Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Đôi lời giới thiệu: "Giữa quá khứ và tương lai" của Arendt - Chính trị - Giáo dục - Trách nhiệm - P1

15/08/2020

Tác giả NNC Bùi Văn Nam Sơn

Nguồn: Văn hóa Nghệ An

Đôi lời giới thiệu:

Hannah Arendt (1906 - 1975). Ảnh: Internet

1.

Hannah Arendt (1906-1975) là một Grande Dame của triết học chính trị đương đại (Wild, T. 2006, 34) [1]. Dịch thế nào nhỉ? “Nữ đại gia” chắc hẳn là thích hợp, nếu ta hiểu đó là danh hiệu xứng đáng dành cho những tác gia lớn, chẳng hạn khi nói “Đường Tống bát đại gia”. Tuy nhiên, nếu còn có mặt, ngòi bút sắc sảo của bà ắt sẽ không thiếu những nhận xét thú vị về việc danh hiệu này, ít ra ở nước ta, đã bị “cưỡng chiếm” và ta không còn có thể dịch như trước được nữa!

Dù thế nào, Arendt quả là một tác gia đồ sộ. Những tác phẩm nổi tiếng của bà là: Các nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị; Điều kiện làm người; Về Cách mạng; Eichmann ở Jesusalem, một tường thuật về sự tầm thường của cái Ác; Con người trong thời kỳ đen tối; Các cuộc khủng hoảng của nền Cộng hòa; Đời sống của Tinh thần (một chuyên luận dài hơi về triết học); và tuyển tập Giữa quá khứ và tương lai mà ta đang có trong tay.

Giữa quá khứ và tương lai là công trình đầu tiên của bà được TS Nguyễn Thị Minh dịch ra tiếng Việt do Viện Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Thái Bình Dương (Nha Trang) tại TP Hồ Chí Minh và Viện Social Life ấn hành.

 

Buổi giới thiệu sách "Giữa quá khứ và tương lai". (Từ trái sang) PGS.TS Nguyễn Đức Lộc – Viện trưởng Viện Social Life, Mr.Mpangi Otte – Viện trưởng Viện Goethe (Nhà tài trợ), MC-BTV Hoài Thư, Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, TS.Nguyễn Thị Từ Huy, ThS.Nguyễn Văn San. Ảnh: https://tbd.edu.vn/

 

Tuyển tập gồm tám tiểu luận rải rác từ 1958-1968 (in lần đầu năm 1961 với sáu bài, và bảy năm sau thành tám “bài tập tư duy chính trị”). Nếu “tư duy”, theo bà, là miền đất của tinh thần, là con đường lát bởi tư duy, tức con đường “ngách” phi thời gian, nơi hoạt động tư duy chiến thắng không-thời gian của con người hữu tử; “vâng, mỗi con người mới, khi đặt mình vào trong quá khứ vô hạn và tương lai vô cùng, phải phát hiện ra và cặm cụi lát mới con đường đó” (Lời Tựa). “Bài tập tư duy”? Là kinh nghiệm trong suy tư, và, như mọi kinh nghiệm, chỉ thông qua thực hành, thông qua nhiều lần luyện tập. Bà tự giới thiệu: “Tám bài tiểu luận sau đây là các luyện tập như thế, và mục đích duy nhất là đạt được kinh nghiệm trong việc làm thế nào để suy tư; chúng không chứa đựng các hướng dẫn kiểu kê đơn về việc suy nghĩ gì hay các sự thật nào. Tối thiểu chúng nhằm buộc lại sợi chỉ đã đứt của truyền thống hay phát minh ra một số cái thay thế tân tiến, rót đầy khoảng trống giữa quá khứ và tương lai. Các bài luyện tập này tạm thời đình lại vấn đề chân lý; điều quan tâm chỉ là làm thế nào để vận động trong khoảng trống này - vùng miền duy nhất mà có lẽ chân lý rốt cuộc sẽ xuất hiện”.

