Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

LÝ THUYẾT VỀ HIỂU BIẾT CỦA POPPER

21/12/2020

LÝ THUYẾT VỀ HIỂU BIẾT CỦA POPPER

Karl Popper, https://www.babelio.com/auteur/Karl-Popper/27005

(Đăng trong Penser l’ É ducation, N0 21, tr 19-31, 2007. Tác giả : Philippe Dessus – Laboratoire des sciences de l’éducation & IUFM, Grenoble- Université Pierre-Mendès – France. Dương Thắng dịch từ tiếng Pháp.)

Popper (1998) đã trình bày chi tiết, trong cuốn sách Hiểu biết khách quan, cái lý thuyết nổi tiếng của ông về ba thế giới, lý thuyết đã có những ảnh hưởng to lớn trong các lĩnh vực khoa học luận và triết học. Lý thuyết này, được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1967, cũng đã được quan tâm nghiên cứu từ góc nhìn của những người làm công việc việc giảng dậy và học tập.( e,g., Bereiter, 2002; Paavola, Lipponen & Hakarainen, 2004). Dẫu rằng những bài báo đầu tiên của Popper liên quan đến giáo dục (Popper, 1989) nhưng sau đó ông rất ít khi quay lại lĩnh vực này. Những công trình của ông, được trích dẫn nhiều nhất trong các nghiên cứu liên quan đến giáo dục đó là những công trình liên quan đến quá trình sáng tạo và kiểm tra các giả thiết khoa học dẫn đến việc xác nhận hay bác bỏ nó (e.g., Johsua & Dupin, 1993), trong khi mà, lý thuyết về hiểu biết của ông lại rất ít được nhắc đến trong các nghiên cứu liên quan đến giáo dục, nhưng trên thực tế lý thuyết này lại có thể sử dụng hữu hiệu như là một công cụ để hiểu về hiện tượng giáo dục. Bài báo này muốn đi vào vấn đề mang tính bản thể luận của những kiến thức được giảng dậy và những ứng dụng lý thuyết và thực tiễn của nó, lý thuyết được xem xét là lý thuyết về hiểu biết khách quan của Popper.

1. Mô tả về lý thuyết hiểu biết khách quan của K. Popper

Giới thiệu về thế giới 1,thế giới 2 và thế giới 3

Popper đã lấy lại sự phân biệt của Bolzano ( 1837, nhắc lại bởi Popper, 1998, tr 207) giữa các “chân lý tự thân” và những quá trình của tư duy chủ quan vừa đúng, vừa sai. Thứ nhất, nó thể hiện trong mối mối quan hệ lo gic giữa những thứ này và những thứ khác (có thể tương thích hoặc không tương thích), thứ hai đó là những mối quan hệ giữa các quá trình tư duy, ở đây các nguyên tắc của một quá trình tư duy ở người này không được đối nghịch với nguyên tắc của quá trình tư duy của một người khác, cũng như thế trong cùng một con người, các nguyên tắc của hai quá trình tư duy khác nhau trong cũng không được phép đối nghịch nhau. Nhưng bù lại, những nội dung của một quá trình tư duy này có thể đối nghịch lại với nội dung của một quá trình tư duy khác, thậm chí xẩy ra ngay trong một con người, Điều này đã dẫn dắt Popper đi đến sự phân biệt rõ ràng các tư duy với tư cách là quá trình (thuộc thế giới 2) và các suy ngẫm với tư duy là nội dung (thuộc thế giới 3), còn thế giới vật lý là thế giới 1. Popper đã giới thiệu tóm tắt như sau:

Thế giới 1 là thế giới của các đối tượng vật lý hay các trạng thái vật lý (des objets physiques ou des états physiques) , thế giới 2 là thế giới của các trạng thái ý thức hay trạng thái tinh thần (des états de conscience ou des état mentaux) hoặc các khuynh hướng ứng xử thông qua hành động (des dispositions comportementales à l’action) , thế giới 3 là thế giới của những nội dung khách quan của tư duy (des contenus objectifs de pensée), đó là thế giới của các tư tưởng khoa học, các suy tư thi ca và các tác phẩm nghệ thuật (Popper, la connaissance objective, tr. 181-182).

Có thể sử dụng các thuật ngữ “thế giới vật chất”, “thế giới riêng tư”, “thế giới văn hóa” để mô tả ba thế giới mà Popper đã đề cập, để mô tả chúng rõ ràng và cụ thể hơn (Malherbe J-F. triết học của Karl Popper và lôgic thực chứng. Paris.P.U.F. 1976).

