Mối Quan Hệ Giữa Hiện Tượng Học Của Edmund Husserl Và Chủ Nghĩa Hiện Sinh Tiếp Cận Từ Góc Độ Phương Pháp Luận
01/08/2020
By Trần Thanh Phương – Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
Nguồn: Bài đăng tạp chí Triết học, số 2(321), 2018
Các nhà hiện sinh. Nguồn ảnh: https://www.commonwealmagazine.org/existentialist-cafe
TÓM TẮT
Vấn đề phương pháp luận là một vấn đề lớn đối với triết học, không thể hoạt động triết học nếu không dựa trên một phương pháp luận nào đó. Hiện tượng học và chủ nghĩa hiện sinh là hai khuynh hướng triết học lớn ra đời ở thế kỷ XX, nó có mối quan hệ mật thiết mà nếu không có lý thuyết này sẽ không có lý thuyết kia. Bài viết khảo lược lịch sử ra đời, trình bày những tư tưởng trọng yếu của hai khuynh hướng này, đồng thời phân tích và luận chứng để chứng minh rằng: phương pháp luận hiện tượng học là linh hồn của chủ nghĩa hiện sinh.
Từ khóa: Hiện tượng học, chủ nghĩa hiện sinh, phương pháp luận
Dẫn nhập
Thế kỷ XXI, khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ khiến mọi mặt của đời sống xã hội ngày càng diễn tiến một cách nhanh chóng. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII nhận định thời đại ngày nay xu thế “Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học – công nghệ, kinh tế tri thức tiếp tục được đẩy mạnh” (Đảng Cộng sản Việt Nam 2016, p. 428). Do đó nền văn hóa của bất kỳ quốc gia nào cũng cần phải được bảo tồn, gìn giữ và phát triển. Vì thế, việc tiếp cận và nghiên cứu tinh hoa văn hóa nhân loại trong đó có triết học là một việc làm thiết yếu và cấp bách nhằm góp phần bảo tồn và làm phong phú thêm nền văn hóa của dân tộc.
Hiện tượng học và chủ nghĩa hiện sinh là hai khuynh hướng triết học ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội phương Tây trong thế kỷ XX. Hiện nay, hai khuynh hướng ấy tuy đã không còn giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tư tưởng của các nước phương Tây, nhưng đối với Việt Nam vẫn còn mới mẻ và trên nhiều bình diện chưa được khai thác. Hơn nữa, việc nghiên cứu Hiện tượng học của Edmund Husserl và tác động của nó đến sự hình thành chủ nghĩa hiện sinh tiếp cận từ góc độ phương pháp luận là một việc làm có ý nghĩa không chỉ về mặt lý luận - làm phong phú đời sống tư tưởng triết học nước nhà, mà còn có ý nghĩa thực tiễn - góp phần định hình nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc, đa dạng và tiên tiến trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
- Lược sử từ Hiện tượng học đến Chủ nghĩa hiện sinh
Hiện tượng học là một trong những khuynh hướng quan trọng của triết học phương Tây hiện đại mà người khai phá đầu tiên phải kể đến chính là Franz Brentano (1838-1917) nhưng phải đến Edmund Husserl (1859-1938) hiện tượng học mới trở thành một học thuyết triết học có ảnh hưởng lớn đến nền triết học châu Âu ở thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỷ XIX và XX. Phạm vi ảnh hưởng của nó không chỉ trong lĩnh vực triết học mà còn tác động đến nhiều ngành khoa học xã hội khác. Trong triết học, khuynh hướng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ hiện tượng học là chủ nghĩa hiện sinh. Hiện tượng học đã trở thành cơ sở lý luận và phương pháp luận cho chủ nghĩa hiện sinh.
Về mặt khái niệm, hiện tượng học tức phenomenology gồm hai thành tố Hy Lạp ghép lại: phainomenon và logos. Xét bên ngoài, nhan đề “hiện tượng học” được thành lập giống như thần học, sinh học, xã hội học…Theo đó hiện tượng học là khoa học về hiện tượng (Heidegger 1962, p. 50). Khảo sát kỹ hai thành tố này ta thấy, phainomenon có nghĩa là: cái bày tỏ mình ra, cái tự bày tỏ ra, cái khai mở. “Hiện tượng” ở đây không phải là sự biểu lộ hay phát lộ ra bên ngoài của cái gì ẩn giấu bên trong. Trong quan niệm của Kant, hiện tượng là cái mà con người có thể nhận thức được thông qua ý thức kinh nghiệm, còn bản chất của hiện tượng tức “vật tự nó” thì bất khả tri. Ở đây, hiện tượng chính là bản chất. Vì thế mà Heidegger viết rằng: Hiện tượng là cái bày tỏ trong nó, cái khai mở (Heidegger 1962, p. 51). Còn logos chỉ lời nói, ngôn từ, ngôn thuyết và sau cùng là logic; có nghĩa là cái gì khiến cho ta nhìn thấy sự vật, làm sáng tỏ sự vật, cái đó là logos. Không có ánh sáng của logos không thể thấy được cái bày tỏ mình ra. Như vậy, hiện tượng học là khoa học về hiện tượng, là đi tìm chân lý trong sự tỏ mình (shows itself) của sự vật, là một khoa học thực hiện cuộc trở về với bản thể cụ thể của sự vật.