“Thử nghiệm tư duy” là để cho năng lực tưởng tượng của tư duy tự do bay bổng về phía những chân trời mới, những giả định mới, sáng tạo và đột phá. Còn “bài tập tư duy” giúp kiểm nghiệm hệ lý thuyết và khái niệm vừa mới định hình, nhưng cũng là cơ hội phát hiện những ẩn số mới, những thách thức mới mà hệ lý thuyết chưa bao quát hết. Bà chọn hình thức “tiểu luận” theo đúng nguyên nghĩa của từ essay là tập dượt, làm thử, hiểu như “một chuỗi những vận động trong một bản hòa tấu”. Tám bài tiểu luận này thực hành “luyện tập” theo ba hướng: những vấn đề lý thuyết và phê phán lý thuyết (chương 1: Truyền thống và hiện đại; chương 2: Lịch sử). “Luyện tập” về khái niệm (chương 3: Quyền uy là gì? Chương 4: Tự do là gì? “Luyện tập” về các vấn đề thời sự (chương 5: Sự khủng hoảng trong giáo dục; chương 6: Sự khủng hoảng trong văn hóa; chương 7: Văn hóa chính trị trước tệ nạn “nói dối có tổ chức”; và chương 8: tham vọng chinh phục không gian và nguy cơ “bội bạc” đối với trái đất, quê hương và “cõi sống” đích thực của con người.

Bài giới thiệu ngắn sau đây xin không làm công việc bất khả và thừa thãi là “tóm tắt” nội dung của tám chương sách. Thay vào đó, xoay quanh chủ đề gần gũi với chúng ta hơn là cuộc khủng hoảng trong giáo dục (chương 5), thử lược qua ba khái niệm trụ cột luôn xuyên suốt trong tư tưởng của Arendt, đó là: chính trị, giáo dục và trách nhiệm, vừa bao hàm, vừa thiết yếu gắn liền với các khái niệm còn lại (truyền thống, lịch sử, quyền uy, tự do và sự giao tiếp giữa các thế hệ). Một “bài tập” nhỏ nhoi góp phần tìm hiểu tư tưởng của “nữ... đại gia”!

2.

Hannah Arendt sinh ngày 14.10.1906, gần thành phố Hannover, Đức. Bà học triết học, thần học và ngữ văn học cổ điển tại đại học Marburg (với thầy là Martin Heidegger), Đại học Freiburg (với thầy là Edmund Husserl) và ở đại học Heidelberg, nơi bà làm luận án tiến sĩ về khái niệm tình yêu trong Augustin với thầy là Karl Jaspers. Trong cuộc phỏng vấn nổi tiếng với Günther Gauss, bà cho biết đã đọc Kant từ khi còn bé và đặc biệt bị lôi cuốn bởi vấn đề “thấu hiểu” [2], một động cơ đã thúc đẩy bà lựa chọn các ngành học yêu thích. Khi Hitler lên cầm quyền năm 1933, bà - gốc Do Thái - lánh sang Paris, vì “cảm thấy một khoảng không đang vây quanh mình”. 1941, trước hiểm họa phát xít, bà lại cùng chồng là Heinrich Blücher di tản sang Mỹ, đến Manhattan. Suốt 40 năm, trước khi qua đời vào ngày 4.12.1975 ở New York, bà tập trung nghiên cứu về chủ nghĩa phát xít và các hình thức của chủ nghĩa toàn trị, lên tiếng trước nhiều vấn đề thời sự quốc tế. Bà đã giảng dạy tại các đại học Princeton, Harvard và Brooklyn College ở New York.

Từ 1989 trở đi, giới học thuật ngày càng quan tâm đến Arendt, thậm chí gần như một sự “tôn thờ” [3] (Walter Laquer, 1998, 483) với nhiều hướng diễn giải khác nhau, nhất là trong triết học chính trị và triết học giáo dục. Trong cả hai lĩnh vực, bà đã trở thành một tác giả kinh điển.

Chính trị và giáo dục

Đời sống của con người trong “thế giới chung” đòi hỏi một trật tự được vận hành trôi chảy. Trật tự ấy chính là nền dân chủ; và nền dân chủ chỉ có thể có thực chất, khi những người công dân được giáo dục một cách tương ứng. Đây chính là chỗ giao thoa và cũng là khớp nối giữa chính trị và giáo dục, hai trụ cột trong tư duy của Hannah Arendt. Vì thế, nếu muốn nói đến trách nhiệm trong thế giới chung của con người, Arendt tập trung làm rõ trước hết hai khái niệm này.

Chính trị: nỗ lực vươn đến sự tự do

Mặc dù có thể nói khái quát rằng chính trị là không gian tổ chức cuộc sống chung của con người diễn ra trong khu vực công, tuy nhiên, do chính trị bao hàm nhiều thứ, nên chỉ có thể làm rõ hơn là đưa ra một định nghĩa rõ ràng về nó. Bản thân Arendt cũng chưa hề viết một chuyên luận nào về chính trị, trong khi chính trị, hay đúng hơn, “cái chính trị” lại là sợi chỉ xuyên suốt lý thuyết của bà. Tập “Giữa quá khứ và tương lai” được nhiều người xem là “diễn ngôn chính trị” thật sự của bà. Vậy làm sao tiếp cận nó? Cách tốt nhất là hãy nhìn vào những cội nguồn của quan niệm của bà về chính trị.

