Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Hội Thảo Khoa Học: 100 Năm Chữ Quốc Ngữ Ở Việt Nam

298.000₫ 350.000₫
Tình trạng: Hết hàng

Tác giả: Nhiều tác giả

Hình thức: Bìa cứng, 434 trang

Thể loại: Ngôn ngữ học

Nhà phát hành: Cty Tao Đàn Thư Quán

Hội Thảo Khoa Học: 100 Năm Chữ Quốc Ngữ Ở Việt Nam

Cách đây tròn 100 năm, ngày mồng 4 tháng 11 năm Khải Định thứ 3 (nhằm ngày 28/12/1918), vua Khải Định ban Dụ số 123 về việc bãi phép khoa cử Hán học. Theo đó, từ năm 1919 chữ Hán không còn giữ vị trí độc tôn ở nước ta. Chữ Quốc ngữ và chữ Pháp đã được công nhận và được sử dụng thay thế trong chế độ khoa cử và thể chế hành chính. Trong thực tế, vào năm 1915, vua Duy Tân đã ban Dụ bãi bỏ thi Hương ở Bắc Kì, còn ở Nam Kì, việc bỏ chữ Hán để dùng chữ Quốc ngữ trong hệ thống hành chính đã diễn ra từ ngày 1/1/1882, theo một Nghị định được ban hành vào ngày 06/04/1878 bởi Thống đốc Nam Kì Lafont. Tuy nhiên, việc vua Khải Định ban Dụ số 123 bãi bỏ chế độ khoa cử Hán học (kể từ năm 1919) là một dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề cho chữ Quốc ngữ được thừa nhận ở nước ta, dẫn đến việc vua Bảo Đại ban Dụ số 67 ngày 30/07/1945, quy định việc dạy chữ Quốc ngữ trong hệ thống giáo dục Việt Nam kể từ bấy giờ. Sau cùng, với Sắc lệnh số 20 ngày 08/09/1945 do Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kí, quy định toàn dân phải học chữ Quốc ngữ, thì chữ Quốc ngữ đã hoàn toàn thay thế chữ Hán để trở thành văn tự chính thức của Việt Nam.

Hội thảo khoa học quốc tế “100 năm chữ quốc ngữ ở Việt Nam” được tổ chức ngày 28-29/12/2019, tại Đà Nẵng - Thanh Chiêm - Hội An, nhân kỉ niệm 100 năm cáo chung của chế độ khoa cử Hán học và chữ Quốc ngữ chính thức được sử dụng trong hệ thống học đường và chế độ hành chính Việt Nam nhằm tôn vinh chữ Quốc ngữ và những người có công sáng tạo, phát triển hoàn thiện chữ Quốc ngữ, cùng nhìn lại quá trình tiếp nhận, truyền bá và sử dụng chữ Quốc ngữ của dân tộc Việt Nam trong một thế kỉ qua, đồng thời thảo luận những vấn đề học thuật liên quan đến chữ Quốc ngữ.

Hội thảo có sự tham gia của Viện Tôn vinh chữ Quốc ngữ (ở Đà Nẵng, Việt Nam), Hội Hữu nghị Bồ Đào Nha - Việt Nam (ở Porto, Bồ Đào Nha), Hội Ái mộ Bác sĩ Yersin (ở Montpellier, Pháp), Hội Nhịp cầu Thái Bình và Trường Âu Lạc Việt (ở Genève, Thụy Sĩ). Đặc biệt, Hội thảo có sự hiện diện của rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học ở Việt Nam và từ các nước như Australia, Bồ Đào Nha, Canada, Hoa Kì, Rumani, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp…

Nhiều vấn đề rất thú vị và cũng rất gay cấn thu hút sự quan tâm của các học giả trong và ngoài nước như: lịch sử ra đời, phát triển và sử dụng chữ Quốc ngữ ở Việt Nam; vai trò và công lao của những người đã khai sinh và hoàn thiện chữ Quốc ngữ; vấn đề bảo tồn và cải cách chữ Quốc ngữ từ trước đến nay. Các tham luận gửi đến Hội thảo rất phong phú, đề cập nhiều nội dung: - Lịch sử hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ ở Việt Nam. - Vai trò của các nhà truyền giáo phương Tây và của người Việt trong việc khai sinh, hoàn thiện và truyền bá chữ Quốc ngữ ở Việt Nam trong gần 400 năm qua. - Những vấn đề học thuật liên quan đến chữ Quốc ngữ. - Sự ra đời và phát triển văn học chữ Quốc ngữ. - Báo chí với việc truyền bá chữ Quốc ngữ. - Các phong trào xã hội liên quan đến chữ Quốc ngữ. - Kinh nghiệm trong truyền bá tiếng Việt và chữ Quốc ngữ cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

