Hiện Tượng Luận & Thực Chất Trí Năng
26/09/2020
Tác giả: Trần Đức Thảo
Tuyển dịch: Nguyễn Hữu Liêm
Tiểu luận này của Trần Ðức Thảo là một bài điểm sách cuốn Introduction à la lecture de Hegel của Alexandre Kojève (1947) trong Les Temps Modernes (Vol. 4, 1948). Bản dịch Anh ngữ của Robert D’Amico, The Phenomenology of Mind and Its Real Content, trong Telos (Hè 1971). Nguyễn Hữu Liêm tuyển chọn và dịch từ bản Anh Ngữ này.
Nếu có một điều gì có thể so sánh với ảnh hưởng lớn lao của Hegel thì đó là sự bí hiểm bao trùm văn ngữ (text) của ông. Biện chứng (dialectic) xuất hiện như là một phép lạ mà bí ẩn của nó không có một bình luận gia nào có thể hiểu suốt. Nếu khái niệm (concept) thể hiện như là tự-kiến-thức (self-knowledge), kiến thức vẫn là một tính thể tự chính nó (in-itself) mà chưa có thể trở nên cho chúng ta.
Từ quan điểm đó, sự xuất bản những giáo trình nổi tiếng của Alexandre Kojève cho cuốn Hiện tượng luận của trí năng (The Phenomenology of Mind) của Hegel(1) là điều vô giá. Ðây là lần đầu tiên mà sự khai giải (explication) về cuốn sách này đã làm cho văn ngữ của Hegel mang ý nghĩa cụ thể trong liên hệ đến sự kiện thực hữu. Mặc dù đây là điều cần phải được trình bày một cách chi tiết hơn, Marx công nhận rằng của chuyển động của lịch sử con người nằm trong sự phát triển của tự-ý thức (self-consciousness). Phần bình luận của Kojève là một công trình độc đáo và mới lạ sâu xa.
Ðộng cơ của biện chứng pháp Hegel xuất hiện như là một sức mạnh huyền bí: năng lực phủ định hóa giải đối thể (object) về với chủ thể (subject) và làm cho mỗi vế chuyển hóa sang phía đối nghịch của mình. Theo chân Marx, Kojève phiên giải điều đó như là phủ định thực hữu: ước vọng và lao động phủ định thế giới vật thể và biến nó trở nên nhân bản. Sự trung giải (mediation) là hoạt động cho phép con người kiến tạo cho mình một thế đứng độc lập với điều kiện sơ tính (immediate condition) và thăng hóa chính mình lên với đại thể tính (universality) trong một thế giới do chính mình tạo nên.
Tuy nhiên, ước vọng và lao động chỉ nêu lên tính liên hệ ngoại thể giữa con người đối với thiên nhiên. Sự phủ định dung chứa được ý nghĩa tinh thần khi chỉ là phủ định chính mình (self-negation). Con người phủ định chính mình trong một ước vọng đặc thù của nhân loại, ước muốn của ước muốn (desire of desire) hay là ước muốn được công nhận (desire for recognition), mà điều đó làm cho hắn tình nguyện liều thân mạng trong cuộc đấu tranh cho phẩm giá để chứng tỏ rằng hắn có vị thế độc lập với hiện hữu thú vật và đáng để được công nhận. Kết quả tức thì là cái chết của đối phương. Nhưng sự phủ định này là trừu tượng và thăng hóa điều kiện thực tại của sự công nhận. Kẻ chinh phục phải được sống còn để công nhận kẻ chiến thắng: một đằng trở nên chủ nhân ông và đằng kia là nô lệ.
