Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Chiến Tranh Việt Nam Trên Đất Mỹ: Nhiều Điều Chưa Biết

07/03/2017

Chiến Tranh Việt Nam Trên Đất Mỹ: Nhiều Điều Chưa Biết

Chiến tranh Việt Nam, mặc dù đã kết thúc 42 năm (kể từ 1975) nhưng nó vẫn tiếp tục ám ảnh chính trường Mỹ cho đến tận bây giờ.

Sáng 06/03/2017, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐHQG TP.Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học về chủ đề: "Chiến tranh Việt Nam trong đôi mắt người Mỹ qua một số tư liệu nghiên cứu" do Khoa Lịch sử phối hợp với Phòng quản lý Khoa học & Dự án – ĐH KHXH&NV đồng tổ chức  do Tiến sĩ Jason A Picard tại ĐH California (Berkeley) làm diễn giả.

Mở đầu tọa đàm, diễn giả đặt vấn đề: Người Mỹ đã quan tâm đến Việt Nam từ khi nào?

Trước những năm 40 của thế kỷ XX, không có người Mỹ nào thực sự quan tâm đến đất nước Việt Nam. Nhưng từ chiến tranh thế giới thứ hai, sự thiếu chú ý này đã bắt đầu thay đổi. Năm 1943, để đối phó với tình trạng chiến tranh ác liệt tại Thái Bình Dương và quân đội Nhật chiếm đóng nhiều lãnh thổ tại Đông Nam Á, quân đội Mỹ đã mở những lớp học tiếng Việt và tiếng Bahasa Indonesia cho sĩ quan tình báo Mỹ. Thời đó Mỹ hoàn toàn thiếu kiến thức về Việt Nam cho nên Bộ quốc phòng [Mỹ], với mục đích phục vụ chiến tranh, đã phải mời Dr. Murray B Emeneau – tiến sĩ đại học Yale rất giỏi tiếng Phạn, tiếng Latinh và chữ Dravidian (một ngôn ngữ ở vùng Nam Á) biên soạn giáo trình tiếng Việt. Cuốn sách đầu tiên về Việt Nam do ông viết có tiêu đề: “A Course in Annamese” [Giáo trình tiếng An Nam]. Tiếp theo, năm 1945, ông cũng đã xuất bản cuốn từ điển Việt – Anh đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Như vậy, người Mỹ đã bắt đầu quan tâm đến đất nước Việt Nam và ngành Việt Nam học do nhu cầu chiến tranh và những vấn đề địa chính trị.

Murray B Emeneau (February 28, 1904 – August 29, 2005)

 

Hai cuốn sách nổi tiếng đầu tiên viết về Việt Nam

Cuốn thứ nhất, Deliver Us From Evil [Xin hãy cứu rỗi chúng con khỏi quỷ dữ] của Thomas Dooley xuất bản năm 1956, là tác phẩm bán chạy nhất nước Mỹ từ năm 1956 - 1959. Thomas Dooley là một quân y của hải quân Mỹ, nhưng vấn đề là làm sao ông có dữ liệu để viết nên cuốn sách này? Tháng 08/1954, mấy tuần sau hiệp định Genene, Dooley đến Hải Phòng với một đơn vị đặc biệt nhằm trợ giúp công cuộc di cư dân Bắc Việt vào miền Nam, đó là một công cuộc được người Mỹ đương thời gọi là công cuộc mở đường đến tự do. Dooley học tiếng Việt và kết bạn với nhiều người Việt. Sau khi có dữ kiện tại Việt Nam, ông viết nên tác phẩm này – Deliever us from Evil [Xin hãy cứu rỗi chúng con khỏi quỷ dữ].

Trong tác phẩm này, Dooley viết rất xấu về cộng sản và những người cộng sản được miêu tả tiêu cực một chiều. Ông cho rằng cộng sản đã dùng bạo lực chống những người theo đạo Thiên Chúa và bất đồng về chính trị. Chính vì thế, theo ông, Mỹ phải can thiệp vào chính trị Việt Nam để cứu dân chúng và mang tự do đến cho Việt Nam. Sau khi xuất bản cuốn này, Dooley đã trở thành một trong ba người nổi tiếng nhất tại Mỹ bên cạnh Tổng thống Eisenhower và Đức Giáo hoàng.

Cuốn thứ hai, The making of a quagmire: America and Vietnam during the Kennedy era của David Halbertstam xuất bản năm 1965.

