Joanna Hughes: Bốn Lí Do Vì Sao Triết Học Ngày Nay Quan Yếu Hơn Bao Giờ Hết
17/09/2020
Tác giả: Joanna Hughes
Dịch giả: Phạm Anh Tuấn
Raphael, Trường học Athen, (detail of Plato and Aristotle), 1509-1511. Stanza della Segnatura, Palazzi Pontifici, Vatican.
1. Triết học là nền tảng của tư duy phản biện
Xã hội ngày nay mặc dù khác xưa rất nhiều so với ở thời kì của các sư tổ của triết học Tây phương, song những vấn đề chúng ta đang đối diện hôm nay vẫn đầy thách thức hệt như ở thời những nhân vật lỗi lạc ấy để lại dấu ấn. Hãy thử xem xét triết học ngày nay sẽ thấy, nó đặt tư duy phản biện và tư duy giải quyết vấn đề lên hàng đầu để hiểu ý nghĩa của những vấn đề trọng yếu ở thời xưa lẫn nay.
Viết trên tờ Huffington Post, nhà văn Leivesley lý giải điều này như sau, “Triết học không lỗi thời. Triết học đưa ra tranh luận công khai những câu hỏi quan trọng và làm công việc của mình để hướng tới một câu trả lời. Triết học khuyến khích tư duy phê phán về thế giới; đây là điều tạo nên nền tảng cho mọi sự nhận thức và nếu được sử dụng một cách đúng đắn, chúng ta được nhiều lợi ích to lớn”.
2. Không phải câu hỏi nào khoa học cũng có thể trả lời được
Ngày nay chúng ta trông cậy quá nhiều vào khoa học. Có nhiều lí do chính đáng để chúng ta làm như vậy: nhờ những tiến bộ trong khoa học và công nghệ, chúng ta sống theo cách nay đã khác xưa rất nhiều, nên chẳng thể nào không có khoa học và công nghệ. Từ chiếc tủ lạnh dùng cho thực phẩm của chúng ta cho đến đi lại bằng máy bay, chẳng ai có thể phủ nhận tiến bộ khoa học có ý nghĩa sống còn cho sự sống sót của loài người chúng ta.
Nhưng chính vì khoa học là quan trọng, nên khoa học không phủ định giá trị của triết học. Quả thực, khoa học và triết học đi song đôi với nhau. Gabriel del Carmen viêt trên tờ Odyssey: “Khoa học ư, xin lỗi, tôi phải nói thế này, khoa học không trả lời được mọi câu hỏi. Khoa học cũng như mọi lĩnh vực khác cả thôi, nó có những giới hạn. Đâu phải nhận thức nào của chúng ta cũng bắt nguồn từ kinh nghiệm. Triết học không chết …. Ví dụ, khoa học không qui định được những giá trị con người. Thuyết duy nghiệm không qui định tại sao ta có bổn phận phải hành động có đạo đức. Thuyết duy nghiệm cũng không xác định được tại sao con người ta đề cao sự sung sướng hơn là sự bất hạnh. Ta đâu có thể làm thí nghiệm để trắc nghiệm bản tính của sự nhận thức đúng thật là nhận thức hoặc bản chất của việc trí óc ta có thể nhận thức ra sao”.
David Calhoun nói thêm: “Cốt lõi của vấn đề là triết học luôn phấn đấu để hình dung cho được một cuộc sống có ý nghĩa đích thực, có giá trị đích thực nghĩa là gì. Đây chính là giới hạn mà khoa học không thể vượt qua, bởi lẽ khoa học có thể giúp ta nhận thức một cách duy nghiệm, song khoa học không thể qui định chúng ta nên sống thế nào. Nói ngắn gọn: khoa học giúp chúng ta sống thọ hơn, trong khi triết học giúp chúng ta sống tốt hơn.”
3. Triết học có ý nghĩa đặc thù của nó trong giới kinh doanh
Thoạt nhìn, một môn khoa học “mềm” như triết học dường như chẳng liên quan gì đặc biệt tới lĩnh vực kinh doanh cả. Không gì xa sự thật hơn.
Christine Tiefensee, giáo sư triết tại Trường Tài chính & Quản trị Frankfurt giải thích rằng bất cứ ai muốn thành công, muốn dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh đầy thách thức, trong quản trị công, trong chính trị hoặc đơn giản là ngoài xã hội, thì đều cần có những kĩ năng cốt yếu nào đó. "Bạn cần nắm thật nhanh những vấn đề phức tạp, tập hợp các luận cứ, lọc thông tin phù hợp và không phù hợp, kiếm tra tính nhất quán hoặc tính căn cứ vững chắc của bài thuyết trình về chính sách, quyết định vấn đề nào là quan trọng và nhận biết những vấn đề mà mình vẫn còn chưa hiểu. Những kĩ năng phân tích nghiêm ngặt này, luận cứ vững chắc, sự thẩm xét có phê phán, thảy đều là những kĩ năng hết sức bình thường của triết học, như thể bánh mỳ với bơ: không môn học nào rèn luyện khả năng tư duy nhất quán, có hệ thống hơn là môn triết học”
Những kĩ năng này không chỉ giới hạn trong giới kinh doanh. Chúng có thể được vận dụng trong hầu hết mọi bối cảnh, trong nghề nghiệp lẫn trong cuộc sống riêng tư.
4. Các triết gia thời cổ đại vẫn tiếp tục có ảnh hưởng tới nhân loại
Plato và Aristotle nói chung được công nhận là đã định hình các nền văn minh sau này, và ngày nay ta vẫn nhận ra sự ảnh hưởng của họ, “Hai triết gia thời Hi Lạp cổ đại, Plato và Aristotle có thể được xem là khuôn mẫu cổ điển của người đàn ông da trắng tinh hoa nay không còn nữa, nhưng thực ra mẫu người như họ vẫn sống sót. Cách đây hai mươi tư thế kỉ, họ đã đặt nền tảng cho văn hóa phương Tây, ngay lúc này, thế giới chúng ta đang sống vẫn chịu sự chi phối của nhiều ý niệm và nhận thức của họ trong những nét đặc điểm có tính thiết yếu, từ chúng ta ăn gì cho đến xem gì trên internet”.
Và nếu bạn thử liên hệ Khổng Tử với những đoạn video ngắn trong các bản tin thời sự hay văn hóa xã hội trên truyền hình, bạn sẽ thấy sách của ông đã từng cực kì quan trọng và ngày nay vẫn tiếp tục như vậy. Cách cai trị của Trung Quốc thời nay gần như đã làm theo tinh thần “trung quân” của Khổng Tử. Những bộ phim gần đây như Man of Steel (về Siêu nhân) hay The Dark Knight (Người Dơi) đều cho thấy rõ bài toán đạo đức lớn từng là một vấn đề triết học muôn thuở: ta có quyền hi sinh một người để cứu muôn người hay không!
Đối với một số người thì triết học trên lí thuyết có thể không phải là môn học hấp dẫn nhất, nhưng triết học vẫn tiếp tục duy trì quyền năng và tiềm năng đặc biệt. Một sinh viên kể lại từng bị ông bố bắt ép phải học lớp dự bị để vào học khoa triết đại học thế rồi bạn đã thay đổi hướng đi cuộc đời. Bạn viết: “Tôi đã từng coi thường môn triết, giờ tôi đang học để lấy bằng cử nhân triết học. Tôi đã hiểu ra rằng triết học cung cấp những công cụ để chúng ta trở thành những người tư duy tốt, đây có lẽ là kĩ năng quan trọng hơn cả ”