Sách Khai Minh - Phụng Sự Nhân Sinh

Học triết học để làm gì? Kiến thức hàn lâm hay đời sống thực tiễn?

04/08/2022

Diễn giả khách mời: GS. TS. Nguyễn Văn Trọng

Chủ trì: NS Dương Thụ

Thời gian: Đón khách 09:00’, bắt đầu: 09:30’ thứ Bảy, ngày 13/8/2022

Địa điểm: 79A Phan Kế Bính, phường Đa-kao, quận 1

Học triết học để làm gì? Kiến thức hàn lâm hay đời sống thực tiễn?

Vì sao con người cần biết các tri thức được dạy trong các trường học?
Con người sinh sống trong xã hội cần tri thức để mưu cầu nghề nghiệp tự nuôi sống bản thân gồm những hiểu biết cơ bản để học kỹ năng và quy tắc giao tiếp cơ bản. Còn muốn đeo đuổi những nghề nghiệp cần hiểu biết chuyên sâu thì phải học ở bậc học cao hơn.

Tri thức loài người đến nay có được từ những người theo nghiệp nghiên cứu khoa học. Lượng tri thức đồ sộ và đa dạng mà một cá nhân bất khả lĩnh hội tất và điều đó cũng không cần thiết.

1) Fromm phân biệt có hai loại tri thức: hiểu biết (understanding) và trí tuệ tài khéo (manipulative intelligence). Trí tuệ tài khéo như một công cụ để đạt mục đích thực dụng mà loài vật và con người cùng chia sẻ; trong khi hiểu biết mang tính đặc thù của riêng giống người (Homo sapiens). "Trí tuệ tài khéo" mang tính bản năng trong khi con người phải tự nhận thức bản thân mình, "hiểu biết" những mục đích nhân bản để xây dựng cho mình một định hướng tinh thần thay thế bản năng thú vật. Đó là ý niệm trọng yếu của triết học Hy Lạp.

Kỹ năng trau dồi từ trí tuệ tài khéo có thể nhìn thấy lời giải đáp, nhưng "hiểu biết" theo Fromm là thuộc tính văn hóa tinh thần gắn chặt khả năng tự nhận thức của con người để có định hướng tinh thần trong cuộc sống. Như vậy, trong hiểu biết của con người thì tự nhận thức bản thân mình là tối quan trọng vì đó là nhu cầu xuất phát từ chính hiện sinh nhân bản: con người đơn độc vì nó là một hữu thể độc đáo, độc lập và con người ý thức được bản ngã như thực thể tách biệt. Dù đơn độc khi phán xét và ra quyết định trên sức mạnh lý tính cá nhân nhưng con người không thể tách rời đồng loại. Mâu thuẫn hiện sinh đó không thể xóa bỏ mâu thuẫn và không thể phản ứng lại theo một kiểu cách định hướng tinh thần nhất định mà con người tự lựa chọn cho mình.

Những vấn đề chứa đựng mâu thuẫn hiện sinh không có lời giải đáp chung, Schumacher gọi đó là những vấn đề mang tính phân kì. Con người luôn phản ứng với hoàn cảnh trong cuộc sống xã hội. Một chuỗi các hành vi mà con người chọn làm trong cuộc sống xác định bản chất và tính cách của người đó. Phật giáo gọi đó là tạo nghiệp và nó quyết định số phận con người. Lựa chọn quan niệm nào là chuyện của đức tin cá nhân, chứ không phải là chuyện có thể chứng minh đúng sai bằng phương pháp khoa học thực chứng (Schumacher).

2) Vì vấn đề lựa chọn đức tin liên quan đến nhận thức triết học nên nhiều người cho rằng đi sâu vào hiểu biết triết học hàn lâm sẽ giúp con người có lựa chọn đức tin đúng đắn. Tôi cho rằng thực tế cuộc sống nhân sinh không xác nhận điều này.

Triết học hàn lâm bao gồm các trường phái khác nhau của các triết gia, dù bạn có biết nhiều đến đâu thì lựa chọn đức tin vẫn là quyết định cá nhân. Tôi cho rằng việc lựa chọn này là kết quả của những trải nghiệm cá nhân trong cuộc sống và ít nhiều mang tính huyền bí của tự do lựa chọn, không thể giải thích bằng những kiến giải thực chứng luận.

Tôi không có ý cho rằng hiểu biết triết học hàn lâm là vô ích, mọi tri thức mà con người thu nhận được đều có tác động nhất định đến hoạt động của con người cá nhân bao gồm cả việc lựa chọn đức tin. Tôi chỉ cho rằng không thể giải thích tác động ấy ra sao theo ý nghĩa tất định của thực chứng luận mà thôi.

HƯỚNG DẪN THAM DỰ

- Chương trình miễn phí cho khách của Cà phê Thứ Bảy. Qúy vị tham dự vui lòng thanh toán đồ uống theo menu của quán và lấy chỗ ngồi theo ưu tiên người tới trước.
- Văn hoá của Cà phê thứ Bảy là đối thoại trên tinh thần thân mật, cởi mở và tôn trọng sự khác biệt. Chúng tôi khuyến khích quý vị chia sẻ các góc nhìn riêng, đưa ra ý kiến phản biện nếu không đồng tình với quan điểm của diễn giả (hoặc của người tham gia chương trình), nhưng luôn phải giữ tinh thần tôn trọng, không xúc phạm cá nhân.

- Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của Cà Phê Thứ Bảy, một dự án do nhạc sĩ Dương Thụ sáng lập và điều hành, phối hợp cùng với Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên Legend trên tinh thần phi lợi nhuận.

zalo