Đến với hiện tượng học chúng ta có ba cách tiếp cận: thế giới quan, phương pháp luận và nhận thức luận. “Hiện tượng học trước hết có nghĩa là một thái độ, một lập trường cơ bản, quan điểm cơ bản...Trong đó bao hàm hiện tượng học với tư cách là phương pháp luận, hiện tượng học với tư cách là nhận thức luận và hiện tượng học với tư cách thế giới quan” (Diêu Trị Hoa 2005, p. 57). Ba cách tiếp cận ấy rốt cục qui về một mối: làm sao để thấy được cái bày tỏ mình ra trong chính nó, làm sao để đến với chính sự vật. Bất kể lý thuyết nào, không thể có một phương pháp luận mà không đứng trên một thế giới quan nào đó và bản thân phương pháp luận cũng chính là lý luận của tư duy. Cho nên, hiện tượng học cũng chính là một phương pháp triết học: “Hiện tượng học không chỉ là một khuynh hướng triết học, mà hơn hết, nó là một phương pháp triết học, Husserl viết,...thuật ngữ này biểu thị một môn khoa học, một phức hợp những bộ môn khoa học; nhưng đồng thời và trên hết, nó biểu thị một phương pháp và một thái độ tư duy: đó là thái độ tư duy triết học riêng biệt, là phương pháp triết học riêng biệt” (Edmund Husserl 2016, p. 28). Tuy hiện tượng học thống nhất tính thế giới quan, phương pháp luận và lý luận nhận thức nhưng tác giả bài viết không có tham vọng tiếp cận cả ba mà chỉ tiếp cận từ góc độ phương pháp luận. Từ cách tiếp cận ấy tất yếu dẫn đến sự hình thành chủ nghĩa hiện sinh, bởi vì phương pháp luận hiện tượng học chính là phương pháp luận mà chủ nghĩa hiện sinh dựa vào.
Chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism), về mặt khái niệm, được tạo bởi triết gia người Pháp Gabriel Marcel vào giữa năm 1940 và sau đó được Jean Paul Sartre sử dụng như một tuyên ngôn trong bài nói chuyện với nhan đề Thuyết hiện sinh là một nhân bản thuyết (Existentialism is a Humanism) được xuất bản năm 1946. Kể từ đó, khái niệm hiện sinh trở nên phổ biến và tư tưởng hiện sinh trở thành một khuynh hướng nổi tiếng. Chủ nghĩa hiện sinh, trong ý nghĩa của nó, là một khuynh hướng triết học về con người: “Bất cứ khuynh hướng nào trong triết hiện sinh đều là triết học về con người, trước khi là triết học về vũ trụ” (Trần Thái Đỉnh 2015, p. 23). Nhưng vấn đề con người không chỉ đến thế kỷ XX mới được bàn luận, trước đó rất lâu, các nhà tư tưởng đã bàn đến: Socrates (469-399TCN) của Hy Lạp cổ đã quan tâm đến con người, ông khuyên các triết gia tự nhiên thời đó hãy quay về với con người, hãy “nhận biết chính mình”. Saint Augustin (354-430) thời Trung cổ cũng cho rằng con người là một thực thể có lý trí, và lý trí ấy tương thông với Thiên Chúa. Blaise Pascal (1623-1662) của nước Pháp thời Cận đại lại nghĩ rằng con người chỉ là một cây sậy yếu ớt trong tự nhiên, nhưng cây sậy ấy biết tư duy. Cùng vấn đề ấy, ở nước Anh thế kỷ XVII – XVIII có John Locke, George Berkeley, David Hume; thế kỷ XVIII – XIX ở nước Đức có Kant, Fichte, Schelling, Hegel, Feuerbach và Karl Marx với luận điểm nổi tiếng “trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”.v.v...Vấn đề con người, tùy lúc tùy thời mà được được lên hàng đầu hoặc nằm ở thứ hạng trong các luận bàn triết học nhưng không bao giờ các triết gia quên lãng vấn đề này. Tuy nhiên, tất cả các triết gia ấy đều không phải là những nhà hiện sinh chủ nghĩa theo đúng nghĩa của thuật ngữ này và học thuyết của họ về con người không phải là học thuyết hiện sinh. Bởi lẽ, “con người” trong quan niệm của các triết gia ấy là con người trừu tượng chung chung, “con người” của họ còn nằm trong khái niệm chưa phải là con người cá nhân sống thực, có cảm xúc. “Con người” ở Kant, ông rút từ tính phổ quát ấy ra rằng vượn