rơi vào thế giới của chúng.” Việc nhận ra những ranh giới phân chia giai cấp như vậy đã dẫn dắt Freire đến thái độ kiên quyết bác bỏ tận căn một xã hội có giai cấp.

Mặc dù một số luồng tư tưởng hậu hiện đại thường bỏ qua sự phân tích chi tiết của Freire về giai cấp trong Nền sư phạm của người bị áp bức, nhưng đó là một sai lầm rất lớn, nếu không muốn nói là một sự thiếu trung thực về học thuật, làm như chúng ta đang sống trong một thế giới không giai cấp. Dù Freire hiểu rất rõ rằng “không thể hiểu thấu sự đàn áp về vật chất và sự biện hộ giả tạo vốn trói chặt các nhóm bị áp bức trong lôgic của sự thống trị bằng một lôgic duy nhất về đấu tranh giai cấp,” nhưng ông nhất quán biện luận rằng một nhận thức thấu đáo về sự đàn áp bao giờ cũng phải đi một đường vòng thông qua một phân tích về giai cấp dưới hình thức nào đó.

Cho đến khi qua đời, ông vẫn can đảm lên án lập trường tân-tự do vốn quảng bá một quan niệm sai lạcvề sự cáo chung của lịch sử và giai cấp. Freire bao giờ cũng xem lịch sử như là điều khả thể, “đồng thời thừa nhận rằng Lịch sử là thời gian đầy ắp những khả thể và không phải đã được xác định rõ mà không thể thay đổi,rằng tương lai là một vấn đề còn cần phải giải quyết và không phải đã được quyết định sẵn như định mệnh.” Theo cách tương tự, Freire tiếp tục phủ nhận mọi tuyên bố sai lầm về sự cáo chung của đấu tranh giai cấp. Trong khi liên tục sửa đổi các phân tích trước đó của mình về giai cấp, ông vẫn chưa bao giờ từ bỏ hoặc hạ thấp giá trị của giai cấp xét như là một phạm trù lý luận trong quá trình chúng ta đi tìm sự nhận thức rõ hơn về hoàn cảnh áp bức. Trong một cuộc đối thoại dài giữa chúng tôi khi ông đến New York lần cuối,thực tế đó là lần cuối chúng tôi làm việc cùng nhau, một lần nữa ông vẫn nói rằng mặc dù không thể quy mọi điều về giai cấp, nhưng giai cấp vẫn là một yếu tố quan trọng để hiểu về rất nhiều hình thức áp bức. Trong khi các nhà hậu-cấu trúc luận có lẽ muốn tuyên bố chấm dứt việc phân tích về giai cấp, họ vẫn bị buộc phải lý giải hoàn cảnh khủng khiếp của con người đã dẫn đến việc, như Freire kể lại, một gia đình ở Đông Bắc Brazil phải đi bới bãi rác để lấy “những miếng thịt cắt ra từ ngực cơ thể người để chế biến cho bữa trưa ngày Chủ nhật của họ”