Chủ nhân ông đạt được hiện hữu "con người" bằng phủ định hiện hữu thú vật của mình trong cuộc đấu tranh sinh tử, trong khi đó thì kẻ nô lệ bị đẩy về thời quán (moment) của "vật thể" (thinghood). Tuy nhiên, nhân bản tính của chủ nhân vẫn là sơ tính (unmediated) bởi vì hắn hiện hữu rỗi không. Kẻ nô lệ dấn thân vào lao động để từ đó kiến tạo điều kiện cho sự giải phóng thực sự. Nhưng con người chỉ có thể là nhân loại khi hắn liều thân xác để xác định ý nghĩa cuộc đời. Lịch sử của lao động và sự tranh đấu để được công nhận định nghĩa tính thể lịch sử như là tính thể con người.
Theo Kojève thì biện chứng của Hiện Tượng Luận tái sản xuất sự chuyển động thực sự này. Thế giới lịch sử đúng nghĩa nhất là văn minh Hy Lạp khi mà chủ nhân tiêu hóa thời gian trong chính trị và chiến tranh và để lại công việc lao động thực sự cho dân nô lệ. Nhưng chủ nghĩa đế quốc La Mã hoàn tất một bình diện tổng quan bằng cách sáng tạo sự tòng phục tất cả về với một. Dân nô lệ thượng cổ cho rằng họ có thể được tự do bằng cách kiến tạo ý thức hệ đặt để tự do ra ngoại thực trạng của cuộc đời: Khắc kỷ thuyết (Stoicism), chủ nghĩa bi quan, và Thiên Chúa Giáo.
Thể loại giải phóng này là ảo giác bởi vì dân nô lệ chưa hy sinh thân mạng trong cuộc đấu tranh để được công nhận. Thiên Chúa Giáo đem đến bình đẳng cho mọi người bằng cách đem tất cả về với nô lệ tính chung. Trong khi vừa mới thoát được ông chủ con người thì dân nô lệ tự nô lệ hóa chính mình vào một chủ nhân linh thiêng – và sự nô lệ hóa này cũng mang những thể thái như vòng nô lệ trước. Lần này, mối lo sợ đối với cái chết thăng hóa thành ước vọng bất tử. Từ đó, theo Kojève, giải phóng thực sự sẽ phải là sự phủ định hiện hữu của Thượng Ðế qua sự chấp nhận ý tưởng về cái chết. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể trở nên trong một xã hội tổng thể và đồng nhất mà mỗi người đều được công nhận. Sự công nhận này thỏa mãn con người để cống hiến ý nghĩa cho hiện hữu và làm cho ý tưởng về một cuộc đời sau khi chết trở nên vô dụng. Toàn thể tiến trình chuyển động của thế giới Thiên Chúa Giáo bao gồm sự hiện thực hóa những giai đoạn mà qua đó con người đạt được sự thỏa mãn. Ðây là kết quả đạt được bởi Napoleon, nhân vật hoàn tất lịch sử, và bởi Hegel, triết gia khai giải nó.