“Thế giới vật chất bao gồm tất cả các dạng vật chất hữu có hay không hữu cơ, các dạng năng lượng, nó bao gồm cả cơ thể, bộ óc của chúng ta. Thế giới “riêng tư” chứa đựng không chỉ những trải nghiệm đã được cảm nhận tức thời, nó còn chứa đựng các ký ức, các tưởng tượng, các suy nghĩ và các kế hoạch hành động. Cuối cùng là thế giới văn hóa, nó chứa đựng các nội dung “khách quan” trong suy nghĩ của chúng ta, có nghĩa là các hệ thống lý thuyết, các bài toán, các lập luận, các luận cứ phê phán, nó cũng chứa các tư tưởng, nghệ thuật, khoa học, các thể chế, các ngôn ngữ, mỹ học với điều kiện những thứ này đã được “ mã hóa’ trong các đối tượng thuộc về thế giới vật chất như trong các bộ não, các cuốn sách, các máy móc,các bộ phim, các bang từ, các máy tính, các bức tranh, các ký hiệu.v.v”

Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa 3 thế giới

Luận điểm quan trọng trong các lập luận của Popper là chứng minh rằng thế giới 3, sản phẩm tinh thần của con người, cũng hoàn toàn thực như các đối tượng trong thế giới 1 và 2 “...nó cũng thực như các chiếc bàn hay các chiếc ghế..” (Popper, La connaissance objective, tr. 146) những đối tượng nào được xem là thực? Popper giải thích như sau: đó là những đối tượng có thể tác động lên các vật thể vậy lý, tương tự như những chiếc bàn và những chiếc ghế, ở chiều ngược lại, các vật thể vật lý cúng có thể tác động lên đối tượng này. Và sự kiện hiển nhiên là thế giới vật lý đã thay đổi rất nhiều dưới ảnh hưởng của các lý thuyết và các hiểu biết của con người, nói chính xác hơn, thế giới 3 đã tác động vào thế giới 1 thông qua sự trung gian của thế giới.

2. Có thể mô tả sự tác dụng qua lại của 3 thế giới thông qua cái sơ đồ dưới đây :

a) Thế giới 1 - thông qua con đường tri giác - tác động vào thế giới 2

b) Thế giới 2 - thông qua con đường sáng tạo - tác động vào thế giới 3 ở chiều ngược lại

a) Thế giới 3 - thông qua con đường hiểu biết - tác động vào thế giới 2

b) Thế giới 2 - thông qua các hoạt động vật lý- tác động vào thế giới 1

Theo quan điểm của Popper, các “cư dân nổi bật nhất” của thế giới thứ 3 đó là các hệ thống lý thuyết, tiếp đó là các vấn đề và những tình huống có vấn đề, và những “ cư dân quan trọng nhất” đem đến nguồn sinh lực cho sự phát triển đó là những luận cứ phê phán, hay chính xác hơn là trạng thái của một cuộc thảo luận hay trạng thái của một luận cứ phê phán và tất nhiên là những gì chứa đựng trang các tạp chí, sách báo và thư viện.

Để chứng minh cho sự độc lập (một cách tương đối) của thế giới 3, Popper đã đưa ra hai thí nghiệm (tưởng tượng) sau (Popper, La connaissance objective, tr. 183 ):

Thí nghiệm 1. Tất cả các máy móc, công cụ và những kiến thức chủ quan của chúng ta về chúng bị phá hủy, nhưng sách vở, thư viện và khả năng học hỏi từ sách vở của chúng ta vẫn còn nguyên vẹn. Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng dù trải qua nhiều khó khăn, trong tình huống của thí nghiệm 1, những hiểu biết của loài người vẫn có thể hồi sinh.

Thí nghiệm 2. Tất cả các máy móc, công cụ và những kiến thức chủ quan của chúng ta về chúng bị phá hủy, hơn thế nữa, toàn bộ sách vở, thư viện cũng bị hủy hoại. Trong thí nghiệm 2, khả năng hồi sinh hay tái tạo lại các hiểu biết của con người trở nên khó khăn hơn rất nhiều bởi vì dẫu khả năng học hỏi của chúng ta từ sách vở vẫn còn nguyên vẹn, nó cũng trở nên hoàn toàn vô dụng.

Như vậy thế giới thứ ba là thế giới của các tư tưởng mà trước hết là thế giới của lý thuyết và các vấn đề lý thuyết, được sản sinh bởi trí tuệ con người (khác biệt hoàn toàn về nguyên tắc với quan điểm Platon), nó đã trở nên hoàn toàn khách quan và tự chủ, giống như trường hợp tập số nguyên, chúng ta đã sáng tạo ra chúng ,nhưng một khi chúng đã tồn tại, chúng trở thành những đối tượng khách quan và tự chủ, độc lập với chúng ta. Chúng ta chỉ có thể đưa ra những nhận xét rằng một số trong số chúng là các số chẵn hay số nguyên tố, và đặt ra những câu hỏi dạng như một số chẵn liệu có luôn luôn là tổng của hai số nguyên tố hay không? Bằng luận đề này, Popper đã cắt đứt hoàn toàn với tất cả các loại triết học liên quan đến chủ thể nhận thức của hiểu biết và đem lại một chiều kích bản thể luận cho quan niệm của ông về hiểu biết như một quá trình khách quan.

zalo