Chính sách các số lớn: Lịch sử lí tính thống kê - Alain Desrosières
Tác giả: Alain Desrosières
Hình thức: bìa mềm, 608 trang
Thể loại: Lịch sử khoa học
Năm xuất bản: Tri thức, 2015
Chính sách các số lớn – Lịch sử lí tính thống kê - Alain Desrosières
Tác giả: Alain Desrosières (1940-2013), cựu sinh viên Trường Bách Khoa Paris, chuyên gia của Viện quốc gia thống kê và nghiên cứu kinh tế (INSEE / Tổng cục thống kê Pháp), nhà xã hội học và sử gia thống kê học, thành viên của Trung tâm Alexandre Koyré (CNRS-EHESS / Trung tâm nghiên cứu khoa học - Trường Cao học các khoa học xã hội) về lịch sử các khoa học, nổi danh trong cộng đồng khoa học với tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng : Chính sách các số lớn. Lịch sử của lí tính thống kê (1993).
Tác phẩm
Tác phẩm xuất sắc này, mà lần xuất bản đầu tiên năm 1993 được nồng nhiệt đón nhận, tập hợp nhiều lĩnh vực cho tới lúc bấy giờ chưa được nối kết với nhau : lịch sử khoa học và lịch sử chính trị. Sách tái hiện lịch sử của Nhà nước, của các thống kê, của các cơ quan thống kê lẫn lịch sử của sự mô hình hóa nền kinh tế, tất cả các lĩnh vực này vốn chỉ chậm chạp sáp lại gần nhau.
Bằng cách tái hiện lại những dè dặt, ngẫu nhiên và tranh luận xác định “lí tính thống kê”, sách này không chỉ dành riêng cho các nhà lịch sử về khoa học, các nhà kinh tế, các chuyên gia về khoa học chính trị nhưng còn muốn mở ra một cuộc thảo luận với công chúng rộng rãi được/bị các thiết bị thống kê này thăm dò.
Mục lục
Lời nhà xuất bản
Lời tựa
Lời người dịch
Dẫn nhập: Lấy sự vật làm điểm tựa
Một cái nhìn nhân học về các khoa học
Mô tả và ra quyết định
Làm những việc đứng vững 2
Hai kiểu nghiên cứu lịch sử
1. Tỉnh trưởng và nhà hình học
2. Quan tòa và nhà thiên văn
3. Trung bình và tính hiện thực của các đại lượng tổng gộp
4. Tương quan và tính hiện thực của các nguyên nhân
5. Thống kê và Nhà nước: trường hợp của Pháp và Anh
6. Thống kê và Nhà nước: trường hợp của Đức và Hoa Kì
7. Bộ phận vì cái toàn thể: chuyên khảo hay điều tra chọn mẫu
8. Phân loại và mã hóa
9. Mô hình hóa và điều chỉnh
Kết luận: Bàn luận điều không thể bàn
Thư mục
Thư mục bổ sung (1993-2000)
Lời bạt: Làm thế nào viết một quyển sách đứng vững được?
Bảng tra cứu theo tên tác giả
Phụ lục 1: Có thể tin tưởng các cuộc điều ra chọn mẫu không? i
Phụ lục 2: Các cuộc khủng hoảng kinh tế và thống kê, từ 1880 đến 2010 ix
Phụ lục 3: Lịch sử hóa hành động công: Nhà nước, thị trường và thống kê xxi
Phụ lục 4: Là ông Thiện hay ông Ác?