Vào những năm 60 của thế kỷ XX, có một nhóm nhỏ các nhà báo Mỹ đã đến Việt Nam để theo dõi tình trạng Nam Việt. Họ đánh giá chính quyền Ngô Đình Diệm là một chính quyền hoạt động không hiệu quả, bạo lực và chuyên chế - một sản phẩm của cộng đồng thiểu số Thiên Chúa Giáo. Lúc bấy giờ, David Halbertstam 29 tuổi và đã tốt nghiệp đại học Harvard đã viết nên cuốn này. The making of a quagmire: America and Vietnam during the Kennedy era là tác phẩm phóng sự chiến tranh. Trong cuốn này, Halbertstam lập luận rằng Mỹ đã ủng hộ nhầm người [Ngô Đình Diệm]. Theo ông, Việt Nam là một quốc gia đa số người dân theo Phật giáo trong khi đó Ngô Đình Diệm là người theo đạo Thiên Chúa và có tính độc tài. Cho nên Diệm đã ưu tiên những người theo đạo Thiên Chúa giống ông. Halberstam nghi ngờ khả năng thống nhất Việt Nam của chế độ Ngô Đình Diệm. Ông cũng cảnh báo với người Mỹ rằng Mỹ không giúp Việt Nam “tiến bộ” hơn như chính quyền [Mỹ] vẫn thường tuyên bố trên báo chí.

Qua hai cuốn sách trên, chúng ta thấy rằng người Mỹ [chủ yếu là giới tinh hoa] rất chủ quan trong cách lý giải về tình trạng Việt Nam và mong muốn của người Việt. Khi các tác giả cắt nghĩa đất nước và con người Việt Nam thì họ nói rất chung chung vì họ thực sự chưa đủ hiểu biết về văn hóa, lịch sử và tâm lý của người Việt.

 

Chiến tranh Việt Nam trên đất Mỹ đã bắt đầu từ khi nào?

Sau năm 1975, trong giới học giả trí thức Mỹ xuất hiện hai quan điểm/xu hướng  tư tưởng trong các tác phẩm nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam: Một là quan điểm chính thống; Hai là quan điểm xét lại.

Quan điểm chính thống (Orthodox Position) là xu hướng của những người có tư tưởng phản đối chiến tranh. Các tác phẩm của họ chỉ trích sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam và coi chiến tranh Việt Nam là một điều phi nghĩa. Họ cũng nghi ngờ việc liệu Mỹ có thể đạt được mục đích của việc thiết lập ở miền Nam Việt Nam một chính quyền vừa mạnh vừa chống Cộng sản. Trong xu hướng chính thống có ba tác phẩm tiêu biểu ảnh hưởng nhất, đó là:

America’s Longest War: The United State and Viet Nam của Giáo sư George C Herring (1979). Trong tác phẩm này, Herring lập luận rằng sự quyết tâm của Mỹ để duy trì sự hiện diện tại Việt Nam là do những giả định sai lầm về chủ nghĩa cộng sản và tầm quan trọng chiến lược của việc ngăn chặn nó. Các mệnh lệnh của một chính sách sai lầm – chính sách ngăn chặn – đã thúc đẩy sự can thiệp của Mỹ tại Việt Nam. Mặc dù những chính sách ngăn chặn Cộng sản của Mỹ ở Việt Nam là hoàn toàn sai lầm, nhưng theo ông, chúng đã được người Mỹ chấp nhận mà không hề nghi vấn nghiêm túc trong hơn 20 năm.

Intervention: How America becam involved in Vietnam của Giáo sư George McT. Kahin (1986). Giáo sư George McT. Kahin được coi là cha đẻ của Đông Nam Á học tại Mỹ. Mối quan tâm của ông về Đông Nam Á bắt đầu từ thời Chiến tranh Thế giới thứ II. Trong tác phẩm này, Kahin đã tiết lộ rằng Mỹ đã sa vào một chính sách không hy vọng về Việt Nam thế nào. Các chính sách của Mỹ từ thời Truman cho đến Johnson bị chi phối bởi những lo sợ về phản ứng của người dân Mỹ hơn là bám sát tình hình thực tế tại Việt Nam. Họ sợ bị dân Mỹ cáo buộc rằng họ đã để “mất” Việt Nam. Thời đó, người Mỹ coi Việt Nam như là quốc gia của họ chứ không phải là quốc gia bị xâm lược.

The Vietnam War, 1945 – 1990 của Pr.Dr. Marilyn B Young (1991). Trong cuốn sách này, bà tập trung vào chính sách đối ngoại của Mỹ với Việt Nam từ sau chiến tranh thế giới II. Bà xem xét chiến tranh Việt Nam là một phần của dự án toàn cầu của Mỹ như là điều mà bà gọi là “sự gắng sức cải tổ lại cả thế giới sau chiến tranh thế giới II dựa vào những nguyên tắc của chủ nghĩa tư bản tự do”. Bà lập luận rằng các Tổng thống Mỹ (từ Truman đến Ronald Reagan) đã hoàn toàn hiểu nhầm về Việt Nam và lịch sử của nước này, chính vì thế mà chính phủ Mỹ đã có những chính sách sai lầm lớn..