người, người nguyên thủy cũng như người thị dân đều được gộp vào cùng một khái niệm và có cùng những tính chất căn bản” (Sartre 2016, pp. 31–32). Đối với Hegel (1770 – 1831), con người là sản phẩm tất yếu của sự vận động biện chứng logic. Chống lại điều đó, Søren Kierkegaard (1813-1855), ông tổ hiện sinh hữu thần lên tiếng đầy thách thức: “ông muốn nói gì cũng vô ích, tôi không phải một khoảng khác lôgích trong hệ thống của ông. Tôi hiện hữu, tôi tự do, tôi là một cá nhân không phải là một khái niệm. Không một ý tưởng trừu tượng nào có thể diễn tả nổi nhân cách của tôi hay thiết định được dĩ vãng, hiện tại nhất là tương lai của tôi hay múc cạn được những khả tính của tôi. Không một lập luận nào có thể giảng nghĩa cho tôi về chính tôi, về cuộc đời và những sự tự do lựa chọn của tôi hay về sự sống, sự chết của tôi” (Bùi Đăng Duy 2014, p. 217).
Hiện sinh thuyết được hình thành không phải do một nhà lý luận kiệt xuất nào đó đề ra mà do nhiều nhà tư tưởng nối tiếp nhau hoàn thiện nó trong mấy mươi năm liền. Người ta gọi đó là “phong trào hiện sinh”. Tựu trung có hai nhánh chính: Hiện sinh hữu thần gồm Kierkegaard được xem là ông tổ của nhánh này, sau đó là Karl Jasper (1883-1969), Gabriel Marcel (1889-1973); Hiện sinh vô thần mà ông tổ là Nietzsche (1844-1900), đến Martin Heidegger (1889-1976), Jean Paul Sartre (1905-1980), Simone de Beauvoir (1908-1986), Albert Camus (1913-1960)... Hầu hết các nhà hiện sinh chủ nghĩa đều từ chối danh hiệu “nhà hiện sinh”, từ chối khái niệm “hiện sinh chủ nghĩa” như một học thuyết với hậu tố “isme” hay “ism” bởi họ không muốn triết học của mình bị giam cầm trong các học thuyết triết học đóng kín “dĩ thành bất biến” mà với họ “hiện sinh là tự do định nghĩa về chính mình”. Duy có Jean Paul Sartre là người đã chấp nhận danh hiệu chủ nghĩa hiện sinh để tiến hành tranh luận. Tóm lại, dù vô thần hay hữu thần, dù thừa nhận hay bác bỏ, người đời vẫn mời họ ngồi chung một mâm: Chủ nghĩa hiện sinh.
Mặc dù chủ nghĩa hiện sinh có nhiều hướng rẽ khác nhau thì vấn đề “con người” vẫn là trung tâm trong mọi luận bàn triết học. Nhưng “con người” trong triết học hiện sinh không phải là một sinh vật trừu tượng ẩn náu đâu đó trong thế giới khái niệm của các nhà triết học, của các học thuyết cổ truyền, mà là con người hiện hữu (existence), con người ý thức được mình là một bản thể độc đáo không lặp lại và con người sáng tạo mình một cách tự do. Theo các nhà hiện sinh, chỉ có con người mới hiện hữu còn loài vật chỉ tồn tại (“Tồn tại-tự nó”, nhưng không “tồn tại-cho nó”). Để làm rõ hiện hữu người, các triết gia hiện sinh sử dụng phương pháp luận hiện tượng học.
- Phương pháp luận Hiện tượng học trở thành cơ sở lý luận và phương pháp luận cho Chủ nghĩa hiện sinh
Một trong những yếu tố quan trọng nhất của hiện tượng học Husserl là ý hướng tính của ý thức (Intentionality). Husserl viết: “Bản chất của những trải nghiệm nhận thức là có một ý hướng (intentio): các trải nghiệm này quy chiếu đến cái gì đó, chúng quan hệ bằng cách này hay cách khác với một tính đối tượng khách quan. Các trải nghiệm đều có “quan hệ với một tính đối tượng khách quan”, ngay cả khi không có đối tượng khách quan. Cái khách quan vẫn có thể xuất hiện, vẫn có thể mang lại một cách nào đó bằng việc xuất hiện ra, ngay cả khi nó vừa không tồn tại thực sự trong hiện tượng [được] nhận thức cũng như không tồn tại với tư cách một cogitatio” (Edmund Husserl 2016, p. 98). Ý hướng tính là bản chất của nhận thức. Mọi ý thức bao giờ cũng là ý thức về một cái gì đó. Rõ ràng không có ý thức nào không có tính ý hướng, ý thức không ý hướng là ý thức trống rỗng.