Vai trò của con số trong việc cai quản của Nhà nước tân tự do xliii
Phụ lục 5: Thống kê, công cụ giải phóng hay công cụ quyền lực lxxv
Phụ lục 6: Ba hình thức kháng cự thống kê: Say, Cournot, Walras xciii
Phụ lục 7: Các nguyên tắc cơ bản của thống kê chính thức cxv
Phụ lục 8: Tuyên bố của Viện thống kê quốc tế về đạo đức nghề nghiệp cxix
LỜI GIỚI THIỆU CỦA DỊCH GIẢ CHO LẦN TÁI BẢN CUỐN CHÍNH SÁCH CÁC SỐ LỚN
Nguyễn Đôn Phước
Chính sách các số lớn được xuất bản lần đầu năm 1993, và nhanh chóng được dịch sang tiếng Anh (1998, Nxb Đại học Harvard), Tây Ban Nha (2004), Hi Lạp (2005) và Đức (2005, Nxb Springer-Verlag). Bản dịch tiếng Việt này dịch từ nguyên tác tiếng Pháp lần tái bản năm 2000. Tác giả Chính sách các số lớn, Alain Desrosières (1940-2013), được người học trò là Emmanuel Didier, trong lời đề dẫn cuốn sách cuối cùng của ông (Prouver et gouverner, une analyse politique des statistiques publiques, Nxb La Découverte, 2014) giới thiệu là “một nhân vật trung tâm thuộc thế hệ những nhà trí thức Pháp tiếp nối thế hệ của những Bourdieu, Deleuze hay Foucault, mà tầm quan trọng được thế giới thừa nhận kể từ những năm 2000. Tác phẩm kinh điển này tập trung vào khoảng thời gian từ thế kỉ XVII đến giữa thế kỉ XX. Hai mươi năm cuối trong sự nghiệp của mình, tác giả tiếp tục đào sâu, phát triển quan niệm về một “xã hội học lịch sử của sự lượng hóa” và “cai quản bằng con số” (tiểu tựa của hai quyển sách khác của ông) nên chúng tôi bổ sung, trong năm phụ lục, một số bài tiêu biểu ông viết về giai đoạn đương đại, trình bày tóm tắt những kết quả nghiên cứu mới nhất - chúng thường hướng đến đối tượng đại chúng của ông. Có lẽ bạn đọc nên làm quen dần với tư tưởng và cách tiếp cận của Desrosières qua các phụ lục này, trước khi đọc tác phẩm chính làm nên tên tuổi của tác giả.
Đôi dòng giới thiệu trên có thể gây hiểu lầm rằng tác giả Chính sách các số lớn là một nhà hàn lâm thuần túy, nhưng toàn bộ sự nghiệp của ông, diễn ra chủ yếu và gắn liền với một định chế là Tổng cục thống kê Pháp (INSEE), cho thấy ông trước hết là một nhà thực tiễn. Năm 1960, trúng tuyển đồng thời cả hai “lò” đào tạo giới tinh hoa Pháp là Trường Sư phạm phố Ulm và Trường Bách Khoa, ông đã chọn trở thành kĩ sư và khi tốt nghiệp chọn tiếp Trường quốc gia thống kê và quản lí kinh tế (ENSAE), nơi đào tạo các chuyên gia cho INSEE, vì đây là một trong những “trường ứng dụng” (école d’application) của Trường Bách Khoa dành một thời lượng quan trọng để giảng dạy các khoa học xã hội. Mối quan tâm đến những vấn đề xã hội ngay từ những năm tháng trai trẻ qua việc lựa chọn ngành nghề còn được ông thể hiện trong suốt sự nghiệp phong phú của mình. Một trong những công thức ông thường vừa cười vừa chứng minh là: “Toán học = tra tấn”. Không phải do việc thực hành toán học khiến ông đau đớn, mà đúng hơn là ngược lại vì ông giỏi toán. Công thức trên được ông triển khai như sau: “Toán học = Trường Bách Khoa = Quân đội và Nhà nước Pháp = chiến tranh Algérie = tra tấn.Trước sự chuyển động của xã hội Pháp sau hai cuộc chiến tranh thuộc địa, ông cảnh giác với chính trị, không tham gia chính đảng nào và trong chuyên môn lần lượt làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ hệ thống tài khoản quốc gia (trong đó có cả việc “bếp núc” của mục “Dentèles và guipures”, tức là rèm), các dữ liệu xã hội cho đến việc điều phối để hài hòa hóa thống kê cho một châu Âu mở rộng trong những năm 1990.