Tái dựng lại sự phân tích sâu rộng của Kojève là điều không thể làm nổi. Ðằng sau hỗn thể của một văn ngữ khó hiểu (của Hegel), Kojève khám phá ra cái nội dung khách quan và sinh động một cách sâu sắc tuyệt vời với chủ thuyết thực tế vững chắc. Hơn nữa, Kojève đặt cơ sở lý luận trên quan điểm mà sức mạnh của nó không còn chổ trống để bàn cãi: biện chứng pháp Hegel chỉ có ý nghĩa như là một chủ thuyết vô thần. Như R. P. Neil nói, "Không còn một ai lúc này từ chối thú nhận rằng tư tuởng Hegel cuối cùng đã thành công trong việc tước đoạt giáo điều Thiên Chúa Giáo ý nghĩa tôn giáo của nó."(2)
Ðiều dĩ nhiên là chúng ta sẽ phải có những điểm không tán thành với sự bình giải của Kojève. Nó có vẻ như là quá trớn khi đề xướng nên sự phiên giải toàn thể tác phẩm Hiện Tượng Luận bằng biện chứng chủ-nô. Lịch sử, không còn nghi ngờ gì nữa, là tác phẩm của đấu tranh và lao động của con người. Nhưng những khái niệm này quá mơ hồ và không thể giải thích cho tính đặc thù của sự chuyển động như là Hegel đã trình bày. Sự liên hệ của tính thống trị đối với thể trạng nô lệ, như Kojève quán sát (3), không thể giải thích sự công nhận của giới chủ nhân đối với chính họ, hay là một cách tổng quan hơn, sự công nhận hỗ tương của cá nhân trong một tổng thể xã hội, vốn khai lý khái niệm "tinh thần tính" (spirituality) của Hegel. Những thể tướng hiện tượng (phenomenological figures) như là thể tướng tinh thần trốn thoát một cách hoàn toàn với lối phiên giải như trên. Do đó, thị trấn thượng cổ, mà nó là biểu trưng của thời quán nô lệ, được đặc tính hóa trong cấu trúc tinh thần của nó bằng sự đối nghịch giữa gia đình và quốc thể, của năng lực bóng tối đối với linh tính của ánh sáng. Ở đó không có thống trị hay là nô lệ nhưng chỉ là một sự phân thể nội tại trong cộng đồng của những con người tự do. Tính biện chứng ở trong đế quốc La Mã dẫn đến sự thống hợp thế giới vẫn còn là bí hiểm và có khả năng tiếp diễn, cũng như là đè bẹp, sự phân thể này. Thiên Chúa Giáo có vẻ hay đẹp hơn bởi vì nỗi lo sợ về cái chết làm cho tín đồ trở nên một nô lệ cho Thượng Ðế. Nhưng sự khai giải này khai mở lý tính trừu tượng của thời đại Ánh Sáng. Sau cùng, nếu biện chứng thế giới của sự tha hóa từ thời Trung Cổ đến Cách mạng (Pháp) được định nghĩa tổng quát như là sự giải phóng của nô lệ tính Thiên Chúa Giáo, khái niệm tổng quát này làm khó khăn cho sự giải thích thể tướng chi tiết vốn đánh dấu cho tiến trình chuyển động đó, và phức tạp hóa sự giải thích về nguồn gốc cụ thể của nó. Hay là nói một cách khác, nếu những ý tưởng về đấu tranh và lao động có vẻ như đặc tính hóa thực tế lịch sử trên bình diện tổng thể, chúng trở nên hình thức (formal) ngay khi được áp dụng, như Hegel đã làm, đối với đa dạng tính của nội dung. Kết quả là một sự không đồng đều trong lối phiên giải: thể tướng của ý thức, điều đặc thù ở đây, đều bị bỏ quên. Thực ra, khó mà có thể khai giải chúng bằng hệ luận chủ-nô.
Lý luận hình thức (formalism) chỉ là dấu hiệu của tính trừu tượng. Trong sự phiên giải của Kojève, khái niệm căn bản của sự công nhận bị phân cách ra khỏi toàn thể sự phát triển sơ khai. Kojève còn định nghĩa nguyên tắc phân cách này như là một thể tính nhị nguyên tuyệt đối, hoàn toàn không thể thoát khỏi cho con người và thiên nhiên. Thú vật chỉ có thể ước muốn đối thể và do đó tồn tại trên mức độ của đối thể. Con người "ước muốn ước muốn": hắn tình nguyện liều thân mạng của mình trong cuộc đấu tranh cho phẩm giá để chứng tỏ rằng hiện hữu của mình độc lập với hiện hữu sinh vật. Trong năng lực phủ định tính thể thiên nhiên đơn giản của mình, con người đạt được "tự-ý-thức" (self-consciousness), trong khi thú vật chỉ có thể được "tự-cảm" (self-feeling).