Chính quan niệm hiện tượng học về ý hướng tính đã hình thành nên luận đề “hiện sinh có trước bản chất” (existence precedes essence) trong triết học hiện sinh của Jean Paul Sartre. Để bảo vệ cho luận đề này, Sartre đưa ra một ví dụ: Một con dao rọc giấy sở dĩ hiện hữu (ra đời) là nhờ có bản chất được quy định từ trước (tức phải có con người với ý tưởng, tính chất và mục đích sản xuất con dao). Như vậy, với con dao, bản chất đi trước hiện hữu. Nếu chấp nhận có Thượng đế sáng tạo, Sartre lập luận tiếp, thì tất cả - kể cả con người sẽ được hiểu theo mô hình của con dao. Nếu không chấp nhận có Thượng đế sáng tạo, thì bản chất không còn có thể đi trước hiện hữu được nữa. Sartre viết: “Thuyết vô thần, mà tôi đại diện [...] tuyên bố rằng, nếu Thượng đế không hiện hữu, thì ít ra có một hữu thể nơi đó hiện hữu đi trước bản chất, một hữu thể hiện hữu trước khi có thể được định nghĩa bằng một khái niệm nào đó, và rằng hữu thể này là con người, hay nói như Heidegger là thực tại người. Ở đây, “hiện hữu đi trước bản chất”, có nghĩa là gì? Câu này có nghĩa rằng con người trước hết phải hiện hữu, gặp gỡ nhau, xuất hiện ra trong thế giới đã, rồi theo đó tự định nghĩa mình” (Sartre 2016, p. 22). Quan điểm hiện sinh có trước bản chất là một quan điểm cách mạng trong việc giải phóng tư tưởng của con người về con người khỏi “nền chuyên chính tinh thần” của thần học lẫn tư tưởng chính trị, khỏi những định kiến về bản chất người cho sẵn trừu tượng trong các học thuyết triết học trước đó và đồng thời giải phóng tư tưởng của con người về con người khỏi lối tư duy theo lề theo thói.
Ý hướng tính như một thành tố quan trọng trong hiện tượng học Husserl tạo nền tảng lý luận cho sự ra đời ý niệm về dự phóng của con người trong hiện sinh thuyết của Jean Paul Sartre. Theo Sartre, con người là những gì do con người tạo nên, con người tự quyết định tương lai của mình: “con người trước hết là một dự phóng đang được sống về mặt chủ thể, thay vì một thứ rêu, một thứ nấm mốc hay một búp súp-lơ; không có gì hiện hữu một cách có sẵn cho dự phóng ấy, không có gì tồn tại nơi thiên đường khả niệm (ciel-inteligible), và con người trước hết sẽ là những gì mà nó dự định tồn tại” (Sartre 2016, pp. 33–34). Con người là một hiện hữu-cho mình, và rằng, ngoài mình ra không có một quyền uy nào có thể ban bố quy luật cho mình cả. Với Sartre, con người là người sống thực bằng hơi thở giữa cuộc đời, là cuộc đời chính mình, là hữu thể tự do dự phóng và chịu trách nhiệm cho sự tự do cuộc đời mình chứ không dựa dẫm, phó thác đời mình cho bất kỳ quyền uy nào. Đúc rút tư tưởng, Sartre kết luận: “Con người bị kết án phải tự do” (Sartre 2016, p. 44).