Freire cũng chưa bao giờ chấp nhận “xu hướng hậu-cấu trúc luận muốn diễn giải các hình thức giai cấp, chủng tộc và giới tính thành không gian rời rạc của những lập trường của chủ thể.” Ông luôn hiểu sự phức tạp lý luận của việc phân tích đồng thời nhiều nhân tố,đồng thời chưa bao giờ đánh giá thấp vai trò của giai cấp. Chẳng hạn, ông chống lại cách tiếp cận bản chất luận vốn quy giản mọi phân tích về một thực thể chủng tộc đồng nhất. Chẳng hạn, những công chức người Phi học hỏi tiếp thu các giá trị văn hóa thực dân làm thành một tầng lớp riêng biệt với các giá trị văn hóa tư tưởng và có khát vọng rất khác với số đông dân chúng. Tương tự, sẽ là một sai lầm nếu coi tất cả người Mỹ gốc Phi là một nhóm văn hóa đồng nhất mà không có sự khác biệt rõ rệt: Thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ Clarence Thomas xét cho cùng là người da đen (và bảo thủ). Những hố ngăn cách phần nào tương tự giữa quảng đại quần chúng người Mỹ gốc Phi vẫn ở địa vị thấp kém và bị dồn vào các khunhà ở tồi tàn, với tầng lớp người Mỹ gốc Phi trung lưu hiểu theo một nghĩa nào đó đã phần nào rời bỏ số đông người Mỹ gốc Phi ở địa vị thấp kém. Tôi vẫn nhớ một cuộc tranh luận với một người bạn thân của Tiến sĩ Martin Luther King, Jr, người đã tham gia cùng ông trong cuộc đấu tranh quan trọng nhằm chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc và áp bức trong những năm 1960. Trong cuộc tranh luận của chúng tôi, người bạn của King nhận xét, “Donaldo, ông nói đúng. Chúng tôi đang sử dụng lối nói trại như “ở bên lề nền kinh tế” để tránh những từ ngữ chỉ thẳng hơn như “áp bức”. Tôi thú nhận rằng mình thường cảm thấy không thoải mái khi được mời thảo luận về các vấn đề thể chế liên quan đến cộng đồng. Trên thực tế, tôi đã không tham dự hơn hai mươi năm rồi.” Sau khi đã rất thành đạt về mặt cá nhân và chuyển sang cuộc sống thực tế của tầng lớp trung lưu, quý ông người Mỹ gốc Phi này bắt đầu trải nghiệm một khoảng cách với những người Mỹ gốc Phi khác vẫn còn bị bỏ rơi trong các khu nhà ở tồi tàn.

Trong một cuộc tranh luận gần đây với một nhóm sinh viên, một thanh niên người Mỹ gốc Phi đang theo học một trường đại học thuộc tốp Ivy League nói với tôi rằng cha mẹ anh thường bỏ phiếu cùng tầng lớp trung lưu da trắng, ngay cả khi, về lâu dài thì lá phiếu của họ đem lại bất lợi cho thực tế của hầu hết người da đen. Như vậy, chúng ta vẫn thấy rằng bản thân chủng tộc không nhất thiết là một sức mạnh thống nhất.

Freire chưa bao giờ từ bỏ lập trường của mình đối với việc phân tích giai cấp như đã được đưa thành lí thuyết trong Nền sư phạm của người bị áp bức. Tuy nhiên, như ông vẫn luôn làm vậy, ông đã khôi phục lập trường của mình trong nhiều năm trước đó, đặc biệt là trong cuốn Ideology Matters [Ý thức hệ vẫn là vấn đề quan trọng] mà tôi là đồng tác giả với ông. Trong cuốn sách đó, Freire lập luận rằng mặc dù, chẳng hạn, “ta không thể giản lược hóa việc phân tích nạn phân biệt chủng tộc thành phân tích giai cấp xã hội, thì ta cũng không thể hoàn toàn hiểu đầy đủ sự phân biệt chủng tộc mà không có một sự phân tích giai cấp, bởi làm cái này mà hi sinh cái kia tức là rơi vào cái bẫy của lập trường bè phái, vốn cũng đáng khinh như nạn phân biệt chủng tộc mà chúng ta cần phải loại bỏ.” Về bản chất, các tác phẩm sau này của Freire đã làm rõ điều quan trọng là phải tiếp cận việc phân tích sự áp bức thông qua một khung khổ lý luận hội tụ, trong đó sự áp bức là đối tượng phân tích có liên quan đến các nhân tố như chủng tộc, giai cấp, giới tính, văn hóa, ngôn ngữ và dân tộc. Như vậy, ông thường phản đối mọi phân tích lý luận thu gọn các yếu tố khác nhau vào một thực thể đồng nhất, bao gồm cả giai cấp.