Từ đó, sự phân ly sẽ là hoàn toàn – và sự xuất hiện của nhân loại sẽ là một sự bắt đầu tuyệt đối. Nhưng như Hegel hiểu, tính biện chứng bao gồm đích xác sự phân định những mâu thuẫn bằng sự phơi bày những khác biệt trong tính thể thống hợp. Tính nhị nguyên của thiên nhiên và tinh thần ngầm bao chứa một lối đi cả hai, đó là sự trở nên nhân bản của thiên nhiên (becoming human of nature) và sự trở nên thiên nhiên của ý niệm (becoming nature of the Idea), mà trong đó, mỗi bên khai hóa chính mình bởi sự tự phủ định bằng bên kia. Kojève vội vàng kết án ý tưởng này là "lỗi lầm nhất nguyên luận (monistic error) của Hegel." Cũng như thế, những nguyên tắc của Marxism cũng bị bác bỏ. Bằng cách đó, tuy nhiên, Kojève không những loại bỏ "duy vật luận," nhưng mà tất cả biện chứng pháp, ngay cả dạng thức của chủ thuyết Hegel. Sự ghét bỏ của Kojève đối với nhất nguyên luận chỉ có thể được biện minh nếu định tính trừu tượng (abstract identity) của thiên nhiên và tinh thần đều nằm trong câu hỏi. Nhưng mọi người đều biết rằng Hegel đã bác bỏ lối phiên giải này. Ðịnh tính chân thực dung chứa phủ định tính và phân biệt như là định tính của định tính và vô định tính (identity of identity and non-identity).
Sự phát huy của năng lực tự ý thức tới chương IV của Hiện Tượng Luận đều là liên tục, với thú vật và con người là hai thời quán của một sự phát huy. Theo chúng tôi biết, khái niệm "ước muốn của ước muốn" và "tranh đấu cho phẩm giá" không có từ Hegel. Sự đối nghịch của "tự ý thức" và "tự cảm" chưa hề xuất hiện từ Hegel, chứ chưa nói tới văn ngữ liên hệ: Hegel nhất luận nói về "tự ý thức". Nó là một vấn đề cho sự khởi sinh của tự-Ngã (Self) xuất phát từ thiên nhiên.
Ðối thể đã tự định tính cho mình ở cuối đường của sự chuyển động ý thức là vô hạn tính (infinity) hay là một thống hợp tự phân thể chính mình và định tính trong đối nghịch. Khi sự khác biệt không là một nhưng mà được vượt qua khỏi, đối thể không còn là đối nghịch với chủ thể nhưng trở nên đồng tính với nó, như ngã thể xuất hiện cho chính mình chỉ cùng là một ngã thể. Ý thức như là ý thức về đối thể đã trở nên tự ý thức.
Vô hạn tính, từ đó, xuất hiện trên hai phương diện. Là chủ quan tính (subjectivity), nó là ước muốn làm cho tha thể tính (otherness) của đối thể được thăng hóa để mà chiếm hữu (appropriates) nó. Là khách quan tính (objectivity), nó là thời quán đích thực của đời sống như là tính tổng hợp tất cả những hình tướng độc lập tự duy trì hiện hữu tách biệt chỉ bằng sinh hoạt chung, trong đó, chúng tham dự vào tiến trình đại thể của sự trao đổi hỗ tương. Bên ngoài thì sinh thể này được nuôi sống bằng sinh thể khác: hiện hữu cá nhân được duy trì chỉ như là sự hiện thực hóa một mạch sống đại thể. Bên trong thì sự chuyển động này hiện thể như là ước muốn chủ quan tiêu diệt khách thể để đồng hóa nó về với tự ngã. Ý thức có ý thức về đối thể đồng tính như là của tự ngã: nó là tự ý thức. Nhưng đời sống và ước muốn giải hóa chỉ còn nằm trong vòng sơ khai mà thôi: thực ra thì chúng chỉ dẫn đến tự tái sinh sản và bành trướng hiện hữu cá nhân. Dục thức của cá nhân (desiring consciousness) duy trì khách thể tính bằng cách phủ định nó trong lề lối tự nhiên: "nó sản xuất kinh nghiệm của một đối thể độc lập". Vì lý do độc lập này, đối thể sẽ là tự-Ngã và ý thức sẽ là tự-ý-thức chỉ khi nào đối thể tự phủ định chính nó: "Tự ý thức chỉ được thỏa mãn trong tự ý thức của khách thể".