Có thể nói rằng, những học giả theo xu hướng chính thống cáo buộc chính quyền Mỹ đã nhận thức sai lầm về con người và đất nước Việt Nam. Người Việt Nam, đất nước Việt Nam là một quốc gia bất khả chiến bại. Lịch sử đã minh chứng điều đó qua 1000 năm âm mưu giặc Tàu, 100 năm đô họ thực dân Pháp và Mỹ chỉ có vài mươi năm thì chiến thắng Việt Nam là điều bất khả. Người Mỹ đã áp đặt tầm nhìn của họ về một cuộc đấu tranh toàn cầu giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cộng sản trên những sự kiện cụ thể xảy ra tại Việt Nam. Thực chất, dân Việt Nam lúc bấy giờ cần một cuộc đấu tranh để vứt bỏ những tàn tích của thời thực dân và xây dựng một quốc gia hiện đại. Nhưng Mỹ đã sai lầm khi biến điều đó thành một cuộc chiến chống Cộng sản. Chính vì sự tạo ra và duy trì một cuộc chiến chống Cộng đã đi ngược lại tất yếu của lịch sử trong điều kiện cụ thể tại Việt Nam, Mỹ đã đặt chính mình chống lại dòng sông lịch sử. Theo quan điểm này, chính Cộng sản Việt Nam mới là người đại diện cho nguyện vọng của dân tộc Việt Nam và rất chuyên nghiệp trong việc huy động nhân dân chứ không phải là những chính phủ miền Nam Việt Nam thiếu hiệu quả và đầy tham nhũng. Nói ngắn gọn, Hoa Thịnh Đốn (Hoa Kỳ) đã tham gia một cuộc chiến tranh hao người tốn của nhưng không cần thiết và không thể đánh bại được người Việt Nam. Bài học rút ra, theo quan điểm này, là Mỹ phải theo đuổi một chính sách đối ngoại sáng suốt hơn, khôn khéo hơn và tinh tế hơn.

Xu hướng xét lại (revisionists): Gồm những người xem sự can thiệp của Mỹ như một việc hợp pháp và họ cũng tin rằng Mỹ có khả năng chiến thắng ở Việt Nam nếu có những thay đổi về chiến lược và chiến thuật. Những người xét lại bác bỏ cả hai nguyên lý chủ yếu của xu hướng chính thống: 1. Sự tham gia chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam là sai trái về mặt đạo đức; 2. Mỹ không thể đánh bại Việt Nam. Vì vậy, họ cố gắng chứng minh mục đích của chiến tranh là đúng dựa trên nhiều luận cứ. Tư tưởng của xu hướng xét lại này thể hiện rõ qua 2 tác phẩm tiêu biểu:

Ameraca in Vietnam của Giáo sư Guenter Lewy là một cuốn sách gây nhiều tranh cãi và đồng thời là cuốn sách dầu tiên thách thức xu hướng chính thống sau năm 1975. In năm 1978, cuốn này được những người xét lại coi như là “tuyên ngôn” của xu hướng của mình. Trong cuốn này, Lewy đã cho rằng hành động của Mỹ tại Việt Nam không chỉ hợp pháp mà còn hợp đạo đức. Những câu chuyện tàn bạo về lính Mỹ, ông lập luận, đã bị thổi phồng trong một ngành công nghiệp sản xuất những cáo buộc tội ác chiến tranh [war crimes allegations].

Derecliction of Duty của Dr. HR Mc Master, Trung tướng kiêm Cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống Donald Trump. Trong cuốn này ông đã viết: “Chiến tranh Việt Nam không bị đánh bại tại chiến trường, cũng như không bị thua trên báo New York Times, hoặc các cơ sở đại học Mỹ. Chiến tranh Việt Nam đã bị đánh bại tại Hoa Thịnh Đốn trước khi lính Mỹ có cơ hội đến Việt Nam và chịu trách nhiệm chiến đấu trực tiếp...Đây là một sự thất bại hi hữu của loài người mà Tổng thống Johnson và những cố vấn quân sự và dân sự phải chịu trách nhiệm”. Điều đó có nghĩa rằng, Mỹ đã bỏ cơ hội giành chiến thắng tại Việt Nam và những người xét lại lấy đó làm quan điểm của mình.