Căn cứ vào nội dung các tham luận, Ban Tổ chức Hội thảo thành lập 3 tiểu ban và sắp xếp các tham luận vào từng tiểu ban thích hợp để các tác giả trình bày tham luận và các cử tọa tham gia trao đổi và thảo luận với các tác giả.

Tiểu ban 1: Chữ Quốc ngữ - khai sinh và phát triển, gồm 10 tham luận, bàn luận các vấn đề: Nguyên nhân ra đời của chữ Quốc ngữ; Đâu là nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ: Thanh Chiêm, Hội An hay Nước Mặn?; Vai trò của các giáo sĩ phương Tây trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ, công lao và đóng góp của hai giáo sĩ Dòng Tên Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes; Sự tham gia của người Việt (những bậc trí thức đương thời và cư dân bản địa) vào việc sáng tạo và hoàn chỉnh chữ Quốc ngữ; Những tiến triển của việc hoàn chỉnh chữ Quốc ngữ trong các thế kỉ XVII - XVIII; Những chặng đường phát triển của chữ Quốc ngữ trong gần 4 thế kỉ qua và những thành tựu nổi bật của văn chương và sử học do chữ Quốc ngữ mang lại; Trả lại cho lịch sử vị trí xứng tầm của chữ Quốc ngữ…

Tiểu ban 2: Người Việt với quá trình sử dụng và hoàn thiện chữ Quốc ngữ, gồm 11 tham luận bàn luận các vấn đề: Đánh giá và tôn vinh những người Việt tiên phong trong việc sử dụng, truyền bá và góp phần hoàn thiện chữ Quốc ngữ từ cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh...; Quan điểm của các bậc trí thức lớn ở Việt Nam đương thời như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu… đối với chữ Quốc ngữ; Vẽ lại bức tranh báo chí Quốc ngữ từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX, thông qua các tờ báo tiêu biểu như Gia Định báo, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Tri Tân… coi đây là những kênh truyền dẫn hiệu quả về việc sử dụng và giá trị của chữ Quốc ngữ nhằm mở mang tri thức, học vấn, khích lệ cải cách, duy tân, khơi gợi lòng yêu nước đối với các tầng lớp người Việt vào thời kì này; Điểm lược hoạt động của các phong trào, các cuộc vận động, các tổ chức xã hội ở Việt Nam vào nửa đầu thế kỉ XX như phong trào Đông Du, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào Duy Tân, Hội Truyền bá Quốc ngữ, Hội Trí Tri, phong trào Bình dân học vụ… trong việc vận động sử dụng chữ Quốc ngữ, thay đổi nhận thức của chính quyền và của các tầng lớp nhân dân, dẫn đến việc chính quyền thừa nhận và ban hành các văn bản pháp lý công nhận chữ Quốc ngữ là chữ viết chính thức của dân tộc Việt Nam; Yếu tố xã hội hóa trong cuộc cách mạng chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX; Vấn đề dân tộc hóa trong giảng dạy tiếng Việt trong các trường đại học ở hai miền Bắc và Nam Việt Nam từ sau khi chữ Quốc ngữ được đưa vào hệ thống học đường Việt Nam…