Ý hướng tính trong hiện tượng học Husserl không phải là cái gì đó từ trên trời rơi xuống mà nó phải gắn liền với chủ thể người. Con người là chủ thể của ý thức gọi là sở tri (Noèse), đối tượng mà ý thức hướng đến gọi là năng tri (Noème). Giữa chủ thể và đối tượng tức giữa sở tri và năng tri có mối liên hệ mật thiết, không thể có đối tượng khi không có ý thức và không thể có ý thức khi không có đối tượng. Ở đây, xin hiểu rằng đối tượng là cái đem lại cho ý thức chứ không phải là thế giới khách quan nằm bên ngoài con người, đối tượng nằm ngay trong ý thức. Chủ thể có ý hướng tính xuất phát từ con người là một yếu tố cốt lõi làm nên thuyết hiện sinh: “Con người không chỉ tồn tại như nó được quan niệm, mà còn tồn tại như nó muốn thể hiện; và vì nó được quan niệm sau khi có hiện hữu, và vì nó muốn tỏ ra sau khi có cái đà ấy hướng tới sự hiện hữu, nên con người không là gì khác ngoài những gì mà nó tự tạo nên. Đó là nguyên tắc đầu tiên của thuyết hiện sinh. Đó cũng là điều mà người ta gọi là tính chủ thể” (Bùi Đăng Duy 2014, p. 33). Do đó, Sartre tuyên bố: “mọi chân lý và mọi hành động đòi hỏi phải có một sự sắp đặt của con người và một chủ thể người” (Sartre 1987, p. 10). Chủ thể tính ở đây được biểu lộ ở các mặt: ý hướng tính, tự do và dự phóng. Có nghĩa là, con người không giống như loài vật, không phải là con chim, hòn sỏi, viên bi, cái bút...Sự vật luôn luôn phản ứng theo một cách nhất định, và nó “tồn tại-tự nó” (being in itself), tức không có khả thể, không có tự do, không có ý thức và bị quy định triệt để. Chúng không có quan hệ với sự Tồn tại của chúng, chúng không làm chủ, không “chiếm hữu” sự tồn tại của mình mình: “Đối tượng không “chiếm hữu” Tồn tại, và sự hiện hữu của nó không phải là sự tham dự vào Tồn tại, cũng như không có bất kỳ một loại quan hệ nào. Nó “có đó”, đó là thể cách duy nhất để người ta có thể định nghĩa nó” (Sartre 2016, p. 158). Đối lập với “tồn tại-tự nó” là “tồn tại-cho mình” (being for itself), cũng chính là đối lập giữa tồn tại vật và Tồn tại người viết hoa. Tồn tại người là tồn tại-cho mình, tức con người có thể tự siêu vượt, tự vượt bỏ chính mình bằng cách “quan hệ” và “hành xử” với đời, với người, với thế giới và đặc biệt con người có khả năng “dự phóng” về tương lai mà loài vật không có được khả năng đó. Con người luôn bị “ném vào một hoàn cảnh nào đó”, tức bị động, nhưng lập tức chủ động “dự phóng một hành động để ứng phó”. Loài vật không có khả năng lựa chọn ấy bởi chúng không có tự do nên chúng không thể “dự phóng”. Tự do là tất yếu của con người như một tuyên ngôn của Jean Paul Sartre. Quan niệm về con người tự do trong hiện sinh thuyết J.P.Sartre là một phản ứng triết lý chống lại một xã hội bị phong tỏa nhiều mặt.
Bất kỳ một lý thuyết triết học nào cũng đều ra đời trong một xã hội có vấn đề và khủng hoảng nhiều mặt như một phản ứng chống lại sự khủng hoảng ấy. Nho giáo Trung Hoa ra đời trong một thời đại thác loạn, thời Xuân Thu – Chiến Quốc: quân bất quân, thần bất thần, phụ bất phụ, tử bất tử, chiến tranh chết chóc thây phơi đầy thành.. tình thế đó buộc Khổng Tử đề xuất một hệ thống triết lý nhằm khôi phục lễ nghĩa nhà Chu, tái xác lập trật tự xã hội, cầu thái bình, an dân. Tư tưởng Phục hưng ra đời chống lại “nền chuyên chính tinh thần” của một hệ thống thần học Kitô giáo và sự kiềm tỏa ý thức hệ phong kiến châu Âu kéo dài suốt ngàn năm, khôi phục các giá trị cổ Hy La. Triết học Marx ra đời không chỉ giải quyết cuộc khủng hoảng triết học mà còn thể hiện sự phản kháng chống lại sự áp bức giai cấp, cải tạo thế giới bằng con đường cách mạng. Không nằm