Mặc dù Freire dễ được chấp nhận trong những xã hội đang đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và các hình thức khác của chủ nghĩa toàn trị, nhưng việc chấp nhận ông tại các xã hội gọi là xã hội mở [open society] và xã hội dân chủ, như nước Mỹ và các quốc gia Tây Âu, là vấn đề còn phải bàn thêm. Dù ông có tiếng tăm và người ủng hộ trên toàn thế giới, nhưng tác phẩm của ông, đáng buồn thay, lại không có vị trí trung tâm trong chương trình của hầu hết các trường đào tạo môn giáo dục mà trách nhiệm chính là chuẩn bị giáo viên cho thế hệ tiếp theo. Tính chất tương đối bên lề của tác phẩm của Freire trong chương trình của các trường đào tạo môn giáo dục một phần là do hầu hết các trường này đều chọn mô hình quản lý theo lối thực chứng vốn đặc trưng cho ngay chính sự vun bồi những hệ tư tưởng và thực hành mà Freire suốt đời chống lại. Chẳng hạn, Khoa Giáo dục cao học thuộc Đại học Harvard phê chuẩn một chương trình cao học có tên Nền chính trị và chính sách xóa mù chữ mà không yêu cầu học viên đọc, phê bình, và phân tích tác phẩm của Freire. Trên thực tế, người ta có thể lấy bằng tiến sĩ từ trường này, hoặc từ những trường khác, mà không bao giờ biết, lại càng không đọc về Paulo Freire. Điều này tương tự như lấy bằng tiến sĩ ngôn ngữ học mà không bao giờ đọc Noam Chomsky. Ví dụ sau đây minh họa điểm tôi vẫn nêu. Trong một bài giảng tại Đại học Harvard về các lí thuyết của Paulo Freire do Giáo sư Ramon Flecha thuộc Đại học Barcelona trình bày, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tới gặp tôi và hỏi như sau: “Tôi không muốn tỏ ra ngây thơ, nhưng ông Paulo Freire là ai mà Giáo sư Flecha trích dẫn nhiều như vậy?” Tôi tự hỏi làm sao người ta lại trông đợi nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ này biết đến tác phẩm của “nhà giáo dục có lẽ là lớn nhất thế giới trong nửa cuối thế kỷ [thế kỷ XX]” theo lời Herbert Kohl, trong khi ngôi trường từng đào tạo ông ấy vờ như cho rằng Paulo Freire chưa bao giờ tồn tại?

Trong khi sinh viên ở Thế giới thứ ba và các quốc gia khác đang đấu tranh với chế độ toàn trị thường phải mạo hiểm sự tự do, nếu không phải là mạng sống của họ, để được đọc Paulo Freire, thì trong các xã hội của chúng ta được gọi là xã hội mở thì tác phẩm của ông phải chịu một sự kiểm duyệt tinh vi hơn: sự cố tình bỏ quên. “Sự lựa chọn có tính đặc tuyển của các nhà trường” đối với khối lượng tri thức khổng lồ gần giống với sự kiểm duyệt đối với các nhà giáo dục có tư tưởng phê phán, phần nào chịu trách nhiệm cho sự thiếu nhận thức về những đóng góp quan trọng của Paulo Freire trong lĩnh vực giáo dục. Ngay cả nhiều người có tư tưởngkhông thành kiến vốn chấp nhận những quan niệm và thực hành giáo dục của ông thì cũng thường giản lược công trình lý luận và các tư tưởng triết học chủ đạo của ông xuống thành một phương pháp luận máy móc. Tôi nhớ sau khi Freire mất, một nhóm đã được mời tới chủ trì hội thảo tổ chức tại Đại học Harvard để tưởng nhớ cuộc đời và sự nghiệp của ông. Trong một hội trường lớn chật kín người cộng với những người phải đứng ở lối đi, một thành viên chủ trì hội thảo trước đó rõ ràng đã giản lược những quan niệm chủ đạo của Freire thành một sự thực hành máy móc phép đối thoại, đã chuyển một mẩu giấy viết tay đến người dẫn chương trình, gợi ý người này cho phép tất cả mọi người trong hội trường 20 giây để nói một điều gì đó phù hợp với tinh thần của Freire. Đây là cách để không đi sâu vào niềm tin của Freire về sự giải phóng,trừ phi người ta tin rằng lý luận phức tạp của ông về sự đàn áp có thể được giản lược thành một đoạn ghi âm hai mươi giây. Vấn đề liên quan đến sự máy móc hóa tư tưởng triết học và chính trị chủ đạo của Freire phần nào nằm ở chỗ nhiều nhà giáo dục có tinh thần phê phán giả hiệu, nhân danh giáo dục giải phóng, thường lấy Freire ra làm khẩu hiệu, trói chặt tư tưởng chính trị có tính cách mạng của ông vào trong một câu nói rập khuôn rỗng tuyếch về phương pháp đối thoại. Các nhà giáo dục đệ tử giả hiệu của Freire không chỉ tước bỏ ở ông bản chất cấp tiến của những đề xuất sư phạm vượt ra ngoài ranh giới lớp học và tạo nên những thay đổi quan trọng trong xã hội: các nhà giáo dục này còn không hiểu mối quan hệ tri thức luận của đối thoại. Theo Freire,

