“KHÔNG CHỈ ĐỂ ĂN MÀ CÒN ĐỂ SUY NGHĨ…” *
01/03/2017
Giới thiệu sách:
Định chếtôtem hiện nay
Tác giả: Claude Lévi-Strauss
Người dịch: Nguyễn Tùng
(Nxb. Tri Thức, Hà Nội, 2017)
Nguồn: http://triethoc.edu.vn/vi/ban-tin-triet-hoc/goc-doc-sach/khong-chi-de-an-ma-con-de-suy-nghi_680.html
“Để ăn”, tất nhiên là thế giới động và thực vật. Nhưng, để “suy nghĩ” về nó thì có lẽ quan niệm mạnh mẽ nhất là cho rằng có mối quan hệ thân thuộc hay thần bí giữa con người với một loại động vật hay thực vật nào đó. Thực thể ấy thường được gọi là “vật tổ” (totem), được sử dụng hay tôn thờ như là danh hiệu hay biểu trưng.
Từ đó, “định chế vật tổ” (totemism) trở thành đối tượng nghiên cứu hấp dẫn đối với nhiều thế hệ những nhà nhân học Tây phương, vì họ nghĩ rằng có thể tìm thấy trong đó những nét sơ khai của tín ngưỡng tôn giáo và tổ chức xã hội nơi những tộc người “nguyên thủy” với nền kinh tế truyền thống dựa chủ yếu vào săn bắn hái lượm hay bắt đầu pha trộn với canh tác và chăn nuôi gia súc. Nhiều công trình điền dã chi ly với sự phân loại phức tạp các loại hình khác nhau của định chế tôtem (tôtem tộc người vàtôtem cá nhân v.v.) nối nhau ra đời cùng với vô số những lý thuyết nhằm minh giải hiện tượng ấy. Tuy khác nhau không ít trong cách diễn giải về nguồn gốc, hình thức và tính chất, nhìn chung, các nhà nhân học (trước đây thường gọi là nhà dân tộc học) hầu như đều thừa nhận định chế này là “có thật” trong lịch sử, thậm chí như là chìa khóa để giải mã nhiều hiện tượng cổ sơ. Nhưng, sự việc, một lần nữa, cần được “suy nghĩ” lại! Người ghi dấu ấn đặc biệt ấylà Claude Lévi-Strauss, nhà nhân học nổi tiếng người Pháp, trong “Định chế tôtem hiện nay” (Le Totémisme Aujourd’hui,1962), qua bản dịch công phu và đầy thẩm quyền của dịch giả Nguyễn Tùng, nhà xã hội học và nhân học làm việc lâu năm tại Pháp (NXB Tri Thức, 2017).
Là đại diện chủ chốt của thuyết cấu trúc, Lévi-Strauss cho rằng cần phải tiếp cận “định chế tôtem” vốn khó khăn và phức tạp này từ giác độ nghiên cứu về cấu trúc tiềm ẩn của nó. Điểm mới mẻ: Lévis-Strauss phủ nhận “thực tại” của định chế tôtem, thậm chí xem nó là “ảo tưởng” vìnhững thiên kiến và ngộ nhận có khi không tự giác của giới nghiên cứu Tây phương khi đi tìm những lối giải thích phù hợp với nhãn quan …“ bá quyền văn hóa” của chính mình. Không phải ngẫu nhiên khi đối tượng nghiên cứu chủ yếu là các tộc người gọi là “nguyên thủy” ở các lục địa lạc hậu. Trong bối cảnh ấy, “Định chế tôtem hiện nay” không chỉ lý thú và bổ ích đối với giới chuyên môn nhân học!
“KHÔNG CÓ VỰC THẲM GIỮA “NGƯỜI NGUYÊN THỦY” VÀ “NGƯỜI VĂN MINH””
Khác với nhiều nhà nhân học đi trước, Lévi-Strauss cho rằng nếu hiểu định chế tôtem như là sự tôn thờ thú vật và cây cối, hay ít ra có quan niệm về quan hệ thân thuộc giữa con người và thế giới không phải con người, thì không khác gì lẫn lộn các ranh giới giữa tự nhiên và văn hóa; và do đó, chính khái niệm vật tổ trở thành cơ chế thiết lập một vực thẳm giữa người “nguyên thủy” và người “văn minh”. Trái lại, theo ông, định chế này phơi bày đặc điểm cơ bản và phổ quát của tư duy biểu trưng nói chung, hiểu giới tự nhiên như là mô hình để tư duy về những mối quan hệ xã hội, vì giới tự nhiên cung cấp một hệ thống những sự phân biệt có thể dễ dàng trực quan được để “đánh dấu” những sự khác biệt về văn hóa-xã hội, mà chưa cần dùng tới tư duy khoa học, khái niệm. Những quan hệ xã hội rắc rối, trừu tượng được trình bày một cách dễ hiểu, trực quan, bằng hình ảnh, chẳng hạn bộ lạc “chim ưng” phân biệt với bộ lạc “gấu”. Chúng không hề có nghĩa là nguồn gốc xuất thân tự nhiên của bộ lạc cho bằng cung cấp cho con người một “bộ từ điển” hay một “bộ ngữ pháp” dành cho tư duy biểu trưng.Nói cách khác, sự phân biệt giữa các nhóm người và các nhóm động thực vật là cơ sở khái niệm cho những khác biệt xã hội. Định chế tôtem, theo nghĩa ấy, là “ảo tưởng”, là “lôgíc của sự phân loại”, tức của sinh hoạt văn hóa mà thôi: cấu trúc của những quan hệ xã hội được phóng chiếu vào những hiện tượng tự nhiên, chứ không phải ngược lại.