Tiểu ban 3: Chữ Quốc ngữ - những vấn đề học thuật, thành tựu và sự tôn vinh, gồm 12 tham luận, bàn luận các vấn đề học thuật liên quan chữ Quốc ngữ: Sự thay đổi theo hướng hoàn thiện của chính tả tiếng Việt trong diễn trình phát triển của chữ Quốc ngữ từ lúc khai sinh đến giữa thế kỉ XX thông qua các văn bản như Kinh Lạy Cha, các cuốn hồi kí, các bộ từ điển của các nhà truyền giáo phương Tây như Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes, Pignaux de Béhain, Jean-Louis Tabert… hay của các học giả Việt Nam như Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh; Những ghi chép thực địa của giáo sĩ Alexandre de Rhodes liên quan đến các địa danh ở Việt Nam và vấn đề chính tả tiếng Việt trong thế kỉ XVII; Giới thiệu và đánh giá các truyện thơ, tiểu thuyết chữ Quốc ngữ và văn chương Quốc ngữ ở Việt Nam đầu thế kỉ XX; Những ngộ nhận và những thành kiến về chữ Quốc ngữ; Nguyên nhân thất bại của các đề nghị cải cách chữ Quốc ngữ từ giữa thế kỉ XX đến nay; Vấn đề giảng dạy chữ Quốc ngữ và bảo tồn tiếng Việt cho các cộng đồng người Việt ở nước ngoài; Cách thức dạy và học tiếng Việt theo phương pháp tự nhiên và khoa học của thuyết Tomatis cho tiếng Việt đơn âm; Việc bảo tồn và tôn vinh chữ Quốc ngữ và tiếng Việt hiện nay…

Hội thảo “100 năm chữ Quốc ngữ ở Việt Nam” do Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Đà Nẵng và Tao Đàn Thư Quán tổ chức là cuộc hội thảo thứ 6 về chữ Quốc ngữ diễn ra trong năm 2019, sau các cuộc hội thảo/tọa đàm được các viện nghiên cứu, hiệp hội chuyên môn, tổ chức dân sự, cơ sở tôn giáo… tổ chức ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam), Lisbon (Bồ Đào Nha) trong thời gian qua. Là hội thảo diễn ra sau cùng, nhưng với số lượng tham luận khoa học vượt trội, có giá trị học thuật và tính thực tiễn cao, lại diễn ra trong bối cảnh đang có những tranh cãi liên quan đến việc tôn vinh công lao của những vị tiền bối có công sáng tạo và hoàn thiện chữ Quốc ngữ, nên sự kiện lần này đã thu hút sự quan tâm không chỉ của học giới, của các tầng lớp nhân dân, của truyền thông trong và ngoài nước, mà cả chính giới ở trung ương và địa phương. Những thông tin, quan điểm, luận chứng trong các tham luận, những trao đổi, thảo luận giữa các tác giả tham luận với cử tọa, giữa cử tọa với cử tọa tại Hội thảo góp phần làm sáng tỏ nhiều uẩn khúc lịch sử và nhiều vấn đề khoa học liên quan đến chữ Quốc ngữ và tiếng Việt.

Sách Khai Minh trân trọng giới thiệu. 

Bước 1: Truy cập website và lựa chọn sản phẩm cần mua để mua hàng

Bước 2: Click và sản phẩm muốn mua, màn hình hiển thị ra pop up với các lựa chọn sau

Nếu bạn muốn tiếp tục mua hàng: Bấm vào phần tiếp tục mua hàng để lựa chọn thêm sản phẩm vào giỏ hàng

Nếu bạn muốn xem giỏ hàng để cập nhật sản phẩm: Bấm vào xem giỏ hàng

Nếu bạn muốn đặt hàng và thanh toán cho sản phẩm này vui lòng bấm vào: Đặt hàng và thanh toán

Bước 3: Lựa chọn thông tin tài khoản thanh toán

Nếu bạn đã có tài khoản vui lòng nhập thông tin tên đăng nhập là email và mật khẩu vào mục đã có tài khoản trên hệ thống

Nếu bạn chưa có tài khoản và muốn đăng ký tài khoản vui lòng điền các thông tin cá nhân để tiếp tục đăng ký tài khoản. Khi có tài khoản bạn sẽ dễ dàng theo dõi được đơn hàng của mình

Nếu bạn muốn mua hàng mà không cần tài khoản vui lòng nhấp chuột vào mục đặt hàng không cần tài khoản

Bước 4: Điền các thông tin của bạn để nhận đơn hàng, lựa chọn hình thức thanh toán và vận chuyển cho đơn hàng của mình

Bước 5: Xem lại thông tin đặt hàng, điền chú thích và gửi đơn hàng

Sau khi nhận được đơn hàng bạn gửi chúng tôi sẽ liên hệ bằng cách gọi điện lại để xác nhận lại đơn hàng và địa chỉ của bạn.

Trân trọng cảm ơn.

zalo