ngoài quy luật đó, hiện tượng học và chủ nghĩa hiện sinh ra đời như một phản ứng triết học với cuộc khủng hoảng nhiều mặt trong lòng châu Âu. Về mặt xã hội, những năm đầu của thế kỷ XX, châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng tính người: con người ngày càng phi nhân hóa, người chỉ là một cỗ máy vô hồn phục vụ cho hai cuộc chiến tranh thế giới, tình cảnh chết chóc tang thương, cơ cấu xã hội lung lay tận rễ gốc, luật pháp – chính trị chỉ là một trò bịp bợm lừa đảo, luân lý - đạo đức không còn được tôn trọng, con người mất lòng tin vào những giá trị xã hội, mất định hướng, mặc số phận... Trong khoa học, thế kỷ XIX chứng kiến sự phấn khởi của con người trước những tựu lớn lao của khoa học và tin rằng lý trí trí khoa học là chiếc đũa thần diệu vô tận khai mở tri thức vũ trụ, người người ngưỡng mộ khoa học đến độ xem đó là thần cứu tinh của nhân loại, còn Auguste Comte (1798 – 1857) thì nghĩ lịch sử nhân loại sẽ chấm dứt ở thời đại thực chứng khoa học. Nhưng rồi thực tiễn đã chứng minh ngược lại. Thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỷ XIX và XX cũng là thời điểm các phát hiện khoa học mới lần lượt ra đời, thuyết lượng tử Max Planck, thuyết tương đối Albert Einstein, nguyên lý bất xác định của Werner Heisenberg...đã đánh đổ lý tính khoa học cũ. Sự tin tưởng rằng lý tính khoa học của thế kỷ trước sẽ giải đáp được tất cả mọi lẽ huyền vi của vũ trụ lẫn nhân sinh nay đã sụp đổ, niềm tin của con người vào sức mạnh khoa học chuyển từ xác định sang bất định. Tất cả điều ấy đều nói lên sự phi lý của lý tính thực nghiệm. Từ sự khủng hoảng xã hội và khoa học tự nhiên tất yếu dẫn đến sự khủng hoảng phương pháp nghiên cứu khoa học trong đó có phương pháp tư duy triết học. Triết học thế kỷ XIX được xây dựng trên nền phương pháp cũ, tách rời chủ thể và khách thể nhận thức, xem con người với tất cả những mặt tâm tư tình cảm, tư tưởng cho đến lịch sử tiến hóa xã hội cũng chỉ là sự phản ánh của các quy luật tự nhiên lý hóa sinh, phản ánh tồn tại xã hội. Triết học đã “vật - lý hóa con người” và hóa người thành “vật” theo sự nhào nặn của những quy luật tự nhiên. Nhưng tồn tại người đâu chỉ là một tồn tại bị quy định bởi những quy luật lịch sử - tự nhiên khách quan, mà nói thêm rằng, NGƯỜI là một hiện hữu (existence) từ chối mọi cố gắng vật hóa bản chất của mình. Vì thế không thể loại bỏ sự hiện diện của chủ thể người ra khỏi mọi công trình nghiên cứu khoa học. Bởi, chủ thể tính cũng là một yếu tố cấu thành nên các sự kiện khoa học khách quan.
Do đó, hiện tượng học của Edmund Husserl ra đời với một niềm mong mỏi thoát khỏi khủng hoảng khoa học lẫn triết học, đưa triết học trở thành một khoa học nghiêm xác và xây dựng cho mình một phương pháp nhận thức mới để bóc trần bản tính sự vật. Tôn chỉ trở về với chính sự vật là một niềm mong mỏi của hiện tượng học Husserl. “Trở về với chính sự vật” là trở về với trạng thái uyên nguyên tròn đầy thể tính của nó, trạng thái mà sự vật hiện ra trong ý thức con người không bị các thiên kiến, thói quen, lý thuyết...che mờ. Sự trở về ấy cũng giống như là sự trở về trong thiền - kiến - ngộ của Phật giáo: Khi ta chưa thiền thì ta thấy núi là núi, sông là sông. Khi ta học thiền ta thấy sông không phải là sông, núi không phải là núi. Khi ta thiền rồi ta lại thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông. Cũng là núi là sông đó thôi, nhưng người đã hành thiền nhìn thấy nó tròn đầy tự tính vốn có, người chưa hành thiền chỉ thấy một mớ kiến thức về núi sông. Sau khi thiền, hiện tượng (tức bản chất) lúc ấy lộ toàn chân cho ta thụ hưởng (nhận thức).