Sự chuyển động này xẩy ra khi một sinh thể đối chọi với một sinh thể khác vốn chống trả lại khi bị tấn công. "Tự ý thức chính là sự hiện hữu đơn giản của tự-ngã, tự-định-tính (self-identity) bằng sự loại trừ khách thể ra khỏi chính mình… Ðối với tự ngã thì khách thể là một đối thể không quan trọng, một đối thể với sự thể hiện và bản chất của phủ định. Nhưng khách thể cũng là một đơn vị tự ý thức: một cá thể xuất hiện trong đối tính (antithesis) đối với một cá thể. Sự xuất hiện rồi chỉ ở trong sơ tính của chúng, chúng là đối thể (phản đề) của nhau. Chúng là hình thể độc lập cá biệt mà thể dạng ý thức chưa vượt qua khỏi mức độ sơ đẳng của đời sống (ở đây, đối thể hiện sinh đã được quyết định như là đời sống)."(4). Sinh thể đối đầu nhau như là con mồi phải bị huỷ diệt. Thấy được cái chết của đối thể, mỗi sinh thể đặt để cuộc sống của mình vào hiểm nguy. Sự chuyển động là hỗ tương: mỗi sinh thể phủ định chính mình bằng sự phủ định đối thủ. Từ đó, chúng tham dự vào trên căn bản ước muốn thú vật – ước muốn vượt thắng và hấp thụ đối thể – trong trường đấu tranh sinh tử, sinh thể tự tạo cho mình tính độc lập của sự sống bằng cách xác định nó. Trong năng động vật vả của sinh vật, mỗi chúng nó phủ định hiện hữu sinh vật của mình và cảm nhận về đối thể như là phủ định chính mình. Ðối thể vượt thắng khách thể tính tự hữu: tự ý thức biết nó không còn là khách thể nhưng là đồng tính chất với mình, hay là một khách thể tự nó (another itself). Theo Hegel, cuộc đấu tranh sinh tử trong thể dạng sơ khai (sự công nhận của tự ý thức như là một chặng đường tự nhiên vươn đến tinh thần) không được cổ võ bởi sự can thiệp của một yếu tố hoàn toàn mới lạ: "ước muốn của ước muốn" không phải là câu hỏi ở đây. Cuộc tranh đấu này cho thấy được sự phủ định của thiên nhiên chỉ như là thời quán cao nhất của nó, khi đời sống tự đối nghịch và tự vượt thoát trong tiến trình hiện thực hóa chính mình.
Ðời sống và tự ý thức định nghĩa hai mặt của sinh hiện như là khách thể tính và chủ thể tính. Cuộc đấu tranh đem đến một cuộc phân rẽ dẫn đến một bối cảnh phát huy hơn: kẻ chiến thắng tồn trữ thời quán tự ý thức và kẻ bị chinh phục bị đày đọa xuống đời sống vật thể. Một lần nữa, nó có vẻ hấp dẫn để nêu lên một sự phân biệt tuyệt đối với tự-ngã như là thuần phủ định của hiện hữu sinh vật. Nhưng tinh hoa của biện chứng pháp là chứng minh tối đa được định tính trong đối nghịch (identity in the opposites) – và Hiện Tượng Luận đã làm được hoàn toàn một cách rõ ràng.