Cơ sở cho nghị luận của bà về chính trị, khá bất ngờ, lại là cách hiểu từ thời cổ đại Hy Lạp theo tinh thần của Aristotle. Tinh thần ấy là: chính trị là biểu hiện của việc thực hành sự tự do của con người. Ý nghĩa đích thực của chính trị là sự triển khai cuộc sống tự do, viên mãn trong sự trao đổi công khai với người khác, chứ không phải theo cách hiểu “quan liêu”, qua đó chính trị bị giản lược thành việc tổ chức và bảo đảm cuộc sống bằng bộ máy cai trị. Theo cách hiểu này, chính trị không đồng nhất với xã hội. Trong khi chính trị là không gian của hành động, thì xã hội là lĩnh vực của sự hành xử đơn thuần, chủ yếu trong hoạt động kinh tế. Arendt truy nguyên đến hình thức Polis (“thành quốc”) Hy Lạp cổ đại như một sự “lý tưởng hóa” đầy chủ ý, hay, nói đúng hơn, nhằm xây dựng một “loại hình lý tưởng” (Idealtypus) theo cách nói của Max Weber cho tư duy chính trị hiện đại. Gạt bỏ những hạn chế lịch sử và văn hóa không thể chối cãi của Polis Hy Lạp, Arendt chỉ muốn nhấn mạnh đến mô hình “lý tưởng” của nó theo định nghĩa kinh điển của Aristotle: Polis là “cộng đồng của những con người tự do và bình đẳng”, là tập hợp của những người công dân có cùng những quyền hạn chính trị như nhau [4] (Aristotle, Chính trị học). Con người (công dân) tự do và bình đẳng như thế nào? Câu trả lời chỉ có thể tìm thấy trong “hành động chính trị”; hành động, theo nghĩa nào đó, bao giờ cũng là hành động chính trị. Nói cách khác, nơi Aristotle, người công dân được định nghĩa qua chức năng của họ trong Polis, với tư cách là thành viên “nhỏ nhất” của nó. Liệu định nghĩa ấy có còn phù hợp với xã hội ngày nay? Theo Arendt, chính những thảm họa kinh hoàng của thế kỷ 20 (độc tài, cực quyền, chiến tranh…) - với trại tập trung Auschwitz của Đức quốc xã như một biểu trưng cho nỗi ám ảnh của cả thế hệ - kêu đòi một sự nhận diện trở lại vai trò và ý nghĩa đích thực của “hành động chính trị”. Vậy “hành động chính trị” cần được hiểu như thế nào? Câu hỏi này cũng sẽ gắn bó mật thiết với giáo dục và trách nhiệm.

Hành động chính trị

Trong tác phẩm lừng danh của mình (Vita activa/bản tiếng Anh: The Human Condition/Điều kiện làm người, Arendt phân biệt ba loại hoạt động cơ bản của con người: lao động, tạo tác (sản xuất) và hành động. Đây cũng là ba “công cụ tư duy” để mở khóa tư tưởng của bà: “Điều tôi đề nghị thật giản dị. Không gì khác hơn là thử hỏi: ta thật sự đang làm gì khi ta hoạt động?”. “Đó là ba hoạt động cơ bản, vì mỗi cái đáp ứng một trong những điều kiện cơ bản mà đời sống trên mặt đất mang lại cho chủng loài người”. Lao động là cái cơ bản nhất để bảo đảm sự sinh tồn; trong khi tạo tác xây dựng thế giới văn hóa, còn hành động là hoạt động “cao nhất” của con người.

Lao động tương ứng với nhu cầu sinh học: “Lao động tương ứng với tiến trình sinh học của thân xác con người, (…) vì thế, chính là bản thân đời sống”.