Chính từ kinh nghiệm thực tiễn này, ông từ chối xử lí thống kê như một “nguyên vật liệu” sẵn có cho những lĩnh vực sử dụng khác nhau và rút ra kết luận là “không thể tách rời những cách tư duy về xã hội với những cách quản lí và lượng hóa xã hội”. Việc phổ biến thông tin lượng hóa chỉ xác đáng khi đi kèm với suy tưởng về những điều kiện xã hội và kĩ thuật của việc sản sinh ra các con số. Trong tác phẩm đầu tay, viết chung với Laurent Thévenot năm 1979, có tựa là Các tầng lớp xã hội-nghề nghiệp, tiếp thu “đòi hỏi tính phản tư” của xã hội học phê phán (Pierre Bourdieu, mà ông đã thụ giáo ở ENSAE, khuyến khích các nhà thống kê trẻ dùng chính ngay các phạm trù thống kê làm đối tượng nghiên cứu, thường dùng ẩn dụ của Wittgenstein là phải gỡ cặp kính ra khỏi mắt mới có thể quan sát cái kính). Cuốn sách này là kết quả của việc làm mới lại danh mục các nhóm xã hội-nghề nghiệp được INSEE sử dụng từ sau Thế chiến thứ hai nhằm phản ánh những thay đổi trong xã hội Pháp. Tìm hiểu lịch sử hình thành của danh mục cũ và xuất phát từ những suy tưởng về các danh mục của Mauss và Durkheim được Bourdieu nối tiếp, ông chỉ ra tính lai tạp của nó như là sản phẩm của việc phân loại “tự nhiên” những nghề nghiệp được xác lập trong thực tế lao động của xã hội và của việc phân loại “logic” với tham vọng có giá trị cho toàn xã hội và thừa hưởng từ những cuộc đấu tranh xã hội trong quá khứ. Đặc biệt, vào thế kỉ XIX đã xuất hiện sự khác biệt giữa chủ nhân và người làm công ăn lương, rồi trong những năm 1930 là mức độ chuyên môn, được xác thực bằng bằng cấp, dần dần định hình những biểu trưng của lao động. Do đó sự cố kết của danh mục các tầng lớp xã hội-nghề nghiệp (CSP) không phải là do suy luận logic hay do quy nạp từ những ngành nghề quan sát được trong thực tế mà là do những nhân tố quyết định có tính lịch sử, xuất phát từ những sắp xếp ở cấp độ địa phương, theo nghĩa là chỉ có giá trị cho một số nhỏ nhóm. Hệ quả của nhận định này là phải hiểu rằng danh mục có tính đa chiều kích và việc ứng dụng phân tích nhân tố các tương ứng, một kĩ thuật thống kê bắt nguồn từ tâm lí học, giúp hai tác giả đơn giản hóa và nhận diện được vốn kinh tế và vốn văn hóa - hai khái niệm của Bourdieu - như là hai trục trực giao trên một biểu đồ trong đó vị trí của các tầng lớp xã hội-nghề nghiệp khác nhau được hiển thị (trang 342). Từ những kết quả lí thuyết trên, hai tác giả đã có những đề xuất cụ thể phân loại lại các nghề nghiệp và tầng lớp và những cách sử dụng danh mục mới (PCS).