Để thực hiện cuộc trở về, hiện tượng học sử dụng các kỹ thuật epoché (ngưng hãm, gác lại) và thực hiện ba bước quy giản (reduction). Lưu ý rằng, tất cả các kỹ thuật ấy đều là các thao tác của tư duy con người. Nhưng ngưng hãm cái gì và gác lại cái gì? Trần Đức Thảo, từ năm 1951, trong một công trình nghiên cứu về hiện tượng học, đã nêu: “gác lại quan điểm chung về sự hiện hữu, không tin ở thế giới này nữa trong khi vẫn sống giữa thế giới...” (Nguyễn Trọng Nghĩa 2011, p. 87). Husserl nói rõ hơn: “Chúng ta chẳng thay đổi gì hết đối với lòng tin của chúng ta, lòng tin đó, trong tự thân nó như là cái mà nó có...Nhưng mà luận đề chịu một sự thay đổi: trong khi lòng tin trong tự thân nó vẫn là cái như nó có, chúng ta đặt lại nó, có thể nói là, “ngoài cuộc chơi”, “ngoài chu vi”, “trong dấu ngoặc”. Nó vẫn còn ở đấy, như là từng ở đấy trong cái dấu ngoặc mà chúng ta giam hãm nó..” (Nguyễn Trọng Nghĩa 2011, p. 87). Công việc của hiện tượng học là đơn thuần mô tả những hiện tượng diễn ra trong tâm trí ta như những hình ảnh đang chiếu trên một màn hình. Ta không tìm cách quyết định xem những hiện tượng mà ta nhìn thấy có thực sự hiện hữu ở bên ngoài hay không. Vấn đề hiện hữu được “gác lại”, được bỏ “trong ngoặc”. Cho dù những hiện tượng ấy là “ảo tượng” đi nữa, ta vẫn có thể mô tả chúng, đúng như những gì xuất hiện trong tâm trí ta” (Edmund Husserl 2016, p. 66). Nhờ ngưng hãm, đóng ngoặc mọi tri kiến lẫn kinh nghiệm quá khứ về thế giới, ta chỉ còn lại ý thức thuần túy, ý thức không bị che mờ bởi tri kiến của quá khứ lẫn các phán đoán của tư duy để nhận thức hiện tượng thuần túy. Tiếp theo, Husserl sử dụng ba kỹ thuật quy giản, tức chấp nhận việc giới hạn nhận thức của ta vào những gì được mang lại một cách trực tiếp, chỉ giới hạn nhận thức vào các hiện tượng. Husserl đưa ra ba kỹ thuật quy giản: 1. Quy giản triết học buộc ta giản lược tất cả các lý thuyết trước đó; 2. Quy giản bản chất tức đặt thế giới hiện hữu vào trong ngoặc để ý thức chỉ nhắm vào hiện tượng; 3. Quy giản hiện tượng học, là nội dung cốt lõi của hiện tượng học, nhờ đó ý thức tháo ra khỏi ý thức những gì không phải là ý thức thuần túy (chỉ còn lại ý thức thuần túy). Phương pháp hiện tượng học không phải là đi phân tích hiện tượng mà chính là mô tả hiện tượng, là phương pháp trực giác bản chất. Để hiểu rõ hơn phương pháp mô tả này, xin trích một đoạn của Merleau-Ponty: “Ta phải mô tả, không được giải nghĩa và không được phân tích. Tôn chỉ này Husserl dạy chúng ta “trở về chính những sự vật”...Tất cả những gì tôi biết về thế giới, dầu là nhờ khoa học, tôi đều biết do một cái nhìn của tôi, tức một kinh nghiệm của tôi về thế giới. Không có kinh nghiệm này, những ký hiệu của khoa học sẽ không còn ý nghĩa gì nữa. Thế giới của khoa học đã thực sự được xây trên thế giới mà ta đã nhìn thấy...thành thử khoa học chỉ là tiếng nói thứ hai về thế giới thôi”. (Trần Thái Đỉnh 2015, p. 185). Trần Thái Đỉnh đã viết trong Hiện tượng học là gì?, rằng: “Chỉ những ai hiểu rõ phương pháp giảm trừ (tức phương pháp quy giản), mới hiểu được triết lý hiện hữu của Heidegger”. Phương pháp hiện tượng học mà Heidegger sử dụng được thể hiện rõ nét trong tác phẩm nổi bật và quan trọng nhất của ông là cuốn Sein und Zeit (Hữu thể và Thời gian).
Như thế, phương pháp hiện tượng học mà chủ nghĩa hiện sinh sử dụng là phương pháp mô tả, chỉ mô tả chứ không lý giải, phân tích, sự vật đem lại cho ý thức chúng ta thế nào thì chúng ta mô tả chân thực nó như thế ấy, không thêm không bớt, không tưởng tượng. Một sự vật có vô vàn trắc diện (profil) và không bao giờ bộc lộ hết bản tính của nó cùng một lúc, chính vì thế mà phương pháp này cho phép và buộc ta tiếp cận sự vật ở nhiều trắc diện, nên mỗi khi ta thay đổi góc nhìn là một lần tái định nghĩa sự vật. Có thể nói rằng phương pháp mô tả hiện tượng học là một phương pháp đột phá và hữu ích trong việc tiếp cận con người từ chiều sâu nội tâm, nhìn con người không phải là một hữu thể trừu tượng của các khái niệm cứng đờ mà nhìn thấy con người sống thực, bằng xương bằng thịt, có đầy đủ những xúc cảm, những lo âu, những trạng thái buồn nôn và phi lý trí. Trong tác phẩm Buồn nôn (La Nausée), Sartre mô tả nàng Anny như sau: “Nàng là một cô chiêu đãi viên trong tiệm cà-phê Roquentin quen đến tiêu phí thì giờ. Chẳng lẳng lơ mà cũng chẳng khuê các, nàng là tiêu biểu cho “đợt sống mới”. Thân hình nàng là một sức sống mơn mởn, và tâm trí nàng cũng thản nhiên như cây cỏ: không một ý niệm về luân lý và đạo đức, nàng “làm tình” như uống ly rượu mùi. Không một chút suy nghỉ về hành vi đó, không một ý niệm về tội phúc. Nàng sống như cây mọc lên, như nước sông trôi theo dòng. Nàng sống trong hiện tại, không hề tưởng đến tương lai, và nhất định là không bao giờ nghĩ đến ý nghĩa của cuộc nhân sinh. Nàng sống, và chỉ sống thôi: ăn, ngủ, đi kiếm tiền, may (mua) sắm, thỏa mãn nhục dục: đời nàng chỉ có bấy nhiêu” (Trần Thái Đỉnh 2015, p. 312). Do đó, chủ nghĩa hiện sinh với vấn đề trung tâm là vấn đề “con người” đã tìm thấy ở hiện tượng học phương pháp mô tả như là “bảo bối” để nhìn sâu vào không chỉ tâm thức con người mà còn bóc trần được bản tính của xã hội nhân sinh.