Trái với thể thức hiện bày, kẻ bị chinh phục khi chấp nhận làm nô lệ không từ bỏ tự ý thức: hắn chỉ rút lui trước cái chết bởi vì trong đau hận hắn hiểu được rằng đời sống không chỉ là một điều kiện ngoại thể giản dị – nhưng mà là thực chất của tự-ngã. "Vì ý thức không hề bị hiểm nguy bởi yếu tố này hay cái kia, hay trong thời quán nào, mà nó chỉ sợ hãi cho toàn thể hiện hữu của mình: nó cảm nhận được nỗi sợ về cái chết, vị chủ nhân tối cao. Kinh nghiệm sợ hãi này thấm sâu vào tận đáy linh hồn, đã run rẫy trong suốt từng thớ thịt, và tất cả những gì tồn hữu và kiên cố đã bị chấn động từ nội tại. Sự rung động toàn thể của tất cả bản chất, sự giải thể tuyệt đối của hết thảy sự vững chắc trong tiến trình tiếp nối tuôn chảy chính là bản tính đơn thuần và tối hậu của ý thức, tính phủ định tuyệt đối, một sự sinh hữu hoàn toàn trên cơ sở tự-ngã (pure self-referent existence) mà tất cả cũng chính là loại ý thức này."(5)
Từ đó, tự-ngã khám phá ra chính mình trong hiện hữu thực tại trước khi chết. Trong đau hận, những gì được kết hợp phải nhường lối để phơi trần bản chất hiện hữu cho chính nó (being-for-itself) như là thuần hiện sinh và tuyệt đối vô định. Hiện sinh này được phơi bày ra chính là cuộc đời, và khi bám trụ vào cuộc sống, kẻ chinh phục trụ vào thân xác không như là một vật thể, nhưng mà là thực tính của tự-ngã, là phủ định tuyệt đối và hoàn toàn cho chính mình. Nếu như kinh nghiệm của kẻ nô lệ mang tính chất con người sâu sắc, và nếu nỗi sợ chết kết tạo nên nền tảng của sự tiến hóa chân thực, bởi vì cái chết khai mở bản chất hiện hữu của tự ý thức trong thực tính nguyên thuỷ như là một thứ tồn hữu vật thể: "ý thức tống thoát vào trong chính nó (repelled into itself) khai lộ chính nó là thuần biện chứng thân xác hay là tính sinh hữu phủ định (living negativity). Từ lúc đó trở đi, lao động không còn quyết định hình thái ngoại thể của nó, nhưng mà là hiện hữu sâu đậm của ý thức. "Vì rằng hình thái được khách thể hóa, nó không còn trở nên một cái gì khác hơn là ý thức nhồi nặn vật thể qua lao tác; bởi chỉ vì hình thái ấy là thuần tự tồn hữu (pure self-existence) mà qua đó đã được hiện thực hóa."(6) Do đó, tự-ngã thực sự hiện thực hóa chính mình chỉ vì nó đau buồn mà nhận thức được chính nó là một thứ vật thể để tự thăng hóa một cách hiệu năng qua lao động và dịch vụ. Chủ nhân chỉ chiếm hữu một thể tính tự do bên ngoài, chỉ vì chiến thắng của hắn cũng chỉ là một phủ định sơ khai – mà rốt cuộc thì hắn cũng chỉ là thú vật trong cõi sống thiên nhiên khi hắn chỉ sống trong ái dục và hưởng thụ; trong khi đó, kẻ nô lệ sẽ được giải phóng thực sự bởi vì hắn nay đã khám phá ra chính mình như là một thực thể khách quan và đã kiến tạo chính mình vào trong thực tế khách quan đó.
