KANT VÀ HIỆN TƯỢNG HỌC NGHỆ THUẬT
21/12/2020
Emil Doerstling/ Kant and table partners / 1900
(Dương Thắng trích dịch từ cuốn LA LECTURE DE L’ART của Jean-Luc Chalumeau. NXB Klincksieck. Paris.2002)
1. Trong hai thế kỷ gần đây, nguồn cảm hứng trong phê bình nghệ thuật bắt nguồn một phần lớn từ các suy ngẫm của Kant. Trong cuốn la Critique de la faculté de juger (Phê phán năng lực phán đoán), cuốn sách kết thúc chặng hành trình triết học của Kant, được khởi đầu từ cuốn La Critique de la Raison pure (Phê phán lý trí thuần tuý), Kant đã dành một nửa số trang cho vấn đề về những đánh giá mỹ học. Phải đến lúc này tính độc lập của cảm xúc đối với lý trí mới được xác lập một cách chặt chẽ về mặt triết học. Trước đó, bị trói buộc bởi chủ nghĩa lý tính Leibniz, Cái Đẹp chưa hề có được một vị trí độc lập, một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, trước hết được đánh giá bởi sự “ sang trọng” của chủ đề tác phẩm và cái “ chân lý” ngự trị trong tác phẩm đó. Với quan niệm đó, nghệ thuật chỉ đóng vai trò hạng hai trong văn hóa , đứng sau các ý tưởng mà nó (phải) phục vụ.
2. Kant, bằng việc khẳng định sự độc lập / tự chủ của cảm xúc đối với lý trí, cả về phương diện lý thuyết và thực tế, đã thiết lập các nguyên lý mới của Mỹ học. giống như Luc Ferry đã nhận xét : “ Lần đầu tiên trong lịch sử các trào lưu tư tưởng, Cái Đẹp đã có được một sự tồn tại độc lập , ngừng đóng vai trò như một sự phản ánh giản đơn cho một bản thể khác ngoài nó, kẻ đã ban phát cho nó một ý nghĩa thực sự”. Từ nay Cái Đẹp là một Hiện Tượng ( độc lập) mà người ta có thể quan sát và bình luận về nó.
3. Theo cách thức đó, sự ra đời của Mỹ Học cũng đồng thời đánh dấu một sự thoái lui ( trên bình diện triết học) của các “Thánh Thần” trong nghệ thuật. Đã có một sự thay đổi căn bản ở những người nghệ sĩ: Thay vì đóng vai những người mang sứ mệnh “ tìm kiếm” rồi tiếp đó là “ thể hiện/ biểu đạt” các chân lý được Thượng Đế tạo ra , từ nay các nghệ sĩ trở thành những người “ so tài” với Thượng Đế. Bằng trí tưởng tượng và tài năng của mình, những người nghệ sĩ có thể tạo ra những tác phẩm hoàn toàn mới mẻ, phản ánh những “hiện thực” chưa từng xuất hiện ở đâu. Trái ngược với các nhà triết gia cổ điển , Kant đã chỉ ra rằng nghệ thuật không có chức năng phản ánh sự hoàn hảo. Nhiệm vụ của nó không phải là giới thiệu một cách “ giỏi giang” một ý tưởng “tốt” nào đấy mà là tạo ra ( một cách vô thức ) một tác phẩm hoàn toàn mới , chứa đựng những vẻ đẹp khác lạ, đầy ắp chất biểu cảm đối với con người.
4. Những đánh giá của Kant về tính phi-trách-nhiệm của người nghệ sĩ về phương diện hiện tượng học nghệ thuật cũng rất thú vị. Những nghệ sĩ thiên tài không bao giờ biết tuân thủ các nguyên tắc đã có , bởi vì ở họ có một khả năng bí ẩn để tạo ra những nguyên tắc mới “ Những nghệ sĩ thiên tài bản thân họ cũng không có lời giải đáp rõ ràng về con đường giúp họ tiếp cận với những ý tưởng sáng tạo chói sáng đã giúp họ tạo dựng nên tác phẩm”
5. Tài năng, theo quan niệm của Kant , đó là một “ khả năng về các ý tưởng nghệ thuật” biết cách làm cho “ những điều đang ẩn dấu phải phát lộ và cất tiếng” , nó hoàn toàn đối ngược với tinh thần sao chép hay bắt chước hiện thực trong các quan niệm cổ điển về nghệ thuật. Tài năng sẽ sản sinh ra các hiện thực hoàn toàn mới lạ, những hiện tượng nghệ thuật đòi hỏi phải có những cách hiểu mới và cách đánh giá mới.