- Kết luận
Sự ra đời của hiện tượng học Husserl là một khám phá mới trong phương pháp nghiên cứu triết học nhất là triết học về con người, tạo nền tảng lý luận và cơ sở phương pháp luận cho sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh. Hiện tượng học không phải là tiền đề duy nhất cho sự ra đời của hiện sinh thuyết mà học thuyết này còn lấy cảm hứng, chất liệu từ những tư tưởng khác, nhưng rõ ràng, nếu không có hiện tượng học sẽ không có chủ nghĩa hiện sinh, không làm nên những tên tuổi có sức lan tỏa mạnh như Martin Heidegger, Jean Paul Sartre, Gabriel Marcel và những triết gia khác. Hiện tượng học không chỉ là một khám phá mới trong phương pháp nghiên cứu của triết học mà nó đã trở thành phương pháp cho nhiều môn khoa học khác, Husserl nói: “Hiện tượng học chấm dứt thời kỳ ngây thơ của triết gia và khoa học gia. Hiện tượng học là khoa học đặt nền cho tất cả các khoa học. Lịch sử cho thấy hiện tượng học đã cách mạng và đổi mới tất cả các khoa học nhân bản như tâm lý học, sử học, xã hội học” (Trần Thái Đỉnh 2015, p. 171). Phương pháp mô tả hiện tượng học là một trong những phương pháp nghiên cứu chủ lực của dòng văn học hiện sinh. Nhờ phương pháp này, văn chương hiện sinh không còn loay hoay bên ngoài con người mà đi vào chiều sâu tâm thức, mô tả, quay lật con người ở nhiều trắc diện và mỗi một trắc diện là một tái định nghĩa về con người. Ngày nay, hiện tượng học và chủ nghĩa hiện sinh, như là khuynh hướng triết học, đã thoái trào nhưng sức hấp dẫn triết lý của nó vẫn còn lớn. Hơn nữa, nếp sống hiện sinh, nếp nghĩ hiện tượng học đã phá bỏ biên cương lan tràn khắp thế giới, thấm sâu vào đời sống xã hội, vào chiều sâu tâm thức con người và trở thành một phần văn hóa của nhân loại. Với tư cách là một phương pháp, dù có ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành khoa học, hiện tượng học vẫn còn nhiều điều để chúng ta tranh luận xem có phải là một phương pháp duy nhất đúng đắn để vén mở bản tính thế giới hay không. Và với các nhà triết học, phương pháp và phương pháp luận triết học vẫn là một lời mời gọi tiếp tục suy tư.
-------------------
Tài Liệu Trích Dẫn
Bùi Đăng Duy (2014), Triết học hiện đại Pháp – Những điểm gặp gỡ ở Việt Nam, Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia.
Diêu Trị Hoa (2005), Edmund Husserl, Hà Nội: Nxb. Thuận hóa.
Edmund Husserl (2016), Năm bài giảng ý niệm Hiện tượng học, (Bùi Văn Nam Sơn, tran.), Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Trẻ & Nxb. ĐHQG.
Heidegger, Martin (1962), Being and Time, (J. Macquarrie and E. Robinson, trans.), Oxford: Blackwell.
Nguyễn Trọng Nghĩa (2011), Hiện tượng học của Edmund Husserl và sự hiện diện của nó ở Việt Nam, Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia.
Sartre, Jean-Paul (1987), Existentialism and human emotions, US: Citadel Press.
——— (2016), Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản, (Đinh Hồng Phúc, trans.), Hà Nội: Nxb. Tri thức.
Trần Thái Đỉnh (2015), Triết học hiện sinh, Hà Nội: Nxb. Văn học.