Chủ nghĩa khắc kỷ
01/10/2020
Tác giả: Nancy Nguyễn
Nguồn: khoahocphattrien.vn
William B. Irvin (1952) và một tác phẩm khác của ông về chủ nghĩa khắc kỷ
Theo các triết gia khắc kỷ, trong đời sống có hai mục tiêu đáng để theo đuổi: đó là sự bình thản và đức hạnh. Và để đạt được hai mục tiêu này, họ đã chỉ ra vài kỹ thuật riêng biệt.
Chủ nghĩa khắc kỷ bắt nguồn từ một trường phái triết học Hy Lạp cổ đại do Zeno thành Citium sáng lập ra tại Athens vào đầu thế kỷ thứ 3 TCN, hướng đến mục đích truyền dạy nghệ thuật sống cuộc đời toàn mãn. Những nhân vật then chốt của trường phái triết học này là Zeno, Seneca, Epictecus và hoàng đế Marcus Aurelius. Trong cuốn sách “Chủ nghĩa khắc kỷ”, tác giả - giáo sư triết học người Mỹ William B. Irvin chỉ ra rằng các triết gia khắc kỷ này còn nổi danh với khả năng quan sát các cơ chế tâm lý tế vi của con người và chính vì lẽ đó, họ cũng đồng thời là những nhà tâm lý học uyên bác nhất thời cổ đại. Những kỹ thuật tâm lý của họ hướng tới mục đích ngăn chặn cảm xúc tiêu cực được phát triển dựa trên những tri kiến thông thái nhất, bởi vậy, độc giả thời nay vẫn sẽ luôn thấy những triết thuyết này hữu ích và đáng học hỏi.
Các triết gia khắc kỷ nhấn mạnh rằng trong đời sống có hai mục tiêu đáng để theo đuổi: đó là sự bình thản và đức hạnh, họ coi hai phẩm chất này là hai cột trụ để từ đó tạo dựng một đời sống tốt đẹp. “Đức hạnh” trong chủ nghĩa khắc kỷ có chút khác biệt với sắc thái nghĩa mà chúng ta vẫn dùng ngày nay. “Đức hạnh” nghĩa là sống hòa hợp với tự nhiên (living in agreement with nature), vừa theo đuổi tự do cá nhân trong khi nỗ lực làm tròn những phận sự, nghĩa vụ của mình. Sự bình thản (tranquility) là một trạng thái tinh thần không chứa những cảm xúc tiêu cực như sân hận, ganh ghét, sầu não, lo âu...
Click Vào Hình Ảnh Để Đặt Sách
Để đạt được hai mục tiêu này, các triết gia khắc kỷ đã chỉ ra vài kỹ thuật riêng biệt. Họ khẳng định tâm trí con người cũng giống như cơ bắp, càng tôi rèn thì càng cứng cáp, việc thực hành các kỹ thuật khắc kỷ ở tần suất cao sẽ khiến chúng ta có được bản lĩnh và sự tự chủ cao độ, đó là chìa khóa để có được hạnh phúc.
Trong đó, kỹ thuật mang tên “tưởng tượng tiêu cực” (negative visualization) là kỹ thuật giá trị nhất trong bộ công cụ tâm lý học của các nhà khắc kỷ, ít nhất theo quan điểm của William B. Irvin. Kỹ thuật này buộc người thực hành thường xuyên ngẫm nghĩ về sự vô thường của đời sống: họ khuyến khích chúng ta tưởng tượng về những viễn cảnh xấu, những hoàn cảnh không mong muốn. Tưởng tượng tiêu cực, về cơ bản, giúp chúng ta tránh được việc xem nhẹ những gì ta đang có.
Con người là một sinh vật không biết thỏa mãn, luôn nỗ lực để có được đối tượng của ham muốn rồi đánh mất hứng thú với nó, rồi tiếp tục hình thành những ham muốn mới (hiện tượng mà các nhà tâm lý học hiện đại, cụ thể là Shane Frederick và George Loewenstein, gọi là hiệu ứng thích nghi với khoái lạc [hedonic adaption]). Tưởng tượng tiêu cực sẽ giúp chặn đứng quá trình thích nghi này, thậm chí còn tiến xa hơn một bước: khiến người thực hành biết ham muốn những thứ họ đang có sẵn. Nghiền ngẫm về sự mất mát người thân, bạn bè giúp chúng ta trân quý các mối quan hệ, giảm thiểu những bất hòa, cãi vã. Suy ngẫm về cái chết của chính mình sẽ giúp chúng ta sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng trong đời.