Chương IV của Hiện Tượng Luận có vẻ như trình bày sự đấu tranh của tự ý thức trên phương diện thuần phổ quát như là bản chất mâu thuẫn nội tại trong thực chất của cuộc đời. Nhiều thí dụ điển hình có thể nêu lên trong thế giới thiên nhiên, như trường hợp chiến đấu giữa con cọp và mãng xà. Nhưng tinh hoa của năng lực mâu thuẫn này chỉ có được thể hiện qua thể thái đấu tranh của con người – một động năng kiến tạo tinh thần. Và một kết quả tinh thần như vậy chỉ có thể thành tựu trên cơ sở kinh tế – mà văn bản Jena (của Hegel) đã làm sáng tỏ điều này. Cuộc đấu tranh sinh tử gia tăng cường độ trong sự bảo vệ tài sản tích luỹ, trong kinh tế tự nhiên, và trong gia đình. Sự công nhận bây giờ là đối với sở hữu nay đã trở thành tài sản để gia đình từ đây được tiếp nhập vào xã hội.
Con người rời bỏ đời sống thú vật khi hắn kiến tạo điều kiện hiện hữu cho chính mình. Trong thể thái tự nhiên, sự kiến tạo này phát huy trong cộng đồng thiên nhiên, hay là gia đình. Gia đình và tài sản tạo nên bởi lao động của cá nhân liên hệ cấu thành tổng thể tính đầu tiên để cho phép sự vượt thắng của sinh hữu sơ khai. Trong khi thú vật thăng hóa đối thể bởi ước muốn và hưởng thụ, sự liên hệ của sở hữu duy trì trọn vẹn bản sắc vật thể đồng lúc phủ nhận tính ngoại thể của nó. Bằng lao động, tôi làm cho đối thể trở nên món hàng để rồi chính tôi từ bỏ nó. Thực tại tính thấm nhập vào trong tôi như là một thời quán của chính mình. Ngoại thể tính, vốn đã được vượt qua và duy trì, định nghĩa sinh hữu trong lý tưởng hay là sinh hữu trong ý thức. Sự sản xuất gia đình kiến tạo cấu trúc thứ nhất trong một thế giới con người cung cấp cho họ một ý thức về ý thức nhân bản, khi nó ngầm chỉ rằng đối thể nội tại là một đối thể có chủ ý (intentional object).
[...]
Ðối thể sản xuất bởi lao động con người cống hiến một ý nghĩa đại thể như là ý nghĩa nhân bản, vốn là sự tự thông đạt tính đại thể (universal self-appropriation) bởi chủ thể. Một món hàng là một đối thể được khao khát bởi tất cả; và tính sở hữu chỉ là thực sự khi nào được công nhận bởi kẻ khác. Trong đời sống thiên nhiên của dân bán khai, sự công nhận chỉ có trong đấu tranh sinh tử. Trong nền kinh tế hiện kim và cấu trúc đại thể thì có một thế giới mới xuất hiện: một thế giới văn minh mà trong đó ân oán riêng tư phải nhường chỗ cho sự thưởng phạt trên cơ sở thẩm quyền xã hội. Thực ra, xã hội đạt được sự tồn hữu cho chính nó (being-itself) của cá nhân: qua sự trừng phạt bởi xã hội, kẻ tội phạm được thăng hóa chính mình từ trong bản chất thiên tạo để tái tạo lại tinh hoa đại thể cho mình. Nhưng tiến trình này chỉ mang thể dạng bên ngoài với tính chất công thức của sự trừng phạt pháp chế. Nó chỉ hiện thực hóa chân lý nội tại trong thế giới đạo đức, mà ở đó, sự hối hận sẽ cải tạo tội lỗi thực sự. Kinh tế hiện kim đã thẩm nhập những liên hệ thiên nhiên, sơ khai để đem chúng về với đại thể tính trừu tượng: pháp luật định chế (formal legality). Nhưng nó cũng thể hiện điều rằng sự phủ định cuộc sống tự nhiên là nền tảng của một hiện hữu cao hơn. Ðại thể tính không phải là một thể