Với quan niệm như thế, Lévi-Strauss đã đề xướng hai luận điểm quan trọng. Thứ nhất, về mặt lịch sử, “định chế tôtem” cho thấy là một ngộ nhận của các nhà nghiên cứu khi gán cho người “nguyên thủy” lòng tin rằng mình là hậu thân hay xuất thân từ thú vật hay cây cối. Theo ông, ngộ nhận này là dễ hiểu, nhưng có hàm ý (dù vô tình) rằng xã hội hiện đại tự xem mình là đỉnh cao của sự phát triển văn hóa, mà các xã hội nguyên thủy đã không bắt kịp bởi không muốn hay không thể. Với luận điểm này, ông khôi phục lại vị trí của họ trong thế giới hiện đại, mặc dù không thể chối bỏ những sự khác biệt giữa thần thoại và khoa học, ma thuật và kỹ thuật, mê tín và lý tính. Thêm vào đó là não trạng dai dẳng của nhà nghiên cứu nhìn các tộc người gọi là “nguyên thủy” không chỉ là xa xôi trong không gian mà cả mịt mù về thời gian! Nguy hiểm hơn nhiều nếu nấp đàng sau não trạng ấy là động cơ muốn biến người khác trở thành cái gì xa lạ, quái gở( qua thuật ngữ khá đặc biệt trong tiếng Anh: “Othering”) để dễ thi thố chính sách kỳ thị và tự xoa dịu lương tâm, chối bỏ trách nhiệm. Một nguy cơ có thật và đang hiển hiện khắp nơi!
Thứ hai, câu hỏi gợi ra: làm sao phân biệt cấu trúc của tư duy biểu trưng và tư duy khoa học, mà không nhất thiết quy kết cái trước là lạc hậu. Chính vấn đề này đã dẫn Lévi-Strauss đến chỗ không xét đến tư duy củanhững người hoang dại (pensée des sauvages) nữa, mà về “tư duy hoang dại” (pensée sauvage) nói chung (cũng là tên quyển sách của ông, cùng năm 1962). Ta nhớ đến câu nổi tiếng của ông trong Cấu trúc của thần thoại: “Lô gíc của tư duy thần thoại, về cơ bản, tỏ ra không khác gì với tư duy thực chứng cả. Vì sự khác biệt không phải ở trong phẩm chất của những thao tác trí tuệ cho bằng trong bản tính của những sự vật mà những thao tác ấy nhắm vào”. Và trong “Định chế tôtem hiện nay”, ông nhấn mạnh: “… giữa lôgic của tư duy tôn giáo và lôgic của tư duy khoa học, không có một hố thẳm” (tr 262).
Cuộc thảo luận về “định chế tôtem” vẫn còn tiếp tục, và lý giải nặng về khía cạnh văn hóa-xã hội của Lévi-Strauss – cũng như nhiều vấn đề thuộc khoa học xã hội và nhân văn khác – tất nhiên không phải là giải đáp sau cùng. Nhưng cách đặt vấn đề của ông vẫn còn mang tính thời sự, và đúng như dịch giả Nguyễn Tùng, trong Lời giới thiệu đã viết: “Dù thuyết cấu trúc từ lâu đã thoái trào, cho đến nay giới trí thức Pháp nói chung vẫn đều khâm phục sự nghiệp khoa học đồ sộ và nghiêm túc của ông”. Lời giới thiệu công phu của dịch giả kèm thư mục dày dặn (riêng của tác giả đã đến hơn 50 quyển sách và hàng trăm bài viết!) luôn mời gọi giới nghiên cứu và người đọc Việt Nam.
Thêm nhiều tin vui: tủ sách Tinh Hoa của NXB Tri Thức, trong tháng đầu năm 2017, còn cho ra mắt hai dịch phẩm kinh điển quý giá: “Bộ công cụ mới” (Novum Organum) của Francis Bacon do Đỗ Minh Hợp và Nguyễn Trọng Chuẩn dịch, và “Ngẫu nhiên và Tất yếu” của Jacques Monod do hai dịch giả Hà Dương Tuấn và Đặng Xuân Thảo thực hiện.
Bùi Văn Nam Sơn
* Claude Lévi-Strauss: Định chế tôtem hiện nay, tr 247