Tạo tác hay sản xuất là hoạt động thiết yếu thứ hai: “kết quả của tạo tác, sản xuất có thể là những đối tượng thủ công không thể được tiêu thụ trực tiếp; là nhà cửa có thể lâu bền qua nhiều thế hệ, nhất là tác phẩm nghệ thuật có giá trị trường cửu”. “Việc tạo tác, sản xuất tạo nên thế giới nhân tạo của những sự vật, không chỉ song hành với sự vật tự nhiên, mà còn khác với chúng ở chỗ cưỡng lại tự nhiên một cách nào đó và không bị quá trình sống dễ dàng tiêu diệt”. Thế nhưng, nếu không có hành động, không thể có việc hình thành thế giới chung của con người. “Hành động là hoạt động duy nhất không cần đến sự trung giới trực tiếp của vật chất, vật liệu và sự vật. Điều kiện cơ bản của nó là số đông đa dạng của con người: không phải một người, mà là nhiều người sống trên trái đất này”. Bên cạnh số đông người, hành động tất yếu phải diễn ra trong không gian công cộng và gắn liền với lời nói, ngôn ngữ. Nơi đâu con người cất lên tiếng nói, nơi đó có “hành động chính trị”. “Ta hiện hữu trong tính số nhiều, tức là, ta sống, vận động, còn hành động trong thế giới này một cách có ý nghĩa là khi ta có thể nói chuyện với nhau”. Hành động, vì thế, là hoạt động chính trị theo nghĩa đặc sắc, bởi nó là nỗ lực vươn tới sự tự do. Hành động chính trị tìm thấy ý nghĩa của nó không phải ở trong việc thỏa mãn những nhu cầu vật chất, không phải trong sự giàu có, trong sự bảo vệ sự an toàn, mà trong việc thiết lập và duy trì sự tự do và đối thoại, vốn chỉ có thể diễn ra trong không gian công cộng.

Ở đây, ta có thể phân biệt giữa hành động giao tiếp (communicative) và hành động thể hiện (expressive) (D’Entrèves, 1994, 84) [5]. Hành động giao tiếp hướng đến sự thông hiểu lẫn nhau giữa những con người bình đẳng. Còn hành động thể hiện nói lên sự tự hiện thực hóa của mỗi cá nhân để được người khác thừa nhận và quý trọng.

Có thể nói lý thuyết về hành động của Arendt dựa trên hai hình thức vừa nói, và tùy theo việc ta nhấn mạnh vào hình thức nào. Nhấn mạnh đến mô hình thể hiện của hành động, chính trị là sự thực hiện những hành vi cao thượng; nhấn mạnh đến mô hình giao tiếp, thì đó lại là tiến trình tập thể của sự khai phóng, chọn lựa và quyết định dựa trên sự bình đẳng và đoàn kết. Một bên muốn nói đến vai trò và trách vụ của “những chính khách”, bên kia muốn nói đến từng mỗi người công dân bình thường. Nhưng, tất cả đều hướng đến một mục đích được Arendt không ngừng nhắc đi nhắc lại: chính trị, theo đúng nghĩa, bao giờ cũng là nỗ lực vươn tới sự tự do. Nhiều cuộc thảo luận chung quanh sự phân biệt cơ bản này của Arendt cho thấy giá trị “trợ giúp nghiên cứu” (heuristic) của nó, hơn là sự tách biệt cứng nhắc và máy móc. Tiếp thu Kant, Arendt cho rằng chính “năng lực phán đoán” (bên cạnh lực lượng vật chất, tri thức và ý chí) là hoạt động thứ tư của con người, tiếc rằng bà chưa kịp khai triển đầy đủ về nó (Xem: Arendt: The Life of Mind).

 Câu hỏi kế tiếp được đặt ra: giáo dục có ý nghĩa gì trong tư tưởng Arendt? Giáo dục giữ vai trò gì trong chính trị? Và giáo dục thuộc về hoạt động cơ bản nào của con người?

xem tiếp

---------------------

[1] Wild, T (ed), 2006: Hannah Arendt, Leben, Werk, Wirkung/Cuộc đời, sự nghiệp, ảnh hưởng. Frankfurt/M, tr. 34.

[2] Phỏng vấn Hannah Arendt, trong: Hannah Arendt: Ich will verstehen. Selbstauskünfte zu Leben und Werk/ “Tôi muốn thấu hiểu. Tự thuật về cuộc đời và tác phẩm. München, Piper, 1964.

[3] Walter Laqueur: The Arendt Cult. Hannah Arendt as a Political Commentator, trong Journal of Contemporary History 33 (1998), tr. 483-496.

[4] Aristotle: Chính trị học, 1279 a 21; 1328 a 36, 1247 b 41 và 1275 b 59.

[5] Maurizio Passerin d’Entrèves: The Political Philosophy of Hannah Arendt, London 1994, tr. 84.

 
zalo