Nội dung của Chính sách các số lớn không giới hạn ở các danh mục mà còn có những chương về các kĩ thuật điều tra chọn mẫu, phân loại và mã hóa, tương quan, kinh trắc học và những truyền thống quốc gia khác nhau về mặt hành chính trong việc thu thập thông tin và lượng hóa. Trong mỗi trường hợp trên, Desrosières khái quát hóa lập luận ông đã vận dụng vào trường hợp danh mục các nhóm xã hội-nghề nghiệp. Ông cho thấy là tất cả các công cụ thống kê đều có một bản chất kép, với hai mặt mâu thuẫn nhau và không thể hòa giải, do đồng thời chúng vừa có tính “logic”, vừa có tính “tự nhiên”, vừa được kiến tạo (trên cơ sở những quy ước) vừa là có thực (tồn tại trước khi được đo đạc); tất cả các dữ liệu thống kê đều giả tạo vì do con người sản sinh và đều thực tế vì mô tả thế giới như nó vốn là thế. Sự căng thẳng này xuyên suốt lịch sử kĩ thuật thống kê (“nhìn từ bên trong” nhằm mục đích nhận thức) lẫn lịch sử những ứng dụng thống kê (“nhìn từ bên ngoài” nhằm mục đích hành động). Ông còn mô tả cách mà trong dài hạn hai cách nhìn lịch sử này cho thấy rằng việc tinh chỉnh các công cụ thống kê đi cùng với một công việc kép: làm cho các công cụ trên phù hợp với những yếu tố khác có trong xã hội và đồng thời nhận diện những cách sử dụng chúng trong các lĩnh vực khác nhau. Qua đó người đọc hiểu được bằng cách nào các chủ thể xã hội đã giải quyết trong thực tiễn sự mâu thuẫn vốn có trên của thống kê để cuối cùng “làm cho những sự vật đứng vững” được với nhau (trang 29). Công việc nhằm tìm các yếu tố vô cùng khác nhau có tính cố kết quy lại là trưng bày những đặc tính của mỗi yếu tố phù hợp với các yếu tố khác. Như vậy Desrosières tham gia vào việc khảo sát cách mà con người xác định phẩm chất thực tại của mình. Và đóng góp riêng của ông là chỉ ra rằng một số các phẩm chất này là những số lượng.
Trong hành trình khảo sát đó, tác giả đôi lúc ám chỉ đến những vấn đề triết học, thậm chí là thần học, của thế kỉ XIV (trang 103) hay của xã hội học về các khoa học cuối thế kỉ XX (Latour). Nhưng ông không sa đà vào tư biện và không tìm cách xây dựng một triết học vượt qua sự đối kháng giữa duy thực luận và kiến tạo luận, khi nhận thấy là trong công việc hằng ngày của mình các nhà thống kê sử dụng những luận chứng đôi lúc có tính duy thực và đôi lúc có tính kiến tạo, mà không đòi hỏi một tính nhất quán trong thời gian về mặt thái độ, ông kết luận rằng khoa học luận thực tiễn của nhà thống kê phụ thuộc vào mỗi tình huống: “lựa chọn giữa hai vị thế duy thực và quy ước, không phải là một lựa chọn hiện sinh ràng buộc con người một cách thường xuyên”. Không có lí do gì để các chủ thể không thay đổi vị thế. Chính vì thế Desrosières nhấn mạnh yêu cầu là khoa học luận của các nhà thống kê cũng phải được kiến tạo thành đối tượng nghiên cứu nhằm vào, một mặt, những tình thế họ chọn thái độ này hay thái độ khác và, mặt khác, những hình thức thỏa hiệp giữa hai thái độ trên: “Việc coi trọng đồng thời những thái độ duy thực và phi duy thực đối với các kĩ thuật thống kê cũng cho phép mô tả đa dạng hơn những hoàn cảnh, dù sao cũng cho phép kể những câu chuyện bất ngờ hơn là một dạng tường thuật ưu tiên cho một trong hai quan điểm trên” (trang 22).
Trong bài viết cuối cùng của ông (phụ lục 4), tiếp tục bám chặt vào thực tiễn và bằng kiến thức sâu sắc về lịch sử, dựa trên việc khái quát hóa năm cấu hình điển hình của mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và lịch sử (phụ lục 3), Desrosières phát hiện ra là hiệu ứng tác động ngược (tức ảnh hưởng không được chờ đợi từ việc phổ biến/áp đặt một công cụ thống kê trên các chủ thể xã hội) có mặt cả trong cấu hình Nhà nước kĩ sư (như Liên Xô cũ) lẫn trong Nhà nước tân tự do ngày nay, do có những điểm tương đồng nhất định (phụ lục 4).