trạng minh bạch đơn giản: nó định nghĩa một thiên tính mới, một kiểu cách hiện hữu mới. "Trả thù đối với kẻ thù, trong quy luật sơ tính bán khai, là sự thỏa mãn cao nhất cho cá nhân bị tổn thương. Quy luật này, tuy nhiên – rằng đứng lên chống lại kẻ không coi tôi là một ngã thể chân thực, cho nó thấy rằng ta là một hữu thể có phẩm giá, hay ngay cả loại trừ nó ra khỏi thực tế hiện hữu – quy luật này bị chuyển hóa bởi nguyên tắc về thế giới khác, trở nên cái đối nghịch, sự tái thâu nhận của tự ngã như là một thực thể chân hữu bằng cách loại trừ đối phương thù nghịch, đã trở nên sự tự huỷ diệt. Nếu năng động đảo nghịch nội tại, kết quả của sự trừng phạt đối với tội phạm, lại biến thành luật pháp, nó chỉ là một pháp luật trong một thế giới vốn mang một thế giới đảo nghịch siêu giác (inverted supersensuous world) đứng đối nghịch với chính nó, nơi mà cái gì bị khinh miệt thì nay được ca ngợi, và ngược lại. Sự trừng phạt theo quy luật sơ khai, làm hạ phẩm giá và huỷ diệt cá nhân, được xoay ngược lại trong thế giới đảo nghịch nội tại trở nên một ân sủng tha thứ vốn duy trì hiện hữu của hắn và đem hắn lên với danh dự."(7)
Ðiều cần thiết là hãy tránh việc kiến tạo một thế giới đạo đức tách biệt, vốn chỉ đưa chúng ta vào tính thể đối nghịch trừu tượng: nó chỉ là thế giới đầu tiên bị đảo lộn (first world reversed). Sự đảo lộn này hành hoạt trên địa hạt tôn giáo ở cuối chặng đường văn minh Trung Cổ, hiện thực hóa đại thể qua phương cách sơ khai. Chế độ tư bản hiện nay, vốn thấm sâu vào nội dung của hiện hữu, đòi hỏi một cuộc cách mạng thực sự. Trong tình trạng tha hóa của hiện hữu con người, nó ngầm chỉ đến định tính của cá thể và xã hội tổng thể, trong một tiến trình phân thể nội tại, vốn tự nhiên trở lại với tự-ngã. Cuộc đời con người chỉ là tiến trình hiện thực hóa tinh hoa đại thể, chỉ hiện hữu duy nhất trong sự thành đạt cho chủ đích này trong đơn vị tự-ngã có ý thức. Tự ngã vươn lên đại thể tính trong một thế giới đã trở nên thuần nhân bản. Trong sự chuyển động này, hình thái ngoại thể trở nên mâu thuẫn với nội dung thực hữu: sự mâu thuẫn này tự hiện thể như là chân lý của đời sống thực tại khi đạt được ý thức cách mạng, mà trong đó, tính liên hệ tha hóa phủ định chính mình từ trong trạng thể tha hóa để mà minh xác chính mình trên nền tảng nhân bản thuần nội tại cùng với đại thể tính sinh nghiệm (lived universality). Chủ thể đạt được sự thăng tiến này từ sinh hoạt kinh tế đến ý thức chính trị. Thế giới đảo nghịch chính mình trong năng lực tự khai mở như là tính chất của tự-ngã: và ý thức như là ý thức về đối thể nay trở nên tự-ý-thức.
[...]
Chú thích
(1) Kojève, Introduction à la lecture de Hegel (Gallimard, 1947).
(2) Henri Neil, "L’interpretation de Hegel", Critique, November 1947.
(3) Kojève, "Hegel, Marx et le Christianisme", Critique, Aug-Sept. 1946.
(4) Hegel, The Phenomenology of Mind. Trans. J.B.Baillie. (Harper & Row, New York, 1967), p. 231. Bản tiếng Việt, Hiện tượng học tinh thần,Trans. Bùi Văn Nam Sơn. (Nxb. Trẻ, 2019).
(5) Ibid., p. 237.
(6) Ibid., p. 239.
(7) Ibid., p. 204.