Cả hai xu hướng trên có mấy nhược điểm quan trọng cần lưu ý, đó là: Các học giả rất thiếu hiểu biết về Việt Nam, về con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam. Vì thế mà người Việt Nam thường bị vẽ nên [trong mắt người Mỹ] như những con người nhỏ bé, yếu ớt. Họ hầu như cũng bỏ qua những vấn đề tôn giáo và những khác biệt vùng miền đặc trưng của người Việt Nam. Hai xu hướng này cũng chỉ tập trung vào những vấn đề tư tưởng và đạo đức rất cảm tính chứ không hề dựa trên tình hình thực tế. Chẳng hạn, các học giả chính thống thường mô tả Hồ Chí Minh là một nhà hoạt động yêu dân tộc mà tư tưởng cộng sản của cụ chỉ là công cụ để thực hiện lý tưởng dân tộc. Trái lại, xu hướng xét lại thường mô tả cụ Hồ là một người Cộng sản đang lợi dụng chủ nghĩa dân tộc vì những mưu đồ Cộng sản quốc tế. Vấn đề của hai quan điểm này là họ đều dựa trên nền tảng của sự thiếu niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản và khả năng thành công của Cộng sản tại Việt Nam. Có lẽ nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hiểu biết trên đây là do ở cả hai xu hướng, các nhà nghiên cứu hầu như không sử dụng các nguồn tư liệu của Việt Nam.

 

Xuất hiện xu hướng thứ ba - xu hướng mới

Trong 15 năm gần đây đã bắt đầu có một sự thay đổi khi nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam. Những nhà sử học nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam bắt đầu tập nhìn cuộc chiến tranh ấy bằng đôi mắt của người Việt bằng cách sử dụng tài liệu tiếng Việt và những trung tâm lưu trữ tại Việt Nam. Trong những tác phẩm liên quan đến sự thay đổi này, có hai tác phẩm nổi bật:

Diem’s Final Failure: Prelude to Ameraca’s in Vietnam [Sự thất bại cuối cùng của Diệm] của tiến sĩ sử học Philip Catton (2002) viết. Catton là người đầu tiên thực sự xem lại chế độ Ngô Đình Diệm, từ quan điểm của Diệm. Ông không cố gắng khôi phục lại danh tiếng cho Diệm cũng không lý luận rằng Mỹ đã bỏ cơ hội chiến thắng tại Việt Nam. Catton cố gắng nhìn Diệm đa chiều hơn. Sự đóng góp quan trọng nhất của tác phẩm là rõ ràng Catton cho thấy chính sách Ấp chiến lược là sáng kiến của Diệm và em trai Ngô Đình Nhu chứ không phải là sáng kiến của Mỹ hay của Anh.

Misalliance, Ngo Đinh Diem, The United States and The Fate of South Vietnam [Liên minh sai lầm, Ngô Đình Diệm, Mỹ và số phận Nam Việt Nam] của Giáo sư Edward  G Miller (2013). Giống cuốn Sự thất bại cuối cùng của Diệm, Liên minh sai lầm không cho rằng Diệm có khả năng thành công mà chỉ rõ những nhược điểm của Diệm. Tuy nhiên, Edward Miller lập luận rằng việc đơn giản hóa dán nhãn Diệm là tay sai hay độc tài đã cản trở sự hiểu biết sâu hơn về mối quan hệ giữa Diệm và Mỹ. Cuốn Liên minh sai lầm đã tái hiện Ngô Đình Diệm như một người đã thực sự đảm đương vai trò lịch sử chứ không hề là một bù nhìn chính trị.

Link đặt sách: http://sachkhaiminh.com/lien-minh-sai-lam-ngo-dinh-diem-my-va-so-phan-nam-viet-nam

 

Lịch sử không bao giờ lặp lại nhưng nó có vần điệu của nó.

Lịch sử không bao giờ lặp lại giống như nó đã từng diễn ra. Nhưng vấn đề đặt ra, các học giả vẫn tranh luận. đó là: Vì sao Mỹ tham gia chiến tranh tại Việt Nam. Tại sao Mỹ đã sẵn sàng phung phí nhiều máu và tiền của để bảo vệ một mảnh đất tương đối nhỏ, cách Mỹ hàng ngàn cây số? Sự có mặt của Mỹ tại Việt Nam là một điều cần thiết hay đó chỉ là một sai lầm khủng khiếp? Tại sao Mỹ không thể chiến thắng Việt Nam bất chấp những sức mạnh to lớn của mình? Nếu Mỹ thực hiện những chiến thuật khác, liệu có thể thay đổi kết quả hay không? Hay cuộc chiến tranh này là không thể đánh bại? Điều cuối cùng là các học giả đã phát hiện ý nghĩa lớn hơn của cuộc chiến: Liệu rằng Việt Nam có thể được xem là một minh họa cho sự điên rồ của Mỹ trong việc can thiệp ở nước ngoài hay không? Và lịch sử có được lặp lại, không phải Việt Nam mà là một quốc gia khác? Đây chính là những câu hỏi mang tính thời sự và vẫn thường xuyên được đặt ra trong các cuộc tranh luận về chính trị Mỹ đương đại.

Thực hiện: Trần Thanh Phương

zalo