Để hiểu được ý nghĩa của sự thực hành đối thoại, chúng ta phải đặt sang một bên cách hiểu đơn giản hóa về đối thoại như là một kỹ thuật đơn thuần. Đối thoại không phải là một đường lối có phần giả tạo mà tôi vẫn cố gắng tiếp tục làm cho tinh vi lên và hiện thực hóa nó hiểu theo nghĩa phải đòi hỏi sự tham gia của người khác. Trái lại, đối thoại đặc trưng cho một mối quan hệ tri thức luận. Như vậy, theo nghĩa này, đối thoại là một con đường đi đến sự nhận thức và không bao giờ được xem như là một kỹ thuật đơn thuần để lôi kéo người học vào một nhiệm vụ cụ thể. Chúng ta phải nêu rất rõ ràng điểm này. Tôi tham gia đối thoại không nhất thiết vì tôi thích người đối diện. Tôi tham gia đối thoại bởi vì tôi nhận ra tính chất xã hội chứ không chỉ là tính chất cá nhân của quá trình đi đến sự nhận thức . Theo nghĩa này, đối thoại hiện diện như là một thành phần không thể thiếu của cả quá trình học tập lẫn nhận thức.

Thật không may, tại Mỹ, nhiều nhà giáo dục tuyên bố theo tư tưởng của Freire trong định hướng sư phạm của họ, đã vô tình biến khái niệm về đối thoại của Freire thành một phương pháp, do đó họ không thấy được rằng mục tiêu cơ bản của giáo dục bằng đối thoại là để tạo ra một quá trình học và nhận thức, một quá trình tất yếu phải bao hàm việc tạo lập những cách lý giải về những trải nghiệm chung của cả hai bên trong quá trình đối thoại. Một số xu hướng sư phạm ca tụng thái quá sự trải nghiệm nên đã đưa ra một cái nhìn giản lược về bản sắc cá nhân [identity], đã dẫn Henry Giroux tới chỗ chỉ ra rằng khoa sư phạm ấy làm cho bản sắc cá nhân và trải nghiệm bị tách rời khỏi hệ vấn đề về quyền lực, chủ thể hành động [agency], và lịch sử. Quá mải mê vào di sản và tầm quan trọng của những tiếng nói và trải nghiệm riêng biệt của họ, các nhà giáo dục này thường không thoát ra khỏi một quan niệm về sự khác biệt được cấu trúc thành những cặp lưỡng phân đối cực nhau và cầu viện tới diễn ngôn về sự trải nghiệm một cách thiếu tinh thần phê phán. Tôi tin rằng chính vì lý do này mà một số nhà giáo dục viện tới một đường lối sư phạm lãng mạn, “tán dương” việc thảo luận về trải nghiệm sống như là một quá trình ”tìm thấy tiếng nói”. Đồng thời, nhiều nhà giáo dục hiểu sai khái niệm của Freire về dạy học bằng đối thoại cũng từ chối liên hệ sự trải nghiệm với chính kiến văn hóa và dân chủ có phê phán, do đó giản lược sư phạm của họ thành một hình thức của thái độ tự yêu chính mình[narcissism] của tầng lớp trung lưu. Một mặt, điều này biến dạy học bằng đối thoại thành phương pháp khơi gợi sự trò chuyện, đem lại cho người tham gia một không gian trị liệu nhóm để họ phát biểu về những mối bất bình của mình. Mặt khác, điều này đem lại cho người dạy với tư cách là người hỗ trợ nhóm, một khu vực sư phạm an toàn để giải toả những suy nghĩ tội lỗi của những người trong lớp học của mình. Đâylà một quá trình mà bell hooks mô tả là đáng buồn nôn ở chỗ nó không cho phép sự bất đồng. Nói đơn giản, như Freire đã nhắc nhở chúng ta, “những gì các nhà giáo dục gọilà đối thoại thực ra là một quá trình giấu đi bản chất thực sự của đối thoại như là một quá trình học và nhận thức… Hiểu đối thoại như là quá trình học và nhận thức tức là củng cố một yêu cầu trước đó rằng đối thoại bao giờ cũng bao hàm một sự tò mò tri thức luận về chính các yếu tố của đối thoại.” Nói vậy tức là, đối thoại phải đòi hỏi một sự tò mò thường trực về đối tượng của tri thức. Như vậy, đối thoại không bao giờ là mục đích tự thân, mà là một phương tiện để phát triển sự nhận thức sâu sắc hơn về đối tượng của tri thức. Bằng không, người ta chỉ có thể kết thúc với đối thoại như là cuộc trò chuyện phiếm mà trải nghiệm sống của cá nhân được ưu tiên hàng đầu. Tôi đã ở trong nhiều tình huống nơi sự tán dương thái quá địa điểm và lịch sử của một người thường che khuất khả năng theo đuổi đối tượng của tri thức, từ chối đánh vật trực tiếp, chẳng hạn, với những bài đọc liên quan đến một đối tượng tri thức, đặc biệt là nếu những bài đọc này liên quan đến lí thuyết.