Vài điểm nhấn như trên không thể nào tóm tắt tư tưởng tinh tế của một chuyên gia thống kê với kiến thức đa ngành uyên thâm, khiến ông dễ dàng dựng những nhịp cầu để đối thoại với những bộ môn khác nhau. Như nhận định của Lorraine Daston, nhà sử học Mĩ về khoa học trong bài điểm tác phẩm này đã viết: “Bản thân Desrosières là một kiểu học giả lai tạp mà có lẽ chỉ có hệ thống giáo dục Pháp, với việc nhấn mạnh đến triết học và toán học mới có thể sản sinh được”. Nhưng cũng chính vì thế mà Chính sách các số lớn, dù ngồn ngộn chi tiết sống động minh họa cho lập luận của tác giả, vẫn đòi hỏi ở người đọc, không chỉ ở Việt Nam, sự tập trung cao độ. Song nỗ lực bỏ ra sẽ được đền bù xứng đáng.
Chúng tôi cũng đưa thêm vào phụ lục hai văn bản: một của Ủy ban Thống kê của Liên Hiệp Quốc về Các nguyên tắc cơ bản của thống kê chính thức và Tuyên bố của Viện Thống kê Quốc tế về đạo đức nghề nghiệp của Viện Thống kê Quốc tế.
Thuật ngữ chuyên ngành dùng trong bản dịch này theo sát Phụ lục Thuật ngữ phân tích kinh tế Việt-Anh-Pháp của Từ điển phân tích kinh tế: kinh tế học vi mô, kinh tế học vĩ mô, lí thuyết trò chơi, v.v. của Bernard Guerrien, Nxb Tri thức, 2007, trong đó những khái niệm cơ bản của kinh tế học và thống kê được định nghĩa đầy đủ hơn.
Xin chân thành cảm ơn Giáo sư Hà Dương Tường đã viết Lời tựa, và dịch giả Bùi Văn Nam Sơn và Trần Hữu Quang đã đưa ra những góp ý xác đáng cho bản dịch. Những sai lầm và khiếm khuyết còn lại hoàn toàn thuộc trách nhiệm của người dịch.
Nguyễn Đôn Phước
Bước 1: Truy cập website và lựa chọn sản phẩm cần mua để mua hàng
Bước 2: Click và sản phẩm muốn mua, màn hình hiển thị ra pop up với các lựa chọn sau
Nếu bạn muốn tiếp tục mua hàng: Bấm vào phần tiếp tục mua hàng để lựa chọn thêm sản phẩm vào giỏ hàng
Nếu bạn muốn xem giỏ hàng để cập nhật sản phẩm: Bấm vào xem giỏ hàng
Nếu bạn muốn đặt hàng và thanh toán cho sản phẩm này vui lòng bấm vào: Đặt hàng và thanh toán
Bước 3: Lựa chọn thông tin tài khoản thanh toán
Nếu bạn đã có tài khoản vui lòng nhập thông tin tên đăng nhập là email và mật khẩu vào mục đã có tài khoản trên hệ thống
Nếu bạn chưa có tài khoản và muốn đăng ký tài khoản vui lòng điền các thông tin cá nhân để tiếp tục đăng ký tài khoản. Khi có tài khoản bạn sẽ dễ dàng theo dõi được đơn hàng của mình
Nếu bạn muốn mua hàng mà không cần tài khoản vui lòng nhấp chuột vào mục đặt hàng không cần tài khoản
Bước 4: Điền các thông tin của bạn để nhận đơn hàng, lựa chọn hình thức thanh toán và vận chuyển cho đơn hàng của mình
Bước 5: Xem lại thông tin đặt hàng, điền chú thích và gửi đơn hàng
Sau khi nhận được đơn hàng bạn gửi chúng tôi sẽ liên hệ bằng cách gọi điện lại để xác nhận lại đơn hàng và địa chỉ của bạn.
Trân trọng cảm ơn.