Nhiều người có thể vội vã cho rằng những nhà khắc kỷ là những người bi quan, nhưng William B. Irvin khẳng định điều ngược lại: thực hành tưởng tượng tiêu cực đều đặn có tác dụng chuyển biến các nhà khắc kỷ thành những người lạc quan nhất. Kỹ thuật này sẽ dạy chúng ta biết đón nhận cuộc sống bất kể như thế nào và chắt lọc niềm vui từ đó.
Triết gia Seneca (4 TCN-65) còn đề xuất mở rộng kỹ thuật này: Bên cạnh việc suy nghĩ về những điều tiêu cực, chúng ta cũng nên sống như chúng đã xảy ra rồi. Chẳng hạn, thay vì đơn thuần nghĩ đến viễn cảnh của cải tiêu tán, đôi khi chúng ta nên định kỳ “thực hành sống kham khổ” (practice poverty), tức là tạm bằng lòng với “những khẩu phần thiếu thốn và rẻ tiền” và “y phục thô kệch và kém chất lượng”.
Triết gia Musonius (thế kỷ 1) thậm chí đẩy kỹ thuật “tưởng tượng tiêu cực” tiến xa hơn nữa: ngoài việc sống như thể những điều tồi tệ đang ập xuống, đôi khi ta phải chủ động tạo ra chúng, chủ động trải nghiệm những bất tiện mà ta dễ dàng tránh được (voluntary discomfort).
Các nhà khắc kỷ lý luận rằng sự tự nguyện này giúp tôi luyện chúng ta chống lại những tai họa có thể giáng xuống trong tương lai, có cơ chế vận hành như một loại vaccine. Bằng cách cho bản thân tiếp xúc với một lượng nhỏ virus yếu hơn ở hiện tại, chúng sẽ giúp ta tăng cường khả năng “miễn dịch”. Đôi khi phải biết cách bỏ qua các cơ hội hưởng thụ lạc thú bởi lạc thú cũng có mặt tối của nó. Các triết gia khắc kỷ nhận ra, tiền bạc và lối sống xa hoa sẽ không xoa dịu những khổ tâm của con người mà chỉ khiến họ đánh mất khả năng tận hưởng những điều đơn giản (theo cơ chế thích nghi khoái lạc). Bởi vậy, hành động từ bỏ lạc thú tự thân có thể đem lại lạc thú.
Các nhà khắc kỷ cũng cho rằng con người không hạnh phúc phần lớn là do họ đã sai lầm trong việc lựa chọn hệ giá trị của mình. Sự nhầm lẫn này khiến họ dành những ngày tháng cuộc đời để theo đuổi những thứ thay vì đem lại hạnh phúc và sự bình thản lại là nỗi lo âu và bất an. Theo đuổi danh vọng và sự ái mộ của người khác là vô nghĩa, bởi để nhận được sự ngưỡng phục của tha nhân, chúng ta phải tiếp nhận hệ giá trị của họ, sống cuộc đời theo tiêu chuẩn thành công của họ, đồng thời hạn chế sự tự do của chính mình.
Theo William B. Irvin, sự thoái trào của chủ nghĩa khắc kỷ có thể có nhiều lý do: tình trạng tham nhũng và suy đồi ngày càng tăng ở xã hội La Mã khiến cho chủ nghĩa khắc kỷ trở nên kém hấp dẫn; Ki-tô giáo xuất hiện và trở thành một triết thuyết cạnh tranh, thu hút nhiều tín đồ hơn bởi những hứa hẹn về đời sống viên mãn sau cái chết. Trong suốt thế kỷ XX, chủ nghĩa khắc kỷ là một học thuyết bị lãng quên: các triết gia say sưa đào sâu vào các nan đề triết học thay vì đi tìm nghệ thuật sống, còn người hiện đại cảm thấy không cần thiết phải sống theo một triết lý nữa.
“Nếu được hiểu thấu đáo, chủ nghĩa khắc kỷ sẽ là một phương thuốc trị bệnh. Căn bệnh đó là sự lo lắng, giận dữ, sợ hãi và các cảm xúc tiêu cực khác vốn đang lan nhiễm trong loài người, ngăn cản chúng ta tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống. Bằng cách thực hành các kỹ thuật của chủ nghĩa khắc kỷ chúng ta có thể chữa khỏi được căn bệnh này và có được sự bình thản trong tâm hồn,” tác giả kết luận.