Như chính Freire đã lập luận một cách dứt khoát, sự tò mò về đối tượng của tri thức và sự sẵn sàng và cởi mở để tham gia đọc và thảo luận lí thuyết là có tính chất căn bản. Tuy nhiên, không phải là tôi đang gián tiếp thừa nhận một sự tán dương thái quá tới lí thuyết. Chúng ta không được phủ nhận sự thực hành vì lợi ích của lí thuyết. Làm như vậy sẽ giản lược lí thuyết thành một sự phát biểu quá câu nệ câu chữ thuần túy hay một sự đề cao thái quá công việc trí óc. Tương tự, phủ nhận lí thuyết vì lợi ích của thực hành, như trong việc sử dụng đối thoại như cuộc trò chuyện, là có nguy cơ lạc vào sự mất liên hệ với thực hành. Chính vì lý do này mà tôi không bao giờ ủng hộ một chủ nghĩa tinh hoa lí thuyết hay một sự thực hành mà không có căn cứ lí thuyết, mà phải là sự thống nhất giữa lí thuyết và thực hành. Để đạt được sự thống nhất này, người ta phải có một thái độ tò mò tri thức luận,một thái độ tò mò như ta thường không thấy trong các đối thoại như là cuộc trò chuyện.

Có nghĩa là, khi người học thiếu cả sự tò mò tri thức luận cần thiết lẫn một tâm trạng thích thú nhất định với đối tượng của tri thức đang được học, thì rất khó để tạo ra những điều kiện làm tăng sự tò mò tri thức luận ngõ hầu phát triển những công cụ trí tuệ cần thiết cho phép họ nắm được và hiểu thấu đáo đối tượng của tri thức. Nếu người học không có khả năng chuyển đổi trải nghiệm sống của họ thành tri thức và sử dụng tri thức đã sở đắc như một quá trình để khám phá tri thức mới, họ sẽ không bao giờ có thể tham gia một cách triệt để vào một cuộc đối thoại xét như là một quá trình học và nhận thức. Sự thực là làm sao ta có thể đối thoại mà không có sự làm quen trước đó đối với đối tượng của tri thức, cũng như không có bất kỳ sự tò mò tri thức luận nào? Chẳng hạn, làm sao ta có thể đối thoại về ngôn ngữ học nếu người dạy từ chối tạo ra các điều kiện sư phạm để giúp người học làm quen với khối tri thức mới ấy? Nói vậy tôi không có ý cho rằng quá trình làm quen này nênđược đơn giản hóa đi thành truyền thống thuyết giảng kiểu áp đặt mà không cho người học tham gia và thảo luận. Điều càng trở nên rất rõ ràng, là sự quan liêu hóa quá trình đối thoại tiêu biểu cho một cơ chế nữa được một số nhà giáo dục tiến bộ cũng sử dụng để hạ thấp các đề xuất thay đổi mang tính cách mạng triệt để của Freire, thông qua một quá trình làm ra đời chính kiến rỗng về nội dung. Như vậy, không ngạc nhiên là một số người có tư tưởng tự do cũng tham gia cùng các nhà giáo dục bảo thủ để phê phán Freire về những gì họ mô tả là “các mối ràng buộc cực đoan.” Chẳng hạn, Gregory Jay và Gerald Graff đã lập luận rằng trong Nền sư phạm của những người bị áp bức, việc Freire đề xuất đưa người học tới “một nhận thức phê phán về thế giới”,điều này “hàm nghĩa một phương pháp tiếp cận vào ngay chính hiện thực ” để họ có thể đạt tới“một sự thấu hiểu về toàn bộ hiện thực”,đãtiền-giả định rằng Freire biết được nhân thân của người bị áp bức. Như Jay và Graff chỉ ra, “Freire giả định rằng ngay từ đầu ta đã biết được nhân thân của “kẻ bị áp bức” và “kẻ đi áp bức”. Trong sư phạm của Freire, ai là “kẻ đi áp bức” và ai là “kẻ bị áp bức”, không được xem như một câu hỏi mở mà người dạy và người học có thể bất đồng, mà như là một cái “đã cho”.” Hình thức phê phán này giả định rằng giáo dục không nên mang tính chỉ huy và nên mang tính trung lập, một quan điểm mà Freire vẫn luôn luôn phản đối: “Tôi phải can thiệp vào việc dạy cho người nông dân rằng cái đói của họ là do xã hội tạo dựng nên và làm việc với họ để giúp nhận diện những người phải chịu trách nhiệm đối với sự tạo dựng xã hội này, mà theo quan điểm của tôi, đó là một tội ác chống lại loài người.” Vì vậy, chúng ta cần phải can thiệp không chỉ trên phương diện sư phạm mà cả trên phương diện đạo đức. Tuy nhiên, trước khi có bất kỳ sự can thiệp nào, một nhà giáo dục phải có quan điểm chính trị rõ ràng ,một tư thế mà nhiều người theo quan điểm tự do như Graff cảm thấy rất không thoải mái đến mức ông coi “Các lý luận gia giáo dục cấp tiến như Freire, Henry Giroux, hay Stanley Aronowitz. . . [như có một] phong cách. . . viết phiến diện. . . họ chỉ bàn nhưng không nói với những người phản đối những tiền đề của họ.”

Giả định rằng Freire, Giroux, và Aronowitz có “phong cách viết phiến diện” không chỉ là sai: nó còn chỉ ra cho thấy một quan niệm méo mó cho rằng có một phong cách viết được chấp nhận theo lối suy diễn tiên nghiệm rằng nó không thể phân chia, có hiệu lực cho tất cả, và “không bị ràng buộc vào thuật ngữ chuyên môn.” Sự đòi hỏi mù quáng và dễ dãi về một lối viết sáng sủa thể hiện một quan niệm máy móc nguy hại mà những người theo chủ nghĩa tự do trong giới hàn lâm đã sử dụng để bóp nghẹt những diễn ngôn khác với diễn ngôn của họ. Một sự đòi hỏi như vậy thường cố tình bỏ qua cách mà ngôn ngữ được sử dụng ra sao để làm cho không thể nhận ra sự bất bình đẳng xã hội. Nó cũng giả định rằng cách duy nhất để giải cấu tạo các hệ tư tưởng áp bức là thông qua một diễn ngôn mà các nhà hàn lâm này mô tả là một ngôn ngữ sáng sủa.

............

Lý Thuyết Sư Phạm Phê Phán - Paulo Freire
              - (Ấn bản kỷ niệm 50 năm) - 

Lý thuyết sư phạm phê phán là tác phẩm có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới và đã được dịch ra 17 thứ tiếng. Đây không đơn thuần là một cuốn cẩm nang về phương pháp sư phạm, mà còn là một tư tưởng lớn có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong xã hội.

Trong Lý thuyết sư phạm phê phán, Freire gọi kiểu giáo dục truyền thống “thầy giảng - trò nghe, thầy đọc - trò chép” là mô hình “giáo dục ngân hàng”, trong đó người học là các tài khoản rỗng mà người thầy sẽ cố gắng ký thác càng nhiều kiến thức càng tốt. Càng được người dạy “nhồi nhét” nhiều kiến thức, người học càng ít phát triển ý thức phê phán, thụ động tiếp nhận vai trò mà người ta áp đặt lên mình, có xu hướng thích nghi với hiện trạng và có cái nhìn rời rạc về thực tế, dẫn tới cái mà Freire gọi là “văn hóa im lặng” (culture of silence).

Ông nhận ra rằng, sự dốt nát và tâm lí lãnh đạm của “văn hóa im lặng” ấy chính là hậu quả của việc thụ động tiếp nhận kiến thức thay vì được khuyến khích và trang bị để nhận biết và phản ứng lại trước hoàn cảnh có vấn đề. Theo phân tích của Freire, người bị áp bức thường không thể nhìn thấy các vấn đề của thời đại của họ và những kẻ áp bức muốn nuôi dưỡng sự thiếu hiểu biết này. Thậm chí, Freire còn cho rằng giáo dục là phương tiện để nhà cầm quyền kiểm soát ngôn ngữ và ý thức của người dân. Ông phản đối luận điểm của nhóm thống trị cho rằng kiến thức dạy ở nhà trường là khách quan và mang tính trung lập.

Phê phán lối “giáo dục ngân hàng”, ông đề xuất giáo dục nêu vấn đề, một phương pháp giáo dục khác dựa trên một mối quan hệ hoàn toàn mới giữa người dạy-người học-xã hội. Để thực hiện đề xuất nói trên, Freire mô tả và phân tích cụ thể những công cụ mà kẻ áp bức sử dụng, gợi ý những cách làm cụ thể giúp người bị áp bức tự giải phóng cho mình và giải phóng cho cả những kẻ áp bức.

Tác giả Paulo Freire đã được trao tặng nhiều huân chương, bằng cấp danh dự và các bằng khen cả khi ông còn sống và sau khi ông qua đời, trong đó có Giải thưởng Phát triển Quốc tế King Baudouin năm 1980 và Giải thưởng UNESCO năm 1986 về Giáo dục vì Hòa bình. Năm 2008, Freire được vinh danh vào Đại sảnh Danh vọng dành cho Giáo dục Người lớn và Giáo dục Thường xuyên Quốc tế. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là sự công nhận mà Freire nhận được và vô số những học giả chịu ảnh hưởng của ông. Cuộc đời của Freire chính là di sản quan trọng nhất, cách ông sống vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ sau.

Với tầm quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng của tác phẩm, chúng tôi xin được trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách Lý thuyết sư phạm phê phán qua bản dịch tiếng Việt của dịch giả, thạc sĩ quản lý giáo dục Lê Hồng Vân.

                                                                              Dịch giả Lê Hồng Vân

 

Bước 1: Truy cập website và lựa chọn sản phẩm cần mua để mua hàng

Bước 2: Click và sản phẩm muốn mua, màn hình hiển thị ra pop up với các lựa chọn sau

Nếu bạn muốn tiếp tục mua hàng: Bấm vào phần tiếp tục mua hàng để lựa chọn thêm sản phẩm vào giỏ hàng

Nếu bạn muốn xem giỏ hàng để cập nhật sản phẩm: Bấm vào xem giỏ hàng

Nếu bạn muốn đặt hàng và thanh toán cho sản phẩm này vui lòng bấm vào: Đặt hàng và thanh toán

Bước 3: Lựa chọn thông tin tài khoản thanh toán

Nếu bạn đã có tài khoản vui lòng nhập thông tin tên đăng nhập là email và mật khẩu vào mục đã có tài khoản trên hệ thống

Nếu bạn chưa có tài khoản và muốn đăng ký tài khoản vui lòng điền các thông tin cá nhân để tiếp tục đăng ký tài khoản. Khi có tài khoản bạn sẽ dễ dàng theo dõi được đơn hàng của mình

Nếu bạn muốn mua hàng mà không cần tài khoản vui lòng nhấp chuột vào mục đặt hàng không cần tài khoản

Bước 4: Điền các thông tin của bạn để nhận đơn hàng, lựa chọn hình thức thanh toán và vận chuyển cho đơn hàng của mình

Bước 5: Xem lại thông tin đặt hàng, điền chú thích và gửi đơn hàng

Sau khi nhận được đơn hàng bạn gửi chúng tôi sẽ liên hệ bằng cách gọi điện lại để xác nhận lại đơn hàng và địa chỉ của bạn.

Trân trọng